Sáng sớm trời mới chỉ hửng nắng, đất hẵng còn ẩm do đợt mưa lớn hôm qua vậy mà trên con đường làng đã sớm có người qua lại. Bà Dung dỏng bước hướng chợ mà đi, tấm váy đυ.p quấn quanh cái vòng eo to bản đung đưa theo từng bước chân. Áo tứ thân nâu che đi dáng người phốp pháp của người phụ nữ đã qua bốn lần sinh nở khiến cho bà nhìn thon gọn lại không ít. Cùng đường với bà có không ít người quen, dù sao cũng là người cùng làng, có ai mà không biết nhau.
“Cô Dung đi chợ đấy hửm?” – Bà Dương cắp theo cái giỏ, đi từ hướng ngược lại hỏi.
“Cụ ạ. Mới sớm ra mà cụ đã đi chợ về rồi sao?” – Bà Dung cúi đầu chào, đon đả hỏi lại.
“Ôi rào, già rồi, nằm không được nên mới dậy từ lúc gà chưa gáy!” – Bà Dương đấm đấm cái lưng, nhăn mặt đáp. Đoạn bà ho hai cái rồi nói tiếp “Nay ngoài chợ rôm rả lắm cô ạ, nghe đâu có ông quan tri huyện mới tới.”
Bà Dung kinh ngạc mở to mắt.
“Quan tri huyện mới? Vậy ông quan cũ đi đâu hả cụ?”
“Nghe đâu...” – Bà Dương đang nói thì dừng, nhìn xung quanh xem có ai đang nghe không rồi mới đến gần bà Dung, ghé vào tai mà nói tiếp – “Nghe đâu là ông quan huyện cũ được thăng chức, cả nhà mới dọn lên phủ trên rồi. Còn ông quan mới này là mới bị giáng chức về đây.”
“Giáng chức?” – Bà Dung lầm bầm tính nói thêm mà bỗng nhớ đến ông chồng hay cằn nhằn việc bà buôn chuyện. Cái đức ông chồng cũng chỉ là lão nông ấy mà ở nhà vẫn thường nói chuyện văn chương bàn sự lớn với đám con nhỏ. Tuy lão không đỗ đạt gì nhưng hồi xưa cũng xem như là học hành giỏi giang vậy nên bà cũng nể nang ổng phần nào, nghĩ đến đây bà liền cười cho qua chuyện rồi tạm biệt bà Dương mà đi. Dù sao đám dân đen bọn họ đâu cần biết quá nhiều chuyện của quan lớn làm gì, việc ưu tiên bây giờ là đến chợ. Nếu đi trễ, thịt ngon đều bị người ta mua hết mất.
Khi bà đến cổng chợ thì mặt trời đã lên cao, nắng chói rơi trên những mái che bằng cỏ rơm của các sạp hàng. Tiếng mời chào, cười nói huyên náo khắp nẻo. Nay món nào cũng tươi, bà Dung nhìn một lượt, quyết định mua lấy tấm thịt lợn; ở nhà có trứng, làm một nồi thịt kho ăn được hai, ba ngày chứ ít. Mua xong, bà đi thêm vài bước lại thấy người ta bán cá chép, con nào con nấy to bằng bắp tay bơi trong chậu giống như đang mời chào bà mua chúng vậy. Cầm lòng không đậu, bà lại mua thêm một con. Chỉ cần nghĩ đến mấy đứa con đang ăn nồi cá kho với thịt của bà, bà liền thấy tiền này tiêu rất đáng. Ấy vậy mà đang tính đi về thì cô Từ bán đậu gọi bà lại. Thị ta vốn là người cùng làng với bà, hai người cũng xem như có quen biết, khi xưa chồng thị ta mất, nhà bà cũng giúp không ít. Hàng họ hôm nay ế quá, thị vừa nhìn thấy bà Dung, hai mắt liền sáng lên, đon đả mời chào.
“Nay bán ế quá, bác mua hộ em mấy bìa.”
“Thôi, tôi không mua đâu. Mới mua bao nhiêu xong, mua của cô rồi bao giờ nhà tôi mới ăn hết.” – Bà Dung lắc đầu, từ chối.
“Ôi dào, nồi thịt kho của bác ngon mà ngấy. Bác cứ nghe em, mua vài bìa về, luộc lên ăn cho đỡ ngán.” – Thị vừa nói vừa bỏ ba thanh đậu trắng ngần vào tấm lá rồi nhanh nhẹn gói lại.
Bà Dung nghe vậy cũng thấy đúng, nhà bà quả cũng không ưa thịt mỡ nhiều cho lắm, nghĩ nghĩ một chút bà liền gật đầu móc ra ba đồng đưa thị. Vừa hay bên tai truyền đến tiếng rao của bà bán bánh dày đậu, bà Dung lập tức gọi với lại mua thêm hai đồng bánh cho ba đứa ở nhà. Thằng con lớn đi học tận trấn trên, nhà còn có ba đứa, bà không tiếc chút tiền quà này.
“Bà Dung! Bà Dung! Mau về nhà…”
Bà Dung bị tiếng gọi của ông Bân kéo lại, bà ngạc nhiên nhìn ông hớt ha hớt hải mà hỏi:
“Bác Bân sao vậy? Nhà tôi có việc gì sao?”
Ông Bân nuốt nước bọt, thở hổn hển rặn ra từng chữ:
“Con Nhiên nhà bà… bị xe ngựa quệt phải, đang nằm hôn mê ở nhà!”
“Bác nói cái gì cơ?” – Bà Dung nghe thấy như sét đánh ngang tai không khỏi hét lớn rồi không để ông Bân giải thích, quay đầu chạy một mạch về nhà.
Khi bà chạy về đến nhà, dân làng đã đứng chắn trước cổng rồi, cạnh đó còn có một cỗ xe ngựa lớn. Bà Dung cũng mặc kệ, chạy vào nhà xem con mình thế nào đã. Nhưng vừa bước vào đã thấy hai người đàn ông kỳ lạ, một người ăn vận quý phái ngồi trên phản ngoài sân với ông chồng bà, người còn lại khoanh tay đứng hầu đằng sau. Nhìn thấy người lạ còn là nam nhân, bà không dám quá thô lỗ, miệng cứ khép lại rồi mở ra, nghẹn đến nỗi mặt vừa đỏ vừa trắng.
Quế Khải Đình biết tính vợ mình, nhanh chóng đứng dậy đưa bà vào nhà, chỉ sợ chậm thêm chút nữa bà lại làm loạn lên thì khổ. Đến khi đã ở buồng trong bà Dung mới hoàn hồn, mắt thấy đứa con gái út nằm trên giường hôn mê bất tỉnh, chân trái bị bó lại, bà không kìm được nước mắt chạy đến.
“Tôi mới đi có một tí…sao con bé lại ra nông nỗi này?” – Nói rồi bà òa khóc, ôm con bé út vào lòng.
“Bà bình tĩnh lại, thầy lang xem qua rồi, chân con bé bị gãy nhưng không ảnh hưởng đến sau này.” – Quế Khải Đình ôn tồn giải thích nhưng bị bà Dung gạt phắt đi.
“Nó bị xe ngựa quệt đó…hức…sao ông có thể nói nhẹ nhàng như vậy? Một đứa bé bốn tuổi bị cái xe ngựa to đùng quệt phải…” – Bà rùng mình, không dám nói tiếp, ôm chặt cơ thể nhỏ bé kia vào lòng.
Quế Khải Đình thở dài, ông tất nhiên cũng lo lắng như vợ nhưng nếu ông cũng loạn lên như bà vậy thì cái nhà này thật sự không giữ được rồi. Quế Khải Đình nhìn đứa con gái lớn ra hiệu, Quế Đình Nguyệt liền biết ý, ngồi xuống bên giường, vuốt lưng an ủi u.
“U đừng quá lo lắng, thầy lang nói chỉ cần bó chân một tháng cộng thêm với dùng thuốc, chân của em vẫn đi lại bình thường được, sau này cùng lắm là mỗi khi trời dở giời sẽ hơi đau nhức, tuyệt không ảnh hưởng đến dáng đi.”
Bà Dung nghe đứa con lớn không tiếp tục khóc rống nữa nhưng vẫn nức nở. Thấy bà đã dịu lại, Quế Đình Nguyệt lại nói tiếp.
“Hôm nay Đình Du cùng con bé đi chơi, hai đứa cũng không để ý đi đến tận chỗ đồng cỏ lau. Cỏ lau cao đến ngực người lớn, hai đứa nhỏ chơi bên trong bị che mất. Chỗ đó lại gần đường xe ngựa hay chạy qua để lên huyện, vậy nên lúc xe ngựa chạy qua mới quệt phải con bé.”
Bà Dung sụt sịt, lúc này mới nhìn thấy đứa con trai nhỏ trốn ở góc phòng. Có lẽ vì sợ bị u phạt mà nó không dám lên tiếng chỉ sợ hãi trốn ở góc phòng, nhìn dáng vẻ sợ sệt của nó, bà vừa thương vừa bực, cuối cùng đành thở dài kêu nó lại mà ôm vào lòng.
“Con ơi là con.” – Bà than – “Sao số bọn mày khổ vậy chứ?”
Quế Đình Du được u ôm vào trong lòng, không nhịn được mà khóc òa lên, xin lỗi rối rít. Hai mẹ con cứ vậy mà khóc với nhau.
Quế Khải Đình nhìn bốn mẹ con, l*иg ngực cũng khó thở theo. Ông xoay người đi ra ngoài, thiết nghĩ người bên ngoài kia cũng nghe thấy đôi điều rồi.
“Phu nhân có ổn không, ông Quế?” – Huỳnh Nghị nhấp một ngụm nước chè, hỏi thăm.“Tôi nào phải quan lại gì đâu mà có phu nhân được?” - Quế Khải Đình cười, vuốt chòm râu
Huỳnh Nghị khoát tay áo ra vẻ kinh ngạc:
“Ấy, tôi hẵng tưởng bạn học của ông, tiền Tri Huyện – ông Đỗ Thịnh đã nói trước với ông rồi, thì ra là chưa sao?” – Nói rồi không để Quế Khải Đình kịp tiếp lời hắn nói tiếp – “Trước khi nhận chức mới, ngài ấy đã có ý muốn tiến cử ngài làm Huyện Thừa, muốn ngài ra chút sức giúp đỡ kẻ tài mọn tôi đây.”
“Kẻ tài mọn? Đã làm được quan, có mấy người không có tài? Ngài Tri Huyện quả là khiêm tốn, khiến người khác phải thán phục.”
Quế Khải Đình cúi đầu, có lễ đáp lại. Từ đầu đến cuối Huỳnh Nghị luôn xưng tôi, tự kéo vị thế của mình xuống ngang bằng với một ông nông dân như Quế Khải Đình, hơn nữa ba lần bảy lượt tỏ ý muốn ông làm việc cho hắn ta. Quế Khải Đình không biết người kia có ý gì vậy nên chỉ có thể từ chối.
“Tôi mà có tài thì sao lại bị giáng chức, hạ quan giờ chỉ muốn tận lực với chức vị này, sống yên ổn đến cuối đời.” – Huỳnh Nghị cười lớn uống thêm ngụm nước chè rồi trực tiếp hỏi – “Vậy nên không biết ý ông Quế đây thế nào?”
Quế Khải Đình lắc đầu cười:
“Quả không giấu gì ngài, tôi chỉ là một tên nông dân chân đất mắt toét, làm sao xứng được làm việc cho ngài.”
Thấy ông ta vẫn cố gắng giả bộ, Huỳnh Nghị vuốt ống tay áo gấm, khẽ ngâm:
“Bích ba đãng dạng ánh thiên không
Sơn xuyên nguy nga ủng giang lưu
Thương khung cao viển vân tự vũ
Đại địa uẩn hàm tự nhiên sầu.”
Hắn vừa ngâm vừa hơi nheo mắt thưởng thức. Quế Khải Đình thoạt nhìn thì giống như một ông nông dân ngoài tứ tuần đã trải qua dãi dầu sương nắng. Làn da chai sạn, hai má hóp vào khiến cho răng hô ra, người thì gầy giơ xương. Nhưng ánh mắt lại sáng ngời, đầy vẻ kiên nghị; không giống những bách tính bình thường thấy quan lớn mà sợ sệt né tránh. Sống lưng thẳng tắp, mỗi bước chân đều vững vàng có lực, cơ thể nhìn gầy gò nhưng xương cốt rắn rỏi, bảy tám phần là người luyện võ.
Quế Khải Đình làm như không biết người kia đang ngâm gì, ung dung cầm cái điếu lên, châm lửa rồi rít một hơi. Cái sảng khoái của khói thuốc ngay lập tức tràn vào phổi rồi nhanh chóng biến mất để lại vị đắng hơi gắt trong khoang miệng. Bài thơ vừa rồi Huỳnh Nghị ngâm chính là từ trong tập thư từ mà ông làm rồi gửi cho Đỗ Thịnh để cùng bình phẩm, thiết nghĩ chỉ là làm cho vui ai ngờ lại bị lấy ra làm vật uy hϊếp như vậy?
Quế Khải Đình cười: “Ngài tri huyện vừa đâm vào con gái ta, giờ đây ta mà làm việc cho ngài vậy thì chả khác gì lão đây bán con để được chức.”
Huỳnh Nghị cười gật đầu: “Kể ra cũng phải, thứ cho tôi tầm nhìn hẹp hòi.”
Hắn nghĩ với tình hình này cho dù có nói nữa Quế Đình Khải cũng sẽ không nhân nhượng, nghĩ vậy liền khoát tay, ra hiệu cho Bân. Hắn ta nãy giờ đứng hầu, vừa nhìn thấy liền biết ý mà đặt lên cái bàn nhỏ một xâu tiền; xem qua có vẻ phải đến hai quan tiền, bằng với dành dụm cả năm của đám dân nghèo.
Quế Khải Đình cũng không làm giá, ông chắp tay cảm ơn rồi nhận lấy.
“Nếu có thiếu gì, xin cứ đến tìm tôi.” – Huỳnh Nghị đứng dậy, không màng đến thân phận quan lớn, hắn chắp tay vái chào, Quế Khải Đình cũng hữu lễ chào lại, tiễn vị quan lớn không mời này rời đi.