Chương 25: Giả thuyết táo bạo
Hoàng Vĩnh, Cao Quang tuy cũng bị thôi thúc bởi lòng hiếu kỳ, nhưng vốn nể sợ Thiếu Bạch nên phải ứng tiếng đáp :- Xin đại ca cứ đi, bọn đệ ở đây canh chừng.
Thiếu Bạch quay sang Vạn Lương :
- Lão tiền bối, chúng ta đi.
Cúi rạp người, lao mình về phía lều tranh. Vạn Lương khẽ giọng dặn Hoàng Vĩnh :
- Sự việc trông thấy tối hôm nay hiển nhiên với cùng kỳ quái, trước khi trời sáng tỏ, không nên kinh động tới người khác, nhị vị nếy thấy có điểm không hay, cứ phải nhẫn nại tìm cách thông tri cho lão hủ biết rồi hãy tính, nhất định không thể ra tay động thủ.
- Tại hạ biết. Lúc bấy giờ, Thiếu Bạch đã dừng lại, tuy còn cách ngôi nhà tranh những một trượng. Sợ kinh động tới Lam y thư sinh, chàng không dám tới gần.
Nhướng mắt nhìn, thấy ánh đèn trong nhà phản chiều lung tung, bóng người thấp thoáng, hình như ở bên trong bận rộn lắm.
Vạn Lương đã nhanh nhẹn tới sát phía sau thì thầm :
- Chỗ này không nhìn rõ, chúng ta vòng ra đằng trước.
Thiếu Bạch khẽ gật đầu, lập tức đề khi vèo tới.
Khinh công của Thiếu Bạch đã tới mức thượng thừa, cho nên hành động nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, không gây ra một tiếng động nhỏ.
Thiếu Bạch tới sát bên cửa, chú mắt nhìn vào trong. Tức thời, một luồng khí lạnh chạy dài xuống xương sống, suýt nữa chàng buộc miệng kêu lên.
Thì ra, tình thế trong nhà tranh đã biến đổi hẳn, không còn như trước đây. Hai nắp quan tài đều mở hẳn, trong mỗi cỗ quan tài đều có một người ngồi. Người ngồi cỗ quan tài bên trái tuổi chừng bốn mươi, mặt mày rất đẹp đẽ, chỉ có da mặt trắng bệch, không thấy một tý máu nào, đầu đội mũ lông trắng, mình mặc áo gai.
Người năm trong cỗ quan tài bên mặt là một trung niên phu nhân tuyệt đẹp, đẹp như tranh vẽ. Mái tóc được cột lại bằng một vuông lụa trắng, toàn thân cũng mặc hiếu y màu trắng.
Khi ấy, Lam y thư sinh cũng ăn mặc theo lối khác. Một tấm vải che ngực trắng như tuyệt choàng lấy bộ áo xanh, trước hai cỗ quan tài có để một cái rương lớn, nắp rương đã mở tự hồi nào.
Thấy rõ bên trong có rất nhiều bình ngọc và vài ngọn dao nhọn sắc sáng loáng và một cái kéo.
Một hắc y nhân hình như đã quá mệt mỏi đứng dựa vào quan tài ngủ ngon lành. Dưới ánh đuốc, chỉ thấy hai hắc y nhân, mặt mũi người nào cũng trắng bệch, trắng đến khủng khϊếp.
Chiếc chõng được phủ bằng một tấm vải đen, không hiểu bên dưới để vật gì? Nếu cứ nhìn bề ngoài, thấy hình như có một người đang ngủ rất say, hoặc một cái thây.
Thiếu Bạch nhìn lại thì thấy Vạn Lương đã chạy xa ngoài hai trượng. Chàng tuy muốn nán lại xem cho ra nhẽ nhưng thấy Vạn Lương bỏ đi vội vã cho là lão có việc gấp nên cũng rảo bước theo.
Chỉ thấy Vạn Lương chạy mỗi lúc một nhanh, đến chỗ Cao Quang và Hoàng Vĩnh ẩn thân, lão kéo hai người chạy tiếp.
Thiếu Bạch lẳng lặng đuổi theo. Vạn Lương hộc tốc một thoáng được hơn mười dặm đường mới dừng lại bên một gốc cây. Hoàng Vĩnh, Cao Quang bị lão lôi đi xềnh xệch không hiểu ất giáp thế nào, nhưng thấy không tiện hỏi nên thôi. Chạy được ngót mười dặm đường tới khi dừng lại rồi, Cao Quang không dằn được hiếu kỳ hỏi :
- Vạn lão tiền bối, có chuyện gì vậy?
Vạn Lương khẽ thở dài nói :
- Nguy hiểm thật!
Thiếu Bạch lúc bấy giờ chạy tới nói :
- Lão tiền bối đã nhận ra lai lịch bọn người đó?
Vạn Lương nói :
- Hiện tại lão hủ chưa dám xác định, nhưng với cái cảnh vừa rồi mà xét tất không ai ngoài y.
- Ai?
- Nói ra rất dài...
Ngửng mặt nhìn vòm sao lấp lánh trên nền trời, lão thở dài tiếp :
- Ba mươi năm về trước, giang hồ xảy ra một việc kinh thiên động địa, làm khϊếp đảm toàn thể võ lâm một thời. Có điều, việc đó chợt nổi lên lại biến mất ngay cho nên người biết được việc đó rất ít.
Cao Quang xen vào nói :
- Việc gì mà ghê gớm thế?
- Trong võ lâm lúc ấy đột ngột xuất hiện một nhân vật thần bí tự xưng Chính Nghĩa lão nhân có tài cải tử hồi sinh, từ khi người này xuất hiện trên giang hồ võ lâm bất ngờ lại xảy ra việc có nhiều nhân vật bị mất tích.
- Điều ấy có liên quan gì tới Chính Nghĩa lão nhân.
- Mấy nhân vật hữu danh đều có kẻ giống hệt như mình đi lại trên giang hồ mà sự kiện này có dính dáng đến Chính Nghĩa lão nhân.
Thiếu Bạch hỏi :
- Phải chăng thuật sửa đổi mặt mày của Chính Nghĩa lão nhân quá cao minh nên lừa bịp được hết tai mắt anh hùng trong thiên hạ?
- Nếu chỉ có thuật cải dung thì cũng không làm gì náo động võ lâm.
Bọn Thiếu Bạch nghe rờn rợn hỏi :
- Không phải thuật dịch dung, thế dùng cách gì tao ra hai người giống nhau như hệt.
- Đó là một kỳ tích trong y đạo. Chính Nghĩa lão nhân chỉ cần thấy qua mặt một nhân vật là có thể dùng thủ thuật trong y học cải tạo ra một người giống y.
Cao Quang à lên một tiếng :
- Thì ra là thế!
Thiếu Bạch hỏi :
- Chính Nghĩa lão nhân tự hiệu là lão nhân, chắc tuổi tác không phải nhỏ.
Vạn Lương đáp :
- Đúng vậy!
- Nhưng chúng ta thấy Lam y thư sinh tuổi không lấy gì lớn lắm.
- Lam y thư sinh tuy không phải là Chính Nghĩa lão nhân nhưng có thể là môn đồ của Chính Nghĩa lão nhân không chừng?
Thiếu Bạch trầm ngâm giây lâu rồi nói :
- Lão tiền bối chỉ toàn ước đoán như thế?
Vạn Lương lắc đầu :
- Lão hủ có nhìn thấy chỗ sơ hở, chứ đâu có phải chỉ riêng việc suy đoán vu vơ.
- Có chỗ nào khả nghi?
- Trên chiếc rương thuốc có dấu hiệu đặc biệt của Chính Nghĩa lão nhân.
Thiếu Bạch hấp tấp hỏi :
- Nói vậy, mấy chục năm trước lão tiền bối đã từng gặp Chính Nghĩa lão nhân?
- Ôi! Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm rồi. khi ấy, trong võ lâm đang loan truyền đại danh của Chính Nghĩa lão nhân nhưng thực sự, số người thấy mặt lão lại không có bao nhiêu.
Ngừng giây lâu. Lão tiếp :
- Ấy là vào một đêm rất khuya, lão hủ vô ý xông vào chỗ ở của Chính Nghĩa lão nhân.
Cao Quang hỏi :
- Lão tiền bối có thấy được mặt lão không?
- Chính Nghĩa lão nhân có rất nhiều vệ sĩ võ công cao siêu. Khi họ phát hiện thấy lão hủ liền lao tới vây đánh, không đầy mười chiêu, lão hủ đã bị điểm huyệt.
- Thì ra là thế, cũng chẳng trách lão tiền bối nhớ rất rõ về y.
Từ đầu đến giờ vẫn làm thinh, Hoàng Vĩnh đột nhiên đỡ lời :
- Lão tiền bối có bị khổ sở vì cái thuật chỉnh dung không?
- Không, lão hủ tuy chưa bị khổ vì sửa mặt nhưng chính mắt đã được trông thấy tình hình khi họ động thủ. Khi ấy lão hủ mới bước chân vào giang hồ không lâu, sau khi bị điểm huyệt bị khiêng xuống một một gian phòng thật kín đáo trong lòng đất. Không hiểu có phải do thuộc hạ của y sơ sót hoặc giả lão có ý tỏ bụng từ bi mà quên điểm vào Á huyệt của lão hủ, hơn nữa lão hủ vẫn còn có thể chuyển động được thân hình.
Thiếu Bạch nói :
- Cẩn thận đến đâu cũng có khi sơ xuất, nghĩ ngợi ngàn điều cũng có điều hỏng. Chưa biết chừng họ quên điểm huyệt lão tiền bối.
- Do đấy, lão hủ được tai nghe mắt thấy tất cả tình cảnh lúc diễn biến thủ thuật chỉnh dung.
Ngừng giây lâu, lão tiếp :
- Lúc bấy giờ, trong mật thất dưới đất đã có bảy tám người bao mặt bằng vuông lụa trắng.
Cao Quang hồi hộp :
- Có chuyện đó sao?
Vạn Lương gật đầu :
- Thì chính lão hủ mắt thấy tai nghe, làm sao có chuyện không đúng được.
Thiếu Bạch hỏi :
- Về sau ra sao?
- Lão hủ bị giữ ở trong gian mật thất ấy khoảng thời gian ba ngày đêm, chính mắt được thấy những người bao mặt bằng vuông lụa trắng đã mở vuông lụa ra. Trong số đó có hai người mặt mũi lão hủ thấy là nhân vật quen biết lắm, một là Thiết Đảm kiếm khách Trương Thanh Phong, vị kia là Thượng Bất Đồng, môn hạ của Thái Âm phái.
Thiếu Bạch hơi sửng sốt :
- Thượng Bất Đồng à?
- Đúng thế, sao? Lão đệ đã gặp y?
- Có gặp một lần ở Phước Thọ bảo, tại hạ còn bị trúng Âm Phong Thấu Cốt chưởng của y.
- Âm Phong Thấu Cốt chưởng là tuyệt kỹ của Thái Âm phái, sự tàn độc của nó đã sớm truyền rộng khắp võ lâm. Lão đệ bị trúng một chưởng mà vẫn sống được thì thật hiếm thấy.
- Ôi! Cũng nhờ Hoàng và Cao Quang huynh đệ hết lòng tìm thầy chạy thuốc cho tại hạ, và may lại được diệu thủ của Khổ Hạnh đại sư ở Tiểu Thiên Vương tự cứu chữa mới may mắn bảo toàn được tánh mạng.
Nói đến đây, chàng ngừng một giây rồi tiếp :
- Lão tiền bối về sau làm sao thoát hiểm?
- Hai người, Thiết đảm kiếm khách Trương Thanh Phong và Thượng Bất Đồng đều có quen với lão hủ, nhưng họ lại không nhìn nhận lão hủ mà làm như không thấy, điều này chứng minh thật không phải họ.
Hoàng Vĩnh nói :
- Người ta khác nhau không gì bằng ở khuôn mặt, bất luận là vị thần y tài ba đến đâu cũng khó bằng thuật chỉnh dung cải biến được hết tướng mạo, hình dung của con người.
Vạn Lương đáp :
- Nếu như dễ làm, thì đã không gọi là cái việc đại sự, chấn động khắp cả võ lâm.
Lão thở dài rồi tiếp :
- Lão hủ thấy tận mắt cái thuật ghê gớm đó của y, khϊếp sợ quá đỗi, cứ nghĩ tới lúc y đem lão hủ ra cải biến thành bất cứ nhân vật nào y muốn mà vừa hãi vừa lo lắng. Thời may Thiết Đảm kiếm khách Trương Thanh Phong và Ngư Tiền Bình đã kịp thời xông tới, nhào vào mật thất. Hai người võ công cao cường thế nào, đương thời đã tiếng tăm vang dội võ lâm, cho nên qua một phen ác chiến, họ gϊếŧ sạch những vệ sĩ canh giữ mật thất. kẻ tự xưng là Chính Nghĩa lão nhân thì thật không già lắm, võ công tuy cũng khá nhưng không phải là đối thủ của Thiết Đảm kiếm khách bị trúng một kiếm, y để nguyên vết thương chạy thoát. Cái con người giả mạo Trương Thanh Phong tuy bị chết dưới đường kiếm của Trương Thanh Phong nhưng chính Trương Thanh Phong cũng kinh hãi rụng rời trước cái thuật ghê gớm là thuật chỉnh dung tàn độc.
Hoàng Vĩnh than :
- Giang hồ lớn rộng quả thật không chuyện gì là không có, nhưng việc này chưa từng được nghe, chưa từng được thấy. Nếu không phải chính miệng lão tiền bối nói ra thì thực không sao tin được.
Cao Quang hỏi :
- Về sau thế nào? Chính Nghĩa lão nhân có xuất hiện trên giang hồ nữa không?
- Không, từ đấy đến mấy chục năm sau không nghe tin tức gì về y, nhưng cái tình hình chúng ta thấy tối hôm nay và quang cảnh lão hủ mục kích năm xưa có chỗ giống nhau. Do đó lão hủ mới ngờ là Chính Nghĩa lão nhân tái xuất giang hồ, hay ít ra cũng là môn thần kỳ y thuật đã có nối truyền.
Cao Quang nói :
- Nếu như việc này có thực thì đúng là một việc quái lạ, kỳ dị khôn lường, nhưng có một điểm tại hạ suy nghĩ mãi mà không sao giải đáp được.
- Việc gì?
- Người ấy không già, tại sao lại tự xưng là lão nhân? Y dùng cái thuật chỉnh dung xuất sắc như thần, áp dụng trên thân thể người khác, lối hành động ấy được coi như vô cùng tàn nhẫn. Vậy tại sao y lấy hai chữ Chính Nghĩa làm tên?
- Về Chính Nghĩa lão nhân, giang hồ có truyền thuyết không nhiều hơn nữa. Y tới như bão táp, rất mau làm chấn động võ lâm, nhưng rồi bị Ngư Tiên Tiền Bình và Thiết Đảm kiếm khách truy sát. Y lại ra đi như cuồng phong, biến mất thật mau lẹ, chỉ để lại một truyền thuyết rất mơ hồ. Nếu không phải đêm nay chúng ta thấy có chỗ kỳ dị khiến lão hủ nhớ đến chuyện năm xưa thì chính lão hủ cũng quên mất về hành tung của y.
Thiếu Bạch rúng động tâm thần nghĩ :
- “Nếu quả võ lâm có con người đó, quả có cái thuật chỉnh dụng thần sầu quỷ khốc, biết đâu đã chẳng có biết bao nhiêu sự việc bỗng dưng được tạo ra...”
Trong phút chốc, trí óc chàng như xoay vần hoài với biết bao ý nghĩ vẩn vơ, chàng nhìn sững những vì sao lấp lánh trên nền trời.
Vạn Lương đưa mắt nhìn Thiếu Bạch hỏi :
- Lão đệ nghĩ gì thế?
- Lão tiền bối bàn chuyện cũ khiến vãn bối nhớ tới một việc.
- Việc gì?
- Việc Bạch Hạc môn chúng tôi bị võ lâm đồng đạo đồ sát.
- Xin hãy nói rõ, họa may lão hủ có thể giúp một vài ngu kiến.
- Vãn bối nghĩ đến một việc là nếu như có kẻ lợi dụng thuật chỉnh dung, tạo ra một người giống tiên phụ, không phải chuyện khó, tức thời có thể gây mối họa cho Bạch Hạc môn, lão tiền bối nghĩ sao?
Vạn Lương gật gù :
- Chuyện này có thể có lắm.
Thiếu Bạch nói :
- Nếu có một người sở trường về thuật ma quái kia, tất nhiên có thể giả trang tiên phụ, xuất hiện trên Yên Vân phong.
Vạn Lương, Cao Quang và Hoàng Vĩnh đều chăm chú nhìn Thiếu Bạch, đồng loạt đáp :
- Đúng vậy.
Thiếu Bạch nói :
- Có thể lúc hành hung, hung thủ vẫn đội lốt tiên phụ?
Vạn Lương gật đầu nói :
- Đáng tiếc đến ngày nay vẫn không thấy có một người nào có mặt ngay tại chỗ xảy ra án mạng.
Thiếu Bạch chậm rãi tiếp :
- Nếu như có người có thể giả trang thành tiên phụ, tại sao lại không có thể giả trang làm người khác?
Vạn Lương thốt như nhớ ra hỏi :
- Lão đệ muốn nói đến Chưởng môn nhân Thiếu Lâm và Võ Đang?
- Lão tiền bối thấy điều đó có thể có không?
Vạn Lương đáp :
- Có thể, vì nếu cải trang thành một Chưởng môn, thế tất có thể cải trang thêm một vài Chưởng môn nữa cũng không khó gì.
Thiếu Bạch khẽ đằng hắng :
- Điều khó hiểu ở đây là tại sao kẻ gian lại muốn cải trang thành tiên phụ?
Vạn Lương ngẫm nghĩ :
- “Hiện tại chúng ta chỉ suy đoán, nên không thể nói chắc tuyệt đối, nhưng có một điểm, lão hủ sinh lòng cảm khái, là việc Bạch Hạc môn bị đồ sát, cả hơn mười năm rồi mà võ lâm vẫn chưa quên, đó là việc rất ít thấy”.
Thiếu Bạch nhẩm tính trong bụng :
- “Nếu như Lam y thư sinh đúng là truyền nhân của Chính Nghĩa lão nhân, không hiểu vì cớ gì lại sống ở một chỗ hoang lương như thế, lại còn người đàn ông và người đàn bà là nhân vật thế nào, xem tình cảnh của họ, hình như họ chưa chết, và tại sao cứ nằm ở trong quan tài? Và lam y thư sinh đặt hai cỗ quan tài ở giữa căn nhà tranh với dụng tâm gì, chẳng lẽ chỉ để che mắt người khác”.
Bao nhiêu nghi vấn ấy dồn dập đến Thiếu Bạch, chàng thấy nó rối mù không thấy đâu là đầu mối.
Vạn Lương thấy Thiếu Bạch trầm ngâm mãi không lên tiếng, không dừng được hỏi :
- Lão đệ nghĩ gì thế?
- Vãn bối đang nghĩ tới ngôi nhà tranh hoang vừa, chôn giấu nhiều bí mật, nếu như chúng ta tra rõ được những bí ẩn, biết đâu lại chả khai quật được một điều bí ẩn lớn lao của võ lâm.
- Chuyện nói phải, có điều bên trong vô vàn khó khăn, khiến không biết đâu mà rờ.
Thiếu Bạch nói :
- Vãn bối có một kế.
- Kế gì hay?
Thiếu Bạch đáp :
- Nói ra cũng không phải kế hay hoặc cao kiến gì, vãn bối nghĩ dùng lại cách năm xưa lão tiền bối đã dùng là tìm cách trà trộn vào trong ngôi nhà tranh...
Vạn Lương đỡ lời :
- Lão đệ muốn nói là giả cách như bị bắt rồi lẫn lộn vào ngôi nhà tranh à?
- Đúng vậy, nếu lão tiền bối và một trong hai người em kết nghĩa của tại hạ giả trang làm người được sai từ trong nhà tranh ra, còn tại hạ đóng vai giả bị bắt, phải chẳng có thể vào được đấy chứ?
Vạn Lương nghĩ ngợi :
- Biện pháp kể cũng hay, có điều mạo hiểm quá.
Thiếu Bạch nói :
- Vãn bối có cảm giác trong ngôi nhà tranh thần bí ấy tựa hồ như là điểm khởi nguyên cho sát cơ thấp thoáng trên giang hồ. Chưa biết chừng đúng như lời Tứ Giới đại sư nói, một âm mưu lớn lao đã hình thành dần dần trong bóng tối. Bạch Hạc môn đồ sát chỉ là một màn giao đầu mà thôi...
Từ từ đưa mắt nhìn Vạn Lương đến Cao Quang, Hoàng Vĩnh chàng tiếp :
- Hơn mười năm trước, việc Bạch Hạc môn bị đồ sát thành thảm án trong võ lâm, nhưng nội tình thực sự không có ai hay biết. Vãn bối cũng nghĩ đến việc tiên phụ đúng là có tới Yên Vân phong, phát hiện ra sự ẩn mật nào đó cho nên bị gieo họa và dẫn đến sự thảm sát môn hộ.
Vạn Lương hỏi :
- Không lẽ giờ đây lão đệ lại nghĩ khác à?
Thiếu Bạch gật đầu :
- Theo số kiến văn vãn bối thâu thập được trong mấy tháng đi lại trên giang hồ và câu chuyện với Tứ Giới đại sư khiến vãn bối nghiệm thấy nội tình bên trong không đơn giản như vãn bối nghĩ.
Rồi chàng thở dài nói tiếp :
- Lúc Chưởng môn nhân của bốn đại môn phái bị hại trên Yên Vân phong hẳn phải là có đệ tử đi theo, thế tại sao lại không có người nào thấy cảnh bốn Chưởng môn nhân bị gϊếŧ, vãn bối mới nghĩ bên trong tất không ra ngoài hai nguyên nhân...
Chàng phân tích kỹ lưỡng khiến Vạn Lương, Cao Quang và Hoàng Vĩnh đều gật đầu biểu đồng tình.
Thiếu Bạch khẽ đằng hắng mấy tiếng :
- Nguyên nhân thứ nhất là cuộc mưu sát đã được tổ chức hết sức chu đáo, bí mật, nhưng không may lại bị tiên phụ phát giác nên việc Bạch Hạc môn bị đồ sát chỉ là việc gϊếŧ người diệt khẩu.
Vạn Lương vỗ đùi đánh bét, giơ ngón tay cái, nói :
- Cao kiến, cao kiến!
Thiếu Bạch cười buồn :
- Một nguyên nhân khác, ấy là bốn Chưởng môn nhân thật ra không có chết...
Vạn Lương trợn tròn mắt nói :
- Thế nào? Việc bốn Chưởng môn bị gϊếŧ, thiên hạ đều hay chẳng lẽ là việc giả được sao?
- Người ta chỉ nhìn thấy bốn cái thây chứ có ai dám chứng thật là Chưởng môn nhân của bốn đại phái.
Vạn Lương lẩm bẩm :
- Cái này... cái này cũng không phải là không có thể.
- Nếu như Chưởng môn nhân bốn đại môn phái vẫn còn sống, có thể suy đoán trên hai phương diện. Một là nhân vật chủ não sắp đặt sẵn âm mưu ấy...
Vạn Lương ngắt lời :
- Việc ấy không thể bàn tới.
- Nhưng chưa hẳn là không có thể!
Vạn Lương khẽ gật đầu :
- Còn phương diện kia?
- Bốn người đã sớm bị bắt sống và bị giam cầm.
Hoàng Vĩnh chen vào hỏi :
- Tại sao đại ca lại có ý nghĩ như thế?
Thiếu Bạch chậm rãi trả lời :
- Nhìn cảnh tượng trong lều tranh thần bí kia và theo lời nói của Vạn lão tiền bối thì ngu huynh mạnh dạn suy đoán như vậy.
Vạn Lương hỏi Thiếu Bạch :
- Lão đệ hãy nói cho mọi người nghe về những lập luận dẫn đến sự suy đoán của lão đệ. Thật ra là ta vẫn chưa biết rõ ý của lão đệ nói về chuyện gì?
Cao Quang và Hoàng Vĩnh đều gật đầu đồng ý với lời nói của Vạn Lương.
Thiếu Bạch nhìn qua mọi người một lượt, thấy ai ai cũng đợi chờ nghe giả thuyết của mình nên khẽ mỉm cười rồi từ tốn nói :
- Đây chẳng qua cũng chỉ là một giả thuyết của vãn bối mà thôi, chưa có gì mà chắc lắm. Nếu nói ra chư vị thấy có khiếm khuyết chỗ nào xin cứ bồi vào cho.
Cao Quang nóng nảy chen vào :
- Thì đại ca cứ nói ra đi.
Hoàng Vĩnh trừng mắt khẽ nạt :
- Tam đệ, im lặng mà nghe đại ca nói.
Thiếu Bạch thấy vậy nên bắt đầu nói :
- Thôi được rồi, để ngu ca nói ngay đây. Sở dĩ ngu ca có giả thuyết đó là vì chợt nghĩ đến Chưởng môn nhân của bốn đại môn phái bị sát hại trên đỉnh Yên Vân phong là giả mạo. Sự việc này nếu là đúng thì bốn vị Chưởng môn nhân tất đã bị sanh cầm bởi một tay chủ não cực kỳ lợi hại đứng ra cầm đầu. Nhưng y chỉ đứng đằng sau lưng giựt dây cho bốn Chưởng môn nhân hiện nay hành động và chính họ đã ra tay gia hại các vị Chưởng môn nhân đời trước của họ.
Nghe đến đây cả bọn ồ lên một tiếng sửng sốt. Thiếu Bạch tiếp lời :
- Vị chuyện tranh giành ghế Chưởng môn hoặc có một lỗi lầm gì đó nên các vị kế thừa Chưởng môn nhân của bốn đại môn phái không ngần ngại ra tay mưu hại người Chưởng môn nhân của mình. Nếu bây giờ ta biết được nơi đang sanh cầm bốn vị Chưởng môn nhân ấy là mọi việc sẽ rõ ràng ngay.
Vạn Lương gật đầu đồng ý đáp :
- Giả thuyết của lão đệ thật là hay lắm, quả nhiên đã có truyền nhân của Chính Nghĩa lão nhân thì chuyện đó có thể xảy ra. Thôi bây giờ ta hãy đi tìm chỗ nghỉ ngơi lấy sức.
Bốn người lặng lẽ phi nhanh về phía trước, được gần mười dặm hiển nhiên có một cái trấn nhỏ. Họ liền tìm đến một khách điếm để thuê phòng. Vị chủ điếm thấy họ liền vồn vã mời vào trong nghỉ ngơi.
Bấy giờ những khách ngủ ở đấy hầu hết đã thức dậy ra đi, chỉ trừ bên vách tây còn mỗi một ông khách vẫn ôm đầu ngủ vùi.
Ở một cái làng vắng vẻ, có một khách điếm như thế trông mới tiêu điều làm sao! Vị điếm chủ quét mắt nhìn quanh nói :
- Bốn vị khách gia, gian phòng này được kể là một gian sạch sẽ nhất trong ba gian phòng khách của tiểu điếm.
Vạn Lương nói :
- Được, chúng tôi ở đây.
Vạn Lương vội kéo vị chủ điếm lại dặn :
- Gian phòng khách này chúng tôi xin bao cả, nếu có khách đừng dẫn họ tới đây.
Điếm chủ đáp dạ, cầm chiếc đèn l*иg chực cất bước đi thì Vạn Lương lại khẽ giọng tiếp :
- Điếm chủ, người kia hẳn rồi sẽ ra đi?
- Phải, trừ phi y chết rục ở đây.
Câu sau cùng, điếm chủ nói rất sẽ, như sợ người khác nghe được. Trong phòng, nếu có một người lạ mặt, cuộc chuyện trò tất không được tự nhiên. Vạn Lương đằng hắng mấy tiếng, cốt ý đánh thức người đó lên đường sớm.
Dè đâu y ngủ say đến nỗi Vạn Lương có ho lớn cách nào y vẫn ngủ im lìm bất động. Cho đến khi trời sáng hửng, vị điếm chủ tới mời bốn người điểm tâm, kẻ kia vẫn còn ngủ say.
Vạn Lương sanh nghi :
- Vị này là khách quen?
Điếm chủ nghĩ ngợi một lúc rồi đáp :
- Không phải.
- Y làm nghề gì?
- Thợ hàn.
Đưa mắt nhìn ông khách gục đầu ngủ vùi, vị điếm chủ tiếp :
- Bốn vị cứ ra đằng trước ăn sáng để tiểu nhân gọi y dậy, nếu y không phải đi sớm tiểu nhân cũng cố tìm cách sắp cho y một gian phòng khác.
- Chưởng quầy cho biết quí danh?
- Tiểu nhân họ Trần.
- Vậy thì xin phiền tới chưởng quầy, chúng tôi có hẹn với vài bằng hữu, nên không chừng sẽ ở lại dăm ba bữa.
Trần chưởng quầy vòng tay :
- Tiểu nhân cảm tạ chư vị có lòng chiếu cố.
Vạn Lương nhìn người mê man ngủ lần cuối, lững thững đi ra phạn sảnh phía trước. Ở tiểu điếm đìu hiu này, gọi là sảnh, bất quá chỉ là một cái phòng hai gian ở phía ngoài với ba chiếc bàn cũ kỹ.
Bốn người tiến vào tiền sảnh, quả nhiên thấy trên một cái bàn vuông có bày sẵn một mâm thịt rượu.
Bốn người bụng đói cồn cào, lập tức ngồi xuống chén. Ăn xong thốt thấy Trần chưởng quầy từ trong chạy ra mặt hớt hơ hớt hải :
- Bốn vị khách gia, thật nguy quá, vị khách ấy đã... đã chết rồi, xin chờ một lát, tiểu nhân sẽ đổi cho chư vị phòng khác.
Dứt lời, y tất tả bỏ chạy ra ngoài điếm. Vạn Lương chợt đứng phắt dậy, nhanh chân chặn đường điếm chủ hỏi dồn :
- Thật chết rồi sao?
Trần chưởng quầy nói :
- Việc này không lẽ là đùa, tiểu nhân nối nghiệp Trần gia coi việc ở điếm đã bốn, năm chục năm trời, chưa hề thấy xảy ra chuyện đó.
- Chưởng quầy định đi đâu giờ này?
- Mạng người hệ trọng, tiểu nhân phải đi cáo quan.
- Lão hủ y đạo gia truyền tinh thâm, chưởng quầy thử dẫn lão hủ đi coi xem.
- Khỏi cần phải xem, người đã tắt thở, tay chân lạnh giá rồi.
Vạn Lương bất thần chụp lấy cổ tay Trần chưởng quầy nói :
- Nếu làm to chuyện, tất nhiên sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc làm ăn của quí điếm, chẳng bằng hãy để lão hủ đi xem trước, biết đâu không cứu sống được y.
Điếm chủ cảm thấy cườm tay đau buốt như bị kiềm kẹp, lòng hoảng kinh vội đáp :
- Lão tiền bối... nói phải.
Thì ra chưởng quầy khai điếm đã nửa đời người, nên cũng khá lịch duyệt. Biết là gặp phải nhân vật võ lâm làm sao dám trái ý.
Bốn người lại trở về phòng. Chỉ thấy người khách ôm đầu ngủ vẫn nằm ngửa, chừng như đang ngủ say lắm. Vạn Lương buông tay điếm chủ, điềm tĩnh tiến lại vén tấm mền lên thấy người đó tuổi độ tam tuần, mặt mũi trắng bệch, lão đưa tay sờ mũi, quả nhiên thấy đã tắt thở.
Cao Quang khẽ hỏi :
- Chết thật rồi à?
Vạn Lương lặng thinh, đưa tay sờ xuống ngực. Lão là người lịch lãm giang hồ, biết rõ một người tinh thâm nội công, có thể ngừng hô hấp trong khoảng thời gian nửa tiếng đồng hồ là thường. Cho nên hữu thủ đặt lên trên ngực đại hán chưa vội buông tay ngay. Và đồng thời, lão cũng nín thở xem khí huyết kinh mạch trong người đại hán có thật ngừng lưu thông chưa.
Quả nhiên, tra xét một chập lâu, Vạn Lương phát giác trong kinh mạch đại hán máu vẫn chảy thật nhẹ. Điều này chứng minh y chưa chết. Vạn Lương nháy mắt ra hiệu cho bọn Thiếu Bạch chia nhau canh giữ cửa sổ lớn, đoạn cười nhạt nói :
- Bằng hữu khí huyết trong kinh mạch chưa tuyệt, rõ ràng là còn sống. Vạn mỗ đã từng đi Nam về Bắc, trải biết bao nhiêu phen sóng gió chứ kể gì cái việc trẻ con này, bằng hữu khỏi cần giả ngây giả dại trước mắt lão phu nữa.
Chỉ thấy đại hán vẫn nằm im bất động. Trần chưởng quầy khẽ thở dài cất tiếng :
- Người đã tắt thở, đâu có lý còn sống lại được?
Vạn Lương cười khẩy :
- Bằng hữu ương ngạnh, đừng trách lão phu giở độc thủ.
Nhanh như điện, hữu thủ lão vỗ ập xuống ngực đại hán. Điều kỳ lạ, mắt thấy chưởng thế tới sát ngực, người đó vẫn nằm im không nhúc nhích. Đã nhiều năm bôn tẩu giang hồ, Vạn Lương không vì sự trầm tĩnh của đối phương mà bỏ dở mưu định, kịp lúc chưởng thế sắp chạm vào ngực đại hán, lão đột ngột biến chưởng thành chỉ, điểm thẳng vào Thân Phong huyệt.
Cùng lúc với đầu chỉ của Vạn Lương chạm vào lớp áo, đại hán vụt lăn mình một cách tài tình tránh thoát cái đánh của lão, ngồi bật dậy.
Vạn Lương lạnh lùng nói :
- Lão phu những tưởng bằng hữu có gan to không sợ chết, ai ngờ cũng một hạng tầm thường.
Đại hán trợn tròn cặp mắt trắng dã quét nhìn với tia mắt lạnh lùng qua Vạn Lương và bọn Thiếu Bạch một chặp.
Y tuy đã ngồi dậy nhưng hai tay vẫn ôm mền, trải kín đến tận gót chân. Y có cái vẻ lạnh lùng thật hiếm có khiến cho bọn Thiếu Bạch thầm bội phục. Vạn Lương chờ mãi không thấy đại hán đáp bèn xẵng giọng :
- Bằng hữu, bây giờ đã bị lộ nguyên hình, còn giả bộ giả tịch là cái nghĩa gì?
Đại hán từ từ nằm xuống nói :
- Tại hạ ngủ thì mặc thây tại hạ, có can gì tới chư vị mà tại sao lại ra tay điểm huyệt?
Dứt lời, y nhắm mắt ngủ tiếp.