Ở cuối hành lang, trong khu cuối cùng dành cho những người bị bệnh nặng, trên chiếc giường thứ hai từ bên trái cánh cửa, có một người phụ nữ ốm yếu đến mức nhìn không ra tuổi tác. Thậm chí bà ấy còn không thở được, ngay mũi cắm một cái ống và đeo mặt nạ dưỡng khí, miệng luôn mở ra nhưng không thể khép lại, đôi môi khô nứt và hàm răng ố vàng, góc mắt đã bết dính đến mức không thể mở ra một cách dễ dàng. Khi nhận ra Trương Tú đã trở lại, bà ấy mới rên lên một tiếng, bàn tay phải gầy guộc như vỏ cây già của bà nhẹ nhàng giơ lên, run rẩy chỉ vào môi mình.
Khát quá rồi, muốn uống nước, muốn uống nước.
Phải thở oxy lâu ngày, bệnh nhân vô cùng khát nước. Y tá đặt bát cháo xuống, cầm ấm nước sôi lên rồi đổ một ít nước ra, lấy tăm bông ướt đặt lên môi dưới của bà ấy, làm ẩm môi khoảng chừng 3 đến 5 giây. Sau đó, bà ấy nhanh chóng đeo mặt nạ dưỡng khí lên cho bệnh nhân.
Không còn cách nào, sau khi tháo mặt nạ dưỡng khí ra trong một thời gian ngắn, lượng oxy trong máu của bà ấy đã giảm xuống chỉ còn hơn 70.
Theo như lời của bác sĩ, bệnh nhân này mới nhập viện vài ngày. Bệnh nhân này không có người nhà, trước khi nhập viện đã có nói qua là không cần cấp cứu, không cần phẫu thuật cắt ống thông khí, cũng không cần phòng ICU*, vì không thể trả được tiền.
(*ICU: Phòng chăm sóc đặc biệt.)
Nếu không phải bà ấy để lại toàn bộ tài sản cho Trương Tú - một người họ hàng xa, hơn nữa là nếu không phải Trương Tú đã làm y tá trong bệnh viện này được vài năm, có lẽ bà ấy cũng không thể ở trong phòng này, nằm trên giường bệnh, cố gắng chống đỡ thêm cho chặng đường cuối cùng của cuộc đời bà.
Số tiền thừa kế ít ỏi ấy thực ra không nhiều, ít nhất là không đủ để bà ấy cố gắng điều trị căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối này. Nhưng cũng không phải là quá ít, ít nhất có thể làm cho người đang làm y tá là Trương Tú y coi trọng bà ấy. Hơn nữa lại ở cùng một phòng bệnh thì tiện thể chăm sóc bà ấy, cuối cùng giúp bà ấy giữ lại thi thể, sau đó về quê xây một ngôi mộ.
Trương Tú vừa dùng tăm bông thấm lên đôi môi nứt nẻ của Trương Vĩnh Mai đang nằm trên giường bệnh, vừa nhìn chằm chằm vào chiếc kim đang cắm trên cánh tay trái của bà ấy. Bà biết rằng Trương Vĩnh Mai đã để lại mọi thứ cho mình ngoại trừ chiếc nhẫn cưới trên ngón áp út bên trái của bà ấy, chiếc nhẫn này thực sự không đáng giá, cũng chẳng có kim cương. E là dù bà ấy có lấy tất cả mọi thứ rồi bỏ đi thì người ngay cả giường bệnh cũng không xuống được như Trương Vĩnh Mai cũng chẳng thể làm được gì.
Nhưng mà, sau một thời gian dài làm y tá, bà cũng có chút lương tâm. Dù sao thì bà cũng đã ở chứng kiến những căn bệnh ung thư giai đoạn cuối này quá lâu rồi, hết lần này đến lần khác giúp bệnh nhân có thể nhắm mắt, đưa tiễn người chết. Khi thi thể vẫn còn hơi ấm và mềm mại, bà sẽ liệm giúp bệnh nhân. Bà đã nhìn thấy quá nhiều cảnh tượng hồi quang phản chiếu* của bệnh nhân vào đêm cuối cùng trước khi chết, và cũng đã nhìn thấy quá nhiều cảnh không thể yên nghỉ sau khi nhắm mắt.
(*Hồi quang phản chiếu: vốn để chỉ hiện tượng ánh sáng phản xạ lúc mặt trời sắp lặn khiến bầu trời trở nên sáng hơn trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng tối đi, từ hiện tượng này người ta sử dụng cụm từ để ẩn dụ cho việc một người đột nhiên trở nên minh mẫn, khoẻ mạnh trong một khoảng thời gian ngắn trước lúc qua đời.)
Bà ấy vẫn rất sợ thần linh và ma quỷ. Hơn nữa, hai người đều mang họ Trương, lớn lên ở cùng một thôn, cũng có quan hệ họ hàng, lại còn có chút chuyện xưa.
Trương Vĩnh Mai để lại tài sản, cho dù có giữ lại thì cũng không trị liệu được vài ngày. Sau khi thanh toán tiền thuốc men và chi phí mai táng, lại còn phải chi trả cho rất nhiều thứ, số tiền ít ỏi còn lại không đáng để làm chuyện đáng xấu hổ như vậy. Hơn nữa, ai biết được người chồng cũ của Trương Vĩnh Mai có sống sót ra khỏi đó hay không? Đó là một người đàn ông hung ác, mặc họ đã ly hôn, nhưng nếu ông ta biết rằng Trương Vĩnh Mai trước khi qua đời đã bị ai đó lừa gạt, ai biết được ông ta có thể làm ra chuyện gì chứ?
Tốt hơn hết là làm việc thiện.
Nhắc đến đôi vợ chồng đó quả thực làm cho người ta có chút xấu hổ. Giờ phút này, nhìn người đang nằm trên giường bệnh, rồi nhìn khung ảnh gỗ dựng bên cạnh chiếc máy theo dõi bệnh nhân ở đầu giường, ai có thể nhìn ra rằng người phụ nữ có nụ cười ngọt ngào với chiếc má lúm đồng tiền trong bức ảnh cũ chụp đôi vợ chồng trẻ này rồi cũng sẽ già đi, bệnh tật, sẽ trở thành một bộ xương khô trên chiếc giường này với khuôn mặt ốm yếu không thể nhận ra.
Còn người đàn ông đó, với điều thuốc trong miệng, dáng vẻ cà lơ phất phơ. Cho dù ông ta có mặc chiếc quần ống rộng thời đó và bây giờ đã bị xem là bộ trang phục lỗi thời thì cũng không thể che giấu được khí chất ngỗ nghịch của ông ta. Nhưng người đàn ông này luôn mang một đôi mắt với ý cười châm biếm, xuyên qua tấm ảnh đen trắng, đuôi mắt hơi cong lên, lộ ra một nụ cười từ trong khung hình.
Người đàn ông này quả thực rất giống một tên côn đồ. Chỉ cần nhìn thấy mặt ông ta, mọi người đều có thể xác định đây là một tên côn đồ.
Trương Tú và Trương Vĩnh Mai đều sinh ra và lớn lên ở cùng một thôn, ở đó từ đầu đến cuối có vài nhóm người, tất cả đều mang họ Trương. Nhưng Trương Vĩnh Mai lớn lên liền trở thành một cô gái ngọt ngào, có không ít chàng trai yêu thích và trêu chọc bà ấy, nhưng không ai dám về nhà nói với cha mẹ rằng muốn kết hôn với bà ấy.
Bởi vì mọi nhà trong thôn đều nói nhà bà ấy có bệnh di truyền, mấy anh em trai đều không sống được, chết yểu. Cưới con dâu để sinh con đẻ cái, không sinh được thì cưới làm gì nữa?
Trương Vĩnh Mai vốn sinh ra đã xinh đẹp, dù sao thì bà ấy cũng đã mất cha mẹ ở tuổi đôi mươi, trở thành một đứa trẻ mồ côi trong thôn, bà ấy cũng không thèm nghe những lời gièm pha của đám người này. Bà ấy đi ra ngoài chơi rồi gặp Triệu Hoàng Duy đang lang thang trên phố. Người thanh niên này là một tên côn đồ, không có học vấn cũng không có nghề nghiệp, mới hai mươi tuổi mà đã phạm tội gây chuyện đánh nhau. Nhưng Trương Vĩnh Mai không quan tâm, người này đối xử tốt với bà ấy, lại còn khôi ngô tuấn tú, không có gì mà bà ấy không thể sống cùng. Hai người cũng bộc lộ tình cảm chân thật, có bầu thì cưới, cưới xong thì sinh con.
Sinh ra... sẽ chết.
Đứa con trai không sống nổi và chết khi mới hai tuổi. Trương Vĩnh Mai không tin vào những lời đàm tiếu của dân làng, bà đã làm mẹ. Bà ấy đã mang thai trong mười tháng và sinh ra một đứa bé, nhưng khi nhìn thấy đứa bé tắt thở rồi chết trong vòng tay của mình, khuôn mặt bà liền tái nhợt, sau đó ngất đi vì khóc quá nhiều.
Tên côn đồ Triệu Hoàng Duy hoàn toàn không biết gì, ông ta phát điên lên vì hối hận, cảm thấy mình đã không làm việc chăm chỉ, không có tiền để đưa con trai mình đi khám bệnh, ông ta thề sẽ trở nên xuất sắc, sau đó lại chạy vào "con đường bất chính" để nhanh chóng kiếm tiền, không bao giờ quay đầu lại.
Sự gan dạ của con người đôi khi chính là bàn tay gian ác, càng nuôi dưỡng càng lớn. Sau khi vợ hồi phục sức khỏe, Triệu Hoàng Duy dựa vào việc dùng xe máy để thực hiện việc trộm cướp mà kiếm được một khoản tiền nhỏ, nhưng sau đó ông ta lại bị bắt vào tù lần thứ hai.
Tình cảm vợ chồng của hai người họ vẫn rất tốt. Trương Vĩnh Mai đợi đến khi chồng mình ra tù. Cuộc sống vợ chồng sau khi đoàn tụ còn tốt hơn lúc mới kết hôn, bà ấy nhanh chóng có thai lần nữa. Trong quá trình mang thai và sinh nở, bà ấy vô cùng thấp thỏm, Triệu Hoàng Duy nghĩ vợ mình căng thẳng như thế là vì bóng ma tâm lý, căng thẳng đến mức thậm chí có chút phát điên nên ông ta đã tìm mọi cách để an ủi bà ấy. Nhưng đứa con trai thứ hai vẫn không sống nổi quá ba tuổi.
Vì để nuôi đứa con thứ hai, Triệu Hoằng Duy bí quá hoá liều mà càng ngày càng đi xa. Tính tình dần trở nên nóng nảy, không biết đã nghe ai nói mà một mình chạy về quê hương của Trương Vĩnh Mai. Sau khi trở về, ông ta không nhịn được mà ra tay đánh vợ. Trách móc, đánh đập, khóc lóc, la hét.
Mất đi hai đứa con ruột, một nỗi đau không thể vượt qua, nó sẽ là viết thương hằn sâu trong lòng hai vợ chồng suốt đời, như cái gai mắc vào cổ họng, nuốt không được, nhổ cũng không ra.
Nghiện rượu, bạo lực gia đình cũng không thể giải quyết được gì, cuối cùng vẫn là ly hôn. Triệu Hoằng Duy không để lại bất kỳ đồng tiền dơ bẩn nào mà ông ta kiếm được cho Trương Vĩnh Mai, đuổi bà ấy ra khỏi nhà mà không được mang theo bất cứ thứ gì.
Điều khủng khϊếp là sau khi Trương Vĩnh Mai bỏ đi gần hai tháng, bà ấy mới phát hiện trước khi ly hôn, bản thân lại có thai lần nữa. Bà ấy tuyệt vọng, trên người không một xu dính túi, chỉ mong người chồng cũ sẽ quay đầu lại giúp bà ấy. Nhưng không ngờ, khi bà ấy bỏ hết lòng tự trọng của mình đi tìm ông ta, bà mới biết là những việc làm của Triệu Hoằng Duy đã bại lộ. Ông ta nhiều lần đi đến các quán bar, hộp đêm để bán "thuốc viên" và "bột trắng", vào tù lần thứ ba và phải lĩnh án 15 năm.
Sau khi vào nhà tù thăm ông ta lần cuối, Trương Vĩnh Mai cứ như vậy mà biến mất khỏi tầm mắt của Triệu Hoàng Duy. Trong lúc tuyệt vọng, bà ấy sinh một cô con gái, bắt xe buýt, chuyển sang tàu hỏa, bước vào ga xe lửa của tỉnh lỵ và đặt một đứa bé xuống.
Tỉnh lỵ, một thành phố lớn hay một đô thị lớn, sẽ có nhiều người tốt hơn, cũng sẽ có nhiều người giàu có hơn, vì thế mà cơ hội sống cũng cao hơn nhiều. Nhưng có thể sống được hay không thì còn phải phụ thuộc vào số mệnh của con bà ấy.
Trong hơn mười năm sau đó, Trương Vĩnh Mai không thể giải thích làm sao mà bà ấy vẫn sống sót, lại có thể đợi đến khi Triệu Hoằng Duy ra tù. Thậm chí ông ta cũng đã tìm kiếm bà ấy hơn ba năm. Lúc tìm thấy, bà ấy đang làm công việc rửa chén, lau dọn và làm mọi việc. Ông ta nói với bà ấy rằng những người trong tù nói là có một số căn bệnh trên thế gian, sinh con trai sẽ không nuôi nổi, phải sinh con gái.
Một người phụ nữ từng sống mà không có mục đích, ít nói, trông như một cái xác không hồn, đột nhiên lại sinh ra vô số hy vọng. Con gái của bà ấy, miễn là không bị bệnh, chắc chắn sẽ lớn lên! Hiện tại, bà ấy còn có một cô gái 18 tuổi đang chờ đợi để gọi bà ấy là "mẹ"!
Nhưng làm thế nào để tìm thấy nó đây? Không biết.
Quá khứ của họ đều là những chuyện đáng xấu hổ, làm sao dám tham gia vào các chương trình truyền hình tìm kiếm người thân để liên hệ với các nhà báo. Tuy nhiên, cặp vợ chồng đã ly hôn này như đã tìm thấy mục đích của cuộc sống, họ đã cắm rễ gần ga tàu của tỉnh lỵ, làm việc xung quanh khu vực này và mỗi khi rảnh rỗi, họ sẽ đem theo ảnh chụp đi tìm người để hỏi.
Hai người họ không biết con gái của mình sẽ trông như thế nào, nhưng nó sẽ giống bố mẹ nó. Họ sưu tầm rất nhiều ảnh của mình khi còn trẻ và hỏi xem có ai nhìn thấy một cô gái 18 tuổi trông giống họ không. Nếu những người tốt bụng đó thực sự có lòng tốt, có lẽ ngày sinh và tên mụ (tên cúng cơm) được để dưới tã lót sẽ không bị thay đổi đâu nhỉ?
Đó là con gái nhỏ của họ, họ không dám đặt tên cho con bé, sợ không nuôi nổi. Họ đã đặt cho nó một cái tên cúng cơm, gọi là "Tiểu
Tiểu"
Sau khi tìm kiếm hơn ba năm, chẳng khác nào mò kim đáy bể. Không có tin tức gì về con gái, nhưng cơ thể của Trương Vĩnh Mai lại gục xuống trước. Hơn mười năm qua, bà ấy sống một cuộc đời khốn khổ, thân tàn ma dại, thậm chí còn tệ hơn cả người chồng cũ ngồi trong tù. Sau khi kiếm được ít tiền từ công việc bán thời gian, bà ấy đến một cửa hàng tạp hoá để mua đồ. Bà ấy trở về phòng trọ ở tầng hầm dưới mặt đất, ẩm ướt và lạnh lẽo, bà ấy uống rượu như uống nước, hút thuốc còn nhiều hơn cả đàn ông.
Mọi thứ đều kém chất lượng. Chọn thứ rẻ nhất để mua.
Cơn ho ngày càng dữ dội, bà ấy thật sự chịu không nổi nên phải đến bệnh viện kiểm tra, căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối đã lan rộng rồi.
Còn người đấy, đôi khi tật xấu khó sửa. Mỗi khi gặp cảnh khó khăn, trong thâm tâm Triệu Hoằng Duy chỉ có một cách duy nhất là "đi đường tắt kiếm tiền nhanh". Dù chưa tái hôn nhưng vợ cũ vẫn đang nằm viện, người đàn ông tự nhận mình lãng mạn, ga lăng khi còn trẻ này lại vào tù lần thứ tư vì tội trộm cướp.
Lần này là 5 năm. Nhưng Trương Vĩnh Mai không thể chờ đợi được 5 năm ấy. Bà ấy nằm trên giường bệnh ở căn phòng cuối hành lang này, để Trương Tú chăm sóc, bà ấy cho đi toàn bộ tài sản của mình, chỉ để lại chiếc nhẫn cưới bằng vàng đã bạc màu trên tay, cùng tấm ảnh cũ cạnh giường, xem như là những hi vọng cuối cùng.
Nhưng với số tài sản ít ỏi đó, Trương Tú đã do dự. Cô gái trong thang máy kia có đôi lông mày cong vυ't và má lúm đồng tiền sâu, rất giống, cô ấy thực sự trông quá giống với bức ảnh chụp từ mấy chục năm trước, thậm chí ngay cả những ưu điểm trên khuôn mặt cũng giống nhau
Nhưng nếu đó thực sự là con gái của Trương Vĩnh Mai, còn số tiền này thì sao? Bà ấy có thể đổi ý không?
Trương Tú cố ý đi đến chỗ mà Chu Tiếu Tiếu đã đi qua vài lần, sau đó hỏi các y tá ở đó. Tuổi tác trùng khớp, có một chút pha trộn giọng địa phương với tiếng phổ thông, hơn nữa cái tên "Tiểu Tiểu" cũng khớp.
Không sai, nhất định là cô.
Thì ra cô ấy không phải con nuôi của gia đình đó, nghe nói cô ấy chỉ là một sinh viên, đang học đại học ở nơi khác nhưng cô ấy bay về đây là để chăm sóc giáo viên của mình. Chẳng trách đôi vợ chồng Trương Vĩnh Mai đã chờ đợi ở ga tàu suốt ba năm mà không tìm được gì.
Để có thể bay về, có lẽ điều kiện kinh tế không tệ. Bay về để chăm sóc cho giáo viên của mình thì có lẽ cũng là người tốt bụng. Chắc sẽ không đến tranh giành tài sản với mình đâu nhỉ?
Trương Tú do dự cả ngày, thấy tinh thần Trương Vĩnh Mai ngày càng mơ hồ, bác sĩ liên tục dặn bà phải chuẩn bị tinh thần. Lúc này nếu bà ấy muốn thay đổi di chúc, ngay cả sức lực để nói ra số thẻ và mật khẩu cũng không có. Hơn nữa, Trương Vĩnh Mai đã làm việc bán thời gian hơn mười năm, hai vợ chồng cùng nhau làm việc từ hai đến ba năm nhưng cũng chỉ tiết kiệm được khoảng một trăm nghìn. Khi Trương Vĩnh Mai đến kiểm tra, bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối đã lan rộng, không xạ trị, hóa trị hay bất kỳ loại thuốc Đông y nào, chi phí cũng không cao. Sau khi trừ chi phí tang lễ, cũng chỉ còn lại mấy chục nghìn.
Một y tá như bà đã hết lòng chăm sóc người thân của cô ấy trước khi mất nên chắc hẳn cô gái này sẽ không vì mấy chục nghìn mà làm to chuyện. Trương Vĩnh Mai đã sắp chết rồi, bản thân không cần lo lắng.
Sau khi quyết tâm, vào giờ ăn trưa, Trương Tú đứng đợi ở cửa thang máy. Mỗi đêm Chu Tiểu Tiếu đều ở đây, buổi sáng trở về nấu súp rồi đến giữa trưa lại mang vào, tất cả đều rất đúng giờ.
Hôm nay, Chu Tiếu Tiếu đã mang theo canh bồ câu nấu với kỷ tử và chà là đỏ trong bốn tiếng đồng hồ. Vừa ra khỏi cửa thang máy thì gặp một y tá nhờ giúp đỡ. Đối phương nói giọng địa phương, kêu là bà ấy đang phải một mình chăm sóc hai giường bệnh, vì vậy mà bà ấy không thể xách theo bình nước sôi, hy vọng có thể nhờ cô ấy xách giúp một chiếc và mang nó đến đến phòng bệnh cuối cùng bên phải.
Chu Tiếu Tiếu luôn cảm thấy công việc của những y tá này không dễ dàng gì, nhìn bà ấy đã ngoài năm mươi sáu mươi, thức cả đêm bên giường, lật người, giặt giũ, làm đủ thứ công việc, chỉ vì kiếm được số tiền ít ỏi đó, vậy nên cô rất sẵn lòng đồng ý và dùng tay phải nhấc cái phích lên. Tiếu Tiếu vừa mỉm cười vừa đi theo người dì lớn tuổi rẽ sang phải.
Chỉ là dì ấy có chút kỳ lạ, sau khi chào hỏi vui vẻ, dì ấy hỏi cô bao nhiêu tuổi, còn hỏi ngày sinh nhật cụ thể của cô.
Đoạn đường không dài, Chu Tiếu Tiểu bước vào cửa, dì ấy chỉ vào tủ đầu giường của giường bệnh thứ hai bên trái cửa, bảo Chu Tiếu Tiếu đặt ở đó. Sau khi Chu Tiếu Tiếu đứng ở đầu giường và đặt bình nước xuống, dì y tá nhanh nhẹn đi vòng sang phía bên kia giường bệnh, trên mặt hiện lên vẻ kích động, đưa tay lay người bệnh nhân đang ngủ say một cách mạnh mẽ.
"Vĩnh Mai! Vĩnh Mai! Ngẩng đầu nhìn đi!"
Giọng nói gấp gáp thu hút mọi người trong phòng bệnh nhìn sang. Chu Tiếu Tiếu vừa vặn đứng ở bên giường cũng cảm thấy có chút kỳ quái, dì y tá đột nhiên lắc bệnh nhân thô bạo như vậy, chẳng lẽ chỉ số đột nhiên giảm xuống hay là có vấn đề gì sao?
Chu Tiểu Tiếu cúi đầu nhìn bệnh nhân đang mê man mở mắt ra, lại nghi ngờ nhìn lại thiết bị theo dõi trên tủ đầu giường, đột nhiên bị kéo đến giường bệnh.
Người đang hấp hối nằm trên giường tưởng chừng như sắp chết, bỗng nhiên như được tái sinh, ngay cả đau đớn cũng không thể kìm nén lòng bàn tay khô gầy của bà ấy. Bà ấy không quan tâm đến cây kim, những sợi dây trên ngón tay hay thiết bị theo dõi. Bà ấy nắm lấy cánh tay của Chu Tiểu Tiếu, cả người dường như bật ra khỏi giường bệnh, bình truyền nước biển bên cạnh cũng phát ra những âm thanh lạch cạch. Trong mắt người bệnh tràn đầy kinh ngạc, từ trong cổ họng khàn khàn phát ra tiếng kêu: "Tiểu Tiểu! Tiểu Tiểu! Tiểu Tiểu!"
Dây quấn vết thương, kẹp, ống truyền nước biển trên giường bệnh ngổn ngang, chỉ số trên thiết bị theo dõi nhảy loạn xạ, không biết là do rơi ra hay do bệnh nhân kích động.
Trên gương mặt ốm yếu xanh xao ấy, chỉ còn một lớp da già nhãn nheo dính chặt vào hộp sọ, không thể nhìn ra bất kỳ nét tương tự nào. Nhưng Chu Tiếu Tiếu ngẩn người, cô bị tiếng gọi giống như lời gào thét cuối cùng trước khi chết đâm xuyên vào trong lòng.
Tại sao lại đặt tên là Chu Tiểu Tiếu?
Bởi vì tôi thích cười. Chu Tiểu Tiểu luôn trả lời như vậy.
Nhưng thực ra trong lòng Chu Tiếu Tiếu biết có một lý do khác. Bên trong chiếc tã lót khi cô bị vứt bỏ có nhét một tờ giấy, không ghi lý do vứt bỏ, chỉ có ngày giờ sinh và tên cúng cơm của em bé.
Tên cúng cơm, Tiểu Tiểu.
Cô ấy là ai? Tiểu Tiểu?