Xoay Người Sống Tốt Trong Văn Niên Đại

Chương 31

Thực ra ra ngoài đi dạo như thế này cũng khá tốt, tất cả ký ức về thị trấn này dần dần được khơi ra, rơi xuống đất, từ những cuộn phim biến thành hiện thực hiện ra ngay trước mắt cô.

Đang đi, cô thấy cửa hàng bán lẻ của Cung Tiêu Xã.

Kiều Vi đến từ thời đại sau này, nơi mà hàng hóa vô cùng dồi dào, cô cảm thấy chỉ xách một miếng thịt làm quà tạ lễ thì có chút khó coi. Tuy rằng biết thời đại này thịt thật sự là thứ tốt, nhưng cô vẫn cảm thấy lễ này quá sơ sài.

Dù sao gia đình đoàn trưởng Triệu cũng đã giúp cô chăm sóc Nghiêm Tương vài ngày, hơn nữa còn chăm sóc rất tốt nữa chứ.

Đời sau, nào có ai lại chịu chăm sóc con cái nhà khác như vậy, lại còn không phải là họ hàng nữa chứ. Thậm chí là có khi hàng xóm nhà bên cạnh tên gì họ gì cũng không biết luôn.

Kiều Vi vẫn quyết định đi vào cửa hàng bán lẻ trong Cung tiêu xã xem thử. Cửa hàng rất khoáng đạt, bên trong không nhỏ, nhưng khi bước vào thì chỉ cần liếc mắt đã có thể gần như nhìn thấy hết toàn bộ các quầy hàng rồi.

Thật sự không có gì để mua, hoặc là đáng giá để mua cả. Có quá ít các loại sản phẩm được bày bán, thậm chí trái cây hay đồ hộp cũng không có luôn.

Cuối cùng, Kiều Vi quyết định mua đường đỏ. Bởi vì cô nhớ rõ mẹ cô từng kể với cô rằng khi bà còn nhỏ, bà đã từng được uống nước đường đỏ, ở thời đại đó thì đường đỏ quý giá lắm.

May mắn, khi ra ngoài cô đã mang theo đủ các loại tem phiếu, mỗi loại một ít, trong đó cũng có cả phiếu đường.

Không biết nên mua bao nhiêu, cô mới khiêm tốn hỏi han người bán hàng một lúc. Người bán hàng nhìn thấy cách ăn mặc, trang điểm của cô và Nghiêm Tương thì biết hai mẹ con là người nhà quân nhân. Chị ta nói: “Mua ba mao tiền đi.”

Vì thế Kiều Vi liền mua ba mao tiền đường đỏ, bọc trong giấy dầu, đặt một mảnh giấy hồng lên trên rồi dùng dây nhựa buộc lại.

Sau khi buộc xong, lại thấy Nghiêm Tương đang dùng đôi mắt sáng lấp lánh mà nhìn gói đường kia.

Kiều Vi buồn cười, lục ví lấy ra một phân tiền xu đặt lên quầy: “Chị lấy cho đứa bé này một miếng nữa đi.”

Người bán hàng mỉm cười, bẻ một miếng đường đỏ nhỏ trên quầy hàng nhét vào miệng Nghiêm Tương. Nghiêm Tương ngọt ngào vui vẻ mà cùng Kiều Vi về nhà.

Về đến nhà, Kiều Vi đặt đồ ăn xuống, lấy trong giỏ ra hai miếng thịt. Khi mua thịt, cô đã nhờ người bán thịt cắt nó thành hai miếng, một bên nhiều mỡ một bên ít mỡ.

Kiều Vi nhớ mang máng là hình như thời đại này thịt mỡ được coi là ngon hơn thịt nạc, cô không chắc lắm nên mới hỏi Nghiêm Tương: “Thịt mỡ ngon hơn hay thịt nạc ngon hơn.”

Nghiêm Tương không chút do dự đáp: “Thịt mỡ ngon, thịt mỡ thơm lắm.”

Vừa nói cu cậu vừa lắc đầu: “Không ai thích mua thịt nạc cả.”

Kiều Vi nói: “Được rồi, vậy chúng ta đem miếng nhiều mỡ này đưa cho đoàn trưởng Triệu và dì Dương để cảm ơn bọn họ đã chăm sóc cho Tương Tương nhà ta nhé.”

Nghiêm Tương gật đầu thật mạnh: "Vâng!"

Kiều Vi xách thịt và đường đỏ, lại lần nữa dắt theo Nghiêm Tương ra cửa.

Nhà của đoàn trưởng Triệu không xa, chỉ cách nhà cô có vài bước chân.

Cổng mở, Kiều Vi không trực tiếp đi vào mà đứng ở cửa gọi một tiếng: “Có ai ở nhà không?”

Có người trả lời, trong nhà cũng có bóng người đi ra. Người đó tầm ba mươi tuổi, tóc búi sau gáy, thân hình thon gầy, sắc mặt ám vàng màu đất.

Nhìn bề ngoài cũng có thể đoán được là chị từ nông thôn đến.

Thực ra chuyện này cũng không phải là chuyện hiếm, Nghiêm Lỗi và rất nhiều đồng đội của anh đều xuất thân là nông dân nghèo. Dựa vào một bầu máu nóng và tấm lòng vì nước mới có thể đi được đến được cấp bậc như ngày hôm nay.

Đãi ngộ dành cho bộ đội tốt hơn công nhân rất nhiều, đó là bởi vì đất nước có tư tưởng chỉ đạo “đổ máu càng quý giá hơn đổ mồ hôi”.

Nhiều người ở thế hệ sau chỉ biết đến Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và viện trợ Triều Tiên mà không biết rằng sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đất nước này đã phải trải qua vô số cuộc chiến tranh lớn nhỏ do xung đột chính trị.

Giống như một câu nói trên mạng, không có thời khắc nào là yên ổn cả, chỉ là đã có người khác thay bạn gánh vác trọng trách mà thôi.

“Chị dâu.” Kiều Vi ngọt ngào gọi một tiếng rồi dẫn Nghiêm Tương vào trong sân.

Nghiêm Tương chào hỏi lễ phép: “Chào dì Dương ạ.”

"Ôi chao." Chị Dương dùng tạp dề lau tay rồi đáp: "Tiểu Kiều về rồi à. Hai người ăn sáng chưa? Chị làm bát mì cho hai người nhé?"

"Không cần, không không, em ăn rồi." Kiều Vi nói.

Nghiêm Tương lớn tiếng nói: “Dì Dương, cháu với mẹ đi qua khu tập thể ăn hoành thánh á.”