Xoay Người Sống Tốt Trong Văn Niên Đại

Chương 41

Kiều Vi nghỉ ngơi một lát, xoa xoa cánh tay đau nhức, đấm đấm cái eo già, sau đó mới ngồi xuống bàn làm việc, mở ngăn kéo ra.

Buổi sáng lúc lấy tiền, cô đã nhìn thấy trong ngăn kéo có rất nhiều thư từ đã được mở ra mà để lung tung lộn xộn.

Cô tùy tiện cầm một xấp thư lên, quả nhiên là thư do tên kỹ thuật viên kia viết cho Kiều Vi Vi.

Đọc thoáng qua một chút, suýt chút nữa thì hàm răng của Kiều Vi cũng rớt ra ngoài luôn rồi.

Động một cái này vị này đã từng nói, động một cái thì lại là vị kia rồi vị kia đã từng nói. Tuy rằng không thể nói là cảm thấy ghen tị, quả thật là sinh viên đại học ở niên đại này có phần tinh hoa chắc lọc, nhưng cô chắc chắn có thể nói một điều rằng bọn họ là một đám khổng tước xoè đuôi.

Còn xòe đuôi một cách rất nghiêm túc nữa chứ.

Kiều Vi giật giật khóe miệng.

Tuy nhiên, nguyên chủ Kiều Vi Vi lại rất thích cái kiểu này. Ký ức về những lá thư này thật sự là quá sâu đậm, so với ký ức về Nghiêm Lỗi thì càng rõ ràng và mãnh liệt hơn nhiều.

Giống như một dòng suối ngọt ngà đổ vào cuộc sống như ao tù nước đọng của nguyên chủ, khiến cô ấy tưởng như mình đã tìm được một người tri kỉ, vì yêu mà trở nên điên cuồng.

Kiều Vi nhớ rõ những lá thư này được xếp chồng lên nhau, vô cùng ngay ngắn chỉnh tề, lại còn được buộc bằng dây chun nữa.

Bây giờ chúng lại lộn xộn thành ra thế này, không cần phải nói cũng biết chắc chắn là Nghiêm Lỗi đã mở ra mà xem qua tất cả rồi. Trong ngăn kéo hỗn độn như vậy, cho thấy ngay lúc đó anh đã phẫn nộ đến mức nào.

Kiều Vi gom những bức thư đó ra, bao gồm cả giấy viết thư và cả phong bì nữa, sau khi đã chắc chắn là không để sót lại gì, cô mới mang chúng ra cái lò than bên ngoài, chỗ dưới mái hiên.

Khi cái nắp được đậy lại, than ở bên trong cháy cực kỳ chậm rãi, luôn duy trì ở trạng thái “không tắt”, tiêu hao thật sự rất ít.

Vừa mở cái nắp ra, một lượng lớn oxy tràn vào, ngọn lửa đột nhiên bùng lên, so với việc nhóm cửa rồi dùng cái bếp được đắp bằng đất thì tốt hơn nhiều.

Kiều Vi đem những bức thư đó ném vào bên trong, ngọn lửa ngay lập tức bùng lên, nuốt chửng những trang giấy cùng nội dung trong đó.

Nghiêm Tương đứng bên cạnh: “Mẹ muốn nấu nước ạ?”

Cậu bé vừa hay cũng nhắc nhở Kiều Vi, uống nước sôi để nguội rất rắc rối, trước tiên phải đun nước sôi rồi lại để cho thật nguội. Buổi sáng, khi cô thức dậy đã thấy trên bàn có vài bình nước sôi để nguội, nhiều hơn so với đêm qua, vậy nên hẳn là sáng sớm Nghiêm Lỗi đã đun nước xong xuôi rồi mới rời đi.

Cô đi lấy một ấm nước rồi đặt lên bếp lò, cẩn thận dặn dò Nghiêm Tương: “Không được chạm vào, bếp lò và ấm nước đều rất nóng, đừng để bị bỏng.”

Nghiêm Tương ngoan ngoãn đồng ý.

Kiều Vi quay lại thư phòng, mắt nhìn Nghiêm Tương đang tự chơi một mình ở bên ngoài. Loại nhà có sân này rất tốt, chỉ cần đóng cổng lại thì con nhỏ có thể chơi ở trong sân, người lớn thì có thể từ cửa sổ mà nhìn ra bên ngoài. Không sợ nguy hiểm, cũng không sợ bị lạc.

Kiều Vi lấy ra từ ngăn kéo ra một xấp giấy viết thư chưa sử dụng, là loại giấy của quân đội, cầm bút máy chọc vào quai hàm mà suy nghĩ một lát, rồi mới bắt đầu cầm bút viết lên.

Cô sắp xếp lại một số điều mà cô cần phải cân nhắc trong cuộc sống mới này.

Chờ đến khi viết xong, cô ngẩng đầu nhìn ra bên ngoài cửa sổ.

Xung quanh thật yên tĩnh, chỉ có tiếng ve sầu đang kêu ở nơi xa chứ không hề có tiếng ô tô gầm rú.

Nghiêm Tương là một cậu bé rất an tĩnh, khi cậu nhóc ngồi xổm trên mặt đất để chơi một mình thì cậu sẽ không nói lẩm bẩm trong miệng giống như những đứa trẻ khác, mà sẽ chỉ lặng lẽ cầm một đống hòn đá nhỏ rồi xếp tới xếp lui chúng trên mặt đất thôi.

Thời gian cứ thế mà thong thả chảy qua, phảng phất như thể không có việc gì mà phải vội vã cả.

Thời đại này có lẽ là nên như vậy —

Mấy gian nhà trệt lợp ngói, trong sân có một đứa nhỏ.

Vài ba món quần áo trên dây phơi bị gió thổi bay phấp phới.

Cô còn có một thân thể trẻ trung khỏe mạnh.

Giờ phút này, Kiều Vi cảm thấy vô cùng hài lòng với cuộc sống trước mắt — cô không phải bận rộn bôn ba để kiếm vài đồng bạc lẻ, cũng không phải chịu cảnh ngày đêm ốm đau, để rồi hàng đêm khuya chỉ biết đếm tiếng bước chân của y tá vang lên bên ngoài hành lang bệnh viện, tính xem khi nào thì cuộc đời của mình sẽ kết thúc.