Mỹ Nhân Tâm Kế

Chương 14: Hồi 14: Thà làm quỷ nước Nam

Hôm đó là ngày 21 tháng Giêng năm Ất Dậu, bên bờ Thiên Mạc dựng một hỏa đài lớn. Hỏa đài này cư nhiên dành riêng cho tướng nước Nam-Trần Bình Trọng.

Quỳ trên đất, thân thể cường tráng sớm đã tả tơi mệt nhoài vì đòn roi tra khảo, nhưng biểu cảm vẫn ngoan cường như vậy, lạnh mà oai, bại nhưng không nhục.

Nàng ngồi trên lưng bạch mã, kế bên là Ô Mã Nhi. Tuy không muốn ra tay tàn độc, thế nhưng chính Trần Bình Trọng cũng đã nói, nàng hiện tại là Thoát Hoan cửu hoàng tử, một Trấn Nam Vương không thể tùy ý chiều theo xúc cảm cá nhân, giữa chiến trường là thù với nghịch, tuyệt đối không thể nương tay.

Đòn roi thẩm vấn xem ra vô hiệu, Ô Mã Nhi lại trở về với chiến lược cũ, một chiến lược nàng biết sẽ chẳng thể nào thành công.

- Tội tình gì ngươi phải chịu cực hình đau đớn đến vậy? Chi bằng nghe ta, quy phục Thiên Triều để được hưởng hồng ân xá miễn.

Trần Bình Trọng tựa hồ không nghe thấy, sắt lạnh như đồng ngó lơ hết thảy bao lời khuyến dụ chiêu mộ từ Ô Mã Nhi, điều này làm hắn cực kỳ tức giận, mà càng tức giận thì roi trượng lại càng nhiều hơn giáng xuống thân thể Trần Bình Trọng. Hiển nhiên Ô Mã Nhi chẳng phải đích thân ra tay, có tới năm sáu tinh binh của hắn nhận nhiệm vụ tra tấn dã man này.

Chợt, Ô Mã Nhi xuống ngựa, bước tới sát bên Trần Bình Trọng đang nằm vật dưới đất tựa hồ đã bất tỉnh, hắn cúi người chủ động đỡ lấy kẻ thê thảm kia lên.

- Này hỡi Trần Bình Trọng, kẻ ngoan cố lì lợm nhất trong tất cả những kẻ bổn tướng đã từng tra tấn. Tỉnh táo lại và nghĩ đi nào, cân nhắc lời ta, đây là cơ hội cho ngươi đấy!

Dường như ánh mắt Trần Bình Trọng dần hé mở, chuyển tầm nhìn sang Ô Mã Nhi, được chú ý, hắn nói tiếp.

- Chỉ cần ngươi quy phục Thiên Triều Đại Nguyên thì Bình Trọng chẳng những được xá miễn tội tử mà còn được phong vương. Sao? Thấy thế nào? Một viên tướng quèn trở thành đại vương cả cõi, không tốt hơn chịu đau chịu nhục thế này sao?

Nàng thầm ca thán, Ô Mã Nhi đã phí thời gian rồi.

Bỗng dưng Trần Bình Trọng cất tiếng cười vang, cứ như vừa gặp chuyện thú vị hào hứng lắm vậy, Ô Mã Nhi định bụng sự vụ tất thành nên cũng ngạo nghễ cười theo. Nào ngờ cười xong, Trần Bình Trọng liền phun ngụm máu trong miệng vào thẳng mặt Ô Mã Nhi làm hắn gầm lên điên tiết.

Tận lực vừa đạp vừa đá vào mặt Trần Bình Trọng làm máu tuôn ra như suối, ướt đẫm cả gương mặt vốn tuấn tú khiến người nhìn kinh hãi.

- ĐỦ RỒI Ô MÃ NHI!!!

Nàng lên tiếng, nghe giọng nàng hắn mới định thần hậm hực lùi ra.

Trên lưng ngựa, nhìn xuống vị tướng quân Đại Việt kia, thấy hắn dõi mắt trông ra phía sông xa xa gờn gợn sóng, hắn đang nhìn gì? Nàng biết, hắn đang nhìn về hướng có thê tử mình ở đó.

"Xem ra đã đến lúc rồi nhỉ...?" Nàng thầm nghĩ.

Trầm giọng gọi một tiếng.

- Trần Bình Trọng.

Trong lúc mơ hồ dường như nàng thấy hắn nhìn mình và mỉm cười, cánh môi mấp máy câu gì đó. Nhưng rồi chuyện gì đến thì cũng phải đến, đây là quy luật của chiến tranh và nàng phải kết thúc chặng đường này của Trần Bình Trọng.

Phất tay ra hiệu, như hiểu ý nàng, liền đó năm sáu tinh binh lôi kéo Trần Bình Trọng treo lên hỏa đài. Khoảnh khắc Ô Mã Nhi cầm ngọn đuốc chuẩn bị châm thì nàng đã ngăn lại. Có lẽ...có lẽ thôi nhé...Trần Bình Trọng sẽ không muốn chết dưới tay một kẻ như Ô Mã Nhi đâu, vậy chi bằng đã cùng hắn uống rượu kết giao và tiễn biệt, thì đoạn kết tử ly này nàng nên là người tiễn bước danh tướng ra đi.

Lại là Ô Mã Nhi, hắn vẫn cố chấp nghĩ rằng có thể chiêu dụ được nghĩa sĩ này.

- Đây là cơ hội cuối của ngươi đấy, bị thiêu sống hoặc là trở thành đại vương, chọn cái nào!?

Trần Bình Trọng lần nữa ngửa cổ hướng trởi mà cười vang hào sảng, rồi hắn cất tiếng thật lớn như cố ý để vang vọng khắp cả bãi bờ Thiên Mạc, để rồi hàng ngàn năm về sau hậu thế vẫn còn mãi lưu truyền về câu nói bất tử này.

- TA, TRẦN BÌNH TRỌNG, THÀ LÀM QUỶ NƯỚC NAM CÒN HƠN LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC!!!

Sự kiêu dũng đó vừa khiến Ô Mã Nhi căm phẫn mà cũng lại phần nào kính nể, điều này hơn ai hết nàng biết rõ, bởi lẽ Ô Mã tướng quân luôn trọng người dũng khí, đáng tiếc cho hắn khi cùng đối phương đạo bất đồng bất tương kiến.

Để Trần Bình Trọng dứt lời, nàng liền đặt đuốc châm lửa. Hỏa diễm bốc lên nghi ngút, khói mờ bao phủ xác thân danh tướng, lúc định dời chân ra xa thì loáng thoáng nghe được một câu từ Trần Bình Trọng, rằng "Làm tốt lắm, huynh đệ." Nhưng chưa kịp hết ngỡ ngàng thì trong đống lửa hung tàn lần nữa vang lên tiếng hô.

- ĐẠI VIỆT TRƯỜNG TỒN!!!

Không kiềm được nữa, thật sự gan đồng dạ sắt đến mức nào, hay lòng lang dạ sói đến ra sao mới có thể kiềm chế được trong hoàn cảnh này? Nàng cúi gầm mặt leo lên lưng ngựa phi thẳng một đường trở về doanh trại, mặc kệ Ô Mã Nhi có đang ngơ ngác đuổi theo sau.

...

Trên thuyền ngự.

- Cấp báo, cấp báo, thám mã dò la truyền tin về, tướng Trần Bình Trọng đã bị thiêu sống, hy sinh tuẫn tiết ở bờ sông Thiên Mạc rồi, thưa hoàng thượng!!!

Đương kim thánh thượng Trần Nhân Tông-Trần Khâm vừa nghe xong mật tin hồi báo thì suýt chút đã khụy chân gục ngã, không phải hắn gục vì run sợ trước thế giặc, mà bởi do một viên tướng tài ba, một thân bằng quyến thuộc vừa phải chịu cái chết thảm khốc thương tâm. Người đó vì nước vong thân, đến cả thân xác cũng không thể mang về chôn cất tử tế.

Nhất thời, trong khoang nghị sự bá quan văn võ đều chìm vào thinh lặng, một sự thinh lặng chết chóc bao vây lấy họ, nó dường như đang chực chờ mang đi kẻ xấu số kế tiếp.

Nhưng tiếng đập bàn căm phẫn của Trần Hưng Đạo-Trần Quốc Tuấn đã phá tan bầu không khí ảm đạm thất sắc này.

- Ta đi! Ta sẽ ra đó lấy mạng Thoát Hoan trả thù cho Bình Trọng!!!

Nói là làm, Trần Hưng Đạo toan đứng lên rời thuyền thì lập tức đã bị thái thượng hoàng Trần Thánh Tông-Trần Hoảng ngăn lại, ông nói.

- Quốc Tuấn chớ có hấp tấp mà lỡ đại sự, hiện nay thế giặc như rồng cuộn hổ công, chúng ta nếu đối mặt trực tiếp e toàn quân thảm bại, tuyệt đối không thể biến trận chiến thành cuộc thảm sát quân Đại Việt ta được. Hơn nữa...chúng ta đã mất một Trần Bình Trọng rồi, không thể mất thêm ngươi...

- Nhưng Bình Trọng chết thảm quá, huynh ấy rơi vào tay giặc, bị gϊếŧ chết là vì lần đó cứu mạng hạ thần, mạc tướng không cam tâm!

Lúc này, thái thượng hoàng Trần Thánh Tông siết chặt lòng bàn tay thành nắm đấm, mấy đầu móng cấu vào da thịt khiến nhói lên đau buốt mà ông vẫn mặc kệ siết chặt lại.

- Chúng ta sẽ phản công, nhưng không phải bây giờ.

Trần Nhân Tông ngẫm nghĩ rồi gật đầu.

- Càng gấp càng sai, càng nóng càng thua, việc hiện tại là tìm cách nói chuyện Bình Trọng đã hy sinh với tam hoàng cô Thụy Bảo trước đã, tìm cách khiến hoàng cô bớt vơi sầu khổ, chứ bằng không...trẫm e tam hoàng cô sẽ nghĩ quẩn mất...

Lời vừa dứt thì thanh âm rơi vỡ cũng thanh thúy vang lên hướng ánh mắt mọi người đồng loạt nhìn về phía đó.

Chết lặng nơi ngạch cửa là Thụy Bảo công chúa, hai tay nàng vô thức run lên bần bật. Phía sau nàng là An Tư, lúc này cũng đang kinh tâm ngấn lệ.

- À ừm...tam hoàng cô, tứ hoàng cô...mọi người đang...

Chưa hết câu, Thụy Bảo đã ngã ra bất tỉnh, may thay có An Tư đằng sau đỡ lấy.

Chưa kịp tìm cách giải bày ủi an thì người cần biết rốt cuộc cũng đã biết. Cuộc nghị sự vì vậy tạm thời chấm dứt, lưỡng cung cùng An Tư đưa Thụy Bảo công chúa trở về khuê phòng tĩnh dưỡng.

Tuy đã ngất đi, nằm trên đông sàng vẫn hoa dung thất sắc, đôi mày đẹp gắt gao nhíu lại, An Tư vừa khóc vừa nắm tay tam hoàng tỷ không ngừng xoa dịu, lát sau nhị công chúa Hoa Dung cũng đến. Thái thượng hoàng-Trần Hoảng cùng các vị công chúa này đều là huynh muội cùng cha khác mẹ, tuy nhiên tình thâm nghĩa trọng, huyết thống chảy trong họ là cùng một mạch với nhau, vậy nên Trần Hoảng trông thấy hoàng muội Thụy Bảo thất hồn lạc phách đến vậy thì cũng không khỏi xót xa. Nhưng chiến sự trùng trùng, đành an bày một chút rồi phải tiếp tục rời đi nghị bàn kế sách.

Trước lúc dời chân, sâu kín Trần Thánh Tông cùng Trần Nhân Tông cả hai phụ tử đều đồng loạt buông tiếng thở dài.

...

Đêm đó, đáng lẽ An Tư nên ở lại cùng Thụy Bảo, thế nhưng nàng ấy chỉ muốn an tĩnh một mình, trong hoàn cảnh này thật khiến người khác không khỏi lo lắng. Cũng may có rất nhiều thị về đều được bố trí túc trực bên ngoài, chỉ cần trường hợp nguy bách xảy ra sẽ liền xông vào ứng cứu.

Trong khuê phòng của mình, nơi khoang thuyền dành cho công chúa, An Tư trằn trọc mãi, giấc điệp thật khó yên. Đúng như lời dì Bình đã nói, rốt cuộc Mông Nguyên cũng xua quân tràn sang Đại Việt, rốt cuộc chiến sự vẫn diễn ra, rốt cuộc khói lửa binh đao vẫn ngợp trời.

Nàng khóc, từng giọt nước mắt lả chả rơi xuống đôi gò má đã có chút xanh xao...

An Tư thu mình lại, ngồi co ro trên trường kỷ, nàng không hoàn toàn thấu tỏ nỗi đau mất đi phu tướng của tam hoàng tỷ, thế nhưng lại hiểu được phần nào sự nghẹn thắt nơi l*иg tim khi phải rời xa người mình yêu vĩnh viễn.

Đã bao đêm rồi nàng luôn khóc thầm như vậy, khóc cho tình si dang dở chỉ là một phần nhỏ, khóc cho muôn dân trăm họ, cho những người đã nằm xuống vì cuộc chiến vô nghĩa này mới là phần lớn.

Nàng thật thương dân khổ, vốn là công chúa được hưởng mọi đặc quyền còn cảm thấy héo hon phai úa qua từng ngày thì thử hỏi bá tánh chịu cảnh đói nghèo loạn lạc còn thống khổ bao nhiêu? Đôi khi An Tư thầm ước mình là trang nam tử để được cùng các hiền huynh xông pha trận mạc, cứu được bao nhiêu thì cứu, giúp được bao nhiêu thì giúp, không cần phải như hiện tại bó gối bất lực tại đây...

Đêm quá dài, lòng người lại quá sầu, nghĩ suy miên man rốt cuộc lại nghĩ đến người không nên nghĩ. Hình dung ấy hiển hiện tựa mới hôm qua, nhưng giờ đây đã xa mặt lại cách cả lòng, còn không biết người đó còn sống hay đã...

Tự trách mình nghĩ chuyện rủi xui, An Tư tự đánh vào tay mình cảnh tỉnh. Nào phải đâu nàng nhớ thương giặc thù, không, nàng không nhớ thương kẻ xâm lược quê hương, mà nàng chỉ nhớ thương Hoan nhi, tiểu binh sĩ phong trần đượm nét lãng tử đã đánh thức trái tim của đóa hoa sen nơi cung cấm.