Em có dịp đi Hà Nội bằng máy bay. Xong thì em quay về lại thành phố. Làm thủ tục xong và vào phòng chờ sân bay Nội Bài, em vừa yên tọa, bỗng giật mình bởi tiếng của một cô gái mặc áo dài xanh đứng núp trong cánh cửa, tay cầm cái mi cờ rô: “Nây đi èn gen tờ mìn, Việt nam è lãi, phờ nai năm bờ Vi En Oanh Oanh Phò... hát bin đì lây.”(đoán là Ladies and Gentlemen, Vietnam Airlines, Flight Number 114 had been delayed.). Một cậu tre trẻ ngồi bên cạnh em liền chửi thề bằng tiếng Mỹ fax you man. Cậu lầm bầm nên đổi tên là Đì Lây È Lãi cho rồi. Lầm bầm xong, cậu móc điện thoại gọi điện cho người thân để thông báo. Cậu nói biết thế thì đã đi Jet Sờ Ta Pa Si Phíc È Lãi. Em xếp cậu này thuộc nhóm rành sinh ngữ hay đang mần cho công ty nước ngoài, vì thấy nói chuyện không có câu nào mà đầy đủ tiếng Việt. Ví dụ một câu của cậu này là “Ối giời ơi nó lại đì lây (delay) rồi, nên em nâu nít (no need) ra đón anh sớm, khi nào có i xác thai (exact time) anh sẽ còn phơm (confirm) lại”.
Mấy cô mấy cậu khác thì em thấy đang chúi mũi vào cái lap tóp chắc để oánh gem chát chúa hay dạo chơi trên mạng, la hét om sòm cười nói như ở nhà riêng. Em xếp vào nhóm rành tin học.
Trong một góc, các bô lão đang hãnh diện kể cho nhau nghe về con A, thằng B của tôi... đang làm gì ở Sài Gòn. Lâu lâu vẫn quy thóc giá vé máy bay rồi chép miệng. Em xếp vào nhóm phu huynh có con cái Nam tiến, làm ăn có chút tiền muốn báo hiếu bằng cách ép các cụ sử dụng phương tiện giao thông hiện đại cho biết.
Một nhóm mấy bà mấy cô vội vã chạy vào quầy để mua sắm chè xanh, mơ, sấu, bánh đậu xanh..., mấy cô mậu dịch viên mặc áo dài hồng vây quanh tươi cười tiếp chuyện. Em xếp vào nhóm Hãy chọn giá đúng.
Phần lớn hành khách đắm chìm và say mê nhắn tin qua di dộng, lâu lâu lại cười hi hí. Với một số người Việt, ĐT di động là báu vật, cứ mấy phút phải móc ra coi một lần, thấy không có ai nhắn tin thì lại bỏ lại vô túi quần. Em xếp vào nhóm Đam mê Truyền Thông.
Vài ông nhìn da trắng meng méc chắc Đài Loan, Trung Hoa gì đó đang nói cười với mấy cô em xinh đẹp gốc Miền Tây, nói về Hở Nei, Xia Lỏng Wạn (Hà Nội, Hạ Long)...Mấy cô em hạnh phúc ra mặt sau chuyến trăng mật. Em xếp vào nhóm hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Một nhóm say mê nhìn màn hình tivi đang phát chương trình gem sô gì đó thấy người chơi chạy nhảy lung tung và hai MC ra sức lùa người chơi vào cái ô cho đúng luật, dạo này gem sô nhiều quá không biết cái nào là cái nào. Kết luận: Nhóm văn hóa nghe nhìn.
Mấy khách du lịch ngoại quốc mắt xanh đang ngồi thành một góc. Tất cả im phăng phắc và mỗi người một cuốn sách trên tay. Để ý thấy Tây hay đọc sách trong sân bay, nhà ga, phòng chờ... cứ có thời gian rỗi là họ đọc. Cảm giác bình thường không nôn nóng mấy. Em xếp vào nhóm cộng đồng văn hóa đọc, không thấy người Việt nào trong nhóm này, từ lâu rồi em không thấy người Việt nào đọc sách ở chốn công cộng.
Đợi lâu quá nên cậu trai rành sinh ngữ mon men tới ngồi cạnh đám khách Tây chắc để thực tập sinh ngữ. Cậu hỏi ngay một bà Tây rất già đang run run cầm sách (Chắc bị Parkinson nhưng cũng bon chen vui thú reading) “hoe oa ziu phờ zôm? –đoán là where are you from”. Bà Tây có vẻ bị làm phiền nhưng cũng mấp máy trả lời cho nó có văn hóa với người bản địa...
Quan sát tới đây thì đã quá mệt, em bèn ngủ gục.
Ngày 05/06/2013
Đói thì cho sạch...
Ai đã từng học qua môn Marketing căn bản đều biết đến Philip Kotler. Hiện ông đang dạy bên đại học Northwestern, Chicago.
Năm 2007, giáo sư Kotler sang Việt Nam để giao lưu, nôm na là đi dạy cho các doanh nghiệp Việt Nam biết làm thương hiệu. Học phí cũng đâu có ít, vài trăm USD/ngày, nhưng thôi cũng ráng ăn khoai ăn cỏ để tham gia. Có cả ông tây bà đầm học nữa. Trong lúc cao hứng, ông có đề nghị Việt Nam tìm một thương hiệu quốc gia, ví dụ như là cái nhà bếp của thế giới (kitchen of the world) chẳng hạn. Học trò ngồi dưới xôn xao, hay quá hay quá. Chưa nước nào nghĩ ra. Một Amazing Thailand hay một Truly Asia cũng chẳng thể sánh bằng. Rồi đây, thế giới sẽ biết tay ta. Muốn ăn thì thì lăn sang nước Việt...
Nghe đến đây, Tony liền bỏ học, chạy ra ngoài reo lên Eureka (nhưng hem có nude)! Thì ra, anh ấy đã tìm được công thức làm giàu cho bản thân mình (xong phần mở bài).
Vô thân bài nè: Thật ra cái Tony nghĩ cũng chẳng có sáng tạo gì, kiểu xe công nông cải tiến. Tony nghĩ Việt Nam có thể mang thương hiệu “nhà tắm của thế giới” (bathroom of the world) được hông?. Thôi thì bố trí nhà tắm khắp nơi, từ sân bay bến cảng, đến cửa khẩu, nông thôn thành thị làng mạc phố xá... đều có bảng hiệu “nhà tắm here” giăng giăng. Khách vào ra gì cũng bắt tắm. Tắm rồi mới cấp visa. Vào Việt Nam, câu đầu tiên hướng dẫn viên du lịch hỏi là “mày tắm chưa?”. Các tour du lịch rộn ràng với các chương trình tắm trọn gói. Tắm nắng rồi tắm mưa. Tắm sông rồi tắm suối, tắm hồ rồi tắm bể. Tắm khô rồi tắm bùn. Tắm hồ bơi, tắm sauna, tắm khoáng, tắm cao nguyên và tắm đồng bằng, tắm miền duyên hải và tắm nơi rẻo cao. Tắm trà xanh. Tắm cà phê. Nhà nhà tắm, người người tắm.
Hòa chung không khí tắm táp đó, Tony mở thêm một công ty nữa có tên là “Tắm Việt”- theo model cái gì cũng có chữ Việt ở phía sau. Hoa hậu Áo Tắm trong cuộc thi hoa hậu toàn quốc sẽ phụ trách mảng marketing. Đài truyền hình sẽ có chương trình gameshow ăn khách là “tắm với ngôi sao”, bữa thì mời Thanh Bạch, bữa thì mời Hồng Vân, bữa thì mời Công Lý, Quang Tèo, Lý Hùng, Lệ Thủy, Ngọc Giàu... Công ty Tắm Việt sẽ nổi tiếng với câu slogan “Hãy về mà tắm ao ta, dù trong dù đυ.c cũng là đi tăm” (tức đi tắm, vì gieo vần lục bát nên phải thành tăm).
Sau đó thì Cổ phần ngay! Mời một vài thiên tài trong lĩnh vực đồn thổi cổ phiếu. Một ngày nghĩ ra một dự án. Vẽ vời nào lấn biển để xây nhà tắm nghỉ dưỡng, đυ.c núi để xây hang tắm. Dự án vừa thủy điện vừa tắm trên cái hồ chứa (nhớ lưu ý kẻo kẹt chân vào tua bin máy phát điện nghen). Trồng cao su cũng có chương trình “tắm trong rừng cao su”. Đầu tư quốc tế để có chương trình trái phiếu ủng hộ “tắm với Khơ Me Đỏ”, “tắm với voi Lào”. Dân chúng mê tít mắt, mua cổ phiếu trái phiếu khí thế. Và thế là, Tony lại tha hồ đếm tiền trong nhà tắm!!!
P/S: Thông báo mới nhất: Sau bao năm cầm cự, công ty Tắm Việt chuẩn bị giải thể. Công ty nợ lương nhân viên cả năm rồi và năm nào cũng thưởng tết bằng các suất tắm miễn phí. Có bữa hẻm có khách hàng nào, chỉ toàn cán bộ công nhân viên tắm rửa kỳ cọ lưng cho nhau nhưng mặt ai cũng buồn thiu. Hôm qua, nhân viên trung thành nhất cuối cùng cũng rời bỏ công ty. Thằng này lúc vào gần 80kg giờ chỉ còn 45kg vì thiếu ăn. Hai gò má nó tóp lại và cái miệng dài ra thành cái mỏ. Hôm qua nó vào phòng Tony, vừa gõ cửa đã thấy cái mỏ vào trước, Tony giật mình không biết thể loại chim cò nào lạ quá bay vô đây, nó bảo, không phải chim đâu anh, em nè. Nó lại mặc cái áo vàng khè làm mình nhìn thấy giống tụi bán pizza hóa trang thành vịt Donald đi giao bánh. Nó khóc với Tony: “Giờ suốt ngày em chỉ nghĩ đến việc ăn thôi anh à, lương anh không trả, em đói bụng quá mà suốt ngày bắt tắm cho khách coi, em tắm không nổi. Em biết đói thì phải sạch, nên cứ mỗi lần đói bụng, em lại đi tắm. Nhưng bữa nay, tay em cầm cục xà bông không nổi nè anh. Em trả lại mấy vé tắm miễn phí, em đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc đây”. Nó nói rồi quày quả bước đi, nước mắt rơi lã chã nhưng không ướt được cái cằm vì bị cái mỏ hứng hết.
Nói đến Hàn Quốc, Tony tự nhiên thèm kim chi. Thèm gà đẻ thải dai nhách của nó nữa, đẻ mấy chục đợt và đầy kháng sinh bên trong, hết đẻ được nên bị thải, xuất qua Việt Nam được công ty nhập khẩu phù phép thành gà ta thả vườn. Dai nên ai cũng thích vì có cái để nhai được lâu. Trong năm 2012 vừa qua, Việt Nam - 1 nước với 70% dân số làm trong lĩnh vực nông nghiệp - đã nhập từ Hàn Quốc, một nước công nghiệp phát triển với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 15.54 tỷ USD, ngoài máy móc trang thiết bị hóa chất xe hơi, còn có cả... gà đông lạnh. Góp phần tạo nên cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của nước ta thêm phong phú.
Ngày 06/06/2013
Du hạc lần 1.
Kiếm một đống tiền từ chứng khoán và nhà đất rồi, thế là Tony đi du hạc lần 1. Còn mấy ngày nữa lên đường, tự nhiên thấy chộn rộn quá hà. Mấy bữa nay, người cứ tưởng tượng đang ở Mỹ không thôi. Sáng nay ngủ dậy, tự nhiên cảm thấy bị jet lag (tình trạng say máy bay và do chênh lệch múi giờ).
Hôm qua đi Củ Chi thăm đất xây nhà máy, cậu tài xế mở radio, ca sĩ ca bài Quê hương là chùmkhế ngọt, Tony ngồi nghe mà khóc rấm rứt, bứt tóc bứt tai... vì nhớ Việt Nam. Tụi Singapore ngồi cùng xe (tụi nó qua Việt Nam góp vốn lòm en với Toni) ngạc nhiên, hỏi ủa sao mày khóc, nên Toni sẵn tiện dịch luôn nội dung bài hát (hometown is a bunch of sweet starfruits, Tony giỏi quá cái chi cũng dịch được). Tụi nó nghe xong xúc động quá, và cũng thích thú nữa, bắt ghé chợ mua trái quê hương để ăn cho biết. Tối qua ăn hết mấy trái quê hương ngọt, còn để dành trong tủ lạnh một đống quê hương chua, sợ ăn nhiều thì bị anh Tào Tháo rượt (nói vậy chứ anh Tào anh hùng nổi tiếng trong thiên hạ, tự nhiên đi rượt đuổi mấy đứa ỉa chảy làm chi).
Sang Quê Kì lần này, hành trang mang theo chủ yếu là cái camera cả chục chấm. Mục đích chính là đi chụp hình về khoe. Chắc tốt nghiệp xong, kiến thức sách vở đâu không thấy chỉ thấy mang về nước mấy vali toàn Album và Album... Các chủ đề toni và bạn hữu, toni và giáo sư, toni và thư viện, toni và căng tin, toni và đường phố, toni và x xì, tony và y cà rốt... đều được bọc giấy kính cẩn thận, ghi rõ thời gian địa điểm chụp để không có đứa nào cãi được là dùng phô tô xốp. Chỉ sợ tụi nó không tin, đó là điều căng thẳng nhất trong suốt thời gian du hạc của Tony.
Còn phải mang theo tiền nữa chớ. Ở bên này ai xin cũng không cho, ki bo keo kiệt, qua bên kia, mỗi lần nghe Quê hương là chùm khế ngọt do Cẩm Ly ca, Toni lập tức đến Western Union thực hiện hành vi kiều hói. Biết viết sai chữ “hói” rồi nhưng cố tình sai cho nó ra Việt kiều... Đúng là khả năng hòa nhập nhanh dễ sợ.
Rồi đang search thử Nasa hay Boeing ở bang nào nữa chớ, ở bên này đi làm thêm cắt cỏ hay làm móng mệt thấy bà, về nước phải nổ, lúc rảnh rỗi, ngoài giờ lên lớp, Tony có đi làm kỹ sư lắp ráp máy bay Bô Ing hay làm phi hành gia Nasa cho bà con sợ hãi...
Ngày 07/06/2013
Du hạc đợt hai ở Căm Rai
Kinh tế cứ suy thoái hoài, chờ mãi cũng chả thấy dấu hiệu nào khả quan. Chả ai làm ra tiền lúc này cả. Giờ thì phải làm răng? Làm răng? (có 32 cái làm hoài)
Suy nghĩ mấy đêm, Tony quyết định đi du hạc trở lại. Tony cứ nhức đầu là thay đồ đi du hạc. Năm nào cũng đăng ký một trường. Từ trường đại học Thanh Hoa đến Harvard, đều bon chen xin vô cho được, rồi hạc nửa chừng thì bỏ, không hạc nữa vì phải về nước bán phân. Nghe mình trình bầy lý do nghỉ học, Tony nói lý do là yêu môi trường và sự trong lành của quả đất, rằng phân là một phần của sự sống, của màu xanh trên hành tinh này... Nghe xong, thầy cô lẫn đồng môn đều òa khóc nức nở, lật đật làm farewell party rồi hát vang bài “Tiễn bạn lên đường” trong nước mắt. Kể từ đợt du hạc lần 1, mấy năm nay gián đoạn bởi ở nhà lo trùng tu ngoại quan,e.g.nhổ tóc bạc, kéo căng da mặt, xóa dấu chân chim, hút mụn bọc, tắm trắng, tẩy lông vĩnh viễn, bọc răng sứ... Ngoại quan giờ khá rồi nên đi hạc tiếp đợt 2, dự kiến kéo dài đến năm 2015 để lấy bằng về khè mấy người trong xóm.
Thật ra, thời khủng hoảng, hạc là một cách trú bão hay nhất. Vừa có kiến thức, vừa ngoại ngữ, vừa có mạng lưới quan hệ quốc tớ. Qua khủng hoảng lại về làm ăn. Mà học cái gì và trường nào đây? Bèn search top 10 trường đại học tốt nhất thế giới, in ra bỏ trong rổ và ngồi lựa. Harvard hông ta? Thôi lạnh lắm, không hạc ở khu vực lạnh lẽo này nữa đâu. Hay Standford, nghe chữ Ford hổng thấy hay, nghe giống xe hơi, Oxford cũng vậy, nghe cứ thế nào. Hay Cambridge (mình phát âm là “Căm bờ rai” hồi nhỏ đến giờ hổng ai sửa, hôm bữa mình nói mình học tiếng Anh giáo trình Căm Bờ Rai bị một giáo sư người UK nói mày khùng). Bèn mở goole image ra coi cơ ngơi trường thế nào. Ừa trường này được nè, vì mình cũng thích chèo thuyền (Mình sẽ ghi rõ trong đơn nhập học là lý do chọn học là row row your boat, gently down the stream... cho nó dễ thương).
Ai đang đọc cái này, thì cũng nên đi du hạc cho rồi. Nếu bạn có chút tiền và có chút i ốt, hãy du hạc. Hổng có tiền như Tony thì gởi thư qua trường xin hạc bổng, gửi 10 lá thì cũng được một cái đúng chính tả, Tây nó đọc nó hiểu thì nó cho liền. Cứ nói Việt Nam dân tộc vừa thoát khỏi chiến tranh, đáng thương nhất thế giới thì ai đọc không mủi lòng. Ở trong nước cũng chẳng làm được gì, khởi nghiệp thì cũng tiêu, tìm việc tốt thì không có. Mở báo lá cải ra đọc toàn các tin tiêu cực có dấu sắc như té, móc, chích, quánh, cướp, hϊếp, gϊếŧ, ói, cắn, đốt... Nếu đang kinh doanh không thành công mấy hay mới bị đuổi việc, đừng lo: hãy sang Mỹ hay Anh du hạc...
Vì vậy, nào ta cùng đi du hạc. Không đi Mỹ thì đi Úc, Anh, Liên Xô, Trung Quốc... đều được hết (nếu không du hạc thì du lịch, du mục, du canh, du cư, du côn, du đãng... miễn có DU là được)
Nói vậy thôi chứ ai không đi cũng được, ở Việt Nam cũng được. Ở Việt Nam vui hơn nhiều, ăn ốc và hột vịt lộn cực ngon, bên kia làm gì có mấy món ốc xào me, chem chép nướng mỡ hành, ốc gạo luộc? Đi hạc làm gì, hạc đã đời về nước cũng vậy hà. Hạc cho lắm về cũng thất nghiệp. Vả lại, lúc nhỏ hẻm đi thì thui, giờ luống tuổi rồi đi du hạc mệt lém, hạc nhức đầu thấy mẹ.
Ngày 08/06/2013
Đời cua, đời cáy...
Khi còn hạc ở HBS, có lần giáo sư đặt câu hỏi, theo bạn, doanh nhân là ai. Rất nhiều quan niệm khác nhau được đưa ra, vì lớp hạc là một hợp chủng quốc, đến từ nhiều nền văn hóa. Sau đó thì thầy mới đưa ra quan niệm của thầy, cũng như của các giáo sư trong trường, thành một quan điểm hay còn gọi là trường phái Harvard về doanh nhân. Nôm na là doanh nhân là người lãnh đạo, có thểlàm chủ hay không phải làm chủ, nhưng phải là lãnh đạo doanh nghiệp hay tổ chức có lợi nhuận. Mục tiêu là lợi nhuận nhưng doanh nhân phải lèo lái làm sao đó để không xung đột với đạo đức xã hội. Doanh nhân phải giải quyết sao cho sự phát triển của doanh nghiệp của mình không gây phương hại đến môi trường thiên nhiên. Doanh nhân phải làm từ thiện xuất phát từ tâm của mình, từ tình đồng loại chứ không phải vì nhu cầu marketing. Và cuối cùng là doanh nhân phải biết chia sẻ, với thế hệ sau, về cả tiền bạc lẫn vốn sống, kiến thức... nhằm tạo ra một thế hệ doanh nhân mới khi mình chết đi. Các quan niệm tuy có khác đi chút ít, song vẫn tựu trung các ý trên. Thành một chuẩn thế giới.
Nói chung là diễn giải từ tiếng Anh qua tiếng Việt, Tony nói thấy nó không có trơn tru gì hết. Và lúc đó mình cũng hoảng hồn, thấy mắc cỡ. Vì mang tiếng là doanh nhân đã lâu, ngày 13/10 nào cũng tổ chức ăn uống hát hò tặng bằng khen treo đầy nhà, nhưng mình đã làm được gì. Chẳng làm được gì cho cộng đồng và chẳng chia sẻ với ai một cách tự nguyện. Bạn bè hỏi, ở Việt Nam, doanh nhân là thế nào. Tony thật sự lúng túng, và nói ở Việt Nam muốn làm doanh nhân không có tiêu chuẩn hay ai cấp phép, nên tụi tao thường phải đăng ký vào câu lạc bộ doanh nhân, là xong. Đó là tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Thế là ngồi suy nghĩ lại, thế giới người ta quan niệm doanh nhân nó khác mình. Vậy nước mình chắc không có ai, hay có mà mình chưa biết. 15 năm đi làm, gặp n người gọi là doanh nhân, mình thấy không ai thỏa hết các điều kiện của chuẩn thế giới như thế cả. Có người thì làm giàu một cách nhanh chóng nhờ lấy tài nguyên thiên nhiên, chặn dòng chảy của các con sông làm thủy điện, xả nước thải ra sông mặc cá tôm chết sạch. Có người làm giàu bằng bóc lột sức lao động của đồng loại mình một cách quá đáng, ép quần quật bán sức lao động cho họ nhưng tới lúc lãnh lương thì kỳ kèo, o ép, hẹn tới hẹn lui mới trả. Có người đoạt giải anh hùng từ thiện, quán quân từ thiện... nhưng lu loa lên cho cả thiên hạ biết, ghi rõ tên mình hay doanh nghiệp mình lên phong bì, chỉ cho vài triệu đồng nhưng phải bắt những thân phận đáng thương kia phải khóc phải cười phải cám ơn xỉu lên ngất xuống... để quay lên ti vi, chụp hình lên báo. Có người có con đường làm giàu bí hiểm, không ai biết làm sao họ giàu vì họ không muốn chia sẻ, vì cái khôn của người Trung Quốc dạy ta là “cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”. Bao nhiêu tỷ phú thế giới lúc họ chia gia tài, chỉ để lại cho con vài đồng gọi là, còn tất cả đều đưa vào quỹ từ thiện, trong khi bên ta thì ngược lại. Nhà thường thường bậc trung có hai đứa con thì ông cha bà mẹ cũng cày gần chết để có hai cái nhà cho chúng nó làm của. Còn doanh nhân ta thì làm quần quật, o ép đối tác từng đồng, kỳ kèo với người làm từng xu... để con cháu mua siêu xe, đốt tiền nấu trứng như công tử Bạc Liêu một thời. Thương con hay không thương. Tụi Tây nói vậy là không thương. Vì như vậy là làm cho nó hỏng.
Lúc thảo luận, mình có ngồi chung nhóm có hai bạn Trung Quốc. Thấy các bạn nói là bên Trung Quốc, vẫn có khái niệm không ai giàu ba họ. Tức giàu cho lắm, 3 thế hệ thì cũng hết, nhưng ở phương Tây, họ giàu đến cả chục thế hệ, cụ thể trong nhóm vẫn có một anh người Ý là thế hệ thứ 5 của một tập đoàn sản xuất các sản phẩm cà chua. Mình chợt nhớ lại hình ảnh cậu con của Ba Huy, công tử Bạc Liêu lừng lẫy những năm 1930-1940, với cả trăm ngàn hecta đất ruộng lúa và ruộng muối, với chiếc máy bay và sân bay tư nhân đầu tiên, thế nhưng thằng con sau này chạy xe ôm, sau này nhà nước phát hiện ra nên cho về làm bảo vệ khách sạn công tử Bạc Liêu. Du khách đến tham quan, ông vẫn dắt khách chỉ trỏ đây là phòng ngủ của ba tui, đây là chỗ đá gà của tui, đây là chỗ tui chỉ con gà con vịt nào... là gia nhân sẽ bẻ cổ ngay lập tức để luộc tui ăn, đây là giường nóng, đây là giường lạnh... Từ hội đồng Trạch đến Ba Huy giàu có vậy, mà tới thế hệ thứ 3 thì chạy xe ôm. Ủa sao kỳ vậy, tụi Trung Quốc nói bên tao cũng vậy. Vậy Âu, Á có gì khác biệt.
Cái Tony với hai người bạn Trung Quốc đi tìm hiểu tiếp. Vô thư viện search tài liệu đọc, rồi phỏng vấn bao nhiêu là người. Cuối cùng cũng tạm rút ra được nguyên nhân trong một cổ thư Trung Quốc thế kỷ 15, họ cũng làm thống kê trong cả mấy ngàn năm lịch sử TQ và châu Á, nên nhóm tạm tin và dùng làm cơ sở nghiên cứu tiếp. Cuốn sách nói về sức mạnh của sự chia sẻ. The power of giving. Một người sinh ra, để thành đạt, có một phần tài, hai phần đức và 7 phần phúc. Nôm na cái phúc này là cái may mắn, phúc phần của gia đình tổ tiên để lại. Sinh ra có phúc, nó đẹp đẽ khôi ngô lành lặn, nói một hiểu mười. Cái đó sẽ quyết định 70% sự thành đạt. Vấn đề là con người mình không biết cái phúc của mình bao nhiêu, nên con người muốn thành đạt phải tích đức, tức tăng tỷ lệ trong cái zoom 20% đó. Phải luyện tài, để đạt max trong cái zoom 10%.
Có ví dụ ông Trương ở Hàng Châu, một nhà buôn nổi tiếng thời Đường. Số phận của ông là thương gia, nên thang đo sự thành công là số tiền có được. Phúc của ông là được 100,000 lượng vàng, đó là tới điểm cực đại của đồ thị sự nghiệp của ông. Tức ông nếu chỉ có 50,000 lượng, thì công việc cứ vẫn phát đạt, vì đồ thị vẫn còn đi lên. Nhưng khi ông có 100,000 lượng rồi mà vẫn cứ tích lũy tiếp, thì sự nghiệp bắt đầu xuống dốc. Rủi ro xui xẻo, rồi bịnh đau, đủ thứ chuyện cho nó mất dần mất dần, rồi xuống con số 0. Đó là thế hệ thứ 3 của ông sẽ phải gánh chịu.
Nên người phương Tây họ nắm bắt cái này sớm, họ đưa ra giải pháp. Đó là bí mật của nhà giàu phương Tây. Họ chỉ nuôi con nuôi cháu đến 18 tuổi, rồi muốn học nữa thì đi vay, của chính phủ hay của gia đình, có hợp đồng luật sư đàng hoàng. Xong ra trường, tụi này cũng cày quần quật như bao nhiêu người khác, để trả nợ. Sau một thời gian dài mới vô công ty của gia đình làm, rồi leo dần lên như người ngoài vậy. Nên tụi nó quý trọng đồng tiền. Các tỷ phú phương Tây vì không biết cực đại của cuộc đời mình là bao nhiêu, nên họ chủ động bỏ bớt. Khi đến con số 99,000 lượng, họ cho đi 90,000 lượng vào quỹ từ thiện, chỉ còn 9,000. Số phận của họ lại được tiếp tục 91,000 lượng nữa, nên làm ăn cứ lại phát đạt. Cứ như thế, tới đời con đời cháu, cứ phát đạt hoài... Chưa kể khi cho đi, sức mạnh của sự chia sẻ, nó lại làm cho cực đại của họ cao hơn, mức cực đại lần sau sẽ là 150,000 lượng chứ không phải 100,000 lượng nữa.
Đọc xong. Thở dài. Hiểu. Thôi thì “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Thôi giờ lo cho tụi nhỏ thế hệ Tony junior hưởng một chương trình giáo dục thật tốt. Rồi thôi, không để lại một xu cho nó, rồi nó muốn làm gì thì làm, muốn siêu xe biệt thự gì thì tự nó làm lấy. Mình, mảnh đất bé xinh ở một góc đồi Đà Lạt, cất cái nhà nhỏ ẩn trong rừng thông, bình yên, sáng pha ấm trà Cầu Đất, xong đạp xe đi dạy hạc, truyền cho thế hệ sau những cái mình đã biết. Chiều tưới cây tưới hoa trong vườn, viết thơ, viết văn, đọc sách, đối ẩm với bạn hiền. Chờ trăng lên và gió ngàn vi vυ't qua đồi thông trước mặt.
Hổng biết có làm được không nữa. Thấy cũng khó... nhưng ráng.