Ngoài Ý Muốn Hoài Nhãi Con Của Thái Tử Địch Quốc

Chương 1-1: Tùng tư hạc nghi, phong trí sở sở

Cung điện màu son nối tiếp nhau nhô lên, ánh mặt trời xuyên thấu qua rèm tơ tằm thêu hoa văn mây bay, phủ lên sườn mặt ôn nhuận như ngọc của nam tử đang ngồi bên trong đình thuỷ tạ.

Y mặc trường bào nhạt màu thêu hoa văn chim hạc, an tĩnh ngồi trên ghế đá bên trong thuỷ tạ, da thịt trắng nõn như sứ, chân mày duyên dáng như tranh vẽ, lông mi dày đặc phủ trên một đôi mắt đen sáng ngời, tinh anh, đợi đến khi chúng nhẹ nhàng rũ xuống sẽ thấy hai bên sống mũi thẳng tắp hình dáng bóng phủ như ánh trăng lưỡi liềm. Mái tóc đen dài được thắt lưng ngọc vấn lên cao, dán sát vào cẩm y tơ lụa mềm mại kia, dọc theo vai cổ, một đường rủ thẳng tới tận thắt lưng.

Tùng tư hạc nghi, phong trí sở sở*.

*Dáng người thẳng tắp như cây thông, phong thái ngẩng cao đầu kiêu hãnh như loài hạc, khí chất phong lưu, phóng khoáng lại thêm nét quyến rũ tựa cơn gió.

Bên ngoài thủy tạ không ngừng vang lên âm thanh ồn ào huyên náo, song nam tử không thèm để tâm, y mắt điếc tai ngơ, cụp mắt, chuyên chú đọc cuốn sách trên tay.

“Điện hạ.”

Mưu sĩ Công Tôn Dương, Phạm Chu cùng nhau đi vào thủy tạ.

Công Tôn Dương cười nói: "Hôm nay là Lưu Thương yến, rất nhiều thi nhân công tử và đại thần của các nước đều đang thi thố tài năng, điện hạ, người không đi xem sao?"

Ngồi sau rèm, không ai khác chính là Giang Uẩn, thái tử Giang Quốc, người nổi tiếng khắp thiên hạ bởi sự đức độ ít ai sánh bằng, đã mời chào về dưới quyền của mình vô số danh sĩ môn khách. Giang Uẩn cũng là một trong "Tứ công tử Nam quốc", thanh danh vang dội khắp cả Giang Nam.

Giang Uẩn và các mưu sĩ của mình hiện đang ở Trần quốc. Lý do cũng không có gì xa lạ, y lại nhận được lời mời của Hoàng đế Trần quốc đến tham dự Lưu Thương yến mỗi năm một lần.

Đây là sự kiện trọng đại của sáu nước Giang Nam, người đến dự đều là danh sĩ và con cháu quý tộc của sáu nước, mục đích chủ yếu chính là mượn danh tiếng thi thố tài nghệ để gắn chặt tình cảm và mối liên kết của sáu nước, các nước đồng tâm hiệp lực cùng chống lại thế lực của Tùy quốc đang ngày càng cường đại ở phương bắc xa xôi.

Giang Uẩn xưa nay không có hứng thú với những chuyện náo nhiệt như yến tiệc, thản nhiên lắc đầu.

Công Tôn Dương và Phạm Chu đều thầm nghĩ đáng tiếc.

Tứ công tử Nam quốc, theo thứ tự là Vệ Quân_thế tử Vệ quốc, hiệu là Dung, Lạc Phượng Quân_thế tử Lạc quốc nổi tiếng với danh Nhạc, công tử tài hoa của Trần quốc_Trần Kỳ hiệu là Văn và thái tử Giang quốc của Giang Uẩn vang danh xa gần với hiệu là Đức.

Giang Nam sáu nước, năm nước còn lại đều là chư hầu dưới trướng Giang quốc.

"Tứ công tử" do danh sĩ các nước cùng đề cử, tuy rằng xếp hạng chẳng phân biệt được trước sau, nhưng so với ba vị công tử khác hoặc dựa vào dung mạo, hoặc lấy âm luật, tài năng văn chương để được đề tên thì chữ của điện hạ nhà hắn luôn tạo cảm giác hư vô mờ mịt. Giống như ngoại trừ phẩm đức ra, Giang Uẩn không có tài năng nào khác nổi trội hơn người.

Thân là một mưu sĩ trung thành, Công Tôn Dương thay điện hạ nhà mình tỏ vẻ bất bình.

Bởi vì hắn biết, ngoại trừ phẩm đức tốt đẹp được nhiều người ca tụng thì dung mạo, tài văn chương, thậm chí là tài năng âm luật của điện hạ nhà hắn, đều không thua kém ba công tử kia chút nào.

Chỉ vì điện hạ khiêm tốn, người khác thì quá cuồng vọng, Giang Uẩn chưa bao giờ để bản thân nổi bật trong những dịp trọng đại như Lưu Thương Yến, nên mới được đề cho danh hiệu không nóng mà cũng chả lạnh kia!

Thậm chí có người không rõ nội tình, sau lưng lén lút cười nhạo danh hiệu "Đức công tử" của điện hạ là do danh sĩ các nước để ý mặt mũi của Giang quốc, dù sao vẫn đè trên đầu năm nước khác, không nể mặt không được nên mới miễn cưỡng thêm vào để góp đủ số. Tứ công tử nếu nói về thực lực, dung mạo chỉ cần tính ba vị Dung, Nhạc, Văn là đủ.

Nhất là Nhạc công tử Lạc Phượng Quân cùng Văn công tử Trần Kỳ. Nếu như nói mỹ mạo của Vệ Quân được ông trời chiếu cố, ít nhiều dựa vào vận khí hên xui may rủi, thì nhạc kỹ tuyệt diệu và văn chương tinh tế của hai người còn lại đều đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Phải mất mười năm, thậm chí là mấy chục năm công phu vất vả nghiên cứu. Hư danh "Phẩm đức" của Giang Uẩn làm sao có thể so sánh được.

Nhìn đi nhìn lại kiểu gì thì "Đức công tử" Giang Uẩn này chắc chắn là được thêm vào cho đủ số!

“Hạng nhất tỷ thí Âm luật, thế tử Lạc quốc Lạc Phượng Quân!”

Theo sau tiếng thông báo, bên ngoài thủy tạ lại truyền đến âm thanh hoan hô vô cùng náo nhiệt.