Tháng tư năm Ninh Võ thứ tám, thời tiết trong lành, hoa xuân đua nở, cha tôi dẫn theo gia quyến, ngồi xe ngựa hộc tốc chạy đến kinh thành chịu tang.
Đoàn người không đông lắm, cha cho tôi theo cùng, cũng do dì Ba khẩn khoản van nài mãi ông mới chịu. Sau khi cha đồng ý, dì vui thầm tận mấy ngày, đêm trước lúc ra đi, dì vào phòng tôi căn dặn: “Nhớ cho kỹ, lần này lão gia chịu mang cậu theo, cốt để cậu được ra mắt tại bổn tộc. Nhà chính trong kinh khác với nơi này, cậu Tư hãy liệu mà khôn khéo lên.” Dì Ba dặn tới dặn lui từng li từng tí, nhưng tuyệt không hé lời nào về chuyện em Năm vừa qua đời.
Nói xong, dì nâng khăn lau nước mắt, tôi định an ủi thì dì trừng mắt sáng quắc, cắn môi đanh thép mà rằng: “Nhớ kỹ lời dì nói, nếu cậu có thể ở lại phủ Thẩm trong kinh, thì dù có làm nô làm tài đi chăng nữa, cũng đừng quay về đây…!”
Tôi biết dì Ba vẫn luôn không cam lòng, cả đời dì mòn mỏi nép mình chốn hậu viện, mỗi ngày trôi qua phập phù như bước trên băng mỏng. Hẳn dì đã nghẹn những lời cay đắng này trong lòng suốt mười mấy năm nay.
.
Trên đường đi, tôi ngồi cùng xe với toán người hầu. Rốt cuộc thì tôi vẫn là con tì thϊếp, không được xem là chủ nhân thật sự, bản thân cũng chẳng sang quý gì cho cam. Chẳng biết có phải do lần đầu xa nhà hay không, dọc đường tôi chóng mặt hoa mắt, nôn mửa không ít lần, chẳng ăn uống được bao nhiêu. May mà tuy bảo kinh thành rất xa, nhưng cũng không xa xôi lắm, ngựa phi không ngừng vó, chưa đến mười ngày đã tới nơi.
“Nè, đứng lên mà xem này!” Những người hầu này cũng là lần đầu vào kinh, dĩ nhiên rất bỡ ngỡ. Tôi ráng nhịn cảm giác khó chịu, cũng bò lên, ngẩng đầu, nhoài ra ngó nghiêng. Trước mắt tôi là phố phường đô hội phồn hoa náo nhiệt, Biện Châu heo hút còn lâu mới sánh bằng, trên đường người đến người đi nườm nượp, có cả người nước ngoài quấn tóc đội mũ cao.
Tôi nghĩ đến lời thầy giáo từng giảng, nước Đại Trịnh đang trong thời hưng thịnh, Tây giáp nước Hạ, Đông giáp nước Uy, nhận triều cống tứ phía, đều lấy Đại Trịnh làm chủ. Đất kinh kỳ này chính là trái tim của toàn bộ Trung Nguyên, là nơi chân chính dưới chân Thiên tử. Những gia tộc quyền lực bậc nhất Đại Trịnh đều tề tựu tại đây, mấy năm nay, cha tôi mưu tính trăm phương nghìn kế hòng trở lại thượng kinh, nhưng sức yếu thế cô, cuối cùng đành lực bất tòng tâm.
Xe ngựa chầm chậm rời xa phố xá ồn ào người qua tấp nập, những bảng hiệu dần nhường chỗ cho tường cao cổng kín, đi chưa được nửa canh giờ thì xe ngừng. Tôi từ trong xe bước ra thì thấy ngay hai cánh cửa đồ sộ màu đỏ son, trước cửa chễm chệ một cặp sư đá trang nghiêm khí thế, trên xà gỗ là những làn lụa trắng treo cao, gió thổi qua lắc lư đèn l*иg, trông rất đỗi tiêu điều hoang lạnh. Một người quản sự tầm trung niên mở cửa, cha tôi dẫn anh Cả đến ra mắt. Ông chắp tay, không biết trò chuyện gì, sắc mặt vị quản sự kia trở nên nghiêm túc, sau đó lệnh cho người hầu trong phủ dẫn tôi đi vào.
Tôi nhớ lời dặn của dì Ba, không dám nhìn ngang liếc dọc, cũng không nhiều lời lắm miệng. Phủ Thẩm quả thực đã cho tôi được mở mang tầm mắt. Họ Thẩm ở Khai Dương, Biện Châu cũng được xem là một nhà phú quý, nhưng hôm nay đến Thẩm gia ở kinh thành, mới hay trời cao đất dày. Nhà chính phủ Thẩm trang hoàng vô số non bộ thác suối, lầu châu điện ngọc, ngay cả hầu gái dẫn đường ai cũng mắt ngọc mày ngài.
Người hầu gái dẫn tôi đến buồng khách, trước khi đi dặn dò: “Mấy ngày này cậu hãy ở đây, cần gì cứ gọi, nhưng đừng tự tiện đi lại lung tung, nếu đắc tội vị chủ nhân nào thì sống không yên đâu.”
Tôi quan sát gian buồng này, đưa tay sờ chiếc ly trên bàn, lòng thầm nghĩ, hóa ra những năm này em Năm đều ở nơi đây.
Tối đến, cha gọi tôi và anh Cả: “Chuyện hậu sự của em Năm đã được lo liệu ổn thỏa rồi, hai ngày sau đưa tang.”
Anh Cả hỏi: “Sao gấp thế ạ?” Cha tôi lừ mắt nhìn anh, anh lập tức im bặt không nói nữa. “Hai ngày nay, hai anh hãy liệu mà an phận, chớ có gây chuyện, không có việc gì thì đừng mở cửa ra ngoài, lỡ người trong phủ đến, cả hai chẳng biết gì, ra ngoài chỉ tổ mất mặt.” Cha tôi căn dặn cả hai, nhưng tôi biết ông chỉ cố ý nói với anh Cả.
Ông nói qua những việc phải chú ý trong lễ tang, rồi bảo tôi ra ngoài, chỉ giữ anh Cả lại. Tôi nhẹ nhàng khép cửa, nhưng vẫn chưa vội đi xa.
“Sáng mai anh cùng ta đi bái kiến lão thái phu nhân, ta đã nhắn với Tử Cư, bảo nó chờ ở thư quán, không cần đến đây.” Tử Cư là anh Hai của tôi, hiện đang theo học tại thư quán Sùng Sơn ở Tấn Dương, sắp tới kỳ thi Hương, cha không muốn làm anh phân tâm.