Những tin tức giải trí mà chúng ta thường thấy nhiều nhất đó là, ai đó đi thử vai rồi bất ngờ được chọn, sau đó thường xuyên xuất hiện những tin tức li kỳ trên khắp các mặt báo của giới giải trí, cũng vì thế mà nhiều người luôn cho rằng các ngôi sao đều là do những nhầm lẫn như vậy mà ra đời, mỗi lần đọc được những tin tức như thế này là tôi lại nghĩ ngay đến bản thân mình. Này, đừng có vội mắc ói thế chứ, tất nhiên tôi cũng đâu có nói rằng mình là một ngôi sao đâu, chỉ là tôi cảm thấy, sau khi tốt nghiệp cấp 3 tôi có thể có được cơ hội học tập tại trường Bắc Ngoại (Đại Học Ngoại Ngữ Bắc Kinh), đây quả thật là một sự nhầm lẫn đẹp đẽ nhất trên thế giới này.
Thời kỳ trung học chính là giai đoạn để cho một con người định hình chỗ đứng cho bản thân mình. Từ thời mẫu giáo ngây ngô không biết gì cho tới thời niên thiếu dương dương tự đắc, có rất nhiều chí hướng sau khi trưởng thành, nhân phẩm và tính cách cũng được gieo mầm tại thời kỳ ấy. Bản thân tôi cũng hiểu được cái đạo lý “có làm thì mới có ăn” ở thời kỳ trung học này, tôi bắt đầu tin rằng, một người có thể chịu đựng được khổ cực thì tới cuối cùng sẽ có được một kết quả tốt, và suy nghĩ ấy đã trở thành một nguyên tắc làm việc của tôi cho tới tận ngày hôm nay.
Vì có được tư tưởng như vậy làm nền tảng, vì để có thể vào học ở một trường Đại học lý tưởng sau khi tốt nghiệp, tôi đã vô cùng chăm chỉ khi mình còn đang học trung học, không những thành tích học tập không tệ mà tôi còn rất tích cực lao đầu tham gia vào tất cả các hoạt động tập thể sôi nổi. Đặc biệt là 3 năm học cấp ba tôi loi nhoi khắp các mặt trận, vô cùng nổi tiếng, khác hẳn với bộ dạng non nớt của tôi khi mới bước vào cấp 2. Mãi cho tới tận khi tốt nghiệp, các bạn học đều công nhận năng lực của tôi, đều rất tin tưởng tôi, lại càng ngưỡng mộ khi tôi được đặc cách thẳng vào trường Bắc Ngoại.
Nhắc tới chuyện tôi được đặc cách vào trường Đại Học Ngoại Ngữ Bắc Kinh, đây thật sự là một sự nhầm lẫn đẹp đẽ!
Thật ra ở thời trung học, môn học mà tôi kém nhất đó chính là Hóa Học, kém nhì có lẽ là Tiếng Anh. Bởi vì những môn khác tôi đều đạt trên 90 điểm, chỉ có Hóa Học là cứ luẩn quẩn mãi ở điểm 80, còn Tiếng Anh cũng mới chỉ lên được tới 90 điểm. Không phải vì tôi không cố gắng, tôi nghĩ có lẽ là do mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Mà sau khi tôi đã dành rất nhiều công sức để ôn luyện Tiếng Anh nhưng vẫn không có chút tiến triển nào, tôi gần như đã tin rằng mình không có khả năng học ngoại ngữ.
Thế cho nên khi sắp tốt nghiệp cấp 3, trường Đại Học Ngoại Ngữ Bắc Kinh (khi ấy vẫn còn gọi là Học Viện Ngoại Ngữ), tới để tuyển sinh cho khoa tiếng Ả Rập, tôi hoàn toàn không cho rằng chuyện này có liên quan gì đến mình. Thứ nhất, tôi cho rằng chuyên ngoại ngữ không phải là thế mạnh của mình, cũng không thích hợp cho hướng phát triển của tôi sau này. Thứ hai, những học sinh học ngoại ngữ giỏi hơn tôi không ít, khi cạnh tranh phỏng vấn thực lực của tôi quá bình thường. Thứ ba, khi ấy tôi còn đang một lòng một dạ suy nghĩ tới việc tương lai sẽ làm một nhà báo ưu tú hoặc là luật sư, không hề nghĩ tới chuyện sẽ thể hiện mình ở mảng ngoại ngữ. Thế cho nên khi thầy giáo thông báo tin tức, khi mà các bạn học đang xuýt xoa chuẩn bị sẵn sàng, thì tôi vẫn đang một lòng một dạ ảo tưởng tới hình tượng vĩ đại của mình khi đang hùng hồn phân trần trước tòa án.
Thế nhưng, sự việc xảy ra quá bất ngờ. Bởi vì khoa tiếng Ả Rập chỉ tuyển sinh viên nam, chọn lên chọn xuống kiểu gì mà tôi lại có tên trong danh sách dự bị, đã thế thành tích tổng hợp còn khá cao. Bố mẹ tôi thì yêu thích trường Bắc Ngoại đã lâu, lại một mực cho rằng những chuyên ngành ít người học sẽ dễ dàng gặt hái được thành tựu hơn, vì thế họ cật lực ủng hộ việc tôi tới phỏng vấn. Thầy cô cũng coi trọng tôi, hy vọng tôi có thể nắm bắt được cơ hội tốt này. Cứ như vậy mưa dầm thấm lâu, tôi đã ngồi trước mặt giáo viên chấm thi của trường Bắc Ngoại.
Có lẽ do trong lòng không có quá nhiều áp lực nên lúc phỏng vấn tôi đã phát huy rất tốt. Diễn thuyết, ngâm thơ, ca hát đều là sở trường của tôi nên tất nhiên sẽ không thể biến thành trò hề được. Cái thú vị nằm ở chỗ, lúc tôi thi Tiếng Anh, tôi không hề cảm thấy căng thằng, nói năng tự nhiên, trôi chảy, phát âm tròn vành rõ chữ, biểu hiện tốt hơn hẳn so với những ngày thường. Ngược với những hạt giống của tổ Tiếng Anh, do họ có tâm lý rằng “nhất định phải làm được” đâm ra cứ lo được lo mất rồi ảnh hưởng tới phát huy, thật sự quá đáng tiếc.
Hơn một tháng sau, tôi nhận được giấy báo nhập học khoa tiếng Ả Rập của Đại Học Ngoại Ngữ Bắc Kinh. Những bạn học biết được chuyện đã tức đến “nổ đom đóm mắt”, than thở rằng tôi đã nhặt được của trời cho. Tôi cầm trong tay giấy báo nhập học, nhưng trong lòng vẫn không thôi hoài niệm về giấc mơ làm nhà báo, làm luật sư của mình, tôi chỉ còn biết than thở rằng :
“Nhầm lẫn, nhầm lẫn thôi mà!”
Thật ra khi ấy, tôi vẫn chưa nhận thức rõ được đây là một sự nhầm lẫn đẹp đẽ tới nhường nào. Về sau, hiện thực tàn khốc đã chứng minh rằng, tôi không thích hợp để học ngoại ngữ, nhưng tôi cũng không hề hối hận khi đã lựa chọn học ở Bắc Ngoại. Ngược lại, dựa vào hoàn cảnh mới, tôi bắt đầu cố gắng tìm kiếm vị trí cho bản thân mình, tôi cũng chưa từng vì những kế hoạch ban đầu giờ đây đang càng ngày càng cách xa tôi mà muốn từ bỏ, trái lại, tôi cảm thấy hạnh phúc khi càng ngày càng nhìn rõ hơn con đường trưởng thành của mình và cũng cảm thấy thật là may mắn khi được học ở Bắc Ngoại. Tất cả những thứ ấy không phải vì khi học ngoại ngữ đã mở ra cho tôi một thế giới kỳ diệu rực rỡ sắc màu, không phải vì thầy cô và các bạn học ở Bắc Ngoại đã giúp đỡ tôi, cho tôi rất nhiều cơ hội, điều quan trọng ở đây là bầu không khí ưu nhã đặc biệt của nơi này, cùng với một môi trường tự do thoải mái đã bồi đắp nên khí chất, xây dựng nên nhân cách con người tôi của sau này.
Tôi tin rằng, nếu như năm ấy tôi không lựa chọn đến Bắc Ngoại thì sẽ không thể có tôi của ngày hôm nay. Những nhầm lẫn của khi xưa biết đâu lại đem tới một kết cục vô cùng đẹp đẽ.
Kỳ thực, trong cuộc sống của mỗi chúng ta, dù là bằng cách này hay cách khác đều sẽ có những chuyện ngoại ý muốn xảy ra. Mọi chuyện không phải lúc nào cũng đi theo chiều hướng mà chúng ta mong đợi. Tôi nghĩ, thay vì cứ ấm ức không vui, than trời oán đất thậm chí là nản lòng thoái chí, vậy chi bằng chúng ta cứ thuận theo tự nhiên, thay đổi theo hoàn cảnh, và nghĩ cách đem những chuyện ngoài ý muốn ấy biến nó trở thành một sự nhầm lẫn đẹp đẽ.