Chương 13: Thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau trong gang tấc
Bạch Tiêu đọc được những tâm sự ấy nhờ Thẻ đọc suy nghĩ, những giọt nước mắt rơi xuống làm ướt đôi má. Trước khi xông lên, cô không ngừng lôi những người khác ra và nói: “Đừng đánh nữa, cậu ấy sẽ chết thật đấy, đến khi đó thì mọi người không chịu nổi trách nhiệm đâu”.“Trách nhiệm” là điều mà rất nhiều người sợ phải hứng chịu. Vừa đề cập đến vấn đề “không chịu nổi trách nhiệm”, mọi người đều thôi không đánh nữa.
Cuối cùng cảnh sát cũng đến.
Đúng vào giữa trưa, mặt trời chiếu rọi vào cậu thiếu niên Đơn Hải Kinh đang trong hơi thở yếu ớt.
Trâu Bác là người đầu tiên ra mặt khống chế tên cướp nên cũng phải đi tới Sở Cảnh sát.
Phạm Sam không muốn đi, nói rằng anh ta đã đặt trước chuyến du lịch qua mạng rồi, nếu không đến thì số tiền đã thanh toán đó sẽ không cánh mà bay.
Ngoài ra có mấy nữ sinh nữa cũng muốn đi du lịch cùng Phạm Sam.
Còn Bạch Tiêu, cô biết được nội tình của toàn bộ sự việc nên không hề do dự cùng Trâu Bác đi đến Sở Cảnh sát, mặc dù cô không biết mình có thể giúp đỡ được người thiếu niên đó không.
Viên cảnh sát có khuôn mặt thanh tú, tướng mạo ưa nhìn dẫn họ tới một phòng nhỏ để ghi chép về sự việc. Trong tưởng tượng của rất nhiều người, anh hùng thì phải giống như Tiêu Phong[1]: nét mặt đau khổ ôm mối thù lớn, nói năng hùng hồn, coi trọng chính nghĩa, dẹp tình cảm riêng tư sang một bên.
[1] Tiêu Phong (Kiều Phong): là nhân vật chính bi tráng, đầy hào khí trong Thiên long bát bộ của Kim Dung.
Nhưng anh hùng Trâu Bác này rõ ràng là nói năng rất tùy tiện. Anh ta nói năng thì bắn đầy mưa xuân, chân tay khua khoắng, mặt mày hớn hở, miêu tả cảnh mình khống chế tên cướp cho viên cảnh sát nghe mà cứ sống động như thật.
Trâu Bác dùng tay minh họa, hí ha hí hửng nói: “Này nhé, khi đó hắn cầm dao, tất cả những người trên xe đều không dám cử động, tôi nghĩ Ta đây cuối cùng cũng đợi được cơ hội để ra tay hào hiệp rồi! Nhân lúc hắn không chú ý, tôi nhảy lên đạp vào cánh tay hắn làm con dao rơi xuống...”.
Bạch Tiêu hỏi nhỏ Trâu Bác: “Lúc ấy anh có sợ không?”.
Trâu Bác nhướn mày nói: “Không, đứng trước mặt một cô gái, sao có thể nói mình sợ hãi gì chứ? Em mau mau gọi điện về trường học, bảo thầy hiệu trưởng chuẩn bị trao cho anh huy chương đấu tranh vì chính nghĩa đi! Mà phải huy chương to vào đấy, nếu không thì có khác gì giấy chứng nhận kết hôn đâu”.
Bạch Tiêu gọi điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm lớp kể về sự việc bất ngờ này.
Vừa gọi điện thoại xong thì có tiếng gõ cửa.
Viên cảnh sát mở cửa đi ra. Hai phút sau, anh ta với vẻ mặt nghiêm nghị đi đến trước mặt Trâu Bác, nhìn Trâu Bác bằng ánh mắt nặng nề, nói: “Tên cướp đó bỗng bị choáng và ngã vật ra đất, bây giờ đang phải đưa đi bệnh viện cấp cứu”.
Dường như có một tia sét đánh thẳng xuống đầu mọi người.
Trâu Bác trong phút chốc bỗng sững lại.
Bạch Tiêu cũng cúi đầu không dám nhìn nhân viên cảnh sát.
“Cậu có khẳng định mình là người ra tay để làm rơi con dao của hắn không?”, viên cảnh sát nghiêm túc hỏi.
“Vâng... Chắc chắn là thế”, Trâu Bác do dự một lúc, nhưng vẫn quả quyết nói hai từ “chắc chắn”.
“Cậu có chắc rằng chính cậu là người đá vào cổ tay của hắn không? Chắc chắn rằng cú đã đó không làm hắn bị thương và cũng không ảnh hưởng đến các bộ phận khác không?”, viên cảnh sát tiếp tục hỏi.
“Chắc chắn, thật sự là tôi chỉ đá vào cổ tay của hắn. Sao có thể sau một tiếng đồng hồ mà hắn bỗng bị ngất đi như thế chứ?”, Trâu Bác rõ ràng ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề.
“Điều đó chẳng phải rất rõ rồi sao? Phải xem kết quả kiểm tra của bác sĩ cũng như kết quả cấp cứu cuối cùng mới biết được.”
“Có phải tên cướp bị bệnh bẩm sinh nào khác không?”, Bạch Tiêu cũng rất lo lắng.
“Không rõ nữa, phải đợi điện thoại của bệnh viện đã”, viên cảnh sát thở dài.
Đồng hồ cứ tích tắc tích tắc kêu như dòng nước chảy, giống như có một bàn tay ma quỷ bỗng làm cho nỗi bi thương và vui mừng đan xen, đen trắng đảo lộn, chỉ có thời gian là không thể quay lại.
Mấy phút trước thôi, Trâu Bác còn gọi điện về thông báo với cha mẹ và các bạn học là mình vừa làm một việc anh hùng, ra tay vì điều nghĩa, anh minh thần vũ, đánh gục được tên du côn, vô cùng anh dũng! Những phần thưởng đang đợi cậu chính là hoa tươi, sự vinh dự, ngưỡng mộ và những tràng pháo tay.
Mấy phút sau, Trâu Bác lại lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế gỗ lạnh lẽo, trong lòng đầy nỗi phiền não.
Tại sao mình lại ra tay? Tại sao mình lại muốn làm anh hùng? Thà cứ tát nước theo mưa, cứ đưa cho hắn hai trăm tệ thì chẳng phải mọi chuyện đã yên ổn rồi sao? Thậm chí anh còn oán trách tên cướp: Hắn ta sức khỏe yếu ớt mà cũng đòi đi cướp, đi cướp mà lại không quan tâm đến điều kiện bắt buộc là sức khỏe, hằng ngày cũng chẳng tập thể dục, cơ thể đã như cây giá đỗ ấy mà còn bày đặt hành nghề nguy hiểm! Mình chỉ đá cho có hai cái thôi mà đã bất tỉnh nhân sự rồi!
Bỗng chốc đấng anh hùng lại có thể bị biến thành kẻ sát nhân.
Điều gì đang đợi mình? Là tai họa ngục tù sao?
Nghĩ thế, Trâu Bác ôm chặt lấy đầu.
Bạch Tiêu không dùng Thẻ đọc suy nghĩ. Cô nhìn Trâu Bác đau khổ mà tinh thần bất an, cũng đoán ra được tâm sự của anh: thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau trong gang tấc.
Bạch Tiêu không ngừng nói đi nói lại với viên cảnh sát:
“Thực sự là Trâu Bác chỉ đã vào cổ tay của hắn thôi, nhưng có rất nhiều hành khách trên xe cũng giận dữ xông vào đấm đá cho tên cướp đó một trận.”
Viên cảnh sát mặt mày thanh tú nhún vai: “Ai có thể chứng minh được rằng không phải Trâu Bác mà là người khác đá tên cướp một cước chí mạng chứ? Ai có thể thừa nhận rằng anh ta làm việc anh hùng, sau khi tên cướp ngã vật ra đất thì lại đá cho hắn một cú thừa sống thiếu chết chứ?”.
Bây giờ chỉ có thể cầu cho tên cướp ấy phúc to mạng lớn, nhất định không được chết vì mấy cú đạp ấy.
Ba tiếng sau, tên cướp Đơn Hải Kinh mười tám tuổi đó cuối cùng cũng tỉnh lại. May mà cậu ta chỉ sợ quá đến mức ngất đi thôi, chứ không phải bị đám người xung quanh tức giận và tràn đầy chính nghĩa kia đánh đập cho trở thành người thực vật.
Nhưng sau khi tên cướp tỉnh dậy, đối với cậu ta mà nói, kết quả tốt nhất chính là bị vấn đề về thần kinh, ở một mức độ nào đó sẽ tránh được xử phạt hình sự, nhưng chắc chắn rằng cậu ta không thể có được tờ giấy giám định ấy.
Đang lúc quan trọng, không phải ai cũng có khả năng chứng minh được rằng mình mắc bệnh tâm thần.
Một tháng sau, bà Vệ Lam qua đời vì bệnh nặng.
Đơn Hải Kinh ở trong tù, cậu mơ thấy mình chết.
Kết quả đúng như thế!
Thực ra, rời xa thế giới này, đối với Đơn Hải Kinh mà nói, điều đó không phải là một chuyện buồn. Cuộc đời tàn khốc và thực tế như thế cũng không có gì đáng để Đơn Hải Kinh phải luyến tiếc.
Chết đi, lên thiên đường cũng rất tốt. Nơi đó không có chuyện ỷ mạnh hϊếp yếu, không có chuyện bỏ rơi, phản bội, không có bệnh tật, đau khổ, không có gì là không tốt đẹp. Nơi đó không có sự tàn nhẫn như ở thế giới này.