Hồi cấp 3, Tony hay làm thơ, dù học ban A. Những tiết học chán ngắt như Sử hay kỹ thuật nông nghiệp là lúc Tony ngồi làm thơ. Ngồi bên cạnh là bạn Ngọc Luận, cậu ấy cứ có bài nào mình vừa xuất khẩu ra là chép vào sổ, không biết cuốn sổ thơ đó giờ còn không nữa. Từ viết về bạn A đi vấp té đến thầy P rượt đuổi bạn B trong giờ quân sự, cô C hôm nay mặc áo màu vàng đi dạy thiệt đẹp... đến trời mưa trời nắng gió bão gì... mình cũng vun vυ't thành thơ được. Lục bát, thất ngôn bát cú, đường luật gì chơi ráo trọi... nhưng thường làm xong, không nhớ nổi.
Lên đại học ở SÀI GÒN, Tony ở trọ với bốn bạn nữa. Trong đó có bạn M, rất thích em L. Em L là nữ sinh khoa xã hội đại học tổng hợp. Em này vốn lãng mạn, yêu thơ mến văn. Lỡ nói xạo là làm thơ được nên cứ mỗi buổi sáng, em ấy muốn thằng này qua đi điểm tâm với em ấy bằng thơ, cho nó bồi bổ tâm hồn. Ăn phở cũng đọc thơ, ăn xôi cũng đọc thơ. Thằng này phóng lao thì phải theo lao. Thế là tối nào nó cũng năn nỉ mình, bữa thì hủ tíu gõ, bữa thì bánh cuốn..., để mình và đồng bọn lỡ ăn ngập mặt rồi thì phải cho ra một bài để sáng mai nó đạp xe qua ký túc xá bên Trần Hưng Đạo tặng cho em. Em này đem đăng báo mực tím hay áo trắng gì đó để có nhuận bút hai đứa nó ăn sáng, nhưng chủ yếu là khoe với các cô bạn học là bồ tao viết thơ tặng tao nè. Đâu được nửa năm thì mình không ở chung nữa, vì qua một người chị họ đi học cho gần. Thế là thằng này bị lộ là hổng biết làm thơ, rồi hai bên giận dỗi, tình cảm phai lợt dần. Một buổi tối, nó đạp xe qua nhà mình, năn nỉ mình thôi làm cho nó một bài thơ coi như Bài Không Tên Cuối Cùng, nó mời mình uống bia ăn cá cơm khô chiên giòn, tâm sự mọi thứ rồi nhờ mình viết một bài tạm biệt nói lý do chia tay em. 19 tuổi, giờ đọc lại thấy bài thơ buồn cười không chịu được. Bữa này nhận được message của nó, gửi lại bài này cho mình nên mình post trên mạng, đọc cho cuộc đời nó nhẹ nhàng, không ceng thẻng làm chi cho mệt.
“Có lẽ một điều anh chưa nói với em
trái tim anh đã thuộc về em đó
những hẹn hò đón đưa thuở nhỏ
cứ lớn dần thành nỗi nhớ mênh mông
Anh muốn hóa thân thành một dòng sông
Chở thuyền em đến bến bờ khao khát
nơi biển trời hòa một màu xanh ngát
em mỉm cười, xa lắm, phải không anh
Rồi thời gian lặng lẽ trôi nhanh
Dòng sông anh vẫn cứ trôi về phía biển
mang trong lòng mình con thuyền thánh thiện
Đó là em, em của riêng anh
Hai đứa chẳng ngờ hạnh phúc quá mong manh
Những kỷ niệm giờ chỉ là bọt nước
Anh biết, nhưng chẳng thể nào khác được
Lá trên cành đâu thể mãi màu xanh
Em sẽ thôi buồn khi đã hiểu lòng anh
Một con sông, phải bên bồi bên lở.”
Ngày 03/04/2013
Phỏng vấn xin việc
Sanh viên bây giờ tốt nghiệp ra, thất nghiệp nhiều quá. Có lẽ do kinh tế đang suy thoái nên không ngậm nổi lượng hàng của gần 400 trăm trường trên khắp cả nước hàng năm sản xuất ra. Thế nhưng một nghịch lý là ở các doanh nghiệp, lúc nào cũng than thở tìm không ra nhân viên giỏi để làm việc. Cung và cầu đều rất lớn, nhưng...
Lỗi trước mắt thuộc về các bạn sinh viên. Coi như sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, thì lương chính là giá của hàng hóa đó. Nên hàng tốt giá cao và ngược lại. Nên các bạn phải cố gắng làm cho mình tốt hơn, mới mong bán được giá cao. Tốt về ngoại quan lẫn chất lượng bên trong. Điều kiện học tập tốt hơn nhiều, nhất là về kinh tế gia đình hàng tháng chu cấp và tiếng Anh, tin học... nhưng kỹ năng truyền thông (communication) của các bạn lại kém hơn rất nhiều. Các kỹ năng mềm khác như tư duy giải quyết vấn đề, giao tiếp, tâm lý... phần lớn đều không bằng xưa. Từ năm 2004 đến giờ, Tony đã phỏng vấn mấy trăm bạn để cho doanh nghiệp mình và cho các doanh nghiệp bạn... và rút ra điều đó.
Cũng có thể do chu cấp gia đình tốt quá nên việc làm đối với một số bạn, nhẹ tựa lông hồng. Làm cũng được mà không đi làm cũng được, tháng cũng có mấy triệu gia đình gửi lên. Nên thái độ với công việc không tốt, ngay cả bữa đi phỏng vấn, rảnh thì đi, không rảnh thì thôi. Tony có lần hẹn phỏng vấn bạn kia, qua email hay CV đều tốt, ngoại ngữ tin học bằng cấp quá trời, tham gia đoàn đội nữa... thế là hẹn 2 giờ chiều hôm sau lên phỏng vấn. Ngồi đợi đến 3 giờ không thấy đâu mới điện hỏi, sợ cậu ấy bị sự cố gì đó nghiêm trọng nên không gọi lại hủy cuộc hẹn được, ai dè nó ấp úng nói anh ơi em quên mất, giờ em đang ngủ trưa, có gì mai gọi lại cho em được hông? Dạ được, anh Hai.
Có cô bé kia tốt nghiệp loại giỏi, phỏng vấn đã đời vào làm được hai ngày thì lấp ló vào phòng Tony, hỏi em có việc này nói với anh được không. Mình nói được, nó nói em xin nghỉ vì công việc không phù hợp. Em tốt nghiệp quản trị kinh doanh, mà đi làm nhân viên văn phòng tức làm lính như thế này, má em la mắng em chết. Em phải làm công việc quản trị anh à, nên em đi coi có doanh nghiệp nào cần quản trị không thì em mới làm. Em chuyên về quản trị chiến lược đó anh. Dạ, thôi em về với má đi em, công ty anh ở đây có mình anh quản trị chiến lược à, em đòi làm thì anh thất nghiệp sao.
Rồi hồ sơ xin việc cũng vậy, chuẩn bị sơ sài bắt ớn. Đâu cái đơn xin việc mua ngoài tiệm, viết nghệch ngoạc vài chữ. Rồi giấy khám sức khỏe cái chi cũng 10/10, mặc dù mắt cận mấy độ, cứ như bác sĩ tặng không cho ấy. Rồi thậm chí có thư xin việc thấy ghi kính gửi công ty phân bón Phượng Hồng, mang đến nộp cho mình, mình nói công ty anh là công ty Phượng Tím em à, nó cãi Phượng Hồng. Mình nói ủa công ty của anh thì anh phải biết chớ, tên là Phượng Tím. Nó cãi một hồi thấy không xong nên nói thôi để em sửa lại, miệng lầm bầm nói Phượng Hồng không đặt, đặt Phương Tím nghe lúa thấy mẹ (mình đoán được, Tony vốn bậc thầy trong nghệ thuật nhép miệng đoán chữ). Có đứa đi phỏng vấn còn dắt theo một bầy ngồi lao nhao ngoài cửa, mình hỏi xin vui lòng cho biết ai đang xôn xao ngoài đó, nói dạ đám bạn thân của em. Mình hỏi, ơ mang theo chi vậy, nó nói tại tụi em đi chung cho vui. Lỡ anh không chịu nhận em thì em giới thiệu đứa khác vô liền cho anh coi, được thì nhận nó. Ôi dễ thương quá.
Thời gian toàn là facebook với chat chit, vậy mà đơn xin việc nào cũng ghi sở thích là đọc sách và thể thao. Cái mình hỏi, thấy bạn ghi sở thích là đọc sách, thế chẳng hay cuốn sách bạn đang đọc có tựa đề gì. Nó nói xạo nên lúng túng, ấp úng một hồi rất lâu rồi trả lời: “Dạ,... Cô giáo Thảo”. Đó là tất cả nó biết về văn hóa đọc.Còn thể thao, em đang chơi môn thể thao nào, nó nói dạ em hay quánh bida độ vào buổi tối. Thỉnh thoảng cũng có tiến lên xập xám phỏm bài cào 3 lá. Cũng vận động tay mắt rất kinh anh à. Ừa, thấy em giải trí lành mạnh quá, anh sẽ nhận em.
Ngày 05/04/2013
Bài này xin lỗi trước mọi người, vì tính nhạy cảm của nó. Nhưng vì lý do học thuật nên không thể tránh được những từ không hay lắm. Xin phép trước rồi nên đừng ném đá.
Khác biệt Á-Âu
Khi nổi nóng, thường ta buộc miệng chửi thề. Tây cũng vậy. Tuy nhiên, cách thể hiện là khác nhau. Ví dụ, ở Việt Nam, chửi thề phổ biến nhất là đ.mẹ (từ ngoài Bắc) tới đ.mạ (vô tới Huế), đ.móa (tới Quảng Ngãi), đ.mé (tới Phú Yên), và trở lại đ.má, đ.mẹ ở Nam Bộ. Nghĩa nôm của nó là fax your mother, tức mặc dù mày làm lỗi nhưng tao lại fax mẹ của mày. Vì với người Việt, đó là sự xúc phạm ghê gớm, nên nổi điên lên, chửi lại, cũng fax your mother luôn. Đối tượng trực tiếp là người khác, tức con dại thì cái phải mang. Nên chửi ở Việt Nam, toàn lôi phụ huynh vô.
Còn Tây thì khác. Tư duy khác. Mày làm lỗi thì đối tượng trực tiếp phải bị trừng phạt là mày. Nên nó sẽ nói fax you. Thường là giơ thêm ngón tay giữa còn gọi là ngón tay thối, tức là nhục mạ ghê lắm. Tony có hỏi một thằng Tây, nếu mày phạm lỗi, người ta không fax mày mà fax mẹ mày theo cách chửi thề của châu Á, thì mày thấy sao. Nó nhún vai và nói, why, you should ask her (hỏi bà ấy đi chứ sao tao biết).
Còn Ta thì sao. Tony cũng hỏi một cô bạn thân câu hỏi tương tự. Nếu bạn ra nước ngoài, bạn phạm sai lầm, bị thằng Tây nó đòi fax you, thì em trả lời sao. Cô bạn cười khoái chí rồi nói, tui sẽ trả lời với nó là “my pleasure” (rất hân hạnh). Một chị bạn lớn tuổi hơn thì nói, nếu chị bị chửi như vậy, chị sẽ tươi cười kêu nó lại gần và thì thầm vào tai nó: when? (khi nào). Nhớ nghen. Thằng kia nghe xong xám hồn chạy luôn...
Còn bạn, nếu bạn đi nước ngoài, lỡ bị Tây nó chửi nó đòi fax you (mà cái này phổ biến lắm nha, nên phải chuẩn bị trước, kẻo nghe nó đòi fax rồi tức, đứng khóc ú ớ không nói lại được thì nó fax thêm mấy cái nữa), thì bạn sẽ trả lời sao?
Ngày 06/04/2013
Dự báo thời tiết
Nhiều người trong chúng ta thích coi dự báo thời tiết. Hồi nhỏ đi học, cô giáo nói người Anh thích nói về thời tiết, mình sau này qua Anh gặp ai mình cũng ngó trời ngó đất rồi nói mưa gió tuyết sương nhưng thấy họ có quan tâm đâu. Coi truyền hình ở Việt Nam, thời sự xong, mình cũng ngồi nghe dự báo thời tiết rồi coi bản tin thể thao, nhưng thật sự rất thất vọng. Trừ bữa nào có bão thì có đưa tin cụ thể, có vẽ đồ thị hoàn lưu... cho khoa học một chút, các bữa khác chỉ có một thông tin giống nhau là trời nắng, nhiều mây, có mưa rào và giông vài nơi. Có bữa đổi lại là có mưa rào và giông rải rác. Nguyên một vùng Nam Bộ mà nó nói như thế thì chả biết rác nó rải chỗ nào, nông dân canh thời tiết để xuống giống, xịt thuốc, phơi lúa... trật một cái là khóc ròng luôn. Chẳng ai biết vùng của mình có nằm trong “rải rác” đó hay không. Đang phơi lúa thì mưa, hốt vô không kịp bị ướt hết, nẩy mầm sạch trơn, nhiều bác nông dân ngồi khóc như mưa. Trách gì được, nó nói có mưa vài nơi mà, chứ có nói hoàn toàn không mưa đâu, hên xui.
Rồi nhiệt độ nữa, chẳng hạn vùng Nam bộ khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên nếu nói thấp nhất 20 độ, cao nhất 38 độ thì dãn hết biên độ cho phép, địa lý lớp 6 dạy rồi, khỏi dự báo cũng biết.
Dân đi biển thì cũng canh me dự báo thời tiết để ra khơi. Nhưng hổng ai coi trên tivi, nói là nghe bắt mệt. Tầm nhìn xa thì lúc nào cũng trên 10km. Còn bữa nào có áp thấp hay bão thì tầm nhìn xa của chúng ta sẽ giảm 2-4km trong mưa hay sương mù, gió đông bắc cấp 5, cấp 6, biển động. Gần tâm bão thì biển động dữ dội. Nghe riết rồi quen, giờ Tony cũng tự làm được một bản tin dự báo thời tiết mà hẻm cần coi nữa. Theo Tony, nếu dự báo không có gì mới thì khỏi cần lặp lại, cứ nói là “chúng tôi dự báo thời tiết ngày mai y chang ngày hôm nay, hết”
Không thì phải sáng tạo thay đổi. Chút Tony đi mua bản đồ các vùng thời tiết và bẻ một cây ăng ten tivi, tối nào cũng đứng chỉ chỏ như giáo viên dạy sinh vật, nói rồi quay phim, tung lên youtube, cạnh tranh với đài truyền hình. Bản tin giống nhau nên Mờ Cờ (MC) nào hay hơn thì coi. Bữa bận áo ấm quấn khăn, ngồi co ro bên ly trà nóng ở một góc phố nào đó của Hà Nội, chân trái gác qua chân phải, nhét một tay vào giữa hai đùi, hít hà kêu rét quá rét quá (nếu dự báo trời lạnh, rét). Bữa bận quần bơi hình tam giác màu hồng phấn phấn khích nhảy múa như thằng khùng (nếu dự báo có mưa, hay triều cường, thế nào cũng ngập đường phố, bơi cho đã), thậm chí bữa không bận gì, chỉ ló cái mặt (nếu dự báo có nhật thực toàn phần), sẵn tiền bảo vệ môi trường luôn. Rồi bắt khán giả nhắn tin đố bạn ngày mai thời tiết thế nào, có bao nhiêu người có đáp án giống bạn. Quất luôn 15,000 đồng/tin nhắn. Trúng thưởng một cái Iphone tốn chỉ có 10 triệu chứ mấy, trong khi một đêm tiền thu về từ tin nhắn cả tỷ bạc. Phải thêm vụ cờ bạc này vào để lấy hết tiền của các “nam ngây nữ ngô” chắt chiu tằn tiện, ăn hẻm dám ăn, mặc hẻm dám mặc, có nhiêu tiền nạp card hết để nhắn tin cho mấy game show nhảm nhí này coi.
Í cha cha, bữa nay trời lại nắng và mưa rào rải rác khắp cả nước. Mặc gì đây ta...