Phu Lang Của Ta Là Đóa Hoa Mỏng Manh

Chương 7

Hoắc Thú nhìn xuống quần áo của mình, thời tiết Giang Nam ẩm ướt, không như gió cát khô hanh ở Tây Bắc, rất nhanh quần áo sẽ khô.

Nhưng đi lại ngoài đường với bộ quần áo ướt sũng như vậy cũng không tiện nên chàng gật đầu đồng ý, cầm lấy hành lý đi theo người ra sau nhà.”

Mặt trước của tiệm thuốc trang trí rất đơn giản, nhìn qua thì mặt tiền của tiệm cũng không quá lớn, nhưng không ngờ sau khi bước vào lại rộng rãi như vậy, còn có cả một khoảng sân rộng.

Trong sân bày la liệt các mẹt dùng để phơi thảo dược, từng mẹt được xếp chồng lên nhau trên các giá gỗ, tổng cộng không dưới 4-50 cái mẹt.

Bên trong sân còn có bếp nấu, bên cạnh là phòng ở.

Đây là kiểu bố trí nhà cửa điển hình, cửa hàng ở phía trước và nhà ở ở phía sau, rất tiện lợi cho việc buôn bán.

Hoắc Thú thầm nghĩ gia đình ca nhi này cũng có chút của cải, nhưng nghe lời của thầy thuốc thì có vẻ đây là nhà ngoại của ca nhi kia.

Chàng cũng không định dò hỏi gia cảnh của một ca nhi xa lạ vừa mới gặp mặt nên cũng không hỏi nhiều, đi vào phòng đổi quần áo rồi đi ra.

Ngoài cửa có một dược đồng đang đứng chờ: “Nghĩa sĩ, ngài ngồi uống trà nghỉ ngơi một lát, tôi sẽ đốt lửa sưởi khô quần áo của ngài để ngài tiện mang theo.”

Hoắc Thú thấy cũng đúng nên đưa quần áo vừa thay ra cho dược đồng.

Chàng sải bước ra ngoài, Hoàng Dẫn Sinh đã tự tay pha trà sẵn ở trong sân: “Mời nghĩa sĩ ngồi.”

Hoắc Thú chắp tay, thấy ca nhi kia vẫn còn chưa ra thì không nhịn được hỏi một câu: “Tiểu ca nhi sao rồi ạ?”

“Từ nhỏ sức khỏe của cháu ngoại tôi đã không tốt, gầy yếu hơn người thường. Nghe thằng bé nói về chuyện vừa gặp phải, nếu hôm nay không có nghĩa sĩ xả thân cứu giúp, cháu tôi đã dữ nhiều lành ít. Hiện tại đã cho thằng bé uống thuốc và ngủ rồi, không thể đích thân đi ra cảm ơn nghĩa sĩ, mong ngài đừng trách móc.”

“Không sao, việc thuận tay thôi.”

Hoàng Dẫn Sinh vô cùng biết ơn: “Cảm ơn nghĩa sĩ, ngài có thể cho tôi biết tên được không, xin hãy ở lại thêm một chút nữa, tiệm đã chuẩn bị một bữa ăn để nghĩa sĩ ăn cho ấm bụng, cũng để tôi tỏ lòng biết ơn.”

“Tôi tên là Hoắc Thú, ngài không cần khách sáo như vậy. Lần này tôi đến đây có việc nên không tiện ở lâu.”

Hoắc Thú thuận miệng hỏi: “Ngài biết thôn Minh Tầm ở đâu không?”

Nghe vậy Hoàng Dẫn Sinh nhướng mày nói: “Đi theo đường lớn khoảng 20 dặm, rồi rẽ vào đường nhỏ đi them 2-3 dặm là đến.”

Nhìn dáng vẻ của Hoắc Thú giống như người nơi khác, thời trẻ ông từng đi du lịch khắp nơi nên gặp được không ít người Nam Bắc, ông đoán Hoắc Thú đến từ phương Bắc.

Bởi vì sự trợ giúp nhiệt tình của chàng nên không có lý do gì mà ông không giúp đỡ tận tình: “Không biết Hoắc nghĩa sĩ có tiện nói ra đầu đuôi sự việc hay không. Cháu trai tôi là người thôn Minh Tầm, con rể tôi là lý chính thôn trên, có lẽ có thể giúp được nghĩa sĩ phần nào.”

Hoắc Thú nói: “Tôi đến đây để tìm người.”

“Vậy thì lại quá trùng hợp, nếu nghĩa sĩ không vội thì có thể nghỉ lại đây một đêm. Ngày mai tôi đưa cháu trai về, nghĩa sĩ đi cùng, tôi cũng tiện nhờ con rể việc tìm người cho nghĩa sĩ.”

Hoắc Thú hơi chững lại, trời xa đất lạ muốn tìm người cũng không dễ, chàng mang vẻ ngoài của người xứ khác, mặt mũi hung dữ, rất nhiều thôn có tính bài ngoại, đề phòng người ngoài nên càng khó tìm người.

Một lúc sau, chàng nói: “Cũng được, vậy làm phiền rồi.”

Buổi trưa, tiệm thuốc chuẩn bị chút đồ ăn cho Hoắc Thú. Nơi đây tấp nập người ra kẻ vào, bận đến mức không có thời gian nghỉ ngơi. Trong đại sảnh chỉ có một thầy thuốc đang khám bệnh, đó là Hoàng Dẫn Sinh. Bên ngoài có một vị thầy thuốc lớn tuổi đang bốc thuốc và một dược đồng phụ trách tiếp đón bệnh nhân.

Hoàng Dẫn Sinh vừa khám bệnh vừa viết đơn thuốc không có thời gian ngơi tay, lại còn phải trông nom Kỷ Đào Du nên chỉ có một mình Hoắc Thú ăn cơm trước.

Đồ ăn được bày trên chiếc bàn vuông kê sát cửa sổ trong phòng khách. Thức ăn được đựng trong 7-8 đĩa nhỏ bằng lòng bàn tay được khắc hoa văn màu xanh lam, rõ ràng đây là một bộ.

So với những chiếc bát đĩa to làm bằng gốm ở Tây Bắc thì cái đĩa này có hơi nhỏ. Mặc dù nhỏ nhưng kiểu dáng lại rất đa dạng, nhìn chiếc bàn vuông được bày biện đầy thức ăn, trông rất thịnh soạn.

Hoắc Thú cũng từng nhìn thấy bát đĩa có hoa văn như vậy ở phương Bắc, nhưng chỉ có ở trong lều trại của các phó tướng hoặc tướng quân. Bình thường không hay được sử dụng, nếu có quan văn đến doanh trại mới mang ra dùng.

Ở phương Bắc, loại đồ dùng dễ vỡ này rất đắt nên không nhiều người dùng.

Tuy nhiên Giang Nam lại sản xuất rất nhiều những món đồ này, nên ở Đồng Châu giá cả của những chiếc bát đĩa có hoa văn xinh đẹp này cũng không cao.