Sợi Chỉ Đỏ Của Số

Chương 5

Ngoại truyện Phong Nghiên.

Cuộc đời này của tôi, con đường dài nhất tôi từng qua chính là con đường gặp Ngu Lễ, suốt 18 năm.

Nếu không có sự cố kia, người ở bên em, lớn lên cùng em lẽ ra phải là tôi.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ buổi chiều bình thường đó, tan lớp học cello về nhà, biết tin Ngu Lễ lạc mất.

Năm đó tôi 10 tuổi, lần đầu cảm nhận sự chia lìa với người quan trọng, tôi ôm bức ảnh chúng tôi chụp hôm trước, cả đêm không ngủ.

Kể từ đó tôi bắt đầu quyên góp tiền bạc, vật dụng cho các cô nhi viện, cho các vùng núi nghèo khó, cho dù chỉ có một phần vạn khả năng, tôi cũng mong Ngu Lễ đang ở một góc nào đó có thể sống tốt hơn.

Tôi còn đi học vẽ tranh, tưởng tượng dáng vẻ mỗi năm lớn lên của em là như thế nào.

Khi công việc kinh doanh gia đình ngày càng lớn mạnh, bố tôi bị phát hiện nɠɵạı ŧìиɧ. Tôi mới biết ngày hôm đó ông ta đưa Ngu Lễ đi như một cái cớ để gặp lại mối tình đầu, rồi để lạc mất Ngu Lễ.

Năm sau, mẹ tôi buồn bực mà mất.

Ông ta cùng mối tình đầu và đứa con ngoài giá thú của họ thành người một nhà. Tôi trở thành người dư thừa.

Nhưng trên đời làm gì có chuyện tốt như vậy, ông ta dùng số tiền của mẹ tôi gây dựng sự nghiệp, rồi lại ép c/h/ế/t mẹ tôi, cuối cùng bọn họ lại thành một gia đình hạnh phúc mỹ mãn.

Sau này, dưới sự giám sát, chèn ép của người phụ nữ kia, tôi trở thành một kẻ ăn chơi trác táng, không chút ý chí cầu tiến như bà ta mong muốn, mỗi ngày cùng đám bạn bè cặp kè chơi bời.

Một lần tụ tập, tôi gặp Ngu Lễ.

Khi em hoảng hốt đẩy cửa vào, đôi mắt mở to sợ hãi lướt qua, tim tôi hẫng đi một nhịp. Nhưng 18 năm qua, tôi gặp quá nhiều người tương tự như em, kết quả lần nào cũng thất vọng.

Vì vậy lần này, sau khi đưa em về phòng của em, tôi do dự, nếu như xác minh lại thất vọng thì sao?

Nghe nói trong chùa cổ phía Nam có một cây cổ thụ nghìn năm, có thể thực hiện bất kỳ nguyện vọng nào, trước giờ tôi không tin, nhưng giờ đây tôi muốn thử.

Đi hết 3600 bậc thang, tôi đứng dưới cây cổ thụ thắt đầy những sợi lụa đỏ, buộc lời ước nguyện vào cây, chắp tay thành kính khấn: “Con hy vọng… có thể được gặp em ấy. Hy vọng chúng con mãi mãi bên nhau.”

Cùng lúc tôi cất lời là một giọng nữ nhẹ nhàng có phần quen thuộc.

Lời vừa dứt, sợi dây buộc điều ước trên cây bỗng theo gió bay lên, từ góc mái hiên vang lên tiếng chuông trong trẻo, xuyên qua những sợi dây đỏ phất phơ, tôi nghiêng đầu nhìn sang bên kia cây cổ thụ.

Ngu Lễ.

Nhìn gương mặt thanh tú của em, trong lòng tôi bỗng có một ý nghĩ, nếu tình cờ gặp gỡ trong ngàn vạn người là trùng hợp, vậy còn gặp gỡ lần thứ hai thì sao?

Tôi nhớ có năm khi tặng sách, tôi đã viết lên sách một câu: “Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, bạn sẽ thấy được hy vọng.”

Tôi chưa từng từ bỏ, nên tôi thật sự tìm được em.

Sau đó tôi đi kiểm tra thông tin của em mới phát hiện em ở bên Đường Dịch. Nhưng không ngờ em vì cứu Đường Dịch mà bị thương, mất trí nhớ. Mà Đường Dịch lại vì “người trong mộng” của anh ta mà nhân cơ hội thoát khỏi em.

Tôi chủ động đề nghị giúp đỡ, tôi nói với anh ta: “Đường Dịch, quá khứ, hiện tại, tương lai, hai người sẽ không bao giờ có quan hệ gì nữa.”

Khi đó anh ta đang chìm đắm trong niềm vui được ở bên cạnh người trong mộng của mình, không bận tâm lời tôi nói.

Khi anh ta vội vội vàng vàng tiêu hủy hết những gì chứng tỏ mối quan hệ giữa mình với Ngu Lễ, tôi cho người đi sưu tầm mọi dấu vết hai người từng ở bên nhau, tự mình tiêu hủy lần nữa.

Trừ khi Ngu Lễ tự mình nhớ ra, nếu không thì không có gì chứng minh họ từng bên nhau.

Tất cả mọi người đều nói tôi đối với em chỉ là hứng thú nhất thời, là trò tiêu khiển khi nhàm chán, không ai biết, khoảnh khắc tôi đẩy cánh cửa phòng bệnh, đứng trước mặt em có bao nhiêu căng thẳng, bao nhiêu trân trọng.

Cho dù tôi đã biến mất trong ký ức của em. Nhưng không sao, chúng tôi có thể làm quen lại lần nữa.

Cách xa nhau 18 năm, chúng tôi lần đầu gặp mặt.

Cũng là chia xa gặp lại.