Thanh Xuân Là Hoa

Chương 1: Hai lần bị bỏ rơi

Một ngày đầu xuân, trên trang cuối của tờ báo nào đó, xuất hiện một mẩu tin nho nhỏ. Nó nói về việc một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi tại cổng một ngôi chùa nhỏ trong vùng. Sư cụ trụ trì ngôi chùa đã nhận nuôi đứa trẻ tội nghiệp đó, đặt tên cho nó là An Yên.

Năm năm sau, nhờ phúc phần và sự chăm chỉ của sư cụ trụ trì, ngôi chùa đã trở nên khang trang hơn. Các ni cô được sư cụ giao phó cho việc chăm sóc An Yên từ bé đến giờ cũng toàn tâm toàn ý chăm nom cô bé. An Yên ngày ngày cắt tóc húi cua, mặc áo nâu sòng, ăn cơm chay ngày ba bữa, thỉnh thoảng theo các ni cô tụng kinh niệm Phật. Cô bé được các ni cô dạy đọc, dạy viết, dạy đếm, tuy không đến mức thông minh hơn người nhưng cũng nắm được những cái cơ bản.

Một ngày tin dữ báo về, sư cụ trụ trì lâm trọng bệnh, đã qua đời tại một bệnh viện lớn của thành phố. Đám tang sư cụ trụ trì diễn ra ba ngày, do một sư thầy của hội Phật giáo cử đến đứng ra làm chủ. An Yên thấy các ni cô khóc thảm thiết cũng nức nở khóc theo, mặc dù cô bé không có ấn tượng lắm với vị sư cụ đi giảng đạo ở khắp nơi thỉnh thoảng mới về chùa.

Sư thầy do hội Phật giáo cử đến tạm thời giữ chức trụ trì. Việc đầu tiên ông ta làm lại là tìm cách mang An Yên đi. Sư thầy đó nói ông ta lo lắng cho tương lai cô bé, về việc học văn hóa sau này, việc cô bé lớn lên, rồi dựng vợ gả chồng, nhà chùa làm sao lo cho xuể. Sư thầy đã tìm được cho cô bé một môi trường rất tốt, có rất nhiều bạn đồng trang lứa, cô bé sẽ có tương lai hơn khi chuyển đến đó. Các ni cô vốn không có tiếng nói gì, dù cảm thương cô nhóc họ đã nuôi nấng từ bé nhưng cũng không ai dám phản đối một câu.

Tối hôm đó, ni cô thân thiết nhất với An Yên nằm ôm cô bé và lặng lẽ khóc. Bà thủ thỉ dạy bảo cô rất nhiều điều.

Sáng hôm sau, ni cô gọi An Yên dậy thật sớm, tắm rửa sạch sẽ rồi thay cho cô bộ đồ nâu sòng mới nhất. Bà múc hai bát cháo trắng để hai người ăn lót dạ, gói ghém vài bộ quần áo vào một chiếc túi vải cũ kỹ, dắt tay An Yên đi một vòng quanh chùa để chào mọi người. Sau đó đưa cô bé đi bộ ra bến xe. Hai người leo lên một chiếc xe đò liên tỉnh, đi mãi đi mãi. An Yên mệt quá tựa vào người ni cô ngủ thϊếp đi. Khi ni cô đánh thức cô bé dậy để xuống xe, mặt trời đã ở trên đầu họ. Hai người lại tiếp tục đi bộ, ni cô lấy ra một tờ giấy ghi địa chỉ vừa đi vừa hỏi đường. Đến một ngôi nhà khang trang nhất trong vùng, ni cô nhìn đi nhìn lại mảnh giấy. Xác định đúng địa chỉ cần tìm, bà nắm tay An Yên đứng ngoài cổng gọi khẽ vào trong nhà:

- Ông Tô ơi, ông Tô!

Bỗng tiếng chó sủa vang lên từ bên trong kèm theo tiếng người chửi rủa sang sảng. Một người đàn bà phốp pháp, mặt mày sắc sảo mặc bộ đồ bà ba đắt tiền đứng ở cửa lớn nhìn ra. Bà nhìn thấy hai người, lạnh lùng nạt lớn:

- Nhà không có gì để cho đâu. Qua nhà khác mà xin.

Ni cô hấp tấp nói:

- Thưa bà, chúng tôi không phải đi khất thực. Tôi tìm ông Tô ạ.

Tiếng chó sủa váng lên, át cả tiếng ni cô. Người đàn bà trong nhà quát con chó rồi nói vọng ra:

- Nói gì bé tí chả nghe thấy gì cả.

Ni cô ghé sát vào cổng, cố gắng nói lớn để át tiếng gầm ghè của chú chó:

- Có phải nhà ông Tô đây không hả bà?

Phía bên trong lại nói vọng ra:

- Ông nhà tôi đi từ sáng sớm. Có chuyện gì không?

Cặp mắt bà ta dừng lại ở An Yên, ni cô đáp lại:

- Dạ chúng tôi đến có báo trước cho ông Tô rồi, là việc của con bé.

- Chờ đi, chiều tối nhà tôi mới về. Mà đứng xa xa một chút, chó cứ sủa l*иg lên ai mà ngủ trưa được.

Nói xong liền quày quả đi vào trong nhà. Ni cô cúi đầu thở dài sau đó dắt tay An Yên về phía gốc tre cách đó một quãng khá xa. Ni cô cẩn thận tháo dép đặt xuống cho cô bé ngồi, còn bản thân ngồi tạm lên một đám lá khô. Ni cô lấy trong túi ra hai cái bánh bao chay, chia cho An Yên một cái. Sau đó lại lấy ra một bi đông nước, đưa cho cô bé uống. Hai người tựa vào nhau gật gà gật gù đến xế chiều, một chiếc 82 đỗ phịch trước cửa nhà ông Tô. Người đàn ông tướng tá dữ tợn giơ chân đá văng hai cánh cổng sắt ra hai bên rồi phóng xe vào trong. Ni cô lật đật kéo An Yên đứng dậy, chạy lại chỗ cánh cổng vẫn còn đung đưa. Ông Tô đi ra đóng cổng nhìn thấy hai người một già một bé đứng ở đó liền hất hàm:

- Có chuyện gì?

- Thưa ông, tôi đến từ nhà chùa, sư thầy bảo tôi đưa con bé đến chỗ ông.

Tiếng chó phía trong sủa l*иg lên, người đàn ông tên Tô quay vào trong nhà gầm lên:

- Milu, câm miệng.

Tiếng sủa im bặt, chỉ còn lại tiếng gầm gầm gừ gừ. Ông Tô hài lòng hướng ánh mắt về phía An Yên, đưa tay phải ra vẫy vẫy:

- Cô bé, lại đây.

An Yên nãy giờ nấp phía sau ni cô, cuống quýt tìm chỗ trốn. Ni cô đẩy cô bé về phía người đàn ông dữ tợn kia, miệng nói không ngừng:

- Thưa ông, con bé hơi nhút nhát và ít nói nhưng rất ngoan. Nó không được tiếp xúc nhiều với bạn đồng trang lứa, vậy nên…

- Được rồi! - Ông Tô nóng nảy cắt ngang lời ni cô, hơi thô bạo kéo tay An Yên giật về phía mình.

Cô bé con hoảng hốt khóc ré lên, giãy dụa muốn thoát khỏi bàn tay hung dữ đó. Ni cô không đành lòng nhưng cũng không biết làm sao, kiên quyết quay người bước đi sau khi dặn dò một câu:

- Tự chăm sóc bản thân nha con.

An Yên khóc nức nở, nhìn theo bóng lưng của ni cô càng lúc càng xa. Cô bé mếu máo cả khóc cả nói:

- Sư cô, đừng bỏ con. Sư cô, con hứa sẽ ngoan mà. Sư cô, đừng bỏ con lại một mình…

An Yên dùng hết sức bình sinh cố gắng thoát khỏi gọng kềm đang ghì chặt tay mình. Người đàn ông dữ tợn dường như mất hết kiên nhẫn, lôi xềnh xệch cô bé vào trong nhà, ném thân hình nhỏ bé gầy gò ở một góc sân sau đó quát vào mặt cô:

- Im mồm, mày mà bỏ chạy, tao thả chó ra cắn nát cổ họng mày.

An Yên nhìn lên, con chó dữ tợn trong chuồng đang xoay đi xoay lại, gầm gừ hậm hực chỉ mong được mở cửa để nhảy xổ vào xé nát cô. An Yên hoảng sợ lùi ra góc sân xa cái chuồng nhất có thể.

Ông Tô hài lòng đi vào trong nhà, lớn giọng kêu bà vợ dọn cơm tối. Mùi thức ăn bay đến thơm ngào ngạt, bụng An Yên réo lên không ngừng. Bà vợ nhìn cô bé nhỏ nhắn gầy guộc trên sân, thắc mắc:

- Em tưởng mình bảo không nhận đứa nào nữa mà?

Ông Tô chép miệng:

- Là sư thầy lên tiếng nhờ vả, thôi thì nhận một đứa trong nhà chùa cũng dễ xin tài trợ hơn. Mà nghe bảo đứa này ngoan, chắc là nghe lời.

Bà vợ nghĩ ngợi một lúc rồi lấy cái bát con con, xới vài hột cơm trắng, đưa ra trước mặt An Yên:

- Ăn đi.

Cô bé cúi đầu lí nhí nói:

- Cám ơn bà!

Bà vợ gật đầu hài lòng:

- Ngoan đấy, cơ mà ở với đám kia thì rồi cũng thành đầu trộm đuôi cướp cả thôi.

Xong bà quày quả đi vào trong nhà. Ông Tô càu nhàu:

- Phiền phức!

Bà vợ gắp miếng thịt to đầy mỡ vào bát cho chồng, lớn giọng phân bua:

- Làm ơn làm phúc, tích đức cho hai đứa con mình ạ. Lát nữa cho con Milu ăn ít đi một chút là được.

Ngoài sân, An Yên đang lăm lăm nhìn bát cơm trắng, rồi lại nhìn lên chú chó trong chuồng đang dòm mình đăm đăm. Cô bé rụt rè bốc từng miếng cơm nhỏ xíu cho vào miệng. Giọng bà vợ vẫn sang sảng trong nhà:

- Mai mình bảo người kiếm bà ở khác đi, bà kia về quê cả tuần nay chả thấy tăm hơi đâu. Một mình em làm sao lo được cho hai đứa.

Tiếng ông chồng đáp lại qua quýt:

- Ừ ừ, biết rồi, mai nhờ người tìm.