Núi Cao Sông Dài, Tôi Sẽ Theo Gió Vượt Sóng

Chương 3: Bà ngoại dặn cháu phải chăm chỉ học, nhất định không được phụ kỳ vọng của bà

Sau khi kết thúc kỳ thi vào cấp 3, tôi thành công thi đậu vào Nhất Trung trong ánh mắt tò mò của chúng bạn.

Nhất Trung tọa lạc ở trung tâm thành phố. Nghỉ hè, bà ngoại cố ý dẫn tôi tới trước cổng trường Nhất Trung đứng đó hồi lâu.

“Học cho tốt vào, đừng có ngu xuẩn như mẹ cháu.” Bà lại vô thức lặp lại câu nói này.

Tôi nắm tay bà: “Mẹ cháu ngốc là vì ít học sao ạ?”

Bà lắc đầu, vô cùng thất vọng: “Không, là bởi vì ngu, cho nên nó mới bỏ học, cuối cùng lại gả cho thằng cha xấu xa của cháu!”

Từ lời bà ngoại nói, tôi còn biết chuyện năm đó bà ngoại bán cả một con heo cho mẹ tôi đi học.

Nhưng rồi bà ấy vừa mới tốt nghiệp cấp ba xong đã kết hôn với cha tôi là lưu manh đường phố. Còn dương dương tự đắc trước mặt bà ngoại tôi, nói học cũng vô dụng, không bằng tìm đàn ông nuôi mình.

Bà ngoại tức giận đến mức ngay cả hôn lễ của con gái ruột cũng không tham gia.

**************************

Nghỉ hè tôi cùng bà ngoại thức khuya dậy sớm, mang đồ ăn đi lên trấn trên bán, không ít lần tôi gặp mẹ dẫn em trai ra ngoài mua bữa sáng.

Bà nhìn thấy tôi lại làm như không thấy. Thà mua đồ ăn của dì cách vách chứ không chịu mua đồ ăn của bà ngoại mang đi. Nhưng mà cũng tốt, tôi chỉ sợ bà ấy không trả tiền.

Nghỉ hè bận rộn giúp tôi tích cóp đủ sinh hoạt phí cấp ba, nhưng vẫn chưa đủ tiền học phí.

Bà ngoại kéo tay tôi, đi về nhà ba mẹ: “Xem hôm nay bà biểu diễn tài năng này, chỉ biểu diễn một lần thôi đấy, cháu phải xem cẩn thận.”

Tôi trừng to mắt, nhìn bà ngoại đặt mông ngồi dưới đất.

Hàng xóm láng giềng vây quanh, nghe bà ngoại tôi khóc lóc kể lể ngày xưa bưng bô nuôi con gái lớn lên như thế nào, rồi lại bị đuổi ra khỏi nhà không ai dưỡng lão ra sao.

Ba mẹ tôi cố nén cơn tức giận, muốn đỡ bà vào nhà rồi nói chuyện, nhưng bà cụ cố chấp ngồi trước mái hiên, nói gì cũng không chịu đi vào. Mãi đến khi cha tôi đồng ý chi trả học phí giúp cho tôi, hồi tranh cãi này mới kết thúc.

Lấy được tiền rồi, nghênh đón tôi chính là gương mặt thất vọng của mẹ tôi.

“Đây là tiền cho em trai con học Sax đấy, giờ thì tốt rồi, giới âm nhạc mất đi một ngôi sao mới! Sao tôi lại sinh ra một đứa con gái ích kỉ như cô chứ?”

Tôi vô cảm suýt nữa thì bật cười thành tiếng: “Lúc thầy nghệ thuật tới trường phát tờ rơi thì học sinh nào cũng là Beethoven tương lai cả.”

Nhưng mà cho dù cảm thấy không thoải mái, có đủ tiền học phí cũng khiến tôi vô cùng sung sướиɠ.

Trên đường về nhà, tôi sùng bái kéo tay bà ngoại tôi nghe bà lải nhải: “Nữ nhi thì nhất định phải bỏ được thể diện, bà cứ nằm đó, nếu ba mẹ cháu dám không trả tiền, ngày mai bọn chúng sẽ bị cả khu nhà chê cười đấy!”

Ngày hôm nay, thế giới của tôi đã mở ra một cánh cửa mới.

**************************

Cấp ba khác hẳn với cấp hai. Những cô bạn xinh xắn trong lớp có thể nhận được rất nhiều thư tình. Nhưng tôi thì ngay cả hoa tươi cũng không có, bởi vì sau một thời gian nghỉ hè thức khuya dậy sớm bị phơi đen thành than, các bạn đều gọi tôi là ‘hắc muội’.

Tôi cũng không để bụng, so với cái tát của cha tôi, mấy lời công kích này không đáng để nhắc tới.

Khiến tôi lo lắng là, nội dung học tập của cấp hai và cấp ba cách biệt một trời, tuần đầu tiên sau khai giảng, thành tích của tôi từ thứ hai mươi của lớp xuống thứ hai mươi bốn.

Tôi không phải là người quá thông minh, chỉ có thể chăm chỉ đi học. Trước tương lai mịt mờ tăm tối, học tập là cọng rơm duy nhất mà tôi có thể bắt lấy được.

Cũng may học cấp ba thì không cần thiên phú, kì thi cuối kỳ rốt cuộc tôi cũng thành công lên vị trí thứ mười.

Thầy giáo khen ngợi tôi trước mặt mọi người. Tôi cầm thành tích vui vẻ phấn chấn quay về nhà bà ngoại, bỗng dưng nhìn thấy một đống người đang vây trước cửa nhà.

Cơn khủng hoảng ập tới, tôi ném phiếu điểm xuống hoảng hốt chạy về nhà, nhìn thấy thím hàng xóm và ba mẹ tôi đều đứng ở trong viện.

Mẹ tôi khóc nước mắt như mưa, vừa nhìn thấy tôi đã giơ tay cho một cái tát! “Đều tại mày, mày làm gì thế hả? Nghỉ hè cứ một hai phải lôi kéo bà ngoại mày đi bán đồ ăn, giờ bà chết rồi mày vui chưa!”

Bên tai ong ong và cảm giác đau đớn trên mặt đều biến mất không còn gì nữa, bóng dáng vững chãi đó sập đổ, ngọn đèn sáng như vậy cũng tắt đi!

Tôi nổi điên lao vào trong phòng, hàng xóm thân thích đứng bên an ủi tôi. Tôi về muộn rồi! Không thể nhìn mặt bà lần cuối.

Nhưng hàng xóm lại nói với tôi rằng, “Bà ngoại dặn cháu phải chăm chỉ học, nhất định không được phụ kỳ vọng của bà.”

**************************

Bà ngoại vừa ch·ết, ba mẹ tôi bỗng biến thành hiếu tử hiền tôn, cha tôi phụ trách tiếp đãi khách khứa, tiền khách phúng viếng đều vào túi ông ta. Mẹ tôi khóc đến ruột gan đứt thành từng khúc, giống như trời sập.

Cảnh giả vờ không nhìn thấy mẹ mình bán đồ ăn ở chợ làm như chưa từng có.

Tôi nhìn người người ra ra vào vào, nhìn mấy người ra vẻ tình cảm đậm sau, nhìn bọn họ chuyện trò vui vẻ.

Ngày bà ngoại qua đời, vô số người mỉm cười tới nhìn bà ra đi. Tôi chịu sự dối trá của bọn họ đủ rồi.

Cơn phẫn nộ trong người cứ thế cuộn lên, từ ngực lan tràn đến tứ chi, một nguồn sức mạnh không biết từ đâu ra, tôi lại có gan đẩy mẹ tôi một cái.

“Bà thì là con gái kiểu gì? Mẹ bà bán heo cho bà đi học, bà lại chỉ nghĩ tới gả chồng! Mẹ bà bán thức ăn ở chợ, bà lại chạy đi mua của đối thủ cạnh tranh! Trước khi bà ngoại chết, bà chỉ hận không thể không có mẹ, vậy mà bây giờ bà còn khóc cái gì!”