Gục ngã thì gục ngã, cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhất là sau khi thử hết mọi cách, kể cả cách ngu ngốc nhất là đánh ngất mình một lần nữa, xác nhận mình không thể trở lại năm 2190. Cuối cùng Cố Bắc Tri cũng có thể bình tĩnh chấp nhận cuộc sống hiện tại.
Cố Bắc Tri nhớ là sau khi phu lang đánh hắn bất tỉnh, liền mang theo nhi tử bỏ trốn.
Mặc dù hắn cảm thấy ca nhi không khác gì nam nhân, thậm chí còn lợi hại hơn nam nhân. Dù sao ca nhi cũng gánh vác trọng trách sinh nở, nhưng ở triều đại này, địa vị của ca nhi còn không bằng nữ tử.
Nếu nói, ngược đãi lớn nhất đối với nữ tử trong các triều đại phong kiến chính là nữ tử có đức có tài mà dốt nát, thì đối với ca nhi là "Sinh ra đã là hạ đẳng".
Đại đa số các ca nhi trong thôn đều trải qua hoàn cảnh như nhau, bọn họ làm việc nhiều nhất nhưng lại nhận được ít tiền nhất. Bởi vì luật đã định như thế, bọn họ chỉ được tính là một người mà thôi.
Về phần Quan Chu, cuộc sống của y khó khăn hơn các ca nhi khác.
Tuy địa vị của ca nhi thấp, nhưng nhân số lại nhiều gấp ba lần nữ tử. Hầu hết những hộ nông gia bình thường không có khả năng cưới nữ tử, đều là cưới ca nhi về làm phu lang. Cho nên chỉ cần gả cho một người lương thiện có trách nhiệm, thì cuộc sống sau này sẽ không quá khó khăn.
Hơn nữa những người nhà này, sẽ không đối xử khắc nghiệt với con cái. Cho nên mặc dù phần lớn ca nhi không được hưởng nhiều phúc lợi, nhưng cũng không cảm thấy quá khó chịu. Về phần làm việc, con nhà nông nào mà không ra ruộng?
Mọi người đều như nhau, nên cũng không cảm thấy khổ sở.
Nhưng nhà của Quan Chu thì khác, nhà của y rất đặc biệt. Gia gia của Quan Chu từng làm quan, cho dù không phải là quan lớn, nhưng trong nhà cũng có chút gia sản. Mặc dù sau này gia cảnh sa sút, nhưng so với các hộ nông gia bình thường khác thì bọn họ vẫn có nhiều bạc hơn, nên người nhà Quan Chu đều cưới nữ tử.
Nếu cưới nữ tử, xác suất bọn họ sinh ra ca nhi là rất thấp, cơ hồ trong 100 đôi phu thê mới có một đôi sẽ sinh ra ca nhi.
Quan phụ vốn một lòng muốn tức phụ nhà mình sinh ra nữ nhi, sau nay có thể đòi nhiều tiền sính lễ. Kết quả Quan mẫu lại sinh ra một ca nhi, nhất thời khiến ông tức giận gần chết, đối với bà không còn yêu thương như trước.
Quan mẫu vốn tưởng mình có thể sinh hạ hán tử, cùng lắm cũng là nữ nhi, không ngờ lại sinh ra một ca nhi "Tam môn tinh". Khiến hán tử nhà bà không còn quan tâm đến bà nữa, thành ra đối với Quan Chu cũng không có tâm.
Cũng may lúc đó phụ thân của Quan phụ là gia gia của Quan Chu còn sống. Ông không muốn thấy nhi tử và con dâu khi dễ Quan Chu, liền đem y về nuôi dưỡng, còn mắng Quan phụ một trận.
Quan phụ cảm thấy mất mặt trước mặt các huynh đệ, trong lòng càng chán ghét Quan Chu hơn.
Lúc Quan lão gia tử còn sống, Quan phụ không dám đối xử quá tệ với Quan Chu, cùng lắm là giả vờ không nhìn thấy. Nhưng khi Quan lão gia tử mất, ông liền thay đổi sắc mặt, đánh mắng Quan Chu.
Còn bắt Quan Chu mới 10 tuổi đi làm ruộng, còn phu thê bọn họ lười biếng trốn ở nhà, lúc đó đệ đệ của Quan Chu mới 6 tuổi.
Bởi vì sinh ra Quan Chu, Quan phụ luôn đối xử tệ bạc với Quan mẫu. Vì thế, bà vô cùng cẩn thận nịnh nọt lấy lòng Quan phụ, cuối cùng bốn năm sau bà lại mang thai.
Trong khoảng thời gian mang thai, Quan mẫu cũng không dám làm kiêu, đặc biệt thành thật, cho đến khi sinh ra một hán tử mập mạp, mới trở mình.
Quan phụ cũng trở nên nhiệt tình săn sóc tức phụ, đối với hài tử càng thêm yêu thương cưng chiều, lại càng cảm thấy chướng mắt Quan Chu.
Quan lão gia tử mất khi Quan Chu mới 10 tuổi. Trước khi mất, ông muốn để lại một ít gia sản cho đại tôn tử, nghĩ Quan phụ sẽ vì tiền bạc mà đối xử tốt với hài tử một chút, nhưng Quan Chu lại cự tuyệt.
Bởi vì phụ thân của y là đồ khốn nạn, mẫu thân của y cũng vậy, bản thân còn quá nhỏ, dù gia gia có tâm muốn cho gia sản, cũng không giữ được, thà không có còn hơn. Quan Chu nhờ gia gia đem tiền cấp cho biểu đệ • Đại nhi tử của Nhị thúc. Bởi vì đại nhi tử nhà Nhị thúc thích đọc sách, muốn sau này quang tông diệu tổ.
Lúc Nhị thúc biết chuyện, trong lòng vừa cảm động, vừa khổ sở. Ông cảm động chính là hài tử còn nhỏ đã có tâm tính tốt như vậy, còn khổ sở là không thể khuyên nhủ được đại ca của mình. Mà trong nhà ông có ba hài tử, đại nhi tử còn phải đọc sách, thật sự không thể nuôi thêm một hài tử nữa.
Quan Chu cũng không nghĩ tới việc để Nhị thúc nuôi dưỡng mình. Phụ mẫu của y vẫn còn sống, không có lý do gì lại ở trong nhà của Nhị thúc. Vì thế những ngày tháng khổ cực của Quan Chu cứ như vậy mà đến.
Có thể nói, từ 10 tuổi đến 16 tuổi, Quan Chu chưa bao giờ có một ngày ngủ ngon, ăn no. Thỉnh thoảng có bữa no, nhưng là do Nhị thúc âm thầm giúp y.
Quan Chu vẫn luôn chờ đợi, đợi đến khi 16 tuổi định thân, gả cho người ta, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phụ mẫu của y còn vô liêm sĩ hơn y nghĩ, có một hộ nông gia trong thôn thấy Quan Chu siêng năng và cần mẫn, nên đến nhà định thân, không ngờ Quan phụ mở miệng chính là 3 lượng bạc, đồng thời đưa ra lý do là Quan Chu gả ra ngoài, ruộng đất trong nhà không còn ai lo liệu.
Năm đó, Quan Chu mới 13 tuổi, còn là một tiểu ca nhi.
Hai phu thê Quan gia quả thực là vô sỉ cực kỳ.
Nhưng ai bảo bọn họ là phụ mẫu của Quan Chu.
--------o0o--------
Còn tiếp