Đại Vương, Vạn Vạn Không Thể!

Chương 23

Tiêu Dung nhìn bọn họ, ánh mắt chuyển qua chuyển lại giữa mặt Giản Kiệu và đứa nhỏ.

Dường như Giản Kiệu có quen biết mấy đứa nhỏ này, cũng phải, phía trước chính là vương cung, những đứa nhỏ chơi đùa ở đây phỏng chừng đều có chút quan hệ với quân Trấn Bắc.

Tiêu Dung cũng không xen vào, yên lặng nhìn Giản Kiệu tra hỏi chúng. Đứa nhỏ bị dọa sợ nhưng cũng không dám khóc lớn, chỉ nức nở nói ra mấy cái tên tục, phỏng chừng cũng là mấy đứa nhỏ khác.

Hỏi mãi mà không hỏi ra được đầu mối, Tiêu Dung nhìn sang bên cạnh. Khi Giản Kiệu nổi giận, những đứa nhỏ khác cũng đã chạy bay chạy biến, chỉ có một cô bé độ chừng bảy tám tuổi, có chút căng thẳng đứng ở một bên, dường như muốn xin xỏ cho đứa nhớ trong tay Giản Kiệu nhưng lại không dám tiến lại.

Ngũ quan của cô bé này rất đẹp nhưng chất da quá kém, hai bên má đã có vệt đỏ cao nguyên, tóc một nửa xõa sau lưng, một nửa lại tết thành bím, mà bên cạnh bím tóc còn có mấy cái tua rua ngũ sắc rũ xuống từ trên mũ nữa.

Người Trung Nguyên không ai ăn mặc như vậy cả, cho nên, đây là một đứa nhỏ dị tộc.

Có lẽ vì Tiêu Dung nhìn chằm chằm vào cô bé quá lâu nên cô bé mới phát hiện ra được. Cô bé ngẩng đầu lên, khi nhìn rõ dung mạo của Tiêu Dung, đầu tiên là cô bé ngẩn ra một chút, sau đó lập tức quay người, chạy nhanh hơn cả thỏ.

Bên kia, Giản Kiệu thấy mình không hỏi ra được gì nữa, đành phải đứng dậy, sau đó cáo lỗi với Tiêu Dung: “Để tiên sinh chê cười, mấy đứa nhỏ này, đều là con cái của các binh sĩ, bình thường quen thói nghịch ngợm rồi.”

Tiêu Dung nhìn theo hướng bé gái kia chạy đi, nói một cách mất tập trung: “Bọn nhỏ cũng không biết cờ Xi Vưu là gì mà.”

Giản Kiệu sửng sốt, đuối lý mà mím môi.

Tuổi tác hắn ta cũng không lớn lắm, hắn ta và Khuất Vân Diệt là bạn cùng tuổi, năm nay đều mới hai mươi bốn tuổi.

Đã cưới vợ nhưng chưa sinh con, lại thường xuyên chinh chiến bên ngoài, có muốn tinh tế tinh ý thì cũng không có cơ hội.

Cờ Xi Vưu là tên gọi của sao chổi, đầu năm nay cũng là thời điểm mà nó quay lại, nó chậm rãi xẹt qua bầu trời, hoàn thành một vòng sứ mệnh này của nó, nhưng không ngờ rằng ở nơi này, sao chổi chỉ là cái tên gọi chung chung cho tất cả các ngôi sao đó thôi.

Và mỗi sao chổi lại đều sẽ được đặt cho một cái tên mới. Khi những sao chổi này xuất hiện, mọi người sẽ căn cứ vào ghi chép mà người xưa để lại, bắt đầu đối chiếu từng cái một, biểu tượng này có nạn chinh chiến, biểu tượng kia là có người trong nước muốn tạo phản, ôi chao, cái này thì còn ghê hơn nữa - cái này tượng trưng cho chuyện hoàng đế sắp chết thẳng cẳng rồi.

...

Mà cờ Xi Vưu biểu tượng cho việc sắp có chiến sự nổi lên, tướng quân chết trận.

Chiêm tinh là mê tín, nhưng người nơi đây không biết điều đó, vậy nên dù những lời tiên đoán có là lời nói vô căn cứ đi nữa thì cũng chẳng ai nhận ra cả. Cờ Xi Vưu xuất hiện vào năm Thánh Đức thứ sáu, mà Khuất Vân Diệt đến tận bốn năm sau đó mới chết, hai chuyện này căn bản chẳng có liên quan gì đến nhau, nhưng người nơi đây vẫn không biết, chỉ cần người cầm quyền sâu chuỗi những chuyện này lại với nhau, thì đám người dưới tin cũng phải tin, mà không tin cũng phải tin.

Làm sao mà bài đồng dao này lại truyền đến đại bản doanh của Khuất Vân Diệt - Tiêu Dung tạm thời không quan tâm đến chuyện đó, hắn chỉ muốn biết, bé gái vừa rồi là ai.

Mà Giản Kiệu bị hắn hỏi, vẻ mặt ngơ ngác: “Bé gái nào, đâu có bé gái nào đâu nhỉ?”

Tiêu Dung: “...” Thôi được rồi.

*

Bởi vì đến vội vàng nên bên này còn chưa chuẩn bị xong nơi ở cho Tiêu Dung, Giản Kiệu chỉ đành đưa Tiêu Dung về nhà mình.

Sắp xếp ổn thỏa rồi, A Thụ mới đi ra ngoài để hỏi thăm nghe ngóng một vài chuyện ở nơi này. Mỗi khi đến một nơi nào đó, nó đều phải hỏi thăm rõ ràng về các vấn đề sinh hoạt, như vậy mới không khiến Tiêu Dung cảm thấy bất tiện.

Mà sau khi nó đi ra ngoài, Tiêu Dung ngồi trên ghế, lặng lẽ ngẩn người.

Đây vẫn là lần đầu tiên hắn nhìn thấy một người dân tộc Bố Đặc Ô còn sống.

Bố Đặc Ô là một dân tộc vô cùng đặc biệt. cũng không ai biết dân tộc này ra đời từ khi nào, nhưng tất cả mọi người đều biết nó biến mất vào lúc nào.

Những dân tộc khác như Hung Nô, Ô Tôn, Nhu Nhiên, thậm chí là Tiên Bi, chúng cũng đều sẽ biến mất, nhưng cách chúng biến mất là dung nhập vào trong dòng máu của người Trung Nguyên. Thứ biến mất chỉ là cái tên, còn huyết mạch vẫn tiếp tục tồn tại, mà dân tộc Bố Đặc Ô thì không giống vậy, nó biến mất một cách hoàn toàn, triệt để, vừa thảm thiết lại vừa cảm động.