Thanh Xuân Là Hoa

Chương 2: Trại trẻ mồ côi đặc biệt

Trời đã tối đen như mực, An Yên mệt quá đang ngồi gật gà gật gù thì bị ông Tô kéo mạnh cánh tay đứng dậy. Ông ta bế xốc cô bé lên yên trước của chiếc xe 82 rồi ngồi kẹp phía sau, nổ máy phi ra ngoài. Ông Tô đi một quãng không xa lắm, qua một bãi tha ma đìu hiu thì dừng lại trước một dãy nhà xập xệ cũ nát. Dãy nhà chia làm hai khu vực hai bên trông giống như khu trọ cho thuê. Những căn phòng bé xíu với những cánh cửa gỗ lung lay như sắp sửa bung ra. Bức tường nham nhở chỗ trát xi măng chỗ không, lòi cả viên gạch xám ngoét ra ngoài.

Ông Tô ném phịch An Yên xuống đất, đạp chân chống, vẫn ngồi trên xe hét lớn:

- Con Ninh, thằng Khâm đâu ra tao bảo.

Từ hai khu nhà, một đám con nít đủ lứa tuổi tò mò túa ra đứng đông nghịt. Ông Tô đủng đỉnh châm một điếu thuốc, rít được nửa điếu thì có hai thiếu niên tầm chín, mười tuổi có vẻ nhỉnh nhất bọn đi ra. Đám trẻ hiếu kỳ tự động dạt qua hai bên cho hai người đó tiến lên phía trước.

Đứa con gái tên Ninh có mái tóc tém với làn da cháy nắng nham nhở, khuôn mặt lầm lì, hung dữ, thoạt nhìn không có nhiều thiện cảm. Thằng con trai tên Khâm tóc tai bù xù như tổ quạ, dáng vẻ lấc cấc, da đen đúa nhưng đôi mắt sáng quắc như sao. Nhìn thấy An Yên đứng ngơ ngác với đôi mắt mở to như thỏ con, hắn không nhịn được nhếch mép cười với cô bé một cái.

Ông Tô ném vèo điếu thuốc đã gần hết xuống đất, giơ chân dụi dụi cho đến khi nó tắt hẳn rồi chỉ vào An Yên:

- Con bé mới đến, bọn bay chỉ bảo cho nó.

Nói xong nổ máy xe đi thẳng. An Yên đứng đực ra nhìn theo chiếc xe cũ kỹ. Bỗng vang lên tiếng bực dọc của Ninh phía sau:

- Có vào không?

An Yên quay lại, mấy đứa con nít thấy không còn việc gì để hóng hớt đã bắt đầu tản ra ai về nhà nấy. Ninh hai tay bỏ túi quần, dường như đã mất kiên nhẫn với cô. Khâm cũng quay lưng dợm bước về phòng. An Yên ôm túi vải, lật đật chạy về phía Khâm, níu lấy đuôi áo cậu. Khâm ngạc nhiên quay lại. Tiếng Ninh càng lúc càng bực bội:

- Con này bị thiểu năng à? Con gái thì về khu con gái ở chứ.

Khâm nhìn An Yên nước mắt lưng tròng hình như không đành lòng, nói với Ninh:

- Được rồi, mày về lo việc mày đi. Kệ nó.

Ninh hậm hực bỏ đi. Khâm cũng bước về phòng mình, An Yên một mực túm lấy áo cậu, quệt nước mắt đi theo không rời.

Khâm bước vào căn phòng đầu tiên bên dãy nhà dành cho con trai, có hai nam thiếu niên tầm tuổi cậu đang ở trong đó. Nhìn thấy Khâm dẫn theo một cô bé bước vào phòng liền trố mắt ngạc nhiên. Cậu thiếu niên có cặp mắt lanh lợi hài hước nói:

- Lão Tô kêu anh ra để phát vợ hả? Sao không gọi bọn này với.

Khâm hừ mũi không thèm đáp, đi vào định bụng ngồi xuống chén tiếp chiếc bánh mì không. Nhận ra cô bé vẫn đang túm lấy áo mình liền chỉ vào chiếc chiếu rách trải trong phòng:

- Tự tìm chỗ ngồi đi.

An Yên rụt rè tiến về chiếc chiếu rách, thận trọng ngồi xuống, vẫn ôm khư khư chiếc túi vải trong tay. Cậu thiếu niên còn lại trông hiền lành nhất hất đầu về phía cô bé, nhướn mày hỏi Khâm:

- Sao đây?

Khâm vừa nhai bánh mì nhồm nhoàm một cách ngon lành vừa nhún vai:

- Thằng cha Tô vừa đưa đến, mà nó không chịu theo con Ninh về dãy con gái, cứ túm lấy áo tao.

Cậu bé lanh lợi ngồi xổm trước mặt An Yên. Cậu cũng có nước da đen đúa và mái tóc tổ quạ, khuôn mặt vui vẻ thân thiện nên trông dễ gần hơn Khâm. Cô bé tròn xoe mắt nhìn, không một chút cảnh giác hay phòng bị:

- Bé con, da trắng chưa này, mắt to như búp bê. Em bao nhiêu tuổi?

An Yên giơ năm ngón tay, cậu bé trước mặt cô cười tít mắt:

- Anh tên Viện, thằng kia tên Huỳnh, hai thằng đều tám tuổi. Anh Khâm là thủ lĩnh đám con trai ở đây, chín tuổi.

An Yên gật đầu với cậu nhưng không nói gì. Cô quay sang quan sát người tên Huỳnh, nước da trắng hơn hai người kia một chút, má phính phính, môi đỏ, mái tóc đen hơi hơi xoăn. Cậu bé lanh lợi lại nói tiếp, như để làm quen với An Yên cho cô bé đỡ sợ:

- Bọn này đều mồ côi. Còn em?

- Hỏi luyên thuyên! Ai vào đây mà chả vậy. - Khâm hừ giọng, tiếp tục tóm lấy một chiếc bánh mì không trong chiếc túi đen.

Viện bĩu môi:

- Con Ninh kể con Hồng là bị lạc cha mẹ chứ có phải mồ côi đâu. - Sau đấy cậu bé lại quay sang An Yên. - Bé con, đừng sợ, anh Khâm trông khó tính thế thôi nhưng mà dữ như cọp thật. Thỉnh thoảng mới cắn người, còn lại thì hầu như chỉ mắng chửi chứ không cắn. Sau này bé con sẽ quen dần thôi.

Một nửa chiếc bánh mì đáp ngay đầu Viện rồi rơi xuống đất, cậu bé vội vàng nhặt lên, lẩm bẩm về chuyện Khâm làm bẩn đồ ăn quý giá, sau đó gặm luôn nửa chiếc bánh mì đó một cách ngon lành.

An Yên ngạc nhiên nhìn chăm chăm vào mẩu bánh mì đã lấm lem bụi trên tay Viện. Từ đầu đến cuối cô bé chỉ im lặng quan sát và lắng nghe chứ không nói một lời nào. Cậu bé tên Huỳnh cười thân thiện với cô:

- Bé con, sao em lại mặc áo này? Em từ nhà chùa ra à?

An Yên gật đầu xác nhận, mắt lơ đãng nhìn quanh căn phòng bé tí. Ngoài chiếc chiếu rách cô bé đang ngồi và chiếc chiếu mà cậu thiếu niên tên Khâm đang gặm bánh mì trên đó, căn phòng cũng chẳng còn gì khác ngoài cái bàn nhựa cũ kỹ màu đỏ. Trên bàn ngổn ngang mấy chai nhựa đựng nước và vài chiếc áo đã sờn rách. Cuối góc phòng bên kia còn có một chiếc túi kaki màu xanh rêu, An Yên đoán là ba người này đựng quần áo trong đó.

Có tiếng Viện ngạc nhiên vang lên:

- Nhà chùa sao lại bị vào đây nhỉ? Hôm trước nghe bọn nó kháo nhau lão Tô bảo không nhận thêm đứa nào vào đây nữa mà.

- Có danh nhà chùa chắc là dễ xin đồ từ thiện hơn. - Huỳnh đáp lại Viện bằng giọng điệu thờ ơ.

‘‘Bụp’’, một chiếc bánh mì đáp xuống túi vải trước mặt An Yên, cô bé nhìn về phía ba người kia. Khâm nói:

- Ăn đi cho đỡ đói. Chỗ bọn này chỉ có thế thôi.

An Yên quả thật đang kiến bò bụng, mấy hột cơm từ lúc chiều của bà vợ ông Tô chẳng thấm vào đâu. Tiếng cảm ơn lí nhí chưa kịp thoát ra ngoài miệng đã bị tiếng reo hò vui vẻ từ căn phòng nào đó át đi. Khâm ngạc nhiên:

- Gì ấy nhỉ?

Huỳnh cười:

- Chắc bọn thằng Tâm, hôm nay nó trúng đề.

Viện lớn tiếng:

- Đ** m* thằng chó, đ** bảo bố một câu…

- Nào nào! - Khâm lớn giọng cắt ngang, ném vèo chai nhựa trong tay trúng đầu Viện.

Viện biết mình lỡ lời quay sang cười hối lỗi với cô bé đang nhìn mình trân trân. Mấy cái từ ngữ tục tằn này An Yên có bao giờ được nghe đâu.

Huỳnh thở dài, hất đầu về phía cô bé con, nói nhỏ với Khâm:

- Anh tính sao? Bọn mình miếng ăn còn phải lo từng ngày.

- Tạm thời vài hôm cho nó quen đã rồi trả về cho con Ninh. Có là búp bê hay gấu bông thì cũng phải lăn lộn kiếm ăn thôi.

Viện nhìn cô bé đang mân mê chiếc bánh mì không nỡ ăn, vui mừng thông báo:

- Búp bê, đại ca cho em ở đây rồi. Mà em tên gì nhỉ?

- An Yên ạ!

An trong chữ ‘‘bình an’’, yên trong chữ “lặng yên”. Sư cụ trụ trì chỉ mong cô cả một đời bình an, yên yên tĩnh tĩnh tự trong tâm.