Nói rồi cô cúp máy. Và từ đó đến giờ, cô chưa về quê, chỉ vào dịp lễ tết, cô mới gửi vài đồng về mừng tuổi cha mẹ. Không phải vì cô còn giận họ. Mà vì cô đã có bé Vừng. Cô là mẹ đơn thân, cô sợ cha mẹ sẽ đuổi đánh, hắt hủi cô. Nhưng lúc này đây, cô thấy mọi việc rất bình thường, cha mẹ cô không hề khó khăn, quát tháo như cô đã tưởng tượng.
Cô rửa mặt xong thì đi vào nhà. Thấy mẹ đang ngồi hát hò với bé Vừng. Còn cha thì đạp xe đi mua đồ ăn về. Ông vừa dựng cái xe đạp ở ngoài sân vừa nói.
- Hai mẹ con về mà không báo cho ông bà biết trước để còn chuẩn bị cơm nước thật ngon cho thằng cháu ngoại nó ăn. Giờ cũng trưa rồi. Để ông nấu thêm miếng canh. Có gì ăn nấy nha con.
Hà Trang cảm thấy khóe mắt cay cay. Cô cố gắng kìm nén sự xúc động lại. Rồi nhìn gương mặt đã có những vết nhăn theo năm tháng của cha mẹ. Cô nhanh chóng mỉm cười gật đầu.
Ông Thịnh đem hai gói bim bim vào cho bé Vừng, rồi lấy cái chân giò ra, thui thui, nướng nướng, một nửa nấu canh, một nửa hầm cháo cho cháu.
Bà Quế bóc bánh cho cháu ăn xong thì nói với Trang.
- Hai mẹ con đi tàu hay xe về vậy?
- Con tự lái xe về. Con dự định sẽ ở lại nhà mình vài tháng, để xem Vừng có tiến bộ hơn chút nào không. Có phiền cha mẹ không vậy?
- Không, không, không phiền. Hai mẹ con ở lại đây thì tốt quá rồi. Dì thì vào Sài Gòn học, cậu thì đi nước ngoài. Nhà còn mỗi hai ông bà. Buồn lắm.
Bà Quế bộc lộ rõ sự vui vẻ trên mặt, tiếp tục ngồi chơi với cháu. Còn kêu Hà Trang lái xe đường xa chắc là mệt, tranh thủ đi vào phòng nghỉ một chút. Cơm chín bà gọi ra ăn.
Hà Trang quả thật cũng đang rất mệt. Có mẹ chăm Vừng cho, cô cũng yên tâm nằm chợp mắt một chút.
Lúc cô tỉnh giấc, cô đi ra ngoài. Thấy bà đang đút cháo cho Vừng ăn. Cu cậu thích thú há miệng ăn liên tục, chén cháo hết rồi còn xin thêm nữa. Nhìn khác hoàn toàn với cái vẻ kén ăn thường ngày. Chắc do cháo ông ngoại nấu có cả gia vị của tình thân, nên ngon hơn tô cháo của cô giúp việc thường nấu.
Vì cô đứng nép ở sau tường, nên cha mẹ không nhìn thấy cô. Ông Khôi nói với bà Quế.
- Mẹ cha mấy con mụ đầu ngõ. Khi nãy tôi đi ra ngoài mua chân giò. Mấy mụ dám nói cái Trang nhà mình chửa hoang, cháu mình là đứa không cha còn bị ngốc. Tôi tức mình chửi cho một trận.
- Thế ông chửi làm sao?
- Tôi bảo là dù cho nó có chửa hoang, và con nó bị ngốc cũng chả ăn mất chén cơm nào của nhà các mụ. Hơn nữa, thằng bé còn kháu khỉnh, đẹp trai, nhanh nhẹn hơn ối đứa làng mình. Ngốc đâu mà ngốc, nó chỉ hiếu động quá mức thôi. Con tôi vừa giỏi, vừa ngoan, nó có thai mà không có chồng nhưng vẫn đẻ con ra và một mình nuôi dưỡng, chạy chữa cho thằng bé khi nó bị bệnh đã giỏi hơn bao nhiêu đứa làng mình rồi. Đầy đứa phá thai, đứa thì đem con về vất cho ông bà nuôi, đã đứa nào được như con Trang nhà mình chưa.
- Ông nói đúng lắm. Nhà cái con mụ Hoà bán rau chứ ai. Có đứa con trai làm con gái nhà người ta chửa rồi không chịu trách nhiệm đó. Giờ mặt dày qua nhà người ta nhận cháu họ có chịu đâu.
- Thì đấy. Nhà mình chả hơn ai mà đi chê nhà người khác.
Hà Trang xúc động khi thấy cha mẹ đứng về phía mình như vậy. Cô đợi cha mẹ nói chuyện xong một lát rồi mới đi ra ngoài. Ông bà chờ cơm cô nãy giờ. Thấy cô ngủ dậy rồi thì nhanh chóng dọn cơm cho cô ăn. Bữa cơm đơn giản nhưng lại có hương vị thật đặc biệt và ngon miệng.
Ăn xong cơm, mẹ cô lại tranh phần rửa bát. Không như trước đây, bà luôn bắt cô phải rửa sau mỗi bữa ăn.
Hôm nay cha mẹ chỉ ở nhà phơi thóc chứ không ra ngoài đồng. Ông bà biết hai mẹ con cô mới về nên cũng không hỏi han gì nhiều. Chỉ lo phơi phóng, nấu ăn. Bé Vừng cũng le te chạy khắp sân nhà, nghịch thóc, nghịch rơm. Rồi bị ngứa lại la oai oái. Tối đến, khi bé Vừng đã đi ngủ, bà Quế mới vào phòng cô ngắm nhìn thằng bé rồi nói.
- Chạy nhảy cả ngày rồi, nên giờ ngủ ngon. Con ở đó một mình chăm nó chắc là vất vả lắm nhỉ.