Hoàng Ngũ Phúc xuất thân hoạn quan, là một trong những tay chân thân tín của Trịnh Doanh, Hoàng Ngũ Phúc được thăng quan tiến chức rất nhanh. Đầu năm Canh Thân (1740), Hoàng Ngũ Phúc được trao chức Tả Thiếu Giám, sau đó không bao lâu lại được sung chức Nội Sai của Hình Phiên.
Khi chúa Trịnh Doanh mới lên ngôi, nhận thấy triều đình luôn phải điều quân đi đánh dẹp, Phúc nhờ vào tài trí cảu mình, tháng 2 năm Quý Hợi (1743) Phúc đã dâng lên Chúa 12 điều về binh pháp (dù rằng chưa lần nào ra chiến trường), Chúa đọc qua thì thấy Phúc quả là người tài, phê chuẩn cho đem thi hành. Sau đó sai Phúc thống lĩnh kỳ binh đạo Hải Dương, cùng thống tướng Hoàng Công Kỳ đi đánh quân khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu.
Lúc Hoàng Ngũ Phúc mới nghe được mệnh lệnh của chúa thì sợ đến mất ăn mất ngủ vì từ trước đến nay, Phúc chưa từng ra chiến trận bao giờ, chỉ là nhờ vào sự thông minh mà đề xuất ra 12 điều binh pháp.
Phúc là người không chỉ khéo ăn nói, giỏi đạo làm quan mà còn giao du rất rộng. Trong nhà vẫn thường chiêu đãi các môn khách, kẻ sĩ tài hoa. Khi có những chuyện khó nghĩ cần tìm người hiến kế, Phúc sẽ nhờ đến các vị này.
Khi ấy, có một vị môn khách người Hoa đến khuyên:
"Tướng công cứ vay mượn kho triều đình một vạn quan tiền mà chiêu mộ binh".
Hoàng Ngũ Phúc nói:
"Nếu như vay thì sẽ phải trả, tới khi trả thì lấy tiền đâu để trả".
Người khách ấy nói tiếp:
"Tục ngữ có câu rằng “tướng vô tài, sĩ bất lai” nghĩa là người làm tướng mà không có của cải thì dũng sĩ chẳng bao giờ tìm đến cả. Nếu như thắng trận thì tướng công đã giàu lại sang, người người đua nhanh nịnh nọt, của cải theo đó mà vào nhà, còn lỡ như gặp chuyện không may (chết) thì ai lại nỡ bắt tội, vả lại có truy cứu cũng đâu làm được gì."
Hoàng Ngũ Phúc cho là hợp lý, bèn làm theo. Đúng như lời của vị môn khách kia, Phúc đã chiêu mộ cho mình được rất nhiều người tài. Sự nghiệp của một danh tướng bắt đầu từ đây.
Hoàng Ngũ Phúc tham gia vào các cuộc trấn áp khởi nghĩa như Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương. Khi đã dày dặn kinh nghiệm thì Phúc bắt đầu phát huy tài hoa của mình về đạo cầm binh, đánh trận, lập nhiều chiến công. Trong trận đàn áp khởi nghĩa của Lê Duy Mật (là con thứ của vua Lê Dụ Tông), Phúc đã dùng kế chiêu dụ và chia rẽ nội bộ của quân khởi nghĩa mà giành được thắng lợi.
Nên biết rằng, Lê Duy Mật là người thuộc dòng dõi hoàng tộc triều Lê, nên khi ông phất cờ khởi nghĩa là thuận theo chính nghĩa, lấy khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh đã làm cho đông đảo các Nho sĩ theo về dưới trướng phò trợ. Cho nên cuộc khởi nghĩa này rất được lòng dân, kéo dài từ thời chúa Trịnh Giang, Trịnh Doanh cho tới thời chúa Trịnh Sâm, nghĩa quân đánh chiếm được cả một địa bàn rộng lớn. Các đời chúa Trịnh nhiều lần xuất binh tiểu trừ nhưng đều không thành công.
Chiến công tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật mà Phúc lập được là vô cùng to lớn đối với chúa Trịnh.
Chuyện kể rằng:
Để tiêu diệt quân khởi nghĩa, Trịnh Sâm đã đưa cả ba đạo quân lớn, nhất loạt đánh vào thành Trình Quang. Ba đạo quân đó gồm có:
Đạo thứ nhất là tất cả quân sĩ Nghệ An, đặt dưới quyền chỉ huy chung của Thống Lãnh Bùi Thế Đạt.
Đạo thứ hai bao hàm tất cả quân sĩ ở Thanh Hóa, do Nguyễn Phan cầm đầu.
Đạo thứ ba gồm toàn hộ quân sĩ ở Hưng Hóa, do Đốc Lãnh Hoàng Đình Thể điều khiển.
Nghe tin đại binh của họ Trịnh kéo đến, Lê Duy Mật đã bình tĩnh bố trí trận địa, sẵn sàng đánh trả. Ba đạo quân lớn, vũ khí đầy đủ, lương thực dồi dào, nhưng phải đánh mãi từ tháng 8 năm 1769 đến tháng 1 năm 1770 mới tiến đến được ở phía ngoài của Ngoại Phủ Trình Quang mà thôi.
Trình Quang là một vị trí rất hiểm yếu. Ngoài 16 đồn lũy bảo vệ rất chắc chắn cho Ngoại Phủ và Nội Phủ, ngoài thành cao, hào sâu được xây dựng rất kiên cố, nơi đây còn có vách núi cheo leo, không dễ gì vượt qua được. Bấy giờ, Lê Duy Mật chủ trương cố thủ trong thành, không vội động binh. Các tướng của chúa Trịnh sợ mắc mưu của Lê Duy Mật nên cũng không dám tiến.
Thấy đại quân bị sa lầy, Trịnh Sâm vội điều thêm tướng Hoàng Ngũ Phúc tới Nghệ An. Hoàng Ngũ Phúc không vội đem quân đi đánh mà sai người bắt và tìm cách dụ hàng mẹ của Lại Thế Thiều.
Đối với Lê Duy Mật, Lại Thế Thiều vừa là tướng tâm phúc, lại cũng vừa là con rể, cho nên rất được tin cậy. Thiều lại là người con có hiếu, lại tham danh vọng. Biết rõ điều ấy, Hoàng Ngũ Phúc đã kết hợp giữa hù dọa với dụ dỗ và mua chuộc để mẹ của Lại Thế Thiều chịu viết thư cho con, xúi giục Lại Thế Thiều chống Lê Duy Mật, làm nội ứng cho quân sĩ họ Trịnh và Lại Thế Thiều đã đồng ý.
Khi nhận được thư của mẹ, Thiều liền có ý định quy thuận triều đình, ngầm sai tướng dưới trướng là Lê Văn Bản mở cửa thành cho quân Trịnh tiến vào. Khi quan quân đã vào rồi, hắn bèn cho dựng thang trèo lên cao mà bắn. Lê Duy Mật biết rõ biến loạn đã bắt đầu ngay từ trong nhà mình, vì thế, tụ tập hết vợ con lại rồi phóng lửa mà tự thiêu, vậy là kết thúc cuộc khởi nghĩa hơn ba mươi năm ròng rã.
Nhờ công lao đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, Hoàng Ngũ Phúc được phong làm Việp quận công, thường gọi là quận Việp. Năm 1754, Thượng thư bộ Binh Phạm Đình Trọng chết sớm, Hoàng Ngũ Phúc trở thành vị tướng quan trọng nhất của triều đình.
Danh vọng lên cao thì không tránh được các lời dị nghị bàn tán của những kẻ đố kỵ, quan viên trong triều. Nên họ bày ra trò truyền lời sấm mà đặt điều cho Phúc có lòng chiếm ngôi chúa. Đây là điều tối kỵ của nhà chúa Trịnh, vì chúa là kẻ chiếm quyền của nhà Lê nên rất sợ chuyện đại thần làm phản.
Lời dị nghị ngày càng nhiều, trong dân gian cũng bắt đầu dấy lên những lời đồn ác ý, gây bất lợi cho quận Việp. Để tránh họa sát thân, Hoàng Ngũ Phúc xin từ chức về hưu, chúa Trinh ưng thuận và phong cho quận Việp làm quốc lão.
Lần này chúa Trịnh Sâm nhận thấy thời cơ tiêu diệt chính quyền họ Nguyễn đã đến, bèn cho gọi Hoàng Ngũ Phúc vào triều, sắc phong làm Bình nam thượng tướng quân, Bùi Thế Đạt làm phó tướng mang 3 vạn quân tiến vào Phú Xuân, lấy danh nghĩa là trừng phạt Quốc phó Trương Phúc Loan. Lúc này Hoàng Ngũ Phúc đã là một lão tướng 62 tuổi.
Về phía triều đình nhà Nguyễn đang cử quân của Tôn Thất Nghiêm tiến vào Hòa Vang, hội quân với Hiến quận công Nguyễn Cửu Dật quyết một trận với quân Tây Sơn thì được tin chúa Trịnh đang cho quân tiến vào. Chúa Nguyễn Phúc Thuần triệu Tôn Thất Nghiêm về Phú Xuân, phong Nguyễn Cửu Dật làm Tả quân Đại Đô đốc tước Du quận công chống quân Tây Sơn.
Trong thời gian giao chiến với quân triều đình, nghĩa quân Tây Sơn cũng thu về được rất nhiều của cải, 45 con voi, nhiều khí giới trong đó có 82 khẩu đại bác.
Nhạc cùng Lân khi nghe tin quân Trịnh xuôi nam thì cũng hoang mang. Tướng chỉ huy lại là một kẻ dày dặn kinh nghiệm. Nếu như rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch thì quân Tây Sơn khó tránh khỏi bại vong, trong ba lực lượng, quân khởi nghĩa là yếu nhất, tổ chức còn nhiều thiếu sót, nhân lực, vật lực đều thua kém hai nhà Trịnh-Nguyễn, phải tìm ra được giải pháp tránh khỏi thế cục này.