Oan Gia Muốn Thuần Phục Tôi

Chương 39: Tín hiệu từ thần chết

Đầu xuân năm ấy, vào ngày mùng bốn tết, mọi người trong xóm trọ rủ nhau đi chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Diễm có thuê xe, sắp đồ đạc, quần đầy đủ rồi còn dạy sớm nấu cháo cho con gái. Thì sáng ra lại thấy người Bảo Ngọc có dấu hiệu mệt, con bé khóc kêu đau đầu. Nên Diễm nói mọi người cứ đi chơi vui vẻ đi, để nàng với con bé ở lại, có dịp sẽ đi sau, chứ con bé thế này cho đi sợ sẽ bệnh thêm. Các cô nửa muốn đi, nửa muốn ở lại, vì không có mẹ con Diễm thì đi chơi cũng thấy mất vui. Nhưng Diễm không chịu, nàng nói là xe đặt rồi, với lại chùa chiền hứa là phải đi. Chẳng qua là mẹ con nàng gặp trường hợp bất khả kháng nên không đi được thì phải chịu thôi.

Mặc dù không an tâm lắm, nhưng Diễm cứ hối mọi người đi đi mất công xe chờ, nên các cô cũng lăn tăn để mẹ con nàng ở lại rồi lên xe đi chùa, mọi người bảo nhau cùng nguyện cầu sức khỏe, bình an cho mẹ con Diễm. Diễm bế Bảo Ngọc tiễn các cô lên xe, rồi quay về phòng, nàng hỏi con bé.

"Ngọc ăn gì nào?"

"Ngọc đau đầu, huhu, mẹ ơi Ngọc đau lắm. Ngọc không muốn ăn."

Diễm kiên nhẫn dỗ dành.

"Ngoan, mẹ thương, Ngọc ăn một ít cháo rồi mẹ xoa đầu cho Ngọc là hết đau nha. Ngọc ăn một xíu thôi là sẽ khoẻ nào."

Bảo Ngọc rơm rớm nước mắt, đôi mắt long lanh nhìn mẹ lắc lắc cái đầu. Diễm kiên trì múc cháo ra bát rồi xúc cho Ngọc. Con bé mím chặt môi lại không chịu ăn. Nàng sốt ruột đến phát bực nhưng vẫn kiên trì.

"Ngọc ăn một chút thôi, ăn vào mới khoẻ được, rồi mẹ cho con đi chơi, rủ anh Bi nhà cô Mỹ đi vườn Bách Thú chơi nha. Nhanh nào, ngoan, há miệng ra. A... Mẹ thương, mẹ mỏi tay quá nè."

Diễm vừa mở to khẩu hình miệng để khí con bé, vừa run run cái tay làm như mỏi thật. Bảo Ngọc thương mẹ nên mở miệng ra ăn, thìa cháo đưa vào miệng là nó liền nuốt chửng.

Nó nhắm mắt gắng nuốt đến nửa bát cháo thì nôn ọc ọc ra hết. Quần áo của nó và của Diễm đều bị dính cháo, Diễm cau mày lại, rồi không nói gì mà đồ thay cho Bảo Ngọc, con bé biết mẹ giận nên nói.

"Mẹ Diễm đừng giận Ngọc, Ngọc không muốn đâu, Ngọc buồn nôn."

Nhìn đứa trẻ còn nhỏ mà đã hiểu chuyện như vậy, Diễm đau lòng ôm lấy con. Hai mẹ con thay đồ xong xuôi, Ngọc nói.

"Mẹ Diễm cho Ngọc ăn đi, Ngọc không nôn nữa."

Diễm hôn lên trán con, rồi lấy nước cho con bé uống và nói.

"Vậy Ngọc ăn một xíu thôi, rồi mẹ xoa đầu cho Ngọc nha."

Con bé gật gật nhăn nhó, cố ăn được vài miếng cháo mà cứ oẹ tới oẹ lui. Nàng sợ con nôn tiếp nên không cho ăn nữa, mà lấy hũ yến đút cho con ăn lấy sức. Xong xuôi, nàng sờ người con thấy không có dấu hiệu sốt thì hỏi.

"Ngọc đã hết mệt chưa?"

Ngọc lắc đầu.

"Ngọc đau đầu, Ngọc muốn ngủ."

Diễm chiều ý con, nằm xuống bên cạnh vừa ôm con vừa kể chuyện vừa xoa đầu cho con bé, được một lúc thì Bảo Ngọc nằm ngủ. Diễm dạy vò hai bộ quần áo mà con bé vừa nôn ra. Rồi quay lại giường đắp chăn cho con. Mùa xuân năm nay thật lạnh, khiến trái tim của người mẹ cũng cảm thấy buốt giá theo.

Thấy Ngọc ngủ ngon nên Diễm cũng yên tâm phần nào, nàng chủ quan nghĩ có thể là mấy hôm nay con bé mải chơi tết, không ngủ đủ giấc nên hơi mệt thôi. Vậy là Diễm cứ để con bé ngủ rồi làm việc của mình. Buổi trưa Bảo Ngọc ăn được thêm một chút nữa rồi dạy chơi với mẹ, hai mẹ con cùng hát hò những bài nhạc thiếu nhi rồi chơi xếp khối với nhau. Sau đó con bé lại kêu mệt nên nằm ngủ thϊếp đi.

Đến chiều tối Bảo Ngọc có dấu hiệu sốt, Diễm thấy người con chỉ hơi hầm hầm chứ không sốt cao nên chưa vội cho uống thuốc. Chỉ lấy khăn thấm nước nóng lau người cho con. Nhưng càng về khuya, thì thân nhiệt của con càng cao hơn. Cho uống thuốc cũng không thấy dấu hiệu giảm xuống. Con bé như đang lịm người đi, mặt tái dần, tới mức không thể khóc được nữa. Nàng lay gọi liên tục nhưng Bảo Ngọc chỉ mơ màng mở hờ đôi mắt ra yếu đuối nhìn nàng, không nói được thành chữ, khoé mắt nhỉ ra chút giọt lệ hiếm hoi.

Linh cảm của người mẹ khiến nàng có cảm giác bất an, trời thì tối khuya và lạnh buốt kèm theo những cơn mưa phùn không ngớt, xóm trọ lại chẳng có ai. Diễm run rẩy lấy điện thoại bấm gọi taxi. Con hẻm vào nhà nàng rất nhỏ, taxi vào không được. Diễm nhanh chóng lấy áo choàng khoác cho mình, rồi quấn chăn bế Bảo Ngọc ra ngoài hẻm.

Trên con đường lầy lội trơn ướt bởi những hạt mưa xuân rả rích rơi suốt mấy hôm nay, có một người mẹ đang dùng thân ôm chặt lấy con để che chắn những hạt mưa phùn và sưởi ấm cho con mình.

Mặc kệ cơn mưa thấm ướt vai gầy cùng cái lạnh giá buốt con tim. Dưới ánh sáng hiếm hoi của vầng trăng chiếu xuống, đôi chân nàng thoăn thoắt bế con ra ngoài xe.

Vào tới bệnh viện, các bác sĩ vội đưa Bảo Ngọc vào phòng cấp cứu. Cái cảnh mẹ đơn thân đưa con vào viện thật sự không hề dễ dàng gì. Vừa phải chạy đi làm thủ tục, vừa phải bế con đi đủ các khoa xét nghiệm, siêu âm, lấy máu... Diễm cảm thấy bản thân lúc này thật mạnh mẽ, dù đôi chân có chùn lại thì vẫn phải bước tiếp vì con. Nàng chỉ có một mình, nên nàng càng phải mạnh mẽ hơn để làm tốt cả hai vai trò của mẹ và của cha. Để Bảo Ngọc không phải chịu thiệt thòi.

Nhìn con bị hút từng ống máu, với những bình truyền dịch, máy móc gắn trên người mà nàng thấy đứt từng khúc ruột.

Nhưng cái sự đau đớn ấy chẳng nhằm nhò gì với cái cảm giác khi nàng nhận được kết quả xét nghiệm của con bé.

MÁU TRẮNG. - Hai từ ngắn gọn nhưng lại giống như sét đánh bên tai Diễm. Nó như một cái tín hiệu của thần chết gửi đến để báo cho nàng biết, rất có thể, vào một ngày không xa họ sẽ tới để mang con gái của nàng đi mất.

Đôi chân Diễm run rẩy, mắt nàng mờ đi, đầu óc trống rỗng. Nàng thấy mọi thứ quay cuồng rồi tối đen lại. Và rồi, nàng cầm kết quả trên tay rồi từ từ ngã khụy xuống.