Rất nhiều những lời đàm tiếu không hay về cô được lan truyền khắp làng trên xóm dưới với tốc độ nhanh một cách chóng mặt mà cha mẹ cô thì vẫn đang ở nhà phơi thóc nên chưa biết gì cả.
Cô dắt đứa bé vào tới cổng, thấy cha thì đang cào luống thóc ngoài sân. Mẹ thì đang loay hoay trong bếp. Cô hít một hơi thật sâu rồi gọi.
- Cha, mẹ. Con về rồi.
Cha mẹ cô nghe tiếng con gái gọi mình thì bỏ hết mọi việc rồi mừng rỡ chạy ra. Nhưng khuôn mặt nhanh chóng khựng lại khi nhìn thấy cô dắt theo đứa trẻ lên ba có khuôn mặt giống cô như đúc. Họ nhìn thằng bé, rồi nhìn sang cô. Cô thản nhiên nói.
- Con trai con đó. Bé được ba mươi tháng tuổi rồi.
- Vậy là hai tuổi rưỡi hả con?
- Vâng ạ.
Bà Quế hỏi lại con gái. Còn ông Thịnh thì không nói gì. Chỉ chạy vào trong nhà rít điếu thuốc lào. Suy nghĩ một chút ông lại chạy ra, xách túi đồ giúp con rồi nói với vợ.
- Bà bế cháu vào trong nhà để mẹ nó đi rửa tay chân cho mát.
- À. Ừ. Tôi quên mất. Con tên gì, lại đây bà ngoại bế nào.
Như có sợi dây máu mủ gắn kết hai bà cháu vậy. Thằng bé Vừng thản nhiên đưa tay ra cho bà Quế bế. Hà Trang cũng nhanh chóng cởi sợi dây buộc tay hai mẹ con ra rồi nói với mẹ.
- Thằng bé tên Vừng. Nó vẫn chưa nói được.
- Có nói được từ nào chưa? Con nói nó có hiểu không?
- Nó chỉ gọi mẹ là ma ma thôi, nói thì nó có hiểu. Gọi thì có lúc quay lại, lúc không?
- Ừ, không sao đâu con, mấy đứa nhỏ ở quê mình cũng bị đầy. Về đây ở với bà, từ từ rồi nói được hết. Con đi rửa tay chân đi cho mát.
Hà Trang bỗng cảm thấy gia đình cô ấm áp vô cùng. Hoá ra, cha mẹ không hề tệ như cô vẫn nghĩ. Lúc cô đi ngang qua cửa nhà, cô còn thấy cha cô đang thắp hương cho các cụ để báo cáo là mẹ con cô mới về chơi. Trong lòng cô lóe lên những tia hạnh phúc. Cô lại gần chiếc giếng, kéo gàu nước mát của tuổi thơ lên để rửa mặt. Mấy năm qua, thi thoảng cô cũng thấy rất nhớ quê. Nhưng vẫn kiên quyết không chịu về lấy một lần. Không phải vì cô sợ cha mẹ biết chuyện cô có bé Vừng. Mà vì cô không muốn bản thân bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực từ cha mẹ.
Cô nhớ lại hơn bốn năm về trước. Khi cô chăm chỉ làm lụng tích cóp mãi mới được một khoản tiền kha khá, lại còn phải vay mượn thêm ở vài nơi nữa mới mua được căn nhà nho nhỏ ở thành phố. Thì cha mẹ lại điện thoại lên nói cô lo tiền cho em trai đi du học. Cô nói rằng mình không có tiền. Từ lúc cô đi làm đến giờ, lương tháng nào cũng phải gửi về cho cha mẹ một nửa để lo cho hai em. Cuộc sống có lúc khó khăn, thiếu thốn. Cô cũng chẳng hé răng than thở với gia đình nửa lời. Vậy nhưng khi cô có việc cần đến, cha mẹ không hề giúp gì được, lại thấy cô mua được nhà. Liền thản nhiên nghĩ là cô vẫn có tiền, nên yêu cầu cô phải cầm cố căn nhà nhỏ kia lấy tiền cho em trai đi du học. Cô có giải thích rằng, cô đã dùng chính căn nhà này để vay một nửa tiền mua nó. Nên không thể cầm cố được nữa. Nhưng cha mẹ cứ nhất quyết bắt cô phải lo tiền cho em đi học. Kể cả việc phải bán đi căn nhà mới mua. Lần ấy, may mà có Giám Đốc của cô, tên là Trọng Quyền cho cô ứng trước nửa năm lương của mình nên cô mới lo được ổn thoả việc của em trai giúp cha mẹ.
Cũng vì việc đó, mà cô và cha mẹ đã cãi nhau to. Sau khi mọi việc xong xuôi. Ông bà có gọi điện lên và nói rằng cô đã lo cho em trai đi du học xong rồi, nên sẽ không yêu cầu cô gửi tiền chu cấp hàng tháng nữa, nếu thương em ở xứ người một mình vất vả thì thi thoảng gửi cho nó vài đồng. Nghe đến đây, Hà Trang liền bật khóc nức nở trong điện thoại vì cảm thấy tủi thân và bất công. Cô nói với cha mẹ.
- Con đang nợ tiền mua nhà. Còn phải ứng trước nửa năm lương để gửi về lo cho em có tiền đi du học. Cha mẹ có thử nghĩ xem, con sẽ sống như thế nào trong những ngày tiếp theo khi mà lương không có nữa không? Thân con còn lo chưa xong, con lấy đâu ra mà gửi tiền cho em nữa chứ.