Hoa Viên Phương Bắc

Chương 151: Bách Kĩ tập

Mắng Cẩn Y xong một trận, ta đuổi nàng ra ngoài bắt dọn dẹp sân vườn, không cho vào cửa làm phiền nửa bước.

Còn tên chết bầm kia, muốn thu phí chứ gì?

Từ giờ cho tới ngày ngươi quay lại, thể nào ta cũng có cách trả thù tên chết bầm nhà ngươi!

Ngươi... ngươi yên tâm mà ĐỢI!

...***...

Qua khỏi cổng thành vài chục dặm, hai người cưỡi đôi ngựa đi trước Thanh Y vệ bắt đầu xôn xao.

"Thiếu chủ, người thật sự làm theo lời muội ấy nói?"

"Ừ!"

"Thiếu chủ, người không thấy làm vậy Lưu Tiểu thư sẽ ghét người thêm sao?"

"Không vui một chút nhưng trong đầu luôn nghĩ tới, là được rồi!"

Khương Hựu Thạc cho rằng vẻ mặt nóng giận nhưng không làm gì được của nàng rất dễ thương, cũng không hề kém với vẻ mặt ngơ ngẩn lúc hắn cầm tay nàng tối qua.

Tay nàng, rất mềm mại, chạm vào rất êm.

Hắn bây giờ đã biết mình phải từ từ mà tiến, không được gấp gáp, chỉ cần tuần tự chậm rãi với đối phương chút là được.

Mà nhẫn nại thì hắn luôn có thừa.

"Thiếu chủ, e là Tiểu thư đang bận nghĩ cách trả thù người chứ không phải nghĩ tới người đâu!"

Nhận lấy gáo nước lạnh tanh từ tay thuộc hạ bộc trực, Khương Hựu Thạc ngồi trên con ngựa bên kia mất hứng ra mặt, nhìn sang Đại Trì nghiêm túc hạ lệnh.

"Ngươi... đi ra sau đốc thúc mọi người đi!"

"Rõ!"

Đại Trì bị đuổi xuống phía dưới, quay đầu ngựa bước mấy bước liền nghĩ thầm.

"Ngài tưởng ngài là cái gì của người ta mà đòi học theo thói lưu manh, bày tỏ còn chưa dám nói mà bày đặt!

Lại thêm nha đầu kia đã thiếu hiểu biết còn hay xúi dại!

Ta không thèm nói nữa, ta để ngài tự đốt nhà ngài cháy cho nát bét luôn đi!"

...***...

Nguyên buổi tối ta ru rú nhốt mình trong thư phòng, lật hết mấy quyển sách hơi tiếc nuối. Cuối cùng cũng biết lý do Bách Kĩ không được trồng nữa mà dần dần đi đến việc thất truyền như năm đó.

Là bởi vì...

Cái giá phải trả cho một viên giải độc....

Quá đắt!

Đắt đến nỗi không thể tính bằng tiền.

Cây thuốc quý hiếm này, ai mà ngờ là nó được trồng bằng máu người!

Máu người a!

Lúc đọc cái dòng ghi chú nhỏ xíu đó xong, tay chân ta đều lạnh hẳn đi, hơi sợ hãi gấp vội quyển sách lại.

Phương pháp chế thuốc gì mà tàn độc quá vậy? Sao tổ phụ lại có thể nghĩ ra cách này được chứ?

Để tự mình giải đáp thắc mắc, ta lại lò dò lật ra trang kế đọc tiếp, hy vọng vẫn còn một phần giải thích ở đằng sau.

Ta lẩm nhẩm.

Năm đó…

...***...

Năm đó, Lưu Lân tình cờ được biếu một chiếc hộp chứa đầy những hạt giống của cây thuốc có thể giải được độc của mười tám loại nọc rắn từ một vị bằng hữu đến từ vùng tự trị Xa Mã.

Trong lúc ngồi đếm số lượng hạt giống, ông vô tình không biết mình đã làm rơi một vài hạt, để chúng lăn vào góc nhà, lại gặp gió cuốn đổ cái bát đựng muội than phủ lên thêm một lớp che khuất.

Ngay đêm đó, trời đột ngột mưa lớn, Lưu Lân vì quá vội vác mấy bó nứa vào nhà mà bị nứa cứa trúng. Vết đứt tay rất sâu, máu trên tay trùng hợp nhỏ giọt xuống ngay chỗ đống hạt giống ban sáng, trộn lẫn luôn với muội than. Ông cũng không để ý, định bụng đem số nứa còn lại vào nhà trước.

Bẵng cho đến khi ông phát hiện cái cây trong góc nhà không ai trồng mà ngày một lớn, hình dạng không khác gì những cây từ hạt giống vị bằng hữu người Xa Mã kia cho, thậm chí còn xanh tốt hơn nhờ vào máu mình.

Thế là ông nảy ra chủ ý.

Ông muốn xem xem những cái cây mình trồng và cái cây cố tình mọc này, cái nào thu được kết quả tốt nhất. Lưu Lân vẫn tưới nước đều đặn cho những cây ngoài vườn, còn cái cây trong nhà vẫn để nguyên, không chăm không tưới.

Đến kì thu hoạch, ông bào chế được toàn bộ lần thứ nhất là mười viên giải nọc độc rắn, và một viên từ cây thuốc trong góc nhà. Màu sắc đều như nhau, chỉ phương pháp trồng là khác.

Lưu Lân liền vạch ra một cuộc khảo nghiệm thuốc mới.

Ông tìm một con rắn đuôi chuông, cho nó cắn nhẹ hai con chuột đồng, đồng thời cho mỗi con chuột một phần nhỏ của hai loại thuốc giải độc và tiến hành theo dõi.

Điều kì diệu đã xảy ra.

Hai con chuột đều bình an sống sót.

Lưu Lân như được ai mách nước, cầm nửa viên thuốc trồng từ máu mình trên tay, đầu đi đến quyết định lớn hơn.

Ông trích thêm máu, trồng cây, nhằm tìm hết mười tám loại nọc rắn để kiểm chứng.

Kết quả tự thử trên người mình lại lần nữa khiến Lưu Lân thập phần phấn khởi, bởi chúng đều có tác dụng y hệt như những cây trồng bình thường ngoài vườn. Nhưng ông không hài lòng với số máu mình bỏ ra lại chỉ có thể so ngang với nước và phân bón.

Lưu Lân trăn trở nhiều năm tháng, liên tục thử đi thử lại, thay đổi lượng máu, tỷ lệ nước... nhưng những cuộc khảo nghiệm vẫn không khá hơn kết quả cũ là bao.

Tận một ngày nọ, có một nông dân dẫn theo người con trai bị bọ cạp đen cắn tìm ông cứu chữa, run rủi thế nào tiểu đệ tử lại lấy nhầm lọ thuốc ông đang thử nghiệm cho cậu con trai uống. Vô tình góp công lớn giúp Lưu Lân nhận ra, cây thuốc này khi dùng máu ông nuôi trồng có thể giải được nhiều hơn mười tám nọc độc rắn, vì độc của bọ cạp đen cũng bị nó áp chế.

Lưu Lân mừng hơn bắt được vàng, lập tức được tiếp thêm sức tiến hành nghiên cứu.

Ông thu hoạch được nhiều hơn, lần này tổng cộng được hai mươi viên, mỗi viên thử dùng giải mỗi loại độc khác nhau, cách bào chế thuốc quý dần dần hiện ra trước mắt.

Suốt thời gian một năm trời sau đó, Bách Kĩ đích xác đã giải được hơn năm mươi loại độc với một tỷ lệ máu nuôi trồng cố định, tuy nhiên Lưu Lân chưa từng để lộ việc này ra ngoài, kể cả đệ tử ruột giúp việc hằng ngày cũng không hay biết.

Nhưng rồi sau đó, càng thử nghiệm nhiều độc, càng muốn nhiều Bách Kĩ, Lưu Lân lại phải tự bỏ nhiều máu ra hơn, ông bắt đầu cảm thấy thân thể không còn như trước, sự mệt mỏi trong ông đã xuất hiện.

Lưu Lân cảm giác được nỗi nghi ngại của chính bản thân.

Ông biết rằng một khi ông còn tiếp tục làm việc này, thuốc giải độc trở nên phổ biến tuy rất tốt, nhưng sẽ lại có những kẻ sẵn sàng đổ máu để có được nó, sẽ không bao giờ có điểm dừng.

Lưu Lân còn con cháu, còn gia đình, bọn chúng lại mới an ổn không lâu, ông không muốn chính mình tạo ra một pháp trận đánh đổi lớn như thế.

Nhiều ngày đêm mất ngủ, nhìn đống sổ sách tâm huyết bao năm trời nằm ngổn ngang trong phòng, ông cuối cùng cũng quyết định kết thúc ở đây.

Những ghi chép quan trọng cùng số Bách Kĩ còn sót, ông đích thân chuyển chúng tới một căn phòng mật trong Lưu phủ, buộc trưởng tử và con dâu thề trước bài vị tổ tông, sau này chỉ được phép truyền lại chuyện này cho con cháu ruột thịt trong nhà nếu chúng một lòng theo y thuật...

...***...

Đọc lướt hết mấy trang giấy tổ phụ viết, ta ngồi đó trầm ngâm, suốt một canh giờ.

Lượng kiến thức này quá lớn, một lần đọc sơ qua cũng khiến đầu ta như sắp tự nổ tung.

Mãi thấy trời đã tối mù ta mới hoảng hồn cất mấy quyển sách vào rương khóa lại, bước ra ngoài tắm rửa rồi trèo lên giường. Cẩn Y thấy mặt ta đờ đẫn mới rón rén hỏi.

"Tiểu thư, người ổn không ạ, người còn giận nô tỳ sao ạ?"

"Không, ta muốn ngủ."

"Vâng, vậy Tiểu thư ngủ sớm chút, nô tỳ thả màn cho người luôn nhé!"

Ta gật đầu, nghiêng người ôm gối vào lòng, từ từ nhắm mắt.

Đầu cứ thấy nhức nhức...