Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy đã nghe bên dưới có tiếng lao xao. Hôm nay chủ nhật nên cả Khoa và bố chồng tôi đều ở nhà. Tôi vội đánh răng xong rồi cùng Khoa đi xuống dưới. Vừa đến phòng khách tôi chợt giật mình khi mẹ chồng tôi đang ngồi đó, bên cạnh là một chiếc valy. Bà nhìn thấy tôi cười nói:
– Duyên đấy à con? Ăn sáng chưa?
– Dạ, con chưa, mẹ vừa về ạ?
– Ừ mẹ vừa về đến nơi. Cả nhà mình ra ngoài ăn sáng đi.
Lúc này bố chồng tôi cũng ở trong phòng bước ra ngồi lặng lẽ xuống ghế. Mẹ chồng tôi thấy vậy liền hỏi:
– Sao dạo này trông ông hốc hác thế? Con gái rượu không đến chăm sóc cho à?
– Bà!!! Bà thích cà khịa lắm à.
– Tôi cà khịa gì đâu? Đang hỏi thăm ông thôi mà.
– Sao tôi tưởng bà không về nữa mà?
– Tôi có nói tôi đi sẽ không về sao? Nhà này nhà của tôi việc quái gì tôi lại không về chứ? Lâu lâu đi ăn mừng chút thôi, nhà là phải về, còn con trai con dâu ở đây. Chồng thì có thể không quan tâm nhưng con thì không thể. Đi thôi hai đứa, mấy ngày đi nước ngoài thèm bún chả Hà Nội ghê cơ. Ba mẹ con ra Hàng Mành ăn cho sướиɠ cái mồm.
Bố chồng tôi định lên tiếng bà đã quay sang nói:
– Tí nữa chị Trung sang nấu ăn cho ông. Tôi thấy ông còn mệt lắm, ở nhà nghỉ ngơi đi.
Nói xong mẹ chồng tôi đã kéo tôi với Khoa ra xe. Tôi nhìn bố chồng có chút ngại nhưng ông cũng không để tâm mà nằm vật ra ghế sofa. Trên đường đi Khoa nhìn mẹ chồng tôi rồi hỏi:
– Mẹ, lần này mẹ về thật à?
– Ừ. Về chứ. Ông ta không chịu kí đơn ly hôn, với lại mẹ nghĩ kĩ rồi, nếu giờ mà mẹ đi thì chỉ có thiệt thôi, nhà cửa được chia đôi nhưng cổ phần công ty thì không mà như vậy mẹ cần quái gì. Dù sao hơn nửa đời người mẹ cũng chịu đựng được rồi, giờ sống như hai người lạ với nhau cũng được. Đợi khi nào ông ta chuyển hết cổ phần sang cho con thì tính tiếp. Mà già cả rồi, giờ ly hôn cũng chẳng để làm gì thiên hạ được thể lại cười, sống chung một nhà mà không liên quan có khi lại hay.
– Bố dạo này cứ về là nằm bẹp trong nhà, tối nào cũng uống rượu.
– Mày kể với mẹ chuyện này làm gì? Ông ta hôm nào chẳng than thở gửi tin nhắn vào facebook cho mẹ. Mà thôi, nuôi con Dương bao nhiêu năm cũng coi như cái báo ứng ông ta phải chịu rồi, đó mới là cái giá lớn nhất ông ta phải trả. Cũng may bao nhiêu năm mẹ cật lực làm cũng có một số tiền kha khá trong tài khoản, giờ già rồi cũng đếch cần phụ thuộc, qua Tết mẹ lại đi sang Thuỵ Điển một chuyến.
Tôi nhìn mẹ chồng tôi, tuy rằng cảm giác bà vẫn tươi cười nhưng trong đáy mắt lại có chút buồn buồn. Ăn sáng xong mẹ chồng tôi dẫn tôi đi mua quần áo rồi mới về nhà. Đến trưa cả nhà lại cùng nhau quây quần, tuy rằng bố mẹ chồng tôi không ai nói với ai câu gì, nhưng ít nhất gia đình đầy đủ thế này tôi cũng có cảm giác bớt ảm đạm hơn rất nhiều. Con Dương tôi cũng không biết nó giờ ra sao nhưng tôi đoán chắc một đứa con gái đang sống trong nhung lụa, tháng nào cũng mua cả trăm triệu đồ hiệu giờ mất sạch thì chắc sốc lắm. Cứ nghĩ đến đứa con đã mất của tôi tôi lại thấy căm hận vô cùng. Nó thế nào cũng được, nhưng tàn nhẫn gϊếŧ một sinh mệnh chưa chào đời thì quá ác độc.
Tối ăn cơm xong tôi lên phòng nhìn Khoa rồi đề nghị:
– Anh ơi. Em muốn đi làm.
Vừa dứt lời Khoa đã kinh ngạc quay sang tôi hỏi lại:
– Đi làm? Sao lại đi làm?
– Thì em cũng không thể mãi ở nhà phụ thuộc vào anh thế này. Tuy anh giàu, anh có tiền thật nhưng đó là tiền của anh. Em vẫn muốn đi làm, tự tay làm ra tiền của mình, để lúc nhỡ mà có chuyện gì ít nhất cũng còn có tiền, còn có cái lo cho thân. Như mẹ ý, em thích kiểu độc lập của mẹ, chẳng phụ thuộc vào ai cả.
Khoa nhìn tôi, nghiêm túc nói:
– Em nghĩ anh sẽ giống bố? Em không có lòng tin ở anh?
Không tôi nghĩ Khoa giống bố chồng, cũng không phải không có lòng tin ở anh. Nhưng cuộc đời này quá dài và rộng, tôi không biết mai sau thế nào. Đến chính bản thân tôi còn chẳng dám chắc rằng tôi sẽ thay đổi hay không nói gì đến người khác? Anh có thể yêu tôi một thời nhưng chắc gì đã yêu tôi cả một đời? Mà… đến giờ Khoa cũng chưa từng thừa nhận yêu tôi cơ mà. Thực ra tôi cũng như hàng ngàn, hàng vạn cô gái khác, muốn người đàn ông của mình có thể chở che, yêu thương cả đời. Nhưng… sau chuyện của bố mẹ chồng tôi vẫn muốn tự mình đi kiếm tiền. Tất nhiên nếu Khoa và tôi cùng nhau nắm tay đi hết cuộc đời thì việc tôi kiếm tiền cũng là niềm vui, còn nhỡ anh và tôi đứt gánh giữa đường thì tôi cũng còn có cái việc để tồn tại. Tôi muốn được như mẹ chồng chứ không đời nào muốn bản thân giống chị Ngân. Thấy tôi im lặng Khoa kéo tôi vào lòng rồi nói:
– Duyên. Em muốn đi làm cũng được anh không ngăn cấm. Nhưng nếu có thể thì anh mong em tin ở anh.
Tôi nhìn Khoa, trong lời nói của anh có sự run run, hình như anh rất xúc động khi nói ra câu cuối cùng đó. Tôi bật cười, vòng tay ôm bờ ngực rắn chắc rồi đáp:
– Em tin anh mà. Em chỉ muốn đi làm kiếm chút tiền và tạo thêm niềm vui trong cuộc sống thôi. Ở nhà cũng chán, em lại nghĩ ngợi linh tinh.
Khoa thấy tôi nói vậy mặt mới giãn ra gõ lên trán tôi hỏi:
– Thế giờ em muốn làm gì?
– Em chẳng có bằng cấp, mà mẹ bảo qua Tết mới có lớp học kế toán. Trước em cũng biết chút ít về pha chế nên tạm thời em muốn đi học pha chế, học thêm cả tiếng Anh để có thể làm nhân viên pha chế cho khách sạn, hay nhà hàng gì đó.
– Pha chế?
– Vâng, sao vậy anh?
– Không, anh không quan trọng em học gì, anh chỉ muốn biết em có thích học cái đó hay không thôi. Nếu em thích thì em học, sau này anh có thể mở cho em một nhà hàng để em làm cho thỏa đam mê.
Tôi nhìn Khoa vội ngắt lời:
– Thật nhé. Anh nói lời thì đừng có nuốt lời đấy. Mở nhà hàng cho em là cho em hẳn luôn, ok?
Khoa bật cười véo má tôi đáp:
– Bản tính mãi không thay đổi.
– Kệ, cần gì phải thay đổi, tham tiền, mưu mô, xảo quyệt, toan tính mới chính là con người em. Anh biết rồi sao còn mắc bẫy vậy?
– Anh thích.
– Thích mắc bẫy của em à?
– Ừ. Anh thích bị em lừa.
Tôi nghe xong tim như muốn rụng cả ra ngoài. Cảm giác này, ngọt đến điên hết người. Hình như tôi yêu anh mất rồi, yêu đến mức tôi cũng không thể nhận ra là đong đếm được bao nhiêu. Tình cảm này của tôi và Khoa không phải tình yêu sét đánh, có trải qua đau khổ, có vui, có buồn, nó lớn dần từ lúc nào tôi cũng không biết nữa. Dưới ánh đèn Khoa khẽ cúi xuống đáp trả lại nụ hôn mãnh liệt. Cả đêm ấy tôi và anh cứ quấn lấy nhau không rời. Đến khi sáng dậy Khoa đi làm tôi vẫn không thể mở mắt ra được. Tôi không biết mình ngủ bao lâu, chỉ biết khi nắng chiếu vào mặt tôi mới bật dậy. Xuống nhà xem đồng hồ đã chín giờ qua. Mẹ chồng tôi ngồi dưới uống ngụm trà đọc sách. Thấy tôi bà cười nói:
– Hai đứa đêm qua làm gì cả đêm mà sáng trông cả hai bơ phờ thế.
Nghe bà nói xong tôi ngượng đỏ mặt. Mà tự dưng tôi thấy may mắn kinh khủng, nghĩ lại mẹ chồng chị Ngân so với mẹ chồng mình khác hẳn nhau một trời một vực. Năm giờ sáng chị Ngân dậy vẫn bị bà ta chửi bới, đây chín giờ hơn mà mẹ chồng tôi chẳng nói câu gì.
– Xuống ăn sáng đi, cô Trung vừa ra ngoài mua thức ăn nên con tự hâm lại nhé. Mẹ ăn rồi.
– Dạ vâng ạ.
Ăn sáng xong lên tôi vẫn thấy mẹ chồng ngồi đọc sách. Tôi cũng ngồi xuống ghế sofa rồi nói:
– Mẹ, con định đi học pha chế rồi sau đó đi làm.
Nghe đến đây mẹ chồng tôi đặt sách sang một bên. Bà nhìn tôi hỏi lại:
– Học pha chế?
Thực ra tôi cũng sợ người lớn không thích cái nghề này, nhưng dù sao cũng phải nói, nếu bà không thích tôi sẽ xem có cái gì hợp hơn không thì đi. Tôi gật đầu nhìn bà đáp:
– Vâng ạ. Kiểu pha chế đồ uống các thứ, có thể làm nhà hàng, hoặc tự mình mở quán đồ uống ý mẹ.
Mẹ chồng tôi bật cười nói:
– Ừ mẹ biết mà. Nhưng chẳng phải trước hai mẹ con bàn nhau ra Tết con đi học kế toán sao?
– Thời gian này con cũng rảnh nên muốn học ý mẹ, có thể chưa chắc sau này con đã làm pha chế nhưng muốn học thêm mẹ ạ.
– Quan trọng là con có thích không? Mẹ không muốn con tự ép mình đi học. Mẹ biết thời gian này gặp nhiều chuyện buồn, nhưng nếu đi học để khuây khoả nỗi buồn con có thể đi du lịch với mẹ. Nhưng nếu con học vì con thích thì mẹ ủng hộ. Nghề nào cũng được, pha chế giờ cũng rất hot, thực ra trước mẹ cũng thích làm bánh, nhưng vì gia đình mẹ phải dẹp hết chứ mẹ cũng muốn có một tiệm bánh cho riêng mình đấy.
– Con thích mẹ ạ.
– Thế thì mẹ ủng hộ, cứ học đi. Phụ nữ mình dù sao cũng phải có cái nghề con ạ. Chồng giàu có bao nhiêu, lắm tiền thế nào thì cũng là của nó. Mình có cái nghề trong tay, độc lập thì chả sợ bố con thằng nào cả. Con học đi, có khó khăn gì mẹ ủng hộ. Pha chế cũng là nghề, mẹ thì chả quan trọng nghề gì, miễn là nghề tử tế, không trộm cắp, mại da^ʍ, ma tuý, lừa đảo thì mẹ đều ủng hộ.
Tôi nghe mẹ chồng nói cảm thấy bà rất hiện đại, tâm lý. Nhưng… câu nói cuối cùng lại khiến tôi có chút… có chút khựng lại. Người ta nói kẻ có tật thường hay giật mình, tôi lúc này cũng vậy. Tôi nhìn mẹ chồng, chợt thấy áy náy càng lúc càng dâng trào, bà càng tốt với tôi, tôi càng cảm thấy day dứt vô cùng.
– Duyên. Sao đần mặt ra thế con?
Tiếng mẹ chồng tôi kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ miên man. Tôi nhìn bà cười ngượng ngùng đáp:
– Dạ, không có gì mẹ ạ.
– Mẹ thấy con mệt mệt ý, lên phòng nghỉ đi con. Mẹ đi cafe với hội bạn một chút.
– Dạ vâng ạ.
Đợi mẹ chồng tôi đi tôi cũng lững thững bước lên phòng. Cả ngày hôm ấy tôi không sao ngủ được, dạo trước bận rộn tôi ít nghĩ nhưng hôm nay thực sự cảm thấy sự day dứt càng lúc càng lớn. Thế nhưng lúc này tôi cũng không biết mình phải làm gì nữa, tôi thực sự không biết phải đi lối nào để có thể thoát ra khỏi mớ bòng bong này. Tối Khoa về, hôm nay anh tiếp khách nên có uống rượu. Tôi nằm cạnh anh, tình cảm càng lớn nỗi bất an mơ hồ lại càng nhiều. Tôi rất sợ… tôi phải nên thừa nhận với mẹ chồng trước? Hay tôi cứ mặc kệ? Nghĩ mãi, nghĩ mãi cuối cùng tôi vẫn không thể nào tìm cho mình một lối thoát. Tôi khẽ gạt đi, dù sao chuyện gì đến cũng sẽ đến, mọi thứ do tôi lựa chọn, tôi cũng phải chấp nhận với sự lựa chọn ấy của mình.
Những ngày tiếp theo sự bất an mơ hồ cũng bắt đầu dần dần mờ nhạt đi khi tôi tìm được lớp học pha chế. Buổi sáng tôi học tiếng Anh, đến tối học thêm hai tiếng pha chế. Thời gian bận rộn khiến tôi cũng quên đi mọi thứ. Sáng Khoa đưa tôi đi học rồi mới đi làm, trưa anh lại đón tôi về ăn cơm, đến tối cũng vậy. Mẹ chồng tôi thi thoảng ở nhà, lúc lại đi chơi, đi làm đẹp. Lần nào đi chơi về bà cũng mua cho tôi rất nhiều quà. Ở nhà trọ chị Ngân và Hiếu cũng dần ổn định hẳn. Chị Ngân và thằng Việt chính thức ly hôn, nó muốn đòi nuôi con nhưng dưới sức ép của Khoa cuối cùng phải chấp nhận để chị Ngân nuôi. Vả lại con bồ của nó có con trai, nó thực ra cũng không tha thiết hai đứa nhỏ lắm. Thế càng tốt, càng nhẹ nợ. Thực ra tôi biết nếu không có Khoa thằng Việt sẽ ép chị Ngân vào đường cùng, cũng may nhờ anh nên mọi thứ đều suôn sẻ. Nghe đâu công ty của thằng Việt, nhất là mảng xây dựng của nó phụ thuộc rất nhiều vào tập đoàn của nhà chồng tôi. Còn con Dương, dường như nó đã biết mất vĩnh viễn trên cái đất Hà Nội này thì phải, tôi không thấy nó quay lại thêm lần nào nữa.
Khoá học của tôi kéo dài ba tháng, kết thúc cũng vào đúng dịp Tết. Buổi tối hôm ấy là hai mươi sáu tháng Chạp, học với nhau ba tháng nên lớp cũng quen nhau cả rồi nên cả lớp tổ chức buổi tiệc liên hoan chia tay. Tôi báo Khoa không ăn cơm ở nhà rồi cùng mọi người ra nhà hàng. Cũng phải công nhận rằng việc đi học, ra khỏi nhà khiến đầu óc thư thái thoải mái hơn rất nhiều. Ăn xong tôi định bắt một chiếc taxi đi về thì bên cạnh có tiếng cất lên:
– Nhà cậu ở đâu? Tớ đưa về? Chỗ này vắng taxi lắm.
Tôi nhìn sang, là Nghĩa, cậu bạn bằng tuổi tôi ngồi sát ghế bên cạnh. Thực ra cũng có vài lần cậu ta đề nghị đưa tôi về nhưng tôi đều từ chối. Lần này tôi sợ về muộn nên cũng không dặn Khoa đến đón, có điều tôi cũng ngại đi xe người lạ nên đáp:
– Không cần đâu, tớ đi bộ lên một chút bắt xe cũng được.
– Từ đây ra được chỗ bắt xe cũng không gần chút nào đâu. Trời còn lạnh nữa.
Lúc này tôi cũng mới cảm nhận được cái hơi sương buốt giá. Nghĩa nhìn tôi bật cười:
– Cậu xem cậu run hết cả người rồi. Lên xe đi.
Vừa nói Nghĩa vừa cởi chiếc áo vest bên ngoài nói tiếp:
– Mà cậu mặc thêm áo của tớ vào đi. Tớ thấy hình như cậu rất lạnh ý.
Tôi còn chưa kịp từ chối từ chiếc áo đã bị ai đó giật mạnh. Tôi ngạc nhiên xoay người lại bỗng sững cả người khi thấy Khoa lù lù trước mặt. Anh nở nụ cười đưa áo cho Nghĩa rồi nói:
– Cảm ơn ý tốt của cậu nhưng mà áo này của cậu phiền cậu cầm lại giúp tôi.
Nghĩa nhìn Khoa, mấy lần anh đến đón tôi nên có lẽ cậu ta cũng biết. Cậu ta nhìn tôi cười đáp:
– Thế thôi tớ về nhé.
– Ừ. Bye cậu.
Khoa đứng bên cạnh, mặt bỗng đen cả lại. Đến khi Nghĩa đi khuất anh lạnh nhạt nói:
– Lên xe đi.
Tôi bật cười nhìn vẻ mặt của anh rồi hỏi:
– Anh sao vậy?
– …
– Sao thế? Hỏi không thèm trả lời luôn.
– …
– Sao mặt anh sưng như cái đĩa vậy?
– …
– Anh… giận em gì à?
Khoa vẫn tập trung lái xe, không thèm đáp lấy một câu. Thấy vậy tôi lại hỏi:
– Anh Khoa đẹp trai, trả lời em đi.
– …
– Mặt anh sắp chảy thành bánh kem rồi đấy. Càng lúc càng bí xị vậy?
– …
– Anh… sao thế?
Khoa lừ mắt nhìn tôi rồi đáp:
– Ghen!
Câu trả lời cụt ngủn của Khoa khiến tôi vừa buồn cười vừa thấy tội tội. Tôi liền thơm chụt lên má anh nói:
– Có gì đâu mà ghen? Em có làm gì đâu?
– Đứng nói chuyện cậu cậu tớ tớ mà bảo không làm gì?
– Trời, nói chuyện thôi mà.
– Nhưng anh không thích! Mấy lần thấy cậu ta tiếp cận em rồi. Anh là đàn ông sao không nhận ra cái kiểu của cậu ta đối với em là thế nào chứ.
– Thì cậu ta thích em hay yêu em đi chăng nữa cũng là việc của cậu ta mà.
Khoa nghe xong mặt càng sưng to đáp:
– Anh không thích.
– Ơ, anh vô lý thế, người ta thích em là quyền của người ta. Ai cấm được!
– Anh cấm!
Ha ha. Khoa càng nói tôi càng buồn cười. Thế nhưng tôi đành phải nhịn an ủi:
– Được được, anh không thích từ nay em sẽ không cho ai thích em nữa. Được chưa nào?
– Nhớ nhé.
– Em nhớ, em xin hứa.
– Ngoan.
Về đến nhà, còn chưa kịp tắm rửa Khoa đã đè tôi ra. Vì cái sự ghen của anh mà đêm ấy tôi và anh lại quần nhau đến ba lần. Hoá ra người đàn ông trông có vẻ chững chạc nhiều lúc lại vô lý, trẻ con đến vậy. Những ngày tiếp theo cả nhà đều bận rộn để sắm Tết. Hình như dạo này tình cảm bố mẹ chồng tôi cũng đỡ hơn rồi hay sao ý. Hai ông bà còn tự mình mua hẳn một cành quất lớn, một cành đào xịn mang về. Tôi có tranh thủ lượn qua nhà Hiếu gửi cho hai người một khoản tiền sắm Tết. Năm nay đi lấy chồng không ăn Tết ở cùng hai người tôi cũng có chút chạnh lòng nên số tiền tôi đưa cho Hiếu và chị Ngân cũng nhiều một chút. Đêm giao thừa, bố mẹ chồng tôi đi Chùa, tôi với Khoa ở nhà cùng xem bắn pháo hoa. Dưới ô cửa kính từng lớp pháo đủ màu sắc tung bay trên nền trời tối đen khiến mọi thứ bỗng sáng rực. Khoa kéo tôi dựa đầu vào tường rồi nói:
– Duyên. Em biết năm mới anh ước gì không?
– Anh ước gì vậy?
– Anh ước năm sau giao thừa sẽ có thêm một đứa bé hai ba tháng tuổi cùng mình ngắm pháo hoa.
Tôi nhìn Khoa, tự dưng lại cay cay sống mũi. Bên ngoài mưa phùn chạm nhẹ lên ô cửa kính, pháo hoa vẫn đang tung bay chưa dứt. Nếu được tôi cũng ước năm nào cũng sẽ cùng Khoa đón giao thừa, năm nay, năm sau, một đứa bé, hai đứa bé…
Đến khi đợt pháo hoa cuối cùng kết thúc, Khoa cũng buông rèm rồi kéo tôi lên giường. Đêm ấy tôi và anh lại lao vào nhau mặc bên ngoài tiếng gió vẫn rít, tiếng mưa phùn vẫn lất phất trên những tán lá. Bên ngoài kia bão giông hay bình yên tôi cũng không còn quan tâm nữa, chỉ biết giây phút này muốn được cùng người đàn ông tôi yêu hưởng thụ những cảm xúc của tình yêu.
Mấy ngày Tết rồi cũng trôi qua nhanh chóng, mùng sáu Tết Khoa và bố chồng có chuyến công tác Đà Nẵng sớm nên đi từ nửa đêm. Đến sáng tôi dậy cũng không thấy mẹ chồng ở nhà. Cô Trung dặn tôi mẹ chồng tôi đi vắng nên tôi tranh thủ sang chỗ Hiếu một chút. Mùng hai tôi có qua rồi, nhưng mãi đến hôm nay tôi cũng mới có thêm thời gian thăm vì mùng ba, mùng bốn tôi với Khoa đều sang nhà cô Hà ăn cơm. Khi vừa bước chân đến phòng hai đứa Sóc, Thỏ đã lao ra rồi nói:
– Dì Duyên, dì Duyên đến rồi, chú Khoa đâu?
– Chú đi công tác rồi.
– Eo ơi chán thế. Khi nào chú mới về?
Tôi bật cười bế con Thỏ lên thơm vào má đáp:
– Đòi chú làm gì?
– Tại con thích chú. Chú Khoa hiền, chú Khoa đẹp trai, chú Khoa hay mua kẹo cho con.
Bên trong chị Ngân cũng cười cười… suốt thời gian này chị áp lực nhiều tôi cũng biết, thế nhưng thấy nụ cười trên gương mặt chị tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Chơi với mọi người đến tận chiều tôi mới về. Khi vừa về đến cổng cũng thấy xe ô tô mẹ chồng tôi đỗ ở ngoài, bên cạnh có một chiếc xe máy dựng ở ngay đó. Tôi hơi tò mò, bình thường bạn của mẹ chồng toàn đi ô tô sao lại có xe máy này nhỉ? Thế nhưng tôi cũng mặc kệ không suy đoán nữa mà mở cửa bước vào trong. Vừa vào đến nơi thấy mẹ chồng tôi ngồi ghế sofa, bên cạnh là một người con gái trạc tuổi tôi. Tôi nhìn mẹ chồng cúi đầu nói:
– Con chào mẹ ạ.
Thế nhưng gương mặt bà bỗng dưng lạnh tanh không chút cảm xúc. Tôi ngỡ bà không nghe thấy nên nói thêm lần nữa.
– Con chào mẹ, con về rồi ạ.
Lần này bà ngước mắt lên nhìn tôi, khoé môi nhếch lên đầy coi thường. Lúc này tim tôi bỗng đập mạnh, nhìn sang người con gái bên cạnh. Trong một giây lát tôi lặng cả người đi khi nhìn thấy nốt ruồi đen nhỏ ngay ở cổ cô gái ấy. Hiên – đứa con gái mất tích thật sự của cô Hà…
———