Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 1]

Chương 48

Chương 48: Đời là hư vô
Đồn Bạch Nhật.

Bầu trời hừng sáng. Mây hình, gió lộng. Những bụi cỏ ven đường xao động phát ra âm thanh xạc xào. Sư Thái còn đang bế môn. Tần Thiên Nhân cùng đoàn binh tướng hùng hậu tiến về phía Nam của đồn Bạch Nhật. Thiếu đà chủ dẫn đầu. Kế đến là Khẩu Tâm, Trương Quốc Khải, Lâm Tố Đình. Rồi tới lão Tôn và các vị phó thống lĩnh đại diện cho bang phái Đại Minh Triều. Chuyến đi này chủ yếu là khẩn mời tổng đà chủ tái hồi võ lâm.

Đứng trước cửa hang trang nghiêm, im lìm phong bế. Giang Nam tứ đại hiệp sĩ và các thành viên bang hội đồng loạt quỳ xuống bái lạy ba lần, thành tâm cầu xin Sư Thái tha thứ tội danh đường đột. Họ chỉ vì bí lối mà thất lễ, cả gan mạo phạm nơi dưỡng thương thanh nhàn.

Theo sự thỏa thuận, Tần Thiên Nhân sẽ dùng thuật Nhất Đạt Tâm Kinh hòng liên hệ tổng đà chủ. Nhất Đạt Tâm Kinh là phương trình tâm linh tương thông, một hệ thống luyện tập vật lý và tâm thần hay đại loại là thần giao cách cảm. Cách thức này vốn được sáng lập để dùng làm phương tiện truyền đạt thông tin giữa các tâm thức bằng phương thức khác với năm giác quan thông thường. Năm tri giác đó là thị giác, vị giác, xúc giác, khứu giác và thính giác.

Đôi lời giới thiệu thêm về Nhất Đạt Tâm Kinh. Đấy là một trong những môn võ công thượng thừa của môn đồ Thiếu Lâm. Muốn đạt tới trình độ này thì môn sinh phải có nội công điêu luyện, tĩnh công xuất thần nhập hóa và quan trọng nhất là khí công phải phi thường đến mức hoàn hảo.

Định nghĩa của từ “khí” xoay quanh ngữ hít thở và không khí. Nhưng theo lý thuyết của người tập võ thì khí vốn dùng trong trường hợp mô tả mối quan hệ giữa vật chất, năng lượng và tinh thần. Còn từ “công” tức là thành quả gặt hái của việc tu luyện thể chất. Hai từ này hợp lại để miêu tả các hệ thống hay phương pháp tu dưỡng năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng bên trong cơ thể của các sinh vật.

Nhất Đạt Tâm Kinh được xem như một hình thức trực cảm từ xa. Người đạt được cảnh giới này sẽ có khả năng nhận thức dị thường và sẵn sàng cấu kết tâm linh với các hiện tượng dị thường khác.

Thần giao cách cảm chính là tên gọi thông dụng của Nhất Đạt Tâm Kinh. Bốn chữ đó nghĩa là tương truyền ý nghĩ qua không gian mà không dùng những kênh giác quan thông thường. Nói một cách khác thì thần giao cách cảm là ngoại cảm, một năng lực cảm thụ bên ngoài giác quan.

Kể tiếp câu chuyện. Trong trạng thái điềm tĩnh, Tần Thiên Nhân nhắm chặt đôi mắt, ngồi xếp bằng. Tư thế giống như song bàn của trường phái Phật gia. Hai chân bắt tréo chồng lên nhau theo thế hoa sen. Đôi tay từ từ chắp lại. Chuyển động chậm rãi. Nhịp điệu từ tốn nhằm hỗ trợ sự lưu hoạt của khí và đồng thời khai thông dòng năng lượng trong cơ thể.

Mọi người nín lặng nhìn thiếu đà chủ thiên định.

Tần Thiên Nhân thành công khai mở các huyệt đạo và hình thành dòng đại chu thiên nối các kinh mạch. Chàng cảm nhận nguồn chân khí chuyển động, bay vòng vòng. Dạng năng lượng tiềm ẩn khởi phát bởi sự kết hợp giữa khí tiên thiên và khí hậu thiên của trời đất. Thế gian dường như lắng đọng.

Chưa bắt được tín hiệu.

Thử lại một lần. Vẫn vô tác dụng. Tần Thiên Nhân đành vận công phong bế huyệt đạo và thu hồi nội công trước khi đưa cặp mắt lo ngại nhìn cửa hang. Khẩu Tâm, Trương Quốc Khải, lão Tôn lẫn Lâm Tố Đình ngó nhau rồi bước đến sau lưng thiếu đà chủ.

- Sư Thái trả lời thế nào? – Trương Quốc Khải hỏi, tim đập vội.

Lâm Tố Đình cùng lão Tôn cúi xuống đỡ Tần Thiên Nhân đứng lên.

- Không tìm ra chân khí bên trong hang động – Tần Thiên Nhân lắc đầu.

- Không thể nào! – Trương Quốc Khải cau mày.

Và chàng huơ tay quả quyết với tất cả:

- Trong bang hội chúng ta chỉ có thiếu đà chủ và Sư Thái hội tụ đầy đủ năng lực để truyền đạt thông tin bằng Nhất Đạt Tâm Kinh. Nếu như thiếu đà chủ mà không bắt được tín hiệu thì không còn ai có thể làm được, ngay cả thất đệ Cửu Dương!

Đang ngon trớn, Trương Quốc Khải sực nhớ điều trọng đại bèn quay sang Tần Thiên Nhân:

- Trừ phi…

Trương Quốc Khải thốt xong hai tiếng thì tắt tị. Tần Thiên Nhân hiểu ngụ ý liền gật đầu.

Và trước ánh mắt kinh ngạc tột đỉnh của nhiều người, Trương Quốc Khải đi tới tiếp giáp cánh cửa động Thạch, áp sát tai nghe ngóng. Chàng còn sờ chung quanh khung cửa với dáng vẻ như tìm tòi đầu dây mối nhợ. Lâm Tố Đình nhướng cặp lông mày hỏi Khẩu Tâm:

- Tam ca muốn làm gì?

Khẩu Tâm so vai không trả lời. Lão Tôn đứng khoanh tay kế bên bèn nói:

- Tam đương gia đang tìm dấu vết.

- Dấu vết? – Lâm Tố Đình há hốc miệng. Dấu vết gì? Nàng bị các đại anh hùng hảo hán dẫn từ ngơ ngác này sang ngơ ngác khác.

Lão Tôn điềm đạm đáp từ:

- Dấu vết cửa hang đã bị mở hay phá vỡ.

- Để làm chi?

- Để biết được Sư Thái có còn trong hang động hay không.

- Vậy thì cứ xô cửa là biết ngay.

- Nói như cô nương – Lão Tôn tung hai tay lên trời.

Lâm Tố Đình trố mắt:

- Nói như tôi thì thế nào?

- Thì vô lễ chứ còn sao nữa – Lão Tôn thở một hơi - Nhỡ mà Sư Thái đang chú tâm trị thương, bị làm huyên náo sẽ tẩu hỏa nhập ma ngay tắp lự.

- Sư Thái không còn trong động Thạch! – Tần Thiên Nhân đột ngột lên tiếng.

Lâm Tố Đình, lão Tôn và nhiều thành viên bang hội chết sửng:

- Thiếu đà chủ nói sao?

- Sư Thái không còn trong động Thạch – Tần Thiên Nhân lặp lại câu nói.

Nghe thiếu đà chủ tiên đoán, ai cũng nháo nhào. Trừ Khẩu Tâm. Sau hồi xem xét, Trương Quốc Khải hô to:

- Không tìm ra dấu vết khai phá!

Mọi người thở phào. Riêng Tần Thiên Nhân thì không. Chàng nghĩ “tam đệ bảo cánh cửa còn nguyên vẹn nhưng ta lại không thể sử dụng thuật Nhất Đạt Tâm Kinh để báo hiệu sự tình, như vậy nghĩa là sao?” Rồi chàng lần ra đáp án. Thần quyền Nam hiệp thầm nhủ “chỉ có ba lý thuyết giải đáp. Thứ nhất, Sư Thái tự tiện xuất động và khóa cửa trước khi bỏ đi. Thứ hai là đã qua đời. Thứ ba là có người dùng chìa khóa mở cửa hang.” Suy luận đến điều thứ ba, Tần Thiên Nhân vội gạt bỏ ý tưởng đó vì chàng nhớ rõ rằng chỉ một mình Sư Thái mới có chìa khóa động Thạch. Hơn nữa, cứ cho là chiếc chìa khóa thứ hai tồn tại thì đã sao? Sư Thái võ nghệ siêu nhiên, thích khách không thể nào sát hại một cách êm ái.

Tới phút cuối, trực giác cho biết chuyện chẳng lành. Tần Thiên Nhân vì lo âu mà gác bỏ nghi lễ. Chàng hất đầu ra lệnh. Trương Quốc Khải vội đưa tay đẩy mạnh. Cánh cửa hang kêu cọt kẹt và mở toang.

Giang Nam tứ đại hiệp sĩ, lão Tôn và đám đồ đệ chụm đầu nhìn lối vào hang động. Quan sát chưa đầy năm giây, lão Tôn bảo Tần Thiên Nhân:

- Hang động chật chội, thiếu đà chủ không nên vô. Phiền ngài và mọi người chờ ở bên ngoài để một mình lão phu tra xét.

Biết ông lão lo lắng cạm bẫy đang chờ sẵn bên trong động Thạch, Trương Quốc Khải gật đầu:

- Vậy cũng tốt! Nhưng để tôi đi với ông.

Tần Thiên Nhân định mở miệng phản bác thì Khẩu Tâm nói:

- Được rồi! Thiếu đà chủ và mọi người hãy đứng đây. Đợi bần tăng cùng tam đương gia và lão Tôn vào trong tham kiến Sư Thái.

- Quyết định vậy đi! – Lão Tôn tán thành.

Nói rồi, lão Tôn thò vô tay áo lấy bật lửa trao sát thủ Thiết Đầu Lôi. Khẩu Tâm chúm miệng thổi vài cái. Ánh lửa phựt cháy. Vị hòa thượng hùng hổ dẫn đường. Đi giữa là Trương Quốc Khải, cuối cùng là lão Tôn. Cả ba tiến vào hang động tối om u tịch.

Ngoài kia, các thành viên bang hội tản ra. Chỉ còn Lâm Tố Đình và Tần Thiên Nhân giữ nguyên vị trí.