Chương 25: Quái khách trên sông
Bạch y nữ nhân tỏ ra rất thông thuộc địa hình ở Bạch Mã sơn trang đưa Quách Thái Linh vào đúng biệt lâu của nàng.Thực ra đối với bà ta, nơi này không xa lạ gì.
Bởi vì hai mươi năm trước, bà từng là chủ nhân ở đây, và từ bấy đến nay sơn trang hầu như không thay đổi.
Nhìn ra cửa sổ lâu phòng vẫn là những hàng tùng bách, chỉ là so với trước đây cao lớn hơn nhiều.
Gợi lại hồi ức xa xăm, lệ chợt ứa ra trên đôi mắt kiều diễm!
Hai mươi năm...
Đó là một quãng thời gian dài đằng đẵng, nhất là đối với một nữ nhân đang trong thời xuân sắc, hai mươi năm đủ làm cho một thiếu nữ trở thành quả phụ, một thiếu phụ trở thành một bà lão lụ khụ già nua...
Tuy rằng bà ta vẫn còn giữ được sắc đẹp mà hình như đối với chỉ riêng bà là thời gian có tác dụng rất ít, nhưng tâm hồn, ý tưởng thì đã khác xưa rất nhiều.
Bạch y nữ nhân lẩm bẩm giọng xa xăm :
− Hai mươi năm... ta còn lại được gì?
Chợt có tiếng bước chân.
Bà ta đưa tay áo lau nước mắt rồi cúi xuống nhìn Quách Thái Linh vẫn còn nằm thiêm thϊếp trên giường.
Tiếng nữ nhân hỏi từ ngoài cửa :
− Tiểu thư đã về rồi ư?
Thấy mở cửa, cô ta bước vào.
Đó là một thanh y tỳ nữ mới mười sáu mười bảy tuổi.
Chợt trông thấy tiểu thư nằm bất tỉnh, trong phòng còn có một nữ nhân mặt đeo mạng, thanh y tỳ nữ a lên một tiếng, sợ hãi lùi lại, suýt nữa thì ngã khuỵu xuống.
Bạch y nữ nhân nói :
− Đừng sợ! Ta không làm gì người đâu!
− Bà... là ai?
Không đợi đối phương trả lời, cô ta bổ đến bên giường vừa khóc vừa hỏi :
− Tiểu thư sao lại thế này? Tiểu thư...
Bạch y nữ nhân buông lời an ủi :
− Nó không sao đâu! Chỉ vì khí uất bốc lên đầu mà ngất đi thôi, người hãy đi lấy một bát nước ấm mang vào đây!
Thanh y tỳ nữ tin rằng đối phương không có ý làm hại tiểu thư nên yên tâm chạy đi lấy nước.
Chỉ lát sau cô ta đưa nước vào thấy Bạch y nữ nhân đã gỡ bỏ tấm mạng che mặt ra, để lộ khuôn mặt tuy không còn trẻ nhưng vẫn rất kiều diễm.
Thanh y tỳ nữ nhìn bà ta đầy vẻ ngạc nhiên, một lúc sau mới thốt lên :
− Làm sao bà lại giống tiểu thư đến vậy chứ?
Bạch y nữ nhân cười hỏi :
− Người thấy như vậy sao?
Thanh y từ nữ gật đầu :
− Dạ! Giống y như hệt, không khác chỗ nào cả! Chỉ có...
Bạch y nữ nhân cười hỏi :
− Chỉ có già hơn phải không?
− Không đâu! Chỉ lớn hơn mấy tuổi giống như là hai thư muội vậy!
− Người tên là gì?
− Tỳ nữ là Tiểu Mi!
Bạch y nữ nhân gật đầu, cầm lấy bát nước bảo :
− Dìu tiểu thư của người ngồi dậy đi!
Tiểu Mi dạ một tiếng, đỡ Quách Thái Linh ngồi dựa lưng lên chồng gối.
Bạch y nữ nhân dùng hai ngón tay bóp vào hàm Quách Thái Linh cho há miệng ra rồi cẩn thận đổ vào từng hớp nước nhỏ.
Một lúc sau Quách Thái Linh uống xong chén nước, Bạch y nữ nhân lại đặt nằm xuống như cũ.
Tiểu Mi ngập ngừng hỏi :
− Phu nhân có thể cho biết đại danh không?
Bạch y nữ nhân do dự một lát mới trả lời :
− Ta họ Thành...
Rồi cúi xuống nhìn Quách Thái Linh với ánh mắt âu yếm.
Sắc mặt Quách Thái Linh dần dần hồng lại.
Bạch y nữ nhân nói :
− Tiểu thư của người sắp tỉnh! Ta cũng phải đi rồi!
Bà ta gỡ từ tay của Quách Thái Linh lấy chiếc bình ngọc nhỏ đưa cho Tiểu Mi dặn :
− Khi tiểu thư của người tỉnh lại hãy đưa chiếc bình này cho nó, bảo nhanh chóng giải cấm chế cho hai tên sư huynh và bọn thủ hạ, nếu để chậm quá một canh giờ thì sẽ rất nguy hiểm đấy!
Tiểu Mi tuy không biết chuyện gì những vẫn đưa hai tay cầm lấy chiếc bình cúi mình đáp :
− Dạ!
Bạch y nữ nhân nhìn Quách Thái Linh thêm lần nữa với ánh mắt chứa chan trìu mến, đưa tay run run sờ lên má, lên tóc nàng sau đó cất tiếng thở dài rồi bước ra khỏi phòng.
Tiểu Mi ngơ ngác nhìn theo, nhưng chỉ sau chớp mắt, bà ta đã lướt người rất nhanh đi khuất vào màn đêm!
Quách Thái Linh rên lên một tiếng từ từ mở mắt ra!
Phải mất gần một canh giờ mới cho Ô Đại Dã, Tư Không Viễn và hai mươi tên võ sĩ uống xong giải dược và sai người đưa chúng về sơn trang.
Xong đâu đó, hai chủ tỳ mới trở về biệt lâu.
Tiểu Mi nhìn bộ mặt tiều tụy của tiểu thư thở dài nói :
− Mấy ngày gần đây bổn trang liên tiếp xảy ra sự cố không lúc nào yên. Tiểu thư! Hay chúng ta tìm một nơi nào yên ổn tạm tránh qua những ngày sóng gió này?
Quách Thái Linh gạt đi :
− Người đừng nói nhảm!
Tiểu Mi không dám nói gì nữa.
Hai người im lặng một lúc.
Quách Thái Linh nhìn vẻ mặt rầu rĩ của tên nữ tỳ, lòng chợt trào lên lòng thương cảm, thở dài nói :
− Người giận ta sao?
Tiểu Mi vội đáp :
− Không đâu! Tỳ nữ có đây lại giận tiểu thư!
− Trời sắp sáng rồi. Người về phòng nghỉ đi một lúc!
Tiểu Mi hỏi :
− Còn tiểu thư thì sao?
− Ta không ngủ được muốn ngồi lại một mình!
Tiểu Mi lắc đầu nói :
− Tiểu thư không ngủ thì tiểu tỳ cũng không ngủ, sẽ ở lại đây nói chuyện với tiểu thư cho đỡ buồn!
Quách Thái Linh không phản đối.
Trong phòng lại lặng đi một lúc!
Tiểu Mi chợt nhớ ra một việc hỏi :
− Tiểu thư! Khấu tướng công đâu? Làm sao trong trang náo loạn lên như thế mà không thấy tướng công đâu cả?
Quách Thái Linh không đáp chỉ đăm đăm nhìn ra cửa sổ vào màn đêm, một lúc sau mới quay lại hỏi :
− Tiểu Mi! người thấy Khấu tướng công thế nào?
Tiểu Mi nhanh nhảu trả lời :
− Tỳ nữ thấy Khấu tướng công là người rất tốt!
Cô ta chợt buông tiếng thở dài nói tiếp :
− Tiểu thư hãy nghĩ mà xem, tướng công một mình đưa linh cữu lão thái gia từ ngàn dặm về đây, chịu không biết bao nhiêu khổ cực, lại còn bị thương nữa. Thế mà đại gia và nhị gia không cảm ơn lấy một lời, trái lại còn đem lòng nghi kỵ nữa...
Cô ta nhìn Quách Thái Linh rồi nói thêm giọng trách móc :
− Cả tiểu thư cũng thế...
Quách Thái Linh trầm ngâm nói :
− Người nói vậy không sai! Chúng ta đã trách oan huynh ấy!
Tiểu Mi cả mừng hỏi :
− Thật vậy sao? Tiểu thư, thế còn Phỉ Thúy Lạc Đà gì đó của lão Vương gia giao lại thì thế nào?
− Khấu Anh Kiệt không nói dối. Đúng là bị người ta cướp mất!
− Tiểu thư! Ai cướp vậy?
− Một nữ nhân!
Nói xong nàng liền nhớ lại chuyện vừa rồi ngoài tường viện, lòng càng thêm phiền não đứng lên đi đi lại lại trong phòng.
Tiểu Mi biết chủ nhân đang có tâm sự nên ngồi im lặng.
Một lúc sau, Quách Thái Linh chợt hỏi :
− Tiểu Mi! chúng ta sang phòng Khấu tướng công đi!
Tiểu Mi ngạc nhiên hỏi :
− Đi bây giờ sao?
Quách Thái Linh gật đầu, vẻ quả quyết :
− Đi bây giờ!
Nói xong bước ra khỏi phòng.
Tiểu Mi hỏi :
− Tiểu thư! Có xách đèn theo không?
Quách Thái Linh dừng lại đáp :
− Cứ xách theo!
Tiểu Mi lẩm bẩm :
− Đang đêm vào phòng nam nhân lại xách đèn theo nữa, nếu người ta biết thì sao chứ?
Nhưng chỉ lẩm bẩm trong miệng nên Quách Thái Linh không nghe thấy.
Từ dưới cầu thang nhìn lên thấy phòng Khấu Anh Kiệt tối om, Quách Thái Linh buồn bã nghĩ thầm :
− Huynh ấy quả là người bất hạnh, bị bức bách phải rời Bạch Mã sơn trang, thế mà mình còn trách nhầm anh ấy, nhục mạ không tiếc lời... bạch y nữ nhân nói không sai, mình đúng là kẻ bốc đồng, nông nổi!
Hai người bước lên lầu.
Cửa phòng chốt từ bên trong.
Tiểu Mi soi đèn nói :
− Tiểu thư, có lẽ Khấu tướng công đang ngủ!
Quách Thái Linh không nói gì, mở tung cửa sổ ra.
Tiểu Mi trố mắt nhìn tiểu thư đầy ngạc nhiên nhưng không dám nói gì.
Quách Thái Linh vẫy tay ra hiệu cho tỳ nữ rồi nhảy vào phòng trước.
Mặc dù hết sức bất mãn nhưng Tiểu Mi cũng xách đèn nhảy vào theo.
Điều khiến cô ta càng ngạc nhiên hơn là căn phòng trống không, chẳng thấy Khấu tướng công đâu cả.
Cô ta sửng sốt hỏi :
− Tiểu thư! Khấu tướng công đâu?
Quách Thái Linh thản nhiên đáp :
− Đi rồi!
Nói xong bước tới bàn buông mình ngồi phịch xuống ghế.
Tiểu Mi đứng ngây ra hết nhìn tiểu thư lại nhìn chiếc giường trống trơn của Khấu Anh Kiệt.
Quách Thái Linh nói :
− Người tìm xem dưới gối có một phong thư gửi cho ta không?
Tiểu Mi xách đèn chạy lại lật gối lên nói :
− Có! Đúng là có một phong thư! Sao tiểu thư biết được thế?
Quách Thái Linh không đáp, vẫy tay bảo :
− Đưa xem!
Tiểu Mi đặt cây đèn xuống bàn rồi mới hai tay đưa phong thư ra.
Phong thư dày hơn bình thường, bên trong có vật gì cưng cứng.
Lướt nhìn qua phong bì, Quách Thái Linh vội vã bóc ra ngay.
Từ trong phong bì lăn ra một bình ngọc nhỏ, đậy kín, cổ bình có đeo một sợ dây chuyền nhỏ màu hồng rất đẹp!
Vừa thoáng nhìn qua, Quách Thái Linh chẳng những nhận ra đó là vật gì mà nàng còn hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra.
Nàng đã đồng ý với phụ thân rằng nếu ai giữ chiếc bình ngọc trong đó có bức tượng của nàng thì người đó sẽ là vị hôn phu của nàng.
Quách Thái Linh tin vào sự lựa chọn của phụ thân.
Vừa nhìn thấy bình ngọc, nàng đã chộp lấy kêu lên :
− Cha!
Nàng cố né xúc động, tay run run rút phong thư ra đọc qua một lượt, vẻ mặt bỗng trở nên đờ đẫn.
Cuối cùng nàng đau đớn thốt lên :
− Khấu Anh Kiệt!
Rồi gục mặt xuống bàn khóc nức nở.
Tiểu Mi chẳng hiểu gì ngơ ngác đứng nhìn, thấy chủ nhân khóc thảm thiết như vậy liền đến gần hỏi :
− Tiểu thư! Rốt cuộc là có chuyện gì vậy chứ? Khấu tướng công gặp tai họa gì hay sao?
Một lúc sau, Quách Thái Linh bình tâm lại dần, ngẩng lên lau sạch nước mắt cất bình ngọc và phong thư vào túi, đứng lên nói :
− Tiểu Mi! Chúng ta trở về đi!
Nói xong ra khỏi phòng.
Tiểu Mi xách đèn bước theo.
Lúc đó trời vừa ửng sáng!
Bên con ghềnh nhỏ ở thượng nguồn sông Hoàng Hà có một mái lều nhỏ mới dựng bên bờ ghềnh đá.
Nước sông bị con ghềnh chặn lại ầm ầm đổ xuống ở những độ cao khác nhau, chênh lệch từ ba thước đến hơn một trượng.
Độ cao từng đó thì chỉ có thể gọi là con ghềnh thôi chứ không thể gọi là thác được!
Xuôi dưới ghềnh vài chục trượng là bờ cát trắng sóng vỗ hiền hòa, hàng trăm con sóng hết đợt này đến đợt khác đuổi nhau xô vào bờ rồi lại rút đi, để lại những đám bọt vàng nhưng chúng cũng nhanh chóng tan đi!
Ánh nắng mai chiếu xuống những con gà nước nhỏ lông nâu sẫm chạy lon ton theo từng con sóng.
Cứ mỗi lần bắt được một con cá nhỏ, chúng nuốt vào xong, vươn chiếc mỏ dài ngoằng kêu lên khoái trá.
Còn ngay dưới chân ghềnh đá, quang cảnh nhộn nhịp hơn nhiều.
Những con chim lớn hơn, có cả bồ nông, lượn lờ trong vịnh, nhưng tránh xa chỗ nước xiết.
Đúng ngay chỗ dòng nước từ trên cao đổ xuống chính là nơi biểu diễn của hàng trăm hàng ngàn con cá đủ loại, tùy theo độ cao khác nhau mà tập trung những loại cá khác nhau.
Cá chép là loại quán quân nhảy cao nên tụ tập ở chỗ ghềnh nước đổ xuống từ độ cao sáu bảy trượng, phơi lớp vảy vàng óng ánh nhìn rất đẹp.
Trong mỗi lần nhảy như thế, rất ít con lợi dụng được dòng chảy, sức rướn của mình mà vượt qua được ghềnh tiếp tục ngược sông lên những miền xa, số lớn rơi trở xuống chân ghềnh nhập bọn với những con vừa tới tiếp tục cuộc thi khinh công vô cùng hào hứng và đẹp mắt.
Một người ngồi ngay bên ghềnh đá, mải mê quan sát đàn cá đến thất thần.
Sở thích của con người thật là thiên hình vạn trạng.
Có người ham mê chọi trâu, chọi gà!
Có người tìm đến thâm sơn cùng cốc để tận hưởng cảnh u tịch của thiên nhiên, lại có nhiều người kéo về nơi đô hội để chứng kiến cảnh náo nhiệt của người đời!
Lại có người say sưa ngắm đàn cá nhảy.
Nhìn chung thì nghề săn bắt chim cá là thú vui của rất nhiều người nhưng nói có người bỏ thời gian để nghiên cứu sự di chuyển hay đơn giản là động tác nhảy của nó thì những người đó đại khái trí óc có vấn đề.
Nhưng người ngồi bên ghềnh đá là một thiếu niên diện mạo rất anh tuấn, chỉ mới hăm ba, hăm bốn tuổi, mày kiếm mắt sao dáng thông minh khoáng đạt, không có vẻ đần độn chút nào.
Thiếu niên đó chính là Khấu Anh Kiệt.
Chàng ngồi đây quan sát đàn cá nhảy ba ngày.
Khấu Anh Kiệt đã rời khỏi Bạch Mã sơn trang năm hôm.
Với quyết tâm luyện thành võ học thặng thừa, chàng đi dọc theo hai bờ sông Hoàng hà, mất trọn hai ngày mới tìm được nơi vừa ý liền dừng lại đó, tìm một thạch động cách ghềnh đá chừng nửa dặm làm nơi trú thân.
Đã ba ngày, chàng nghiên cứu bức kỳ họa Kim Lý Hành Ba Đồ của Kim long lão nhân, còn buổi sáng vào giờ thìn và buổi chiều vào cuối giờ thân chàng lại ra đây nhìn đàn cá vượt long môn để tham ngộ thực tế.
Nhưng ba ngày qua vẫn chưa có kết quả gì.
Hiện tượng Lý Ngư Vượt Long Môn chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, buổi sáng khi ánh dương rực rỡ chiếu xuống sông và buổi chiểu khi những tia nắng cuối cùng chiếu xuống vịnh.
Sáng hôm đó, vẫn chưa thu hoạch được như mong muốn, Khấu Anh Kiệt vãn không chút nản lòng.
Chàng lại quay về thạch động.
Ở đây hoang vắng cách xa chỗ dân cư nên Khấu Anh Kiệt sinh hoạt rất kham khổ, ngoài một số lương khô mang theo dùng một cách dè xẻn, chàng phải bắt thêm cua ốc để ăn.
Vốn giỏi thủy tính, thỉnh thoảng chàng vẫn bắt được cả tôm cá.
Tuy nhiên chàng đã quen sinh hoạt kham khổ nên ăn uống thiếu thốn một chút cũng không sao, chàng chỉ chăm chú vào việc tập luyện.
Sau những sự kiện xảy ra ở Bạch Mã sơn trang nhất là sự phản phúc của Ô Đại Dã và Tư Không Viễn cùng với thái độ vô tình ghẻ lạnh của Quách Thái Linh, quan niệm của chàng không đơn giả cả tin như trước đây nữa mà có sự cân nhắc thận trọng hơn.
Về tới thạch động, chàng ấn theo mười một chữ khẩu quyết luyện chừng một canh giờ, lấy lương khô ra điểm tam vài miếng rồi ngủ thϊếp đi.