Cà Phê Cùng Tony

Chương 31: Chụy Lái Đò Của Em...

Hôm nọ, Tony đi cà phê với Mr John, giám đốc một công ty thức ăn chăn nuôi. John nói tao phỏng vấn tuyển nhân viên, có 3 ứng viên đều đạt tiêu chuẩn. Tao chờ thử khi về nhà, coi ai gửi thư cám ơn thì sẽ nhận vô làm. Dù sao cũng vài dòng “cám ơn đã dành thời gian phỏng vấn tôi’ như là một phép lịch sự. Chờ miết hẻm thấy đứa nào gửi. Nên phải phỏng vấn tuyển tiếp...

Tony nói thôi mày khùng quá John. Tết Công Gô cũng không tìm ra. Kiếm đại đứa nào mới ra trường, mặt mũi thông minh lanh lẹ, hạc trường nào cũng được, miễn là có đọc Tony Buổi Sáng thì đều là đứa khá về mặt tư duy và đạo đức, rồi đào tạo nó về mặt chuyên môn, ươm trồng rồi hái quả.

Nói mới nhớ. Có mỗi cái hậu thư (follow-up letter) hay cái thư cám ơn (thank-you letter), sao người mình ít ai biết. Nhiều bạn kém một chút, nhưng phỏng vấn xong, khi về gửi một thư cám ơn. Nhờ cái thư đó mà được nhận vào làm, vì thể hiện sự chỉn chu, tinh tế, biết trước biết sau. Thể hiện con nhà có giáo dục tốt từ cha từ mẹ về lòng biết ơn. Còn cũng có thể loại thô lỗ, đi tới nhà người ta đãi ăn đãi uống đã đời, về xong im thin thít. Hẻm có nổi cái tin nhắn “đã về nhà an toàn, cám ơn Tony đã cho em ăn bữa tối hôm nay”. Thiệt buồn hết sức, Tony cũng chỉ lo đi đường có sao không. Đi công tác nước ngoài cũng vậy, lúc ra sân bay ở bển thì ôm hôn tạm biệt thôi là tạm biệt, nhưng về nước thì im re, hẻm có nổi cái email “thanks for your hospitality”. Đi về phải gửi thư nói đã về nhà an toàn, cám ơn thời gian mày tiếp đón tao ở Shanghai chớ. Phép lịch sự tối thiểu này, sao không ai dạy tụi nhỏ cả. Để ra quốc tế, người ta coi thường, nói người Việt thực dụng thế này vô cảm thế kia. Lúc trên sông thì ngon ngọt với cô lái đò, qua sông là phủi đít cái rẹt. Vài bữa đi đò lại thì lại năn nỉ ỉ ôi, em chào chụy, chụy lái đò của em.

Ngày 20/11 thì chỉ đi thăm thầy thăm cô lúc đang còn hạc lớp của họ, chứ hạc xong là quên luôn, gặp ngoài đường giương mắt ếch ra nói ông này bà này nhìn quen quen à nha. Lúc cần xác nhận bảng điểm hay bằng cấp hay thư tiến cử đi xin học bổng gì đó, thì lại vác mặt đến nói cô nhớ em hem, làm là Tèo lớp cô ngày xưa nè, giả lả kể kỷ niệm này kỷ niệm kia. Nhiều thầy cô ký đại cho xong chứ chẳng biết nó là ai, và nó cũng chẳng cần gì ngoài cái chữ ký ấy. Nuôi mèo nuôi chó thì bắt nó ăn phân, bắt giữ nhà,…nổi cơn thèm đạm lên là ông chồng lấy chày đập phát chết tươi, bà vợ cạo lông rồi bỏ vô nồi luộc, hai vợ chồng ngồi ăn nói sướиɠ mồm ghê nhỉ. Cái đuôi hay vẫy này, em hầm em ninh với đỗ đen ăn cho bổ. Cái tay hay bắt này, rựa mận nhá anh. Cái lưỡi hay liếʍ chủ nè, để chụy xắt mỏng làm nộm hoa chuối. Cái tư tưởng “nhân dưỡng vật, vật dưỡng nhân” từ Trung Hoa đã lây lan sang biên giới, rồi phát triển mạnh mẽ dưới hoàn cảnh đói kém ở nông thôn thời phong kiến, nay ở thành phố người ta lại muốn phục hưng cái hủ tục lạnh lùng ấy, một cách vô cảm và vô ơn.

Cũng có thể loại người, cả chục năm không gọi không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi, nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn lớp 7 của mày nè, nhớ hông nhớ hông. Thì y như là: 1-mượn tiền, 2-mời đám cưới, 3-nhờ vả gửi con gửi cháu. Tony gặp thể loại này là từ chối thẳng, nói cho mày mượn tiền rồi sao lấy lại được. Hổng lẽ chục năm sau mày lại xuất hiện rồi trả? Nó giận dỗi, nói mày không coi trọng bạn hạc gì cả. Tony nghĩ bạn gì cũng vậy, phải có tình có cảm, có gặp gỡ với nhau, giao lưu với nhau, chứ chỉ xuất hiện lúc cần, biến mất, rồi lại xuất hiện, thì mối quan hệ đó để làm gì. Tốt nhất là dẹp cho xong. Mình chỉ có 24h trong ngày, đi làm hết 8 tiếng, ngủ hết 8 tiếng, chỉ còn có 8 tiếng còn lại và có tới 7 tỷ người trên trái đất này. Hãy dành thời gian cho người xứng đáng.

Nhiều người chả rõ tôn giáo mình là gì, lâu lâu đến chùa đến miếu là để xin. Xin tiền, xin duyên, xin thi đậu, xin cho con lấy được Tèo Đô La để con có tiền đô con xài, cho con trúng số... toàn xin với xỏ, chứ giáo lý Phật pháp một chữ không biết, chẳng biết cái miếu đó thờ ai. Mua chim thả phóng sinh, thả cá thả rùa, trong khi trong tâm thì chẳng bao giờ làm điều tốt, chẳng thương người, sống ích kỷ, chỉ biết cho mình, vun vén cho bản thân và gia đình mình, còn ai thì mặc kệ.

Nhóm người này đều không thành công cả công việc lẫn cuộc sống vì thánh thần và người phàm chẳng ai yêu thương cái thể loại thực dụng ấy. Có những đám cười, mời 20 bàn mà chỉ có 5 bàn là có khách đi, 15 bàn còn lại vắng hoe ruồi bay qua bay lại. Thì ráng chịu chớ buồn bã làm gì? Sao không ăn ở như bát nước đầy đi, thì làm gì có chuyện cô dâu và chú rể ôm nhau khóc vì lỗ chỏng gọng sau đám cưới?

Ban đêm về, ngồi đếm tiền, rồi cãi lộn, chú rể mắng nói tại em mời khách mà khách không đi, cô dâu cũng nói tại anh. Đổ qua đổ lại..

Rồi động phòng không xong, biến thành động thủ. Quánh nhau rầm rầm, mặt mũi sưng húp...

Nhưng sáng phải dậy sớm, đôi uyên ương phải dậy thật sớm, ngồi ăn cho hết 15 phần thức ăn nhà hàng gói mang về.

15 cái lẩu. Má ơi.

Ăn muốn trào bảng họng...

Ngày 09/06/2014

Tích & phân

Rất nhiều nước hiện nay đã áp dụng giảng dạy Kinh tế học cơ bản cho học sinh phổ thông. Từ lớp 5 đã có môn “em học kinh tế” với các ví dụ đơn giản về việc bỏ ống heo (lợn đất). Lên cấp 3, những khái niệm trừu tượng hơn một chút, như lạm phát, cung cầu sẽ được dạy. Như ở Mỹ hay Đài Loan, học sinh phải nắm được 51 khái niệm kinh tế học căn bản trước khi tốt nghiệp tú tài. Nên lớp 12 xong, có thể đi làm, có thể giúp gia đình làm ăn, cũng có thể tự mở một quán ăn hay cà phê nhỏ kinh doanh mà không phải vật lộn với quản lý. Vì đã nắm vững được các nghiệp vụ kế toán đơn giản, giải được bài toán doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Cũng biết làm marketing và thuê mướn lao động. Có thể tham gia chơi chứng khoán, đầu tư, và đọc báo hiểu hết mọi khái niệm từ GDP đến thắt chặt tiền tệ, kích cầu...

Ở Việt Nam, Tony nghĩ cũng nên dạy môn này từ năm lớp 9. Giáo viên khỏi tìm đâu xa, các bạn tốt nghiệp cao đẳng, đại học kinh tế, học thêm nghiệp vụ sư phạm là dạy vô tư. Có rất nhiều bạn học xong lớp 9 mà không có điều kiện học lên, nhất là ở nông thôn, và hàng năm có hơn một triệu thí sinh đại học cao đẳng, nhưng chỉ có 5-6 trăm ngàn chỉ tiêu trong giảng đường. Do đó việc cung cấp kiến thức kinh tế học căn bản như vầy, sẽ giúp xã hội có thể có nhiều công ăn việc làm hơn, các bạn có thể tự mình mở ra các cơ sở sản xuất kinh doanh nho nhỏ nếu chọn con đường lập thân không phải là đại học.

Nên theo quan điểm của Tony, sách giáo khoa của mình phải cắt giảm nội dung tất cả các môn, chỉ giữ lại 2/3 thôi. Khỏi đổi mới chi cho tốn tiền, các kiến thức trong sách của mình cũng rất hay, nhưng quá sức nặng đối với những bộ não 16-17 tuổi, ở giai đoạn chưa phát triển hoàn chỉnh. Người có trí nhớ xuất sắc và học rất giỏi như Tony mà còn phải toát mồ hôi hột để học hết các môn

ngày xưa nữa là. Nên giờ vẫn ám ảnh ngày mai đi thi mà không có chữ nào trong đầu, giật mình thức giấc và nhớ là mình đã là thạc sũy tại chức. Thế là nửa đêm ngồi dậy, pha cà phê uống, thấy mừng.

Thật ra Tony hiểu vì sao các bác giáo sư tiến sĩ soạn sách đã phải soạn nhiều như vậy. Rất là tâm huyết và đáng trân trọng. Vì ngày xưa, kiến thức rất khó tìm. Chỉ nằm trong sách, trong thư viện các thành phố lớn, các trường các viện đại học lớn và người ta phải nhớ mọi thứ. Nên phải cộng điểm cho học sinh nông thôn vì ít cơ hội tiếp cận kiến thức. Nhưng, bây giờ kiến thức nằm hết trên mạng, trong file máy tính, truy cập phát ra ngay, nên các nước đã phải thay đổi chương trình học phổ thông sau khi máy tính và internet ra đời. Học sinh chỉ cần nhớ những gì hết sức quan trọng, và PHƯƠNG PHÁP tìm kiếm tài liệu. Vì chữ nghĩa rồi cũng sẽ rụng rơi hết theo thời gian, kiến thức mới lại bổ sung liên tục, nên có phương pháp tìm kiếm thông tin tốt sẽ giúp ích cho các bạn trong cuộc sống sau này. Làm ngành nghề gì cũng cập nhật được cái mới.

Nên cắt giảm chương trình để các bạn có thời gian đầu tư cho ngoại ngữ. Ít nhất là kỹ năng đọc vì nhiều tri thức nhân loại trên mạng bằng tiếng Anh. Mình nên bổ sung hai môn Kinh tế học và môn Đức dục. Còn thời gian cho tụi nó chơi thể thao thể dục cho khỏe mạnh tráng kiện, chứ học chữ chi từ mờ mờ sáng đến 11 giờ đêm mới xong, thời gian đâu để cho nó lớn. Con gái cũng phải cho nó thời gian sửa soạn tí. Con trai cũng phải tập luyện tí cho cơ có bắp. Chứ đứa nào tay chân cũng teo tóp, mắt lồi ra với cặp kính cận nặng trình trịch. Học gì mà học lắm thế. Cháu gái của Tony, 12 năm học sinh xuất sắc (cả trường nó chỉ có một đứa học sinh tiên tiến), tính số mol, cos sin, lim log, ô mê ga tê cộng phi gì cũng thành thạo, thi đại học những 25-26 điểm. Năm một vừa vô Sài Gòn thuê nhà trọ, bị bà chủ nhà lừa ngay 500 ngàn tiền đặt cọc, do đưa tiền mà không ghi biên nhận. Đi mua tủ quần áo, xong ra kêu ông xe ba gác gần đó chở về, cho địa chỉ nhà trọ rồi chạy về trước, ngồi chờ tới chiều không thấy đâu. Quay lại thì cửa hàng nói ông ba gác nào họ đâu có biết, cô kêu từ ngoài đường thì cô phải chạy theo hướng dẫn người ta, áp giải người ta về đến nhà chứ. Rồi có lần cầm một triệu cho đi đóng tiền học ngoại ngữ, ghé mua ổ bánh mì móc ra chi trả sao đó mà lên trung tâm chỉ còn có 800 ngàn, đứng khóc vang dội…

Bị mất tiền miết nên khóc miết. Lần nào nhìn thấy nó khóc cũng thấy thương. Nước mắt nhòe cả cặp mắt kính cận 5 đi-ốp, lăn dài trên gương mặt toàn mụn bọc xếp thành những vòng tròn nội tiếp. Mặt mũi hốc hác, chỉ còn thấy mỗi cái “nguyên hàm”. Cũng tội nghiệp, suốt ngày cứ cặm cụi, toán thì “tích phân”, văn thì “phân tích” đến 1-2 giờ khuya.

Nên Tony bèn rủ nó tốt nghiệp xong, đi bán “cái hàng hóa Tony đang kinh doanh” để “tích” tiền, đi Hàn Quốc sửa mũi và hút mụn.

04/06/2014

Trỏ đàng đi buôn

(Bạn nào muốn giàu vô đọc hỉ)

Dượng thấy ở chợ Phúc Xá Hà Nội, một kg cua đồng giá tới 200 ngàn. Mà con cua bé tẹo. Trong Sài Gòn chỉ có 60 ngàn/kg. Mà hẻm chở ra được vì xa là nó chết. Nên các bạn ngoài đó, có thể đầu tư nuôi cua. Con cua nó nhạy cảm với nắng nóng và trời rét, nên mình đầu tư quy mô công nghiệp. Trong miền nam, sản xuất nông nghiệp thường là nông trại lớn, nên dượng thấy thịt cá ngoài bắc nhìn chung ngon hơn, do gà đồi cá ao rau vườn. Tuy nhiên, giá lại quá đắt đỏ so với thu nhập của người dân bình thường ở đấy. Với tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa các làng quê, các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều…thì nông sản sẽ chắc chắn không đủ với cách làm nhỏ lẻ như vậy nữa. Vận chuyển từ miền nam ra những 2000 kilomet so với 300 kilomet từ biên giới, do đó hàng cung cấp từ Trung Quốc sẽ có giá cạnh tranh hơn. Vì ở sát biên giới, ở Vân Nam và Quảng Tây, các nông trại khổng lồ trong đủ thứ cây nhiệt đới và á nhiệt đới, nuôi đủ thứ từ cá tầm cá hồi cá quả đến gia súc gia cầm, quy mô lớn nên chi phí sản xuất nhỏ, giá rẻ. Nên nguyên tắc giao thương, nước chảy về chỗ trũng là bình thường nếu chúng ta không tự nâng nền cao lên để nước khỏi tràn vô.

Các bạn đi xa chút, Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai…lập dự án đầu tư nông nghiệp đi. Sắp có cao tốc hết rồi, vận chuyển về Hà Nội hay Hải Phòng sẽ dễ dàng. Mùa hè lắp máy phun sương, lưới chắn nóng. Mùa đông dùng bóng halogen sưởi ấm. Chứ dượng thấy trên phố Hà Thành, công ty nào cũng trưng bảng hiệu làm nghề Tư vấn, Tài Chính, Chứng Khoán, Bất Động Sản, quảng cáo truyền thông, bán quần áo Trung Quốc... xen lẫn với các quán miến gà miến ngan bún riêu bún chả?

Các bạn nói nông nghiệp bấp bênh lắm, có lúc đổ đống không ai mua. Quy mô lớn, sẽ có bộ phận marketing, họ sẽ phải liên hệ với các siêu thị, các chợ bán sỉ, các thương nhân xuất khẩu, các nhà máy chế biến…nên không có chuyện nông trại nào ở miền Nam phải đổ bỏ cái gì đó cả. Dội chợ là họ đem đi cấp đông, làm mứt hay sấy khô liền. Họ tham gia mọi hội chợ triển lãm, nên khách càng ngày càng đông, họ càng mở rộng quy mô sản xuất. Còn nông dân tự sản xuất thì do thiếu thông tin nên mới có chuyện phải đổ bỏ như vậy. Cho nên làm nông nghiệp, phải có đầu ra. Đi tiếp thị xong rồi mới mở rộng. Đầu tư bộ phận marketing và sales. Còn không, làm quy mô nhỏ thăm dò trước. Ví dụ: nuôi cua quy mô lớn, liên hệ các chợ bán sỉ các tỉnh thành, các nhà hàng lớn, thậm chí nhà máy đông lạnh nơi gần nhất trong trường hợp hàng bị thừa nguồn cung mà cua ngày mỗi lớn, mình có thể đông lạnh gửi nhà máy trữ giùm. Kinh doanh là phải sáng tạo và bươn chải ghê lắm.

Đừng có phù phiếm mấy cái ngành kia. Cũng đừng cố bám trụ 5 cửa ô. Tích tiểu thành đại, chín xu đổi lấy một hào. Sĩ diện chi. Nếu trí tuệ mình thật sự cao siêu thì hạc lên, còn không, biết đọc biết viết biết tính toán rồi kiếm tiền nuôi cha nuôi mẹ giúp đỡ người thân. Chứ hạc cao làm chi mà thất nghiệp? Lỡ thạc sĩ mà xin không ra việc, thì cái thạc sĩ ấy có nghĩa lý gì không? Cha mẹ nuôi mình tới 18 tuổi là được rồi, sao còn ép những tấm lưng gầy còm ấy nuôi mình đến 5 năm cử nhân, 3 năm thạc sĩ? Rồi thất nghiệp, tiếp tục ép cha mẹ bóp mồm bóp miệng dưới quê gửi lên thành phố nuôi nữa? Sao mình bất tài vô dụng vậy? Sao không đi xa xa chút mà mần, không thì về quê tổ chức sản xuất kinh doanh. Sợ gì mà không đi? Hay làm biếng? Chả có gì nhàn hạ mà kiếm nhiều tiền cả. Như dượng nè, cũng có hạc hòm hạc vị chứ không phải không có, nhưng vẫn bỏ đi trồng nấm trồng hoa, vì thấy thị trường lớn. Nếu giờ dượng đi bán rau ngoài chợ vẫn làm, chả sợ ai. Gương mặt thanh tú và đôi tay búp măng ấy sẽ gói rau thoăn thoát, nụ cười sáng bừng cả góc chợ. Ai khinh kệ mẹ nó. Việc mình mình làm, hơi đâu để ý. Mình có ăn cắp tiền của ai đâu. Mình cũng có ăn bám của ai đâu. Đứa nào nó khinh mình, mình ra tay liền cho dượng. Trai thì bóp vái, gái thì bóp dú. Chỉ thẳng vào mặt nó. Nói tao làm gì kệ tao, miễn là lương thiện, nhé. Nó sẽ sợ hãi, sẽ nể mình ngay.

Dượng đọc báo cáo tài chính các công ty, thấy bắt mệt. Có tiền mà, có trăm triệu đô la thì hãy đầu tư trung tâm R&D để phát triển công nghệ chớ. Cứ chực đánh quả không. Vẽ vời chi mấy cái viển vông dự án, cổ phiếu cổ đông gì đó rồi người ta lao vô thì úp sọt hết. Nền kinh tế gì cứ ở chung cư, biệt thự nghỉ dưỡng và mua qua bán lại cổ phiếu vậy?

Phải sản xuất và sản xuất, chưa đủ trình làm ra smartphone như Hàn Quốc thì phải đủ gà vịt để ăn. Chứ 70% dân số nghề nông mà gà cũng nhập, bò cũng nhập, heo cũng nhập, tăm xỉa răng cũng nhập? Mình hay nói “phi thương bất phú” nhưng không đúng đâu. Hiểu sai nên nhà mặt tiền nào cũng “thương” để mà “phú”. Cả xã hội chỉ mua qua bán lại, toàn hàng Tàu. Hạc sinh giỏi chọn vào kinh tế ngoại thương ngân hàng chứ hẻm chịu vô cơ khí điện tử hóa chất. Đứa nào ra trường chỉ chực xin việc chứ hẻm chịu mở cái lò rèn, giả dụ, hạc cơ khí ra, làm cuốc xẻng để lên mạng quảng cáo xuất khẩu. Mấy nước ôn đới họ vẫn nhập cuốc xẻng để làm vườn và xúc tuyết từ Thái Lan đấy thôi. Lê Quý Đôn nói “phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phí trí bất hưng, phi nông bất ổn”, tức nếu muốn giàu có, phải làm công nghiệp. Nếu muốn ổn định, phải đầu tư nông nghiệp. Muốn hưng thịnh đất nước, phải đầu tư giáo dục. Và muốn xã hội nó nhộn nhịp, người dân lanh lợi… thì phải có giao thương.

“Phi công” nghĩa là “không công nghiệp”, chứ hẻm phải nghề lái máy bay. Nghe phi công bất phú, tưởng nghĩa đen thì mệt nha. Các bạn gái trong CLB con dượng thấy thằng nào làm nghề phi công, nó mê mình1 cái thì gật đầu chịu liền. Lấy liền liền cho dượng. Nó giàu lắm, khỏe mạnh ít tốn tiền thuốc thang bệnh tật…

Vui lòng đọc lại bài này một lần nữa trước khi bấm nút Like. Ông bà mình nói “Cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”, vì người ta sợ trỏ xong, đứa kia giàu có hơn mình. Trừ Dượng.

Vì Dượng giàu quá…