Đàn Bà Không Biết Đẻ

Chương 26

Chương 26
Trước ánh đèn pha ô tô chói nhức mắt, tôi bất lực nhắm mắt lại chờ đợi xe lao đến đâm mình, thế nhưng đúng lúc nó cách tôi khoảng bốn mét nữa thôi thì xe đột ngột bẻ lái.

Một người đàn ông mặt mũi băm trợn, người toàn mùi rượu, cổ áo phanh ra ba bốn cúc mở cửa xe bước xuống, anh ta lao về phía tôi quát ầm lên:

– Mẹ cái con điên này, mày đi đứng kiểu gì đấy hả? Muốn chết thì nhảy mẹ xuống sông Tô Lịch mà chết, lao ra đường kiểu đấy hại bố mày à?

Người đi đường thấy thế nên túm tụm lại đứng xem, nhưng nhìn tôi chân không đi dép, đầu tóc bù xù, mặt mũi lấm lem thì họ đều tưởng tôi bị điên, mà có ai thèm bênh người điên.

Tôi đảo mắt xung quanh tìm kiếm sự đồng cảm của đồng loại, nhưng họ chỉ đứng xem thôi, không ai nói gì. Tôi giấu điện thoại vào trong túi quần, không nói không rằng một câu định bỏ đi. Nhưng vừa đi được hai bước, tên kia lao đến đứng chắn trước mặt tôi:

– Lên đồn công an. Bố con điên. Lên đồn gọi người nhà mày đón về, gọi gia đình mày đến đền tiền sửa xe cho tao, định bỏ đi thế à?

– Tôi không có tiền.

– Không có tiền thì nhà mày phải đền.

Hắn ta chỉ vào gương xe nãy vì bẻ lái gấp mà đập vào một thân cây ven đường, vỡ nát:

– Đi lên công an phường, mau lên.

– Tôi không đi, tôi không có tiền.

– Thế nhà mày ở đâu? Bố mẹ anh em của mày ở đâu, gọi điện đến đây đền tiền cho tao.

– Tôi không có anh em. Tự anh đâm vào tôi, xe anh tự đi mà sửa.

– Không có tiền à? Quần áo trên người mày không giống ăn xin lắm đâu, mỗi cái mặt mày giống con điên thôi.

Hắn nhìn người tôi một lượt, sau đó quát to:

– Gọi gia đình mày đến đây.

Bỗng dưng bên cạnh tôi vang lên một giọng nói:

– Có chuyện gì thế?

Tôi quay lại thấy Hoàng đang đi về phía mình, hướng đi Tam Trinh này là đường anh về nhà, chắc là anh đi làm về qua đây thấy cảnh này nên phát hiện ra tôi. Tôi nhìn thấy anh, tự nhiên lại thấy tủi thân, nước mắt nước mũi tuôn ra như suối… nhưng mà thấy anh đi đến gần thì tôi lại sợ. Anh xem được clip kia của tôi rồi, tôi không có mặt mũi nào mà nhìn anh nữa.

Tên lái xe đâm vào tôi quay sang nhìn anh:

– Đéo phải việc của mày.

Hoàng chỉ vào tôi, nói:

– Đây là bạn tôi. Có việc gì, nói đi, tôi sẽ giúp cô ấy giải quyết.

– À, thế à? Thế thì con bạn mày sang đường đéo có mắt, tao đánh lái tránh nó nên gương xe vỡ, nó không có tiền đền, mày muốn giúp thì bỏ tiền ra mà đền cho nó.

Anh quay sang định hỏi tôi, nhưng khi thấy mặt mũi tôi bẩn thỉu, người ngợm trớt trát thảm hại, anh lại thôi. Anh nói:

– Em làm sao thế? Có bị thương chỗ nào không? Sao lại chạy ra đây?

– Không. Em không sao, xe chưa đâm vào em.

Một người đi đường chứng kiến từ đầu đến cuối nói vào:

– Tại ông kia đi sai chứ. Người ta đã xin sang đường rồi mà không nhường đường, đường đông mà cứ phóng vèo vèo thế, may mà không đâm vào người ta đấy.

Anh nhìn đến chân tôi, sau cùng mới hỏi:

– Bác kia nói có đúng không?

Tôi mím môi gật đầu:

– Em xin đường rồi, tại ông ta đi nhanh.

Nghe xong, anh mới quay sang nhìn lão lái xe kia, nói:

– Anh uống rượu khi lái xe à?

– Không phải việc của mày. Tóm lại đền không hay tao lôi lên phường?

– Tùy anh. Nếu lên phường thì lên nhanh lên, lát nữa bay bớt mùi rượu rồi thổi nồng độ cồn giảm mất. Hay để tôi gọi cảnh sát giao thông đến cho anh nhé?

Mặt mày tên kia tái xanh, mấy người đi đường lúc nãy không bênh tôi, bây giờ lại thấy có một người đàn ông nhìn thế nào cũng có vẻ rất sạch sẽ, đẹp trai kia đứng ra bênh tôi, thế nên thành ra tạo ra hiệu ứng phong trào. Mọi người lại nhao nhao nói:

– Đúng rồi còn gì. Đường đông mà lái xe nhanh như thế chả đâm vào người ta à? Đứng ở xa thế mà còn ngửi thấy được mùi rượu đây này, uống rượu say rồi thì đừng lái xe nữa.

– May mà không đâm vào cô kia.

– Ừ, gọi công an đến xem ai đúng ai sai. Người ta đi bộ, mình đi xe, lại còn uống rượu nữa, xem ai phải đền.

Ông kia tức quá định lao vào gây sự với Hoàng, nhưng thấy vẻ mặt anh vẫn bình tĩnh như thường, không cười, không cáu giận, không kɧıêυ ҡɧí©ɧ mà chỉ nhẹ nhàng nói như thế, trong khi đó dân đổ đến xem càng lúc càng đông, thế là cuối cùng phải bực tức lên xe bỏ đi.

Trước khi đi, ông ta còn chửi bồi thêm một câu:

– Mẹ, đúng là ra đường gặp ngay con chó. Bố thí cho chúng mày đấy mấy đứa rẻ rách.

Hoàng không để tôi nghe hết câu đã lôi tôi lên xe anh, trên đường về nhà anh không nói gì, cũng không hỏi tôi, tôi cũng chẳng có gan mà mở miệng. Tôi không biết phải đối diện với anh thế nào cả.

Về đến nhà, tôi vừa bật điện thì anh chỉ vào ghế:

– Em ngồi đấy, đợi anh đi lấy thuốc.

Lúc sau anh bê ra một chậu nước nhỏ, một ít cồn sát trùng, một ít bông băng. Anh vừa thò tay định nâng chân tôi lên thì tôi vội vã rụt lại.

Hoàng ngẩng đầu nhìn tôi, mắt tối thẫm. Tôi ngại quá nên nói:

– Em… em tự làm được. Anh để em, em không sao đâu.

Anh không nói gì, bỏ chân tôi ra, sau đó lên ghế ngồi. Tôi tự rửa chân rồi tự sát trùng, anh ngồi im lặng quan sát. Lúc sau anh nói:

– Em đi đâu ra ngoài đấy thế? Dép đâu không đi.

– Em đi ra Đền Lừ một lúc, lúc vào đền để dép ở ngoài, ra không biết ai đi nhầm nữa, phải đi chân đất về.

– Sao em không đi Taxi.

– Em có mang tiền đâu.

– Thế điện thoại đâu, sao không gọi anh đón?

Chưa bao giờ anh hỏi tôi kỹ như thế, tôi hơi chột dạ, nhưng rồi cuối cùng lại gạt đi.

– Em để quên điện thoại ở nhà. Đi chẳng mang gì cả.

– Ngọc, có chuyện gì à?

– Không, có chuyện gì đâu. Em bình thường mà. Anh đói chưa, ăn cơm nhé, nãy em nấu xong rồi.

– Nói cho anh nghe xem nào. Sao em lại ra Đền? Không xảy ra chuyện gì, sao em phải đến Đền vào giờ này? Em có biết nếu hôm nay ông kia không tránh em kịp thì hậu quả thế nào không?

Vành mắt tôi đỏ hoe, tôi vội vàng quay đi nhìn ra cửa sổ. Nếu tôi nói “Em đã biết hết rồi. Biết anh đã phải chịu những gì vì em rồi”, thì anh sẽ nghĩ sao?

Cuối cùng tôi nói:

– Diệp sắp lấy chồng, em ra Đền cầu cho cô ấy hạnh phúc, sinh em bé ra lành lặn khỏe mạnh.

– Ngọc…

Anh thở dài:

– Đó không phải lý do. Đừng giấu anh.

– Thật. Em cũng buồn, hụt hẫng nữa, bọn em chơi với nhau kể từ khi em lên Hà Nội cho đến giờ. Bây giờ Diệp lấy chồng rồi, sau này không còn được thoải mái như trước nữa, có chồng, có con, lo cho tương lai, lo cả việc con riêng của chồng, …

Tôi càng nói càng dông dài, giống kiểu như bị mất kiểm soát, chẳng biết mình đã nói những gì.

– Em sợ hôn nhân à?

Đúng thế. Chỉ có anh nhìn thấu được lòng tôi. Tôi vấp ngã một lần rồi nên tôi rất sợ, lúc yêu nhau thì mọi việc nhìn đơn giản thế thôi, lúc lấy về rồi mới thấy cuộc sống sẽ có nhiều mâu thuẫn. Thế nên, dù tôi yêu anh nhưng tôi sẽ không lấy anh, hôn nhân là bóng đen ám ảnh trong lòng tôi, với cả, tôi với Tuấn đã chẳng môn đăng hộ đối, Hoàng lại còn cao sang hơn Tuấn nhiều. Xa vời lắm.

Tôi im lặng gật đầu.

Anh ôm lấy vai tôi, không nói gì, chỉ để tôi gục vào vai anh. Tôi không dám khóc, sợ khóc ướt áo anh thì anh biết mất, thế nên chỉ lặng lẽ nhắm mắt lại, cuối cùng mệt quá ngủ quên lúc nào không biết.

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy từ sớm, anh nằm ngay bên cạnh thở đều đều. Tôi giơ tay chạm vào ngực anh, tôi rất sợ anh đi mất, nhưng lại không thể không rời xa anh. Nếu tôi cũng như Diệp và chú Minh, cùng anh có một đứa con sẽ tốt biết mấy, đứa con sẽ tiếp thêm dũng khí cho tôi ở bên anh.

Nhưng mà… ông trời hình như đã cho tôi đủ rồi, được bên anh lâu như thế hình như là đã quá ưu ái cho tôi rồi.

Tôi ngồi dậy, ra ngoài làm đồ ăn sáng cho anh, lúc đi qua ghế sofa còn không quên kiểm tra xem cái điện thoại hôm qua tôi giấu có còn ở đó không. Thấy nó vẫn im lặng ở chỗ cũ, tôi mới thở phào.

Sau khi ăn sáng xong, anh nói:

– Hôm nay anh có việc đi qua trường em, anh đưa em đi nhé.

– Thôi, em tự đi được mà, anh đưa đi rồi lại mất công em đi xe bus về.

– Chiều anh đón.

– Thôi, anh cứ đi đi.

– Em thay quần áo đi, anh đi lấy xe.

Tôi biết anh sợ tôi đau chân, mà xe tôi thì xe số, chân đau thế không đạp số được, thế nên mới bảo chở tôi đi làm. Anh đã nói thế thì tôi cũng không dám từ chối nữa, chỉ là tôi không biết, hôm đó mẹ chồng tôi đi chợ qua trường, vừa hay lại nhìn thấy tôi xuống từ xe của anh.

Và sau đó, lúc tôi còn chưa kịp rời khỏi anh thì lại một việc nữa xảy đến.

Hôm đó hết giờ làm tôi đi chọn váy cưới với Diệp, tôi lấy điện thoại nhắn tin cho anh:

– Em đi chọn váy cưới với Diệp, chắc về muộn đấy. Nếu anh về sớm thì cắm giúp em nồi cơm nhé, lát nữa em mua thức ăn.

Lát sau anh nhắn lại:

– Ừ. Anh biết rồi, em cứ đi đi, để anh nấu cơm cho.

Tôi gửi lại một hình mặt cười, tình cờ lại bấm vào thời gian gửi mới chợt nhận ra hôm nay là 17 tháng 5 rồi. Sắp đến kỳ nghỉ hè rồi, tôi sắp phải ra đi rồi.

Chiều nay chú Minh bận nên chỉ có tôi với Diệp đi chọn váy cưới, bụng nó bây giờ đã gần bốn tháng, hơi to lên một tý nhưng mặc váy cưới không bó eo lắm chắc cũng không lộ mấy.

Diệp thử một chiếc váy hở vai, cười toe toét:

– Này, thấy cái này lộ bụng lắm không?

– Không, nhìn được đấy. Không thấy bụng mày đâu.

– Ờ, tao chọn mãi mới ưng cái này đấy. Mày chọn một cái váy phù dâu đi, ngồi đó làm gì.

– Thôi mày điên à, phù dâu là người chưa có chồng chứ, tao thì phù dâu gì.

– Tao chả quan tâm, cảm thấy thích là được, có chồng hay không có chồng ảnh hưởng quái gì.

Tôi không muốn đôi co nhiều nên tìm cớ lảng sang chuyện khác:

– Nhanh nhỉ, tuần nữa là mày cưới rồi.

– Ừ, cưới xong cái thì vừa đúng dịp trường cho nghỉ hè. Ông Minh bảo tao đi trăng mật ở Thái Lan cho gần.

– Ừ, tranh thủ đi đi, sau đẻ rồi lại suốt ngày chỉ ngồi nhà ôm con.

– Mày thì thế nào? Hè tính sao? Có định đi du lịch đâu không, hay đi cùng vợ chồng tao cho vui.

– Không, tao về quê. Tao viết đơn xin nghỉ việc rồi, dạo này đang thanh lý nốt hàng để lấy tiền cod về sớm, nghỉ bán hàng online luôn.

Diệp ngừng ngắm váy trong gương, quay sang nhìn tôi:

– Mày vẫn quyết thế à? Không suy nghĩ lại à?

Thực ra tôi không kể cho Diệp vụ Tuấn gửi clip sεメ của tôi cho Hoàng, tôi không muốn nó đang bầu bí lại phải mất công suy nghĩ cho tôi.

– Suy nghĩ gì là suy nghĩ gì. Tao thấy chơi thế đủ rồi, về quê thôi. Ở đây cũng chẳng cảm thấy vui vẻ gì cả, mày đi lấy chồng rồi, tao cũng yên tâm.

– Thế… còn anh Hoàng?

– Mày nghĩ bọn tao yêu sâu nặng lắm đấy à? Mà kể cả có yêu sâu nặng đi nữa, một vài tháng, hoặc là chẳng đến một tháng chia tay là nguôi thôi.

– Tao nghĩ ông Hoàng không phải người dễ quên thế đâu.

– Ích kỷ giữ anh ấy cho mình làm gì, người tốt sẽ gặp người tốt, tao thích làm khán giả đứng một bên nhìn anh ấy hạnh phúc hơn.

Diệp thở dài:

– Tao nói rồi, người ngoài không hiểu mày, tao cũng không hiểu mày, chỉ có mày là hiểu mày nhất. Tao đẻ con, kiểu gì mày cũng phải lên thăm, không lên là tao gϊếŧ.

– Rồi rồi, làm mẹ rồi thì bớt đanh đá đi.

Vì Diệp thử váy và chọn váy rất nhanh nên chưa đến sáu giờ tối đã xong xuôi, hơn sáu giờ là tôi về đến nhà. Lúc đi đến hành lang trước cửa nhà, tôi nghe thấy mấy giọng nói từ bên trong phát ra:

– Cháu đi làm về lâu chưa? Dì chú đến không báo trước, cũng ngại cháu nhưng mà…

– Không sao đâu ạ. Cháu cũng vừa mới về, dì chú đến chắc có việc phải không ạ?

– Ừ. Hoàng này, dì nói chuyện này, có làm mất lòng cháu thì cháu cũng phải thông cảm cho cương vị của người bố, người mẹ như chú dì. Bà nội coi cháu như cháu ruột, chú dì cũng coi cháu như người trong nhà, thế nên dì nói thẳng luôn nhé.

Tim tôi đập thình thịch, giọng nói này là của mẹ chồng tôi, tự nhiên bà đến đây làm gì? Có phải…

– Vâng, dì nói đi.

– Cháu đang ở cùng Ngọc, con dâu dì phải không?

---------