Em Gái Nhút Nhát

Chương 9

Chuyện rất quan trọng ư?

Cố Hiểu Hoa yên lặng phân tích những lời Đức Phân vừa nói sau đó ngay lập tức trở nên đề phòng.

Anh ta còn chưa hỏi đã bắt đầu trách móc: “Đức Phân, có phải em lại định nói đến chuyện kết hôn của hai chúng ta không? Ôi trời, em bị sao thế hả? Chẳng phải đợt Tết m lịch anh đã phân tích cho em những vấn đề trước mắt của hai ta rồi ư? Người nhà anh còn chưa đồng ý nữa đó. Đầu tiên là em phải dỗ dành ba mẹ anh vui vẻ, đợi họ gật đầu đồng ý chuyện hôn sự này rồi mới bàn tiếp được!”

Đức Phân nghe anh ta nói vậy vừa chán nản lại vừa uất ức.

Chỉ vì muốn đoạn tình cảm này có kết quả mà cô bị ép tới mức càng ngày càng mất hết mặt mũi rồi.

Cô không còn cách nào khác, cô thật sự rất lo lắng vì số tuổi ngày một tăng lên.

Từ lúc hai mươi tuổi Đức Phân đã không còn xúc động và sợ nọ sợ kia như hồi mười mấy tuổi nữa rồi, cô sẽ suy nghĩ mọi chuyện theo hướng lâu dài và ổn định hơn trước. Cô hiểu ra rằng đàn ông không hề bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, đến cả người đàn ông độc thân bốn, năm mươi tuổi còn có bản lĩnh lấy được cô gái trẻ mười tám tuổi kìa. Nhưng phụ nữ thì khác, chưa nói đến chuyện một người phụ nữ chỉ cần hơi nhiều tuổi thôi đã khó lấy chồng, mà khó khăn nhất vẫn là chuyện sinh con.

Người dân ở nông thôn cực kỳ quan tâm đến chuyện sinh con nối dõi, họ kiếm vợ luôn hỏi tuổi đầu tiên. Bọn họ chẳng những ngại phụ nữ nhiều tuổi mà còn nói xấu sau lưng người phụ nữ đó nữa. Bọn họ nói cái gì mà người phụ nữ này nhiều tuổi thế này rồi còn không gả ra ngoài sao có thể là người tốt được? Nghe được lời nói ác độc thế này có khi người phụ nữ đó có thể bị tức chết ấy chứ.

Chẳng nói đâu xa, mấy năm gần đây cha mẹ vì cô mà thường xuyên cãi nhau với người trong thôn, cũng đắc tội với khá nhiều người.

Đức Phân chủ động nói những chuyện khó xử này ra không tốt lắm, cô cũng không biết Cố Hiểu Hoa có nghe được mấy tin đồn nhảm này hay không. Tóm lại là, dịp Tết m lịch hai người nhắc đến chuyện kết hôn anh ta chỉ nói mình khó xử chứ không hề suy nghĩ đến sự khó khăn của cô chút nào cả.

Về chuyện cưới xin của hai người, mấy năm trước Cố Hiểu Hoa luôn nói anh ta khó khăn lắm mới được sắp xếp đến thành phố làm việc, anh ta phải đứng vững trong công ty đã. Rằng anh ta mới đi làm nên phải chú ý từng li từng tí một, hơn nữa còn phải học tập cách đối nhân xử thế nên không có hơi sức và tâm trạng suy nghĩ đến chuyện kết hôn. Khi đó cô cảm thấy người đàn ông này nói cũng đúng.

Chẳng qua anh ta đã lấy lý do này tận hơn hai năm, Đức Phân đã nghe chán lắm rồi.

Đúng lúc thật đấy, dường như Cố Hiểu Hoa đoán được cô sẽ không dễ dàng tin lời anh ta như trước nữa nên giờ anh ta không hề lấy lý do là chưa đứng vững hay muốn học cách đối nhân xử thế nữa mà bắt đầu lôi cha mẹ anh ta ra làm cái cớ.

Nghe ý của anh ta trái lại còn trách móc là do cô làm không tốt nữa chứ.

Đức Phân im lặng cắn môi.

Một lúc sau Cố Hiểu Hoa không nghe thấy cô trả lời, lương tâm anh ta mới bỗng nhiên trỗi dậy: “Đức Phân? Em có đang nghe anh nói không?” Anh ta nhỏ giọng hỏi.

“Em vẫn đang nghe đây.” Đức Phân thẫn thờ trả lời.

Cố Hiểu Hoa thấy cô không vui cũng thấy không được tự nhiên cho lắm, anh ta thấp giọng ho hai tiếng che lấp sự dối trá của bản thân.

Quả nhiên sự chú ý của Đức Phân bị anh ta kéo lại: “Anh Hiểu Hoa, anh bị cảm ạ?”

“Ừm, đúng là anh bị cảm nhẹ, khụ khụ.” Anh ta tiếp tục biểu diễn.

Đức Phân hoàn toàn bị anh ta lừa, cô còn quan tâm dặn dò: “Thời tiết đang là cuối mùa xuân và đầu mùa hạ nên nhiệt độ vào sáng sớm, tối muộn và ban ngày thay đổi rất lớn, anh nhớ mặc thêm quần áo vào, mặc nhiều quần áo chút không thừa đâu ạ.”

“Ừm, anh nhớ rồi. À, chuyện đó… Đức Phân, em phải đứng ở góc độ của anh suy nghĩ nhiều hơn nữa mới được.” Cố Hiểu Hoa dịu dàng trò chuyện, giọng điệu không hề cứng rắn như trước mà nhẹ nhàng dỗ dành cô.

“Trăm điều thiện chữ Hiếu đứng đầu, cha mẹ anh vất vả lắm mới nuôi anh lớn và thành tài nên anh không muốn làm trái ý và làm họ thấy khổ sở được, em thấy đúng không? Anh vẫn luôn khuyên cha mẹ thay đổi suy nghĩ, nói với họ không phải cứ là người thành phố thì nhất quyết phải lấy một người vợ trong thành phố, quan trọng nhất vẫn là người vợ đó có dịu dàng, hiền hậu và nghe lời hay không, còn chuyện hộ khẩu ở đâu không hề quan trọng.”

“Em nghĩ lại mà xem, nếu cha mẹ chồng mà không đồng ý cho em vào nhà thì tương lai sao có thể tạo mối quan hệ tốt với họ được? Cha mẹ chồng không vui trong nhà cũng không thể yên ổn được, anh bị kẹp giữa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sao có thể yên tâm làm việc được? Hơn nữa mọi người xung quanh cũng sẽ bàn tán về chuyện này nữa, chắc chắn họ sẽ nói là em không chăm sóc tốt cho cha mẹ chồng chứ không phải là cha mẹ anh không chấp nhận được em, suy cho cùng là do em không được cha mẹ anh đồng ý cho vào nhà. Thế nên chúng ta nhất định phải được sự đồng ý của cha mẹ hai bên mới kết hôn được, em hiểu chưa? Một cuộc hôn nhân mà không được cha mẹ đồng ý sẽ không dài lâu được đâu.”