Phan Hải Linh năm nay 24 tuổi, là con út của gia đình sở hữu chuỗi trung tâm thương mại và chuỗi resort Emerald.
Từ khi còn nhỏ, em đã biết mình chỉ có thể là con gái. Năm 16 tuổi, Hải Linh dùng hết can đảm nói ra sự thật với gia đình, và bị người cha quyền lực đánh một trận nhừ tử.
Mất mẹ từ năm 12 tuổi, nếu không được chị giữa xin ba tha cho thì em sẽ còn tơi tả hơn nữa.
***
Chị giữa lớn hơn Hải Linh ba tuổi, dọn ra ở riêng để tiện đi học đại học, liền đón em về ở chung.
Chị giữa dặn em cố gắng dưỡng thương. Song song đó, cô báo cho anh lớn đang học MBA bên Mỹ hay.
***
Trong ngôi trường quốc tế của Hải Linh, tuy là tinh thần cởi mở lúc nào cũng được Ban giám đốc đem ra tự hào, nhưng em biết nếu để mấy đứa con nhà giàu khác biết, sẽ không yên thân.
Hải Linh đã thấy những người bạn khác, tự hào công khai xong liền bị bắt nạt bằng đủ các hình thức tồi tệ.
Chưa kể là, ba mẹ tụi nó sẽ phải tìm cách chuyển trường cho con mình vì không muốn mất mặt với đối tác.
Huống hồ, ba em lại là doanh nhân có tiếng như vậy.
***
Hải Linh cắn răng tiếp tục vờ như mình là một thằng con trai. Sau một tuần, các vết thương lành dần, em tiếp tục đi học như không có gì xảy ra.
Em cao 1m80, thân người gầy ốm, rất được lòng các bạn nữ trong trường. Hải Linh từng vô tình nghe được rằng nếu em không quá xanh xao, chịu tẩm bổ thì hẳn sẽ rất trắng trẻo, càng dễ thương.
Không ai hoàn hảo cả.
***
Hải Linh không có tình cảm với bạn trai nào trong trường. Đơn giản, em chỉ có một suy nghĩ là được làm phụ nữ.
Ba chị em đã có một buổi nói chuyện vô cùng nghiêm túc với nhau.
Anh chị nói không có vấn đề gì với Hải Linh, khuyên em nên dành ít nhất hai năm để chiêm nghiệm lại cảm giác của bản thân. Nếu vẫn muốn trở thành con gái, anh chị sẽ ủng hộ.
***
Vừa xong lớp 11, Hải Linh được anh trai đón sang Mỹ.
Thành phố New York không cởi mở như em nghĩ. Là người châu Á, mà nếu còn công khai chuyển giới thì càng là tâm điểm của sự kỳ thị.
Sau vài tháng đến Mỹ mà vẫn không cải thiện được tâm trạng u uất, Hải Linh bay đến San Francisco tìm niềm vui.
***
Trong buổi triển lãm tranh của họa sỹ Uyên Hà đến từ Pháp, lần đầu tiên Hải Linh mặc đồ nữ ra đường.
Cảm giác được là chính mình khiến Hải Linh run lên. Em chỉ ước là trước đó mình có thể ăn no ngủ ngon, để khi trang điểm lên thì da dẻ đẹp hơn hiện tại.
Hôm đó, em là một trong những người đến xếp hàng sớm nhất. Hải Linh thấy một chị gái người Việt dáng người nhỏ nhắn, cặp mắt bồ câu cười tươi tắn. Chị gái nói chuyện với mẹ mình, cũng là họa sỹ tổ chức buổi triển lãm.
***
Họa sỹ Uyên Hà nói cảm ơn những người tham quan bằng tiếng Pháp. Chị gái là người dịch sang tiếng Anh cho khách tham quan.
Lúc bắt đầu mở cửa, chị gái đến bắt chuyện với Hải Linh bằng tiếng Anh, nói cảm ơn.
- A, em cũng là người Việt.
Giọng Hải Linh trong trẻo.
- Chị là Nhật Linh- Chị gái nói.
Em nhỏ nhẹ nói dạ, em cũng tên là Linh.
***
Ít phút sau, thêm hai chị gái bước lại.
Một người để tóc ngắn, nhìn vào tranh là liền bước vào thế giới riêng, không để ý gì đến xung quanh.
Người kia để tóc mái với chiếc bím dài được thắt tỉ mỉ, rất gầy ốm và có vẻ khá mệt mỏi.
***
Nhật Linh lại ôm chị gái tóc thắt bím, vỗ nhẹ lên lưng. Người kia hơi gục đầu lên vai bạn mình.
Chị gái tóc thắt bím ngước lên thấy Hải Linh đang nhìn mình. Em thẹn thùng quay đi chỗ khác.
Chị gái bước lại gần em.
***
- Chào chị- Hải Linh chủ động nói trước.
- Em đang bị đau gót chân phải không?
Hải Linh há hốc mồm. Chị gái nói trúng phóc.
Xong chị gái tự giới thiệu mình tên là Bảo Linh.
Để hai người bạn ở lại xem tranh, Bảo Linh dắt Hải Linh ra ghế ngồi.
***
Lần đầu tiên, sau gia đình, Hải Linh thành thật nói mình là người chuyển giới với chị gái mới quen.
Em chưa quen đôi giày này lắm, gót chân bị cắt mà mắt cá thì đau ơi là đau.
Chị gái bác sỹ dẫn em vào phòng vệ sinh. Tim Hải Linh đập thình thịch khi thấy chữ Woman.
Bảo Linh đỡ em ngồi lên bệ, tháo giày, sát trùng qua vết thương rồi lấy băng dán cá nhân bọc gót chân lại.
Hải Linh khóc ngon lành.
- Ngoan. Khóc như mèo à- Bảo Linh vỗ về.
***
Mèo liền xin số của chị gái tóc thắt bím. Biết chị gái hiền dịu cũng đang học ở Mỹ, ít nhất Hải Linh đã thấy một lý do để mình ở lại đây.
Vài ngày sau, qua mạng xã hội, Mèo biết được chút chút là chị gái đang đi trên cung đường US 66 với ba người bạn.
Sau đó chị gái biến mất suốt mấy tháng trời.
Hải Linh tuyệt vọng, ngỡ là mình lại bị kỳ thị thì Bảo Linh tự nhắn tin.
[NYC có chỗ nào ngon không? Dẫn c đi ăn vs]
***
Từ đây, Hải Linh mặc nhiên có thêm một người chị cưng chiều mình hết cỡ.
Hải Linh thích được nghe giọng nhỏ nhẹ của chị gái, thích nghe chị gái gọi mình là Mèo, thích cách chị gái kéo dài chữ “ơiii” mỗi khi được gọi. Mỗi khi có chuyện buồn, Mèo bay từ Đông sang Tây, chui vào lòng chị gái khóc và được dỗ.
Thỉnh thoảng, nhóm bạn của chị gái từ châu Âu, từ Việt Nam bay qua Mỹ chơi, Mèo sẽ được các chị lôi đi chung. Ai cũng khen Hải Linh biết cách ăn mặc.
Mèo sống những tháng ngày hạnh phúc, cho đến khi học xong, phải chia tay chị gái để về Việt Nam.
***
Hải Linh phải trở lại thành một thằng con trai, tóc ngắn, sơmi trắng chỉn chu cùng anh chị ruột đi tiếp đối tác.
Mèo tự tìm niềm vui cho mình. Đối tác mà Mèo phụ trách là công ty Vĩnh Uyên Linh của nhà chị gái Nhật Linh.
Mèo cố gắng từng ngày một, chứng minh khả năng của mình với gia đình.
Nhưng ẩn ức của Hải Linh vẫn còn dai dẳng. Dù Bảo Linh có về nước, Hải Linh cũng không vui. Cơn trầm cảm vẫn không buông tha Mèo.
Hải Linh trốn trong nhà, chỉ nói chuyện với chị gái bác sỹ qua video call.
Cho đến ngày ba nói đồng ý với một tâm thế rất miễn cưỡng cho Mèo sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới.
***
Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng những cơn đau hậu phẫu rất kinh khủng.
Chỉ có ý chí kiên cường mới giúp Mèo vượt qua nỗi đau thể xác, cắn răng tập những bài tập phục hồi mỗi ngày.
Trong suy nghĩ của Mèo, được ba đồng ý đã là hạnh phúc nhất đời, không dám đòi hỏi gì thêm.
Hải Linh nén đau, tâm sự mỗi khi có thể với Bảo Linh. Yêu thích cái tên Thùy Linh mà chị gái bác sỹ tặng cho mình. Nhất định đây sẽ là tên mới khi trở về Việt Nam.