Tony có anh bạn thân người Thái tên Khổm, chủ một nhà máy phân bón ở ngoại ô Bangkok. Nói là bạn chứ anh cũng già rồi, có ba đứa con cũng trạc tuổi Tony. Làm ăn rồi quen.
Trong những năm đầu 90, kinh tế xã hội Thái Lan giống nước mình bây giờ, phần lớn học sinh thi vào kinh tế, tài chính. Hai đứa đầu của anh Khổm cũng vậy một đứa quản trị, một đứa khá giả, tốt nghiệp xong, một đứa qua Anh, một đứa qua Úc lấy bằng thạc sĩ quản trị. Rồi về nước. May mà có cái công ty của gia đình, chứ không thì hai đứa này cũng xin việc trối chết.
Vợ chồng anh Khổm giống nhiều người từ dưới quê đi lên, xây dựng sự nghiệp ở Bangkok xong, muốn con cái có tương lai nên cũng lo cho tụi nó vô toàn trường chuyên lớp chọn, bên Thái gọi là trường tư, tốn tiền ghê lắm. Nhưng sau đó thì chìm lỉm, không còn chút dấu ấn gì xứng đáng với sự đầu tư ấy. Đứa nào vô công ty đa quốc gia làm lương 2000 đô/tháng là tự hào ghê lắm, thời gian còn lại chỉ quan tâm đến áo hiệu quần hiệu, bữa này chỗ này sale off, tuor du lịch nước kia đang hạ giá rồi tíu tít nhau đi chơi. Khi kinh tế Thái Lan cứ giẫm chân tại chỗ, toàn gia công cho nước ngoài suốt một thời gian dài. Một thế hệ con nhà thành phố khá giả, chẳng có động lực gì phấn đấu, ăn uống có người lo, tài liệu học tập có người cung cấp…nên làm não bộ mất khả năng tự tìm kiếm thông tin. Vô công ty làm bị các đồng nghiệp coi thường, trề môi nói tụi mày vô được công ty này là nhờ cha nhờ mẹ. Vì không tự mình kiếm sống nên không có trải nghiệm, lúc họp công ty tụi nó đứng lên phát biểu nghe không thu hút gì. Mặc dù hai đứa con anh Khổm cũng hòa đồng và lễ phép, nhưng nói chung làng nhàng, tẻ nhạt.
Đến cậu út, anh Khổm thay đổi hướng nghiệp. Cho nó học kĩ thuật thuật trước, sau này học quản trị để trở thành nhà kĩ trị, vì đứa út này biết vượt sướиɠ. Anh thuyết phục nó học nông lâm. Nó đầu tiên không chịu, nói dơ dáy đất cát. Nhưng sau một năm, nó tự nhiên đam mê. Anh nói giống như con người có nguồn gốc động vật nên trở về với đất cát là thấy khoái. Tốt nghiệp xong, nó sang California làm thạc sĩ. Anh nói, trường Fresno State sang tuyển, nhận hết cả lớp nó, cho học bổng hết, trừ mấy đứa dốt tiếng Anh. Qua được ba tháng là tụi nó bắt đầu để dành được tiền, đi phụ thầy cô, đi hái nho hái táo, nuôi giấm hay làm hướng dẫn viên cho khách Thai tham quan công viên Yosemite gần đó. Trường Fresno này Tony cũng từng đến. Ôi nhìn cơ ngơi của nó mà mê, nằm giữa những cánh đồng nho bạt ngàn. Các tổ chức quốc tê như FAO (tổ chức Lương nông thế giới), FDA (tổ chức Quản lý an toàn thực phẩm), các tập đoàn như Monsanto, Bayer, Dow Chemical, Syngenta, BASF,…đến đặt cọc trước, giành giật sinh viên, thất bắt mệt. Cậu Út được FDA tuyển, đưa đi đào tạo thêm rồi về phụ trách FDA Thái Lan, chuyên kiểm nghiệm các lô hàng trái cây xuất khẩu. Nhờ một thế hệ những người Thái giỏi giang như vầy, mà trái cây Thái đi vô được hầu hết các siêu thị trên thế giới. Riêng xuất khẩu cho Trung Quốc hoa quả nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…cũng đem lại cho nông dân Thái sự giàu có tột bậc. Thế hệ cậu Út còn chọn các ngành kĩ thuật như hóa chất, cơ khí, máy móc, xe hơi, điện tử,…mặc dù học kĩ thuật nhưng đứa nào đứa nấy tiếng Anh giới nên vô mấy hãng nước ngoài làm hết. Đâu 5-10 năm là có thể ra riêng tự sản xuất một cái gì đó Made in Thailand, nhờ tiếng Anh giỏi nên ra tiếp thị với thế giới bên ngoài, người ta mua ào ào. Cả thế giới ớn hàng Trung Quốc quá, tìm miết mới có hàng của một nước có giá cả cao hơn Trung Quốc một chút mà chất lượng hơn hẳn, đó là hàng Thái. Thế hệ cậu Út góp phần xây dựng nền công nghiệp sản xuất Thái Lan hùng mạnh, số 1 Đông Nam Á và thứ 10 thế giới về sản xuất xe hơi, top 5 thế giới về điện tử, đồ gia dụng, máy tính đồ chơi…Du lịch cũng mạnh, nông nghiệp cũng mạnh, giờ công nghiệp cũng mạnh nữa thì dân Thái ngày càng giàu có, sung túc.
Cậu Út nói, bạn bè của em nhìn lại 10 năm ra trường đều thành đạt cả. Đứa được giữ lại làm giảng viên, đứa làm việc cho mấy tổ chức quốc tế, đứa tự mua đất trồng trọt chăn nuôi, CHO VIỆC cả trăm lao động. Đứa nào cũng triệu phú đô la trở lên, đời sống hết sức phong lưu vì có một tuổi trẻ học như điên, làm như điên, chấp nhận lấm lem dầu mỡ trong các nhà máy. Chứ không có sức dài vai rộng mà mặc quần tây đóng thùng, ôm cái laptop ngồi quán café Starbucks ở Bangkok chat chit chờ ngân hàng này, công ty kia tuyển thì vác đơn đến XIN VIỆC. Chả có cái nghề gì ngoài bằng cấp gọi là quản trụy kinh doanh (cách nói vui của sinh viên quản trị kinh doanh).
Tự nhiên ngồi nghĩ, nếu bây giờ mà 18 tuổi, Tony sẽ chọn kĩ thuật như như nông nghiệp, thủy sản, hóa công nghệ, sinh công nghệ, máy móc điện đóm…để học ngay. Rồi mần tiếng Anh thiệt giỏi để làm cái MBA ở nước ngoài. Kinh tế không khó, nắm phương pháp và chăm đọc sách, chăm tự học là OK. Học kĩ thuật trước, kinh tế sau thì dễ hơn 22-23 tuổi mới ôn lại Toán, Lý, Hóa để thi Kỹ thuật.
Trở thành một nhà kỹ trị vẫn có gì đó thú vị hơn. Quan điểm riêng của Tony là như vậy.
Nếu bây giờ mà Tony 18 tuổi. Ối chà chà, với gương mặt thanh tú như vầy, có khi lại đi đóng phim ca nhạc làm nên làn sóng T-Pop, cạnh tranh với K-Pop của Hàn Quốc cũng nên.
18 tuổi, 18 tuổi,…