Siêu Thị Đa Vũ Trụ

Chương 4-3:

Nàng cảm thấy bản thân phải làm nhiều hơn nữa, tốt nhất là làm đến mệt xỉu luôn, sau đó kêu tiên nhân đến nhìn, để ngài ấy có thể biết được nàng đã thành tâm như thế nào.

Mẫu thân Thảo Nhi gật đầu, bà cũng nghĩ như vậy.

Tiên nhân không cần họ dập đầu hay cung phụng gì cả - tuy họ chẳng có gì để cung phụng, nhưng lại kiên quyết không cho phép họ làm việc từ sáng sớm đến tối muộn, trong lòng mẹ con họ đều cảm thấy bất an.

Họ đều là nông dân, đời này thậm chí chưa từng dệt vải bao giờ. Chỉ có những gia đình nổi tiếng là giàu có ở địa phương mới mua nổi máy dệt, vải dệt có thể dùng thay thế cho tiền! Đôi khi nó còn có giá trị hơn cả tiền.

Đối với việc may vá, chỉ cần có thể vá các miếng vải lại với nhau mà không bị sứt chỉ là đã được coi có kỹ thuật tốt rồi.

Vì thế suy nghĩ của họ cũng rất đơn giản, hoàng đế lão gia muốn họ nộp thuế, địa chủ lão gia thu tiền địa tô của họ, tiên nhân lão gia hẳn là cũng nên kêu họ làm việc nhiều hơn, vậy mới phù hợp với bộ dáng “lão gia” trong lòng họ.

Số thuế mà hoàng đế lão gia muốn họ nộp không hề cố định, nếu mùa màng tốt thì sẽ nộp nhiều một chút, mùa màng xấu thì nộp ít một chút. Dù mùa màng tốt hay xấu thì số lương thực nhà họ còn lại hàng năm cũng không khác nhau là mấy.

May là nhà họ không có nhiều người, nếu có thêm hai người nữa thì số thuế được tính dựa trên đầu người sẽ quá sức chịu đựng với họ.

Tuy địa chủ lão gia thu họ sáu phần tiền địa tô, nhưng nghe một người bán hàng rong thỉnh thoảng đến thôn nói, có một số thôn tiền địa tô đã tăng lên đến tám phần. Cho dù họ có đến mượn lương thực và hạt giống từ địa chủ lão gia thì vẫn không thể ăn no bụng, nhưng nợ thì lại càng chồng chất, mặc dù gia đình đó không phải kẻ hầu của địa chủ, nhưng sau này cũng không khác gì mấy.

Về phần thần tiên phật tổ chỉ cần lòng thành gì gì đó, họ không tin.

Những người nông dân như họ muốn vào chùa thắp hương cũng cần phải trả tiền.

Các vị thần tiên cùng phật tổ không phù hộ cho người nghèo.

Điều ước trở thành sự thật còn phải đi trả lễ. Có thể thấy thần phật ở phía trên cao kia cũng cần tiền dưới nhân gian.

Trong khi mẹ con Thảo Nhi nói chuyện thì Diệp Chu đang thu dọn đồ đạc, sáng mai cậu sẽ cùng họ đi đến bìa rừng. Cậu còn đặc biệt tìm một cái ba lô thiệt lớn rồi nhét đầy lương khô vào đó - thức ăn hâm nóng chiếm khá nhiều diện tích, nên hầu như cậu chỉ mang theo những thứ vừa có thể lấp đầy bụng mà vừa không chiếm diện tích như lương khô và xúc xích.

Vì phải ăn ngủ ngoài trời nên cậu còn mang theo hai cái lều trại. Để tiết kiệm diện tích, cậu đã mang theo cái đắt nhất và di động nhất trong siêu thị.

Ngoài những thứ đó ra, cậu còn mang theo bình xịt hơi cay và dao rựa.

Dao rựa không có vỏ nên chỉ có thể quấn vải lên để tránh bị thương khi di chuyển.

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời còn chưa mọc, Diệp Chu đã dẫn theo hai mẹ con Thảo Nhi xuất phát.

Vốn dĩ chỉ cần dẫn theo một người là được, nhưng Diệp Chu lại lo nếu không có mình ở đó quan sát, lỡ người còn lại không để ý đến đồ điện, khiến siêu thị bị chập mạch dẫn đến cháy thì không được.

Bây giờ thứ duy nhất mà cậu có thể dựa vào chỉ có cái siêu thị này.

Nếu mất đi siêu thị thì cậu sẽ thực sự ngồi đây chờ chết mất.