Từ nhỏ Khai Tâm đã có thói quen quan sát sắc mặt của người khác. Khi người trước mặt vừa tỏ vẻ khó chịu, sự nhạy cảm khiến cô biết được ngay. Bởi vì từ nhỏ sống cùng ông bà nội, thân thích bên ấy đều không ưa gì mẹ cô, tự nhiên cũng sẽ không thích cô. Cho nên chưa được bao lớn, cô đã biết nhìn sắc mặt người khác mà sống.
Hiện tại cảm nhận được nét mệt mỏi trên gương mặt của sếp Nguyễn, Khai Tâm liền chào ra về: “Bé Gia Khiêm đã ngủ rồi ạ. Nếu sếp Nguyễn đã về đến nhà, vậy tôi xin phép ra về ạ.”
“Ừ. Cảm ơn cô giáo đã chăm sóc Gia Khiêm.”
Khai Tâm cúi đầu chào lần nữa rồi đi đến cửa chính, lấy túi vải và áo khoát vẫn thường mang rồi thay dép lê thành giày bata, nhẹ mở cửa bước ra ngoài.
Đêm xuống nhưng đèn đường ở khu vực này vẫn sáng như ban ngày, Khai Tâm chưa có dịp đi qua Vịnh Vân Phong bao giờ. Cô mở di động tìm bản đồ offline rồi đi bộ đến trạm xe buýt gần nhất.
Buổi chiều tài xế chở hai cô trò về nhà có đi ngang Vịnh Vân Phong, khi ấy mặt biển chìm trong ánh hoàng hôn thật đẹp. Hiện tại ngồi ở trạm xe buýt cũng chỉ nghe gió và sóng biển thét gào, chứ không nhìn thấy mặt biển lấp lánh như pha lê kia nữa. Khai Tâm kéo lại áo khoát, ngồi trên ghế dài đợi xe buýt.
Ngồi đợi gần ba mươi phút mới có chiếc xe buýt màu xanh chạy đến. Bởi vì không thuận đường, nên Khai Tâm phải đi xe buýt ra trung tâm thành phố, rồi lại đón thêm một xe khác để về nhà. Đến khi cô về tới xóm trọ thì đã gần nửa đêm.
Ở đầu xóm vẫn còn một đám đàn ông đang say sưa nhậu nhẹt, tiếng chửi thề tiếng cãi lộn vang trời. Bên kia đường có một nhóm phụ nữ đang õng ẹo chèo kéo đám đàn ông, trên gương mặt tô son trét phấn thật đậm, giống như không muốn người quen nhìn thấy gương mặt thật của mình.
Khai Tâm cúi đầu, thật nhanh đi lướt qua bọn họ. Nhóm đàn ông thấy cô thì cười sằng sặc, có người còn ác ý xem cô là gái làng chơi, lớn tiếng hỏi cô muốn qua đêm với gã hay không, bao nhiêu tiền một đêm. Khai Tâm vờ như đang trả lời điện thoại, đi thật nhanh vào trong phòng trọ của mình, đến khi vào phòng khóa cửa vẫn nghe tiếng chọc ghẹo tục tĩu của đám bợm nhậu ở bên ngoài.
Khai Tâm mệt mỏi thở dài.Qua loa úp một gói mì, ăn thật nhanhrồi phòng tắm. Khai Tâm nằm lên chiếc nệm nhỏ thay cho giường ngủ, lấy di động tìm phòng cho thuê ở gần trung tâm thành phố.
Nếu có thể tìm được căn phòng nhỏ gầm trạm xe thì quá tốt, khi đó cô chỉ cần đi một chuyến xe buýt từ Vịnh Vân Phong là có thể về thẳng nhà. Cũng sẽ không cần lo lắng về nhà quá trễ, lại bị đám bợm nhậu buông lời chọc ghẹo tục tĩu. Nhưng di động của cô quá cũ, lướt web cũng rất chậm, chưa xem được bao lâu, cô đã lăn ra ngủ say.
Sáng hôm sau tiếng chuông điện thoại đúng giờ báo thức. Cô mờ mịt nhìn trần nhà ẩm thấp vài phút, rồi nhanh chóng bật dậy làm vệ sinh cá nhân. Cô thay đồng phục của giáo viên nhà trẻ rồi đi bộ đến trường. Trong xóm trọ cũng có vài người dân bán thức ăn sáng bình dân, nhưng Khai Tâm rất ít khi tiêu tiền vào bữa ăn sáng.
Ở nhà họ Nguyễn, dì giúp việc mang bữa ăn sáng lên cho sếp Nguyễn và bé Gia Khiêm. Cậu bé không cần người lớn giúp đỡ đã tự trèo lên ghế, lấy nĩa ăn bánh rán và hoa quả.
Tự Nhiên thấy con trai đã tự ăn sáng, bèn thong thả ngồi xuống ghế. Trước tiên anh uống một hớp cà phê, rồi vừa ăn sáng vừa xem tin tức trong máy tính bảng.
Bé con ăn xong hai cái bánh rán, một ít dâu tây cùng chuối xắt lát, trong lúc ăn vẫn không quên quan sát ba mình. Đợi đến khi ăn xong, bé mới rụt rè hỏi: “Ba ơi, ba về nhà mấy giờ?”
Tự Nhiên ngẩng đầu lên từ máy tính bảng, ngưng năm giây mới có thể hiểu câu hỏi của bé con.
“Ba về tối lắm, khoảng mười giờ. Lúc đó con đã ngủ rồi.”
Bé con gục gặc cái đầu nhỏ, cũng không hiểu mười giờ là thế nào, bé lấy hai tay nâng cằm: “Cô giáo đợi ba, ba có ăn cơm với cô giáo hông?”
Tự Nhiên nghe con trai nói vậy thì ngẩn ra, nhớ đến đêm qua anh đi lấy chai nước khoáng trong tủ lạnh, thì thấy mấy đĩa thức ăn đã được bọc kín để bên trong. Anh hơi nhăn mày: “Con bảo cô giáo ăn cơm với con đi, không cần chờ ba."
Bé con cũng nhíu mày, biểu cảm và hành động y chang như ba mình: “Hồng đâu, cô giáo phải ăn cơm với người lớn cơ, giống như ở trường học ấy.”
Anh hất hàm: “Ba sẽ nói lại với cô giáo, con ăn xong rồi thì mau thay quần áo, sắp muộn giờ học rồi.”
Bé con chu đôi môi hình trái tim nho nhỏ như vẫn còn chuyện muốn nói, nhưng vẫn ngoan ngoãn tuột khỏi ghế, chạy về phòng thay quần áo.
Lúc hai cha con đến trường thì Khai Tâm đã sớm đứng ngoài cửa lớp đón học sinh. Cô là chủ nhiệm phụ trách lớp Thỏ Trắng của các bé bốn tuổi, nên khi thấy hai cha con sếp Nguyễn đi đến thì chỉ đơn giản gật đầu cười chào họ, rồi lại tiếp tục bận rộn giao tiếp với các phụ huynh và học sinh của lớp mình.
Lúc sếp Nguyễn đi ra khỏi lớp học của con trai, Khai Tâm đã hoàn thành nhiệm vụ đón học sinh buổi sáng. Cô định đi vào lớp thì bị anh gọi lại.
Anh vừa kiểm tra thời gian trên đồng hồ vừa nói với cô: “Cô giáo, buổi tối cô nên ăn tối cùng Gia Khiêm, không cần chờ tôi.”
Khai Tâm kinh ngạc, không hiểu sao phụ huynh lại nói như vậy, theo thói quen xua tay: “Ba Gia Khiêm có phải có hiểu lầm gì hay không? Tôi không có ý định ăn tối ở nhà của phụ huynh đâu ạ.”
Chuông điện thoại vang lên, từng tiếng dồn dập hối thúc, Tư Nhiên nhìn tên người gọi đến rồi nhanh gọn nói với Khai Tâm: “Nếu cô giáo có thể ăn tối với Gia Khiêm thì tốt quá, công việc của tôi thật sự quá bận, không còn cách nào mới không thể cùng bé sinh hoạt như một gia đình bình thường. Cho nên mới nhờ cô giáo giúp đỡ chăm sóc, vậy thì bé cũng đỡ tủi thân.”
Khai Tâm nhớ đến cái bánh bao mềm mại như sữa đã ngủ quên trong lúc đọc truyện cổ tích, vô cùng đồng cảm với bé con, nhẹ giọng đáp: “Nếu sếp Nguyễn đã lên tiếng, vậy tôi sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc và bầu bạn với bé ạ.”
Tư Nhiên gật đầu, nói cảm ơn rồi quét màn hình trả lời điện thoại, quay lưng rời đi.
Cô bảo mẫu trong lớp thấy Khai Tâm vẫn chưa quay lại, các bé học sinh lại ồn ào không nghe lời cô ta, cho nên vừa tức vừa vội. Đến khi đi ngoài xem thì thấy Khai Tâm đứng nói chuyện cùng phụ huynh lạ mặt, dáng người và gương mặt đều đặc biệt xuất chúng, cứ như vậy cơn bực dọc trong lòng càng tăng.
Mấy tháng nay làm việc chung với cô giáo trẻ mới ra trường như Khai Tâm, lại khiến cho bảo mẫu thâm niên trong nghề như cô ta không mấy vui vẻ. Hà cớ gì cả hai cùng là cô giáo trong một lớp, thế nhưng phụ huynh luôn thiên vị tặng quà cho Khai Tâm nhiều hơn.
Mặc dù Khai Tâm là cô giáo chủ nhiệm, cô ta chỉ là bảo mẫu nhưng phân biệt rạch ròi như vậy rất bất công. Chỉ là cô bảo mẫu chỉ biết ghen tị chứ không chịu hiểu rõ, phụ huynh không tặng quà là vì con họ không thích cô ta. Mỗi buổi tối phụ huynh sẽ hỏi các bé ở lớp làm gì, ăn gì.
Các bé thành thật kể lại cùng cô Khai Tâm làm cái này, đọc cái kia, còn bày nhiều trò chơi rất vui, còn cô bảo mẫu hung dữ suốt ngày chỉ biết rầy la chúng.
Chiều hôm đó Khai Tâm không có lịch dạy lớp phụ đạo, cho nên bốn giờ chiều thì cùng bé Gia Khiêm lên xe ô tô của sếp Nguyễn cử đến, đi về nhà họ Nguyễn.
Sau giờ tan học chiều nay, các giáo viên và bảo mẫu trường mầm non, kể cả dì nấu bếp và bác bảo vệ cũng biết chuyện Khai Tâm có quan hệ bất chính với phụ huynh. Tối hôm đó, trong lúc Khai Tâm vui vẻ sinh hoạt cùng bé Gia Khiêm, thì nhóm trò chuyện của các cô giáo mầm non cũng sôi nổi không kém.
Giáo viên A: Hèn gì hôm nay tôi nhờ Khai Tâm nhận dạy giùm lớp phụ đạo của tôi nhưng cô ấy không đồng ý.
Các giáo viên khác đồng lòng thả biểu cảm !!! trong khung trò chuyện.
Ai cũng biết Khai Tâm chính là người cuồng công việc, là nhân viên tăng ca số một của trường mầm non Rạng Đông. Hôm nay cô từ chối cơ hội kiếm tiền thì đúng là chuyện lạ.
Bảo mẫu B: Người ta lo đi hẹn hò với phụ huynh rồi, còn cần mớ tiền lương ba cọc ba đồng của chúng ta ư?
Giáo viên C: Cũng đâu thể nói vậy, nhỡ đâu cô ấy có chuyện riêng thì sao?
Bảo mẫu B: Đúng là có chuyện riêng thật. Tôi tận mắt thấy cô ấy đứng nói chuyện riêng với phụ huynh nam vào buổi sáng đây.
Các cô giáo khác nhao nhao lên: Ai vậy? Phụ huynh nào vậy?
Bảo mẫu B: Người này tôi chưa gặp bao giờ. Có lẽ là phụ huynh mới. Hôm nay anh ta mặc tây trang màu đen.
Số lượng người mặc tây trang đến trường mầm non tư thục bình dân có thể đếm trên đầu ngón tay. Cho nên một lát sau đã có một cô giáo khác biết đáp án: A, tôi biết phụ huynh này. Đó là ba Gia Khiêm. Nghe nói anh ta là ba đơn thân. Anh ta rất đẹp trai phong độ nha, nếu tôi trẻ lại hai mươi tuổi thì cũng muốn cưa đổ anh ta ấy chứ.
Ỗ...
Mấy cô giáo khác thả mặt cười: Ôi dào, bà chị không những đã qua tuổi mơ mộng, hơn nữa còn có chồng và hai con rồi nhé.
Cô giáo A: Vậy Khai Tâm đúng là nhanh tay lẹ chân, các cô giáo chưa lập gia đình trường ta cố lên!