Trọng Sinh Ngày Ngày Làm Ruộng

Chương 27

Tô Diệp mở khăn nhào bột lần hai, lúc này bột đã đạt độ đàn hồi, dẻo dai, xoa nắn nhẹ nhàng khoảng mười lăm phút. Tô Hủy vừa vặn nhấc chảo khỏi bếp. Tô Diệp bắc nồi khác, đổ đầy hai phần ba nước, khơi lửa to. Nàng chia bột mì thành nhiều phần nhỏ tùy ý để dễ cán. Phần nào chưa cán thì che đậy tránh bột bị khô khi để lâu trong gió và không khí. Tiếp theo, Tô Diệp sử dụng cây gỗ để cán bột nhiều lần, tạo thành tấm bột mỏng mịn dài khoảng 90-100 cm. Sau đó, nàng gập đôi lại để cắt thành tấm dài 45 – 50 cm, thái đều tay từng sợi mì có độ mỏng, dày đồng nhất, rũ tơi, đựng trong giỏ trúc. Động tác của Tô Diệp thành thạo, tốc độ thoăn thoắt nhịp nhàng. Khi nước bắt đầu nổi bong bóng, Tô Diệp cán xong phân nửa.

Thả sợi mì vào nồi nước sôi, dùng đũa đảo vòng tròn tránh bị kết dính. Dần dần sợi mì đổi từ trắng đυ.c sang màu trong suốt. Lượng nước cạn dần nhưng Tô Diệp không dám cho quá nhiều sợ trào, nàng kiên nhẫn thêm từ từ.

“Mì chín rải thêm một muôi thịt băm xào, trộn đều là xong. Được suất nào ăn trước suất đấy, đợi nhau bị nhũn toét mất.”

Tô Hủy chia mì chín ra các chén. Tô Diệp tiếp tục chế biến nốt chỗ bột còn lại. Lúc Tô Diệp cán xong hết nguyên liệu thì nồi mỳ sợi thứ hai đã ra lò, Diệp Mai đang vớt ráo nước. Tô Diệp lấy tô nhỏ, gắp đầy mỳ sợi, chan nước sốt nấm thịt băm, quấy đều. Nàng ăn thử mấy miếng, vị ngon bùng nổ! Giả mà có thêm dưa chuột xắt sợi, măng chua, đậu đũa ngâm hoặc dưa chua thì hết nước chấm. Tô Diệp bưng bát của mình ra bàn ăn ngoài gian chính, mặt bàn bày bảy tám cái bát trống không lộn xộn, mì sợi bay sạch chỉ còn vương vệt nước sốt.

Tô Cảnh Phong xoa xoa bụng nhỏ căng tròn: “Đệ no lắm rồi mà sao vẫn thèm ăn nữa. Nhị tỷ ơi, trưa tỷ lại nấu món này nữa đi.”

Diệp Đức Chính múc thêm nửa bát, vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói: “Diệp tử, trưa nay ăn tiếp món mì sợi nhé. Muội cần làm gì cứ để ca ca ta đây.”

Tô Cảnh Lâm lườm cháy mặt: “Ca ca nó còn đang ngồi lù lù chỗ này nhé.”

Diệp Đức Chính cười hì hì chống chế: “Anh họ cũng là anh trai nhỉ.”

Chưa được bao lâu món mì sợi đã cháy hàng.

No bụng tinh thần thỏa mãn, Tô Diệp và những người khác tràn đầy năng lượng đi gánh nước tưới lúa mạch. Tô Diệp trưng dụng lu ướp thịt hồi mùa đông. Nàng gánh tới cánh đồng. Tô Cảnh Lâm đổ nước đầy lu. Tô Quả và Tô Cảnh Phong cầm gáo dừa múc nước tưới. Phân công nhiệm vụ rõ ràng, liền mạch. Một buổi chiều mấy anh em đã chăm sóc xong ba mẫu lúa mì. Năng suất của các biểu ca Diệp gia cao hơn một chút.

Giữa trưa Tô Diệp quay về nhà, Diệp Mai và Tô Hủy đã dọn sẵn mâm cơm đón chờ. Một nồi to sốt nấm thịt bằm, hai nồi mì sợi hỗn hợp. Số lượng nhiều gấp đôi buổi sáng, đảm bảo no bụng. Diệp Mai nhìn con gái: “Hết trứng gà rồi, nương đành thêm tạm nhúm muối thôi.”

Nửa canh giờ sau, thành viên hai nhà ngồi quây quần bên nhau. Mỗi người cầm một chén mì sợi húp xì xụp. Trừ phần giữ riêng cho Tô Thế Vĩ và Diệp Quốc Kiện chưa về, thức ăn bay sạch bách. Nghỉ ngơi chợp mắt qua giờ nắng gay gắt, đội trẻ tuổi tiếp tục công cuộc gánh nước tưới tiêu. Đầu giờ mùi, Tô Thế Vĩ và Diệp Quốc Kiện khua trâu vào chuồng, nhanh chóng ăn mì sợi thỏa cơn đói rồi ra đồng phụ các con ngay. Buổi tối cơm nước xong xuôi, tắm rửa thay quần áo sạch sẽ, hai nhà ngồi ngoài sân hóng gió mát nói chuyện phiếm.

Tô Thế Vĩ nói:” Chiều nay lục ca sang tìm ta. Huynh ấy cho biết khu vực ruộng quan hướng bắc có tầm mười mấy mẫu đầm lầy. Năm ngoái khai hoang có thôn dân lỡ bước nhầm vào bị chìm lún quá nửa người. Tình huống cực nguy hiểm, ai ai đều tránh xa. Hiện tại bà con đang kết nhóm qua bển xúc hỗn hợp bùn về cải thiện độ mầu mỡ, chuẩn bị ươm mạ. Nhà nào nhiều đàn ông trưởng thành đều tham gia vận chuyển.”

Diệp Quốc Kiện: “Ngày mai chúng ta đi khảo sát tình hình cụ thể. Nếu ổn nhà mình cũng xúc về bón ruộng.”

Tô Thế Vĩ: “Quãng thời gian này trời trong xanh nắng chan hòa, tuyệt không giọt mưa. Đệ tính tập trung cắt cỏ về che phủ cánh đồng lúa mì giữ độ ẩm trước, phòng ngừa nước bốc hơi quá nhanh, đất đai bị khô nứt nẻ. Cỏ khô chết phân hủy thành phân bón vừa tiện lợi luôn. Hạt giống thóc phơi hai ngày rồi. Đêm nay bắt đầu ngâm nước ấm. Tầm hai, ba ngày nữa mới nảy mầm được. Chúng ta vẫn đủ thời gian đào bùn.”

Diệp Quốc Kiện tán thành: “Ý kiến hay”

Diệp Mai gom hạt giống đã phơi nắng vào thùng gỗ sạch sẽ, diện tích khá rộng, thêm nước ấm, đảo qua đảo lại cho ngấm đều. Hạt lép nổi lềnh phềnh trong khi hạt mẩy vẫn chìm dưới đáy. Diệp Mai vớt lọc số hạt không đủ tiêu chuẩn. Kiên nhẫn thực hiện tuần hoàn động tác đảo, vớt đến triệt để. Nàng đổ hết nước đầu, đổi nước đợt hai, nhấc thùng vào phòng ngủ canh chừng. Diệp Quốc Kiện và Trần Lan quan sát tỉ mỉ, ghi nhớ toàn bộ quá trình. Hai người học hỏi, về nhà thực hiện theo.

Sáng sớm hôm sau, gà vừa gáy Diệp Quốc Kiện đã tỉnh giấc. Ăn lót dạ linh tinh rồi vào thành nhận lưỡi cày luôn. Ngoài người được phân công ở lại trông nhà, nấu cơm giặt giũ, tất cả đội mũ rơm đi cắt cỏ. Thành viên nhỏ tuổi nhất Tô Cảnh Phong cũng tham gia.

Tiết trời đầu tháng tư, cỏ đâm chồi mơn mởn nhưng non tuổi nên thân lá khá thấp. Người cắt phải cúi rạp lưng sát đất dễ nhức mỏi. Tô Quả, Tô Cảnh Phong theo sau gom đống buộc từng bó. Thi thoảng thấy vài nhành tể thái trộn lẫn, Tô Diệp sẽ nhặt riêng ra. Nàng đồng thời dặn dò những người khác. Toàn gia cắt suốt một canh giờ, số lượng thu gom đã hòm hòm đầy xe kéo. Bấy giờ chia hai tốp. Một tốp vận chuyển cỏ về đồng lúa mì, phủ kín gốc rễ theo hàng luống, một tốp tiếp tục cắt cỏ. Giữa trưa quá nửa diện tích đã sửa sang xong. Ấn theo tốc độ này, Tô Diệp áng chừng bận rộn thêm một canh giờ nữa là thu liềm hồi phủ.

Thời gian nghỉ trưa, Diệp Quốc Kiện đã nhận lưỡi cày sắt, đang dựng giữa sân. Mọi người vui mừng khấp khởi vây xem bàn luận. Trâu đực kéo xe nửa ngày, lê chân mấy chục dặm đường núi gập ghềnh nên tinh thần ỉu xìu mệt mỏi. Diệp Đức Chính dắt nó ăn cỏ uống nước nghỉ ngơi tránh nắng. Giờ thân lại xua nó xuống ruộng, kéo lưỡi cày sau.

Ăn qua loa bữa cơm trưa, người hai nhà nhanh chóng đi cắt cỏ, vận chuyển, che phủ. Buổi chiều vội vội vàng vàng hơn canh giờ, phần diện tích còn lại cũng êm xuôi. Cuối giờ thân, Diệp Quốc Kiện khiêng bừa sắt, Tô Thế Vĩ thủng thẳng dắt trâu đến khu vực ruộng lúa nước. Diệp Đức Tường thay ca Tô Thế Vĩ. Diệp Quốc Kiện tròng dây chão qua cổ trâu, cán bừa song song sườn bụng. Diệp Đức Tường đi trước dẫn trâu. Diệp Quốc Kiện đứng sau giữ lưỡi cày.

Diệp Quốc Kiện hướng dẫn: “Cha con ta thử cày tầm hai sào trước nhé. Để xem hiệu quả như nào rồi tính tiếp.”

Diệp Đức Tường đáp: “Vâng.”

Hai cha con vòng qua vòng lại ba lượt trong khoảng diện tích hai sào chọn sẵn. Mặt ruộng nhanh chóng được san phẳng, lớp đất dưới độ sâu hai mươi tới ba mươi cm bị xáo trộn. Ngoại trừ các vật thể cứng cá biệt to tầm nắm tay trẻ con, tất cả đề bị răng nhọn nghiền nát dễ dàng. Chất đất tới xốp, mịn màng thoáng khí, vùi lấp cỏ dại. Bà con hay tin chạy đến bu kín bốn phía. Tiếng trầm trồ cảm thán, tiếng chỉ đạo, tiếng nói chuyện xì xào vang không ngớt:

“Đường kéo cày càng dày thì bùn đất càng nhỏ mịn.”

“Ôi loại nông cụ mới này năng suất cao quá, mỗi tội nhà tôi chưa mua trâu.”

“Theo tôi thấy thì khả năng người trưởng thành kéo cũng được đấy. Quan trọng là lười cày kia nặng bao nhiêu cân.”

“Đắt quá, tận năm lượng chứ ít ỏi gì. Giờ nhà tôi cơm còn chẳng đủ ăn, đào đâu ra tiền. Con cái vô dụng so không nổi với cô con gái giỏi giang nhà họ Tô.”

“Tôi phải tóm cổ mấy thằng nhóc nghịch ngợm vô dụng nhà tôi lại mới được. Mau mau luyện bản lĩnh bắn cung săn thú. Cố hương toàn sông ngòi không đất dụng võ chứ nơi này núi rừng chập trùng, dã thú chạy nhảy đầy ra đấy. Thi thoảng tôi hái nấm nhìn gà rừng thỏ hoang lượn ngay trước mắt mà không bắt nổi. Phủ thành thu mua giá lại còn cao.”

“Ôi ông ơi săn thú nguy hiểm lắm. Phía bắc kia kìa, cách thôn ta chừng vài ngọn núi có một cái thôn. Bà con thôn đấy sống bằng nghề săn thú gia truyền. Tôi nghe đồn năm nào cũng có vài người bị thương nặng hoặc chết mất xác. Mà bọn họ luyện công phu quyền cước từ nhỏ đấy. Ông định đẩy con trai vào miệng sói hổ à.”

“Nguy hiểm nhỉ. Thôn mình có ai luyện võ không?”

“Tôi nào biết.”

Tô Diệp chỉ đứng xem một lúc rồi quay đầu về nhà. Hôm nay nàng đào được khá nhiều cây tể thái non vẫn nguyên bộ rễ, chưa cần nấu hết vội, có thể lưu trữ lâu dài. Đáng tiếc, Tô Hủy ngồi ở nhà rảnh rỗi đã chăm chỉ nhặt cuống, bỏ lá già, rửa sạch nguyên rổ to rồi. Tô Diệp bần thần nhìn nhìn, nói: “Bữa tối hấp sủi cảo nhân thịt xông khói trộn rau tể thái. Tỷ sơ chế hết chỗ rau đi.”

Tô Diệp dòm đống rau non bự chà bá, ngán ngẩm hỏi: “Liệu ăn hết nổi không đó?”

Tô Diệp: “Hết.”