Báo Phong Niên

Chương 3

Thiếu phu nhân cương quyết muốn đưa ta cho thiếu Tướng quân, lý do là vì trước đây hắn chịu mang ta đến thăm hỏi nàng, thế nên nàng cho rằng hắn yêu thương ta.

Ta không dám trèo cao, mượn đủ lý do từ chối mới thuyết phục được thiếu phu nhân giản lược mọi thứ, để ta hầu hạ bên cạnh thiếu Tướng quân là được.

Đêm tuyết đầu mùa đông, thiếu Tướng quân đọc sách ở trong phòng, ta thì ngồi cạnh cửa hông canh lửa than, không ai nói một lời nào. Ngay cả tiếng gió tuyết vỗ nhẹ vào song cửa sổ cũng trở nên rõ ràng hơn thường lệ.

Từ nhỏ đến lớn ta không bao giờ dám nhìn hắn.

Vào phủ đã tám năm, gần đây hắn dẫn binh xuất chinh nên ít gặp nhau. Nhưng mấy năm trước khi hắn còn ở viện phía Nam với lão phu nhân thì ta và hắn chạm mặt nhau liên tục. Tuy vậy, lần nào gặp mặt ta đều cảm thấy xa lạ như mới lúc mới quen.

Trong mắt hắn, ta vĩnh viễn giống như một con chó, con mèo nhỏ bé. Trong lòng ta thì hắn xa xôi như núi cao hay biển xanh vời vợi, dòng nước lũ vô tình chảy qua mà chẳng thấy đâu.

Khi ta đang quạt lửa than ở cửa hông thì Thụy Tuyết quay về báo cáo công việc. Cả người hắn bị tuyết phủ đầy, lúc đầu hắn cúi mặt, cụp mắt bước vào, gập gối hành lễ xong mới thấy tà váy của ta, vậy là bao lời sắp nói ra khỏi miệng nuốt ngược vào trong.

Thiếu tướng quân nói: “Không sao, nàng là người mới tới chỗ ta.”

Thụy Tuyết ngẩng đầu, thấy là ta thì ngẩn người, không nhịn được mà nỉ non một câu: “Là ngươi?”

Thiếu Tướng quân thờ ơ nói: “Lúc trước là người trong phủ lão phu nhân, tên gọi gì mà...”

Thấy thiếu Tướng quân suy tư nửa gày, Thụy Tuyết lại cúi đầu, giọng điệu vô cùng mềm mại: “Là Niên Phong.”

Thiếu Tướng quân hết nhìn Thụy Tuyết rồi lại nhìn ta, cười nói: “Tên hai người vừa vặn hợp thành [Thụy tuyết triệu phong niên].”

Ta nhìn xuống đất, chỉ có thể thấy cái bóng của Thụy Tuyết.

Một năm đó khi đi trước người ta thì hắn cao hơn một cái đầu, sống lưng thẳng như trúc. Còn bây giờ hắn lại quỳ gối trước mặt ta, mặt mày chùng xuống, mu bàn tay bị gió rét làm tổn thương nổi lên gân xanh rất rõ.

Đúng lúc ấy Thụy Tuyết hơi nghiêng đầu, nhìn thoáng qua tà váy của ta. Hắn giúp ta tìm lời giải thích: “Tên của cô nương này có ý là [Niên phong nhân tăng thọ]. Lúc ấy lão phu nhân có khen ngợi nên cả phủ đều biết.”

Thiếu Tướng quân chăm chú nhìn ta. Đây là lần đầu hắn quan sát ta như thế, có vài phần ý tứ tán thưởng. Hắn nói: “Ngươi là người có lòng, không uổng công tổ mẫu thương ngươi.”

Ta im lặng đứng lên, im lặng hành lễ, rồi lại im lặng lắc đầu. Ta không biết nên nói gì nữa bây giờ, phải làm thế nào mới ra vẻ ta đây không hề có ý nịnh nọt. Nhưng ta nào còn tâm tư gì nữa đâu, trong sân viện lớn nhường này mà chẳng có gì quan trọng với ta.

Cuối cùng ta lấy than củi làm lý do, biết điều mà lui ra ngoài để bọn họ bàn chuyện chính sự.

Ta cố ý xách theo một ngọn đèn, vòng ra đường xa, cuối cùng dừng lại ở cửa hông trong viện. Nơi đó có một cây ngân hạnh cao lớn, ta đứng ở dưới tán cây tạm lánh cơn tuyết lớn rơi dày.

Rõ ràng ta muốn tránh tuyết nên mới đứng dưới tàng cây, rồi vẫn không nhịn được mà vươn tay hứng tuyết. Ta tò mò trận tuyết này đến tột cùng còn rơi nặng đến mức nào.

Nhàn rỗi nên sinh nông nổi thôi. Khi ta còn ngơ ngác thì có bóng dáng một người bước tới từ hành lang cách đó không xa.

Không cần nhìn thấy rõ mặt hắn ra sao, ta vẫn có thể nhận ra giọng nói hắn: “Cô nương mau về phòng đi, ta đã bàn chuyện với thiếu Tướng quân xong rồi.”

Hắn đến gần, dung mạo vẫn dễ nhìn như trước đấy, má lúm đồng tiền còn ở yên đó chưa phai.

Ta không tiếp lời hắn, ngược lại nói rằng: “Trận tuyết này lớn quá.”

Thụy Tuyết mỉm cười, đứng ở nơi đầu gió giúp ta chắn hơn nửa gió tuyết.

“Tuyết lành báo hiệu năm bội thu.”

Hắn vừa dứt lời, không hiểu sao ta lại thấy xoang mũi đau xót.

Ta không nhịn được nữa mà hỏi hắn: “Có phải mọi người sắp xuất chinh rồi không?”

Thụy Tuyết ngẩn người, đôi mắt dịu dàng chợt cụp xuống: “Cô nương hỏi chuyện khác đi.”

Ta chớp mắt hiểu rõ, trong lòng chỉ cảm thấy bất lực cồn cào.

Ta bỗng nhớ đến khi xưa, lúc lão phu nhân hỏi hai đứa con trai nhất định phải dẫn binh đánh giặc hay sao, có lẽ tâm trạng bà cũng như ta bây giờ.

Ta ngoan ngoãn hỏi sang việc khác: “Lúc ngươi đi đánh giặc có sợ không?”

Thụy Tuyết không ngờ ta hỏi câu này, nhưng hắn vẫn suy nghĩ rất nghiêm túc, sau đó nói: “Sợ chứ. Nhưng đây là việc duy nhất ta có thể làm tốt. Nhà ta còn sống dựa vào lương bổng của ta đấy. Cũng may là Tướng quân chúng ta rất quan tâm cấp dưới, cũng không khắt khe chuyện tiền nong với chúng ta bao giờ.”

Phần lớn nhóm tiểu binh không hiểu được ý nghĩa tại sao cần chinh chiến khắp nơi. Bọn họ không thể nói câu “không vì hư danh, chỉ muốn thái bình” như thiếu Tướng quân. Đa số bọn họ là vì mệnh vua, vì quân lệnh, vì một miếng cơm ăn.

Bởi vì không nói nổi mấy câu chấn động lòng người đó, thế nên bọn họ cũng chẳng có tên tuổi gì. Sử sách không có, người đời sau ca tụng cũng không. Nếu có thì chính là xương cốt không người nhận, để lại mẹ cha già cỗi ngày ngày ngóng đợi ở đầu thôn.

Ta nhìn vào đôi mắt sáng ngời của Thụy Tuyết, bỗng dưng chẳng còn lời nào để nói nữa. Ta im lặng nhét cây đèn vào tay hắn, đề cập tới rổ than rồi chạy biến về phòng.

Ta muốn vì người chừa lại một ngọn đèn chờ đợi, mà hiện giờ đôi ta lại không danh không phận. Có lẽ hắn đang liên tục gọi tên ta, nhưng mọi tiếng kêu đều chìm vào màn tuyết đêm dày đặc.

...

Ta phỏng đoán thiếu phu nhân muốn đưa ta đến chỗ thiếu Tướng quân để thử hắn.

Ở trong phủ này, bí mật càng nhiều người biết thì càng khó giữ. Ta nghe được một ít lời đồn, kể là từ lúc hai người họ thành hôn đến nay vẫn chưa động phòng.

Nói hoa mỹ là người một nhà, hắn lại luôn đề phòng nàng. Thiếu phu nhân cao ngạo đương nhiên sẽ sinh lòng nghi ngờ.

Đáng tiếc là nàng không biết tại sao lại thế. Mà ngay cả người trong lòng hắn còn không hiểu, không nhìn thấu hắn đang đề phòng việc gì thì làm sao tới phiên ta phát hiện ra được.

Nhắc đến thứ gọi là tình cảm quen biết từ thuở ấu thơ thì ta chỉ biết lắc đầu cười khổ. Tình cảm gì chứ, xưa nay có biết bao vị tướng kiêu hùng sát phạt quyết đoán, nhìn lại thì được bao nhiêu người rơi vào lưới tình thiếu nữ, thậm chí còn mở lòng với một nha hoàn nhỏ bé?

Cho nên tất nhiên là ta thử không ra.

Tổng cộng lại hết thì ta chỉ có hai lần bước vào phòng thiếu Tướng quân thôi.

Lần thứ nhất ta cố tình lảng tránh, canh chừng lửa than hết một đêm không ngủ. Tới đêm hôm sau thì hắn bình tĩnh như thường, bắt ta sao chép kinh thư đến sáng. Hắn để lại cho ta một chồng giấy cao nửa người, sợ ta đang chép giữa chừng thì dừng lại đi tìm hắn.

Ta thành thật bẩm báo tất cả cho thiếu phu nhân, còn nói với nàng là: “Thiếu phu nhân cảm thấy nô tỳ và thiếu Tướng quân quen biết từ nhỏ, vậy thì thiếu phu nhân nên nghe nô tỳ nói một lời. Dựa vào tính cách cao ngạo của thiếu Tướng quân, ngài ấy nhất định không thể ngó lơ vợ mình vì người khác đâu. Có lẽ vì việc quân bận rộn, đôi lúc không chú ý đến việc trong nhà thôi.”

Ta bất lực nhìn khóe môi thiếu phu nhân cong lên trời mà còn nói một đằng, nghĩ một nẻo: “Hay là hắn thích người hoạt bát hơn? Nha hoàn hay đi cùng với ngươi nhìn có vẻ lanh lợi, hình như tên là Di Vũ đúng không?”

Ta biết lão phu nhân đã tìm được mối hôn sự tốt cho Di Vũ, nàng cũng hài lòng người kia lắm. Lão phu nhân định là sang năm sẽ đích thân lo liệu cho Di Vũ, thế nên ta đành phải nói lời can ngăn.

“Nếu thiếu Tướng quân có lòng thì cần gì chờ đến lúc thiếu phu nhân ra tay. Không nói đến ta hay Di Vũ, những người lớn tuổi hơn như Đông Quế còn xuất sắc bội phần mà có khi nào thấy ngài ấy liếc mắt quá một lần đâu.”

Ta biết thiếu phu nhân thích nghe mấy lời này. Ta dứt khoát rướn người rót trà cho nàng, một bên nói tiếp: “Thường ngày chúng ta đều sợ hãi thiếu Tướng quân, cảm thấy ngài ấy chẳng khác gì Diêm La sống, sợ nói sai một câu là bị phạt ngay, ai mà dám âm mưu trèo cao được nữa.”

“Bây giờ có thiếu phu nhân trong phủ, thiếu Tướng quân mới thêm được vài phần tình người. Ai cũng thấy mấy nha hoàn chúng ta hầu hạ mười mấy năm cũng không bằng thiếu phu nhân vào phủ mười mấy tháng.”

Thiếu phu nhân nghe ta nói đến mở cờ trong bụng. Nàng giữ chặt tay ta, để ta ngồi bên cạnh nàng.

Nàng dựa sát vào ta nói: “Khó trách tổ mẫu yêu thương ngươi nhất, ngươi đúng là tri kỷ quá mà.”

Nàng hỏi ta nếu không phải trong lòng có người khác, vậy tại sao thiếu Tướng quân lại trốn tránh nàng.

Thật ra ta cũng tò mò lắm, cho nên chỉ lắc đầu, mở miệng bảo là ta không đoán được tâm tư thiếu Tướng quân.

Thiếu phu nhân thở dài, đành phải sửa lời với thiếu Tướng quân. Nàng nói là lỡ đưa ta từ Tây viện tới rồi thì không thể để ta ăn không ngồi rồi. Cho nên nàng muốn để ta giúp nàng học quản lý nhà cửa.

Nàng hăng hái vô cùng, ta đoán chừng là do trước đây lão phu nhân từng làm trụ cột của cả phủ Tướng quân, thế nên nàng cũng muốn tỏ ra thần thái rạng rỡ như bà.

“Tổ mẫu muốn ta sẻ chia với bà, tất nhiên ta phải học cho tốt mới được.”

Thời khắc cuối cùng nàng còn bồi thêm một câu: “Để Tướng quân an tâm dẫn binh đánh giặc bên ngoài, chuyện trong phủ ta và tổ mẫu sẽ cùng nhau chịu trách nhiệm.”

Thoáng chốc, ta chú ý thấy lão phu nhân ngây người. Bởi vì bà cũng từng nói với ta như vậy.

Khi đó lão phu nhân dặn dò ta ở lại, để ta giúp bà làm một chiếc khăn tay mới. Đầu mùa xuân tiết trời hãy còn lạnh giá, thật ra bà cũng không cần dùng đến khăn tay nữa. Nhưng ta tình nguyện nghe theo bà, món nợ của ta với bà đâu chỉ có một chiếc khăn tay là xong chuyện.

“Niên Phong, ngươi nói thật cho ta nghe xem.” Lão phu nhân bảo mọi người lui ra, chỉ nói chuyện riêng với ta: “Nghe nói vợ chồng hai đứa nó không hợp ý nhau, có đúng là vậy không?”

Ta suy nghĩ rồi thưa lại với bà: “Bình thường hai người họ nhìn qua thì hòa thuận lắm. Con chỉ nghe nói là thiếu Tướng quân không chịu động phòng, đối chiếu với lời thiếu phu nhân thì hẳn là sự thật.”

Lão phu nhân ngớ ra, sau đó mù mờ không rõ. Cuối cùng bà không che giấu được đau thương trong lòng. Tuyết rơi xuống, ánh mặt trời u ám càng làm đuôi mày khóe mắt nặng âu sầu.

Ta không hiểu, chỉ có thể tiến lên, gập gối cúi người vuốt nhẹ sau lưng bà: “Niên Phong ăn nói vụng về, không biết nên nói gì mới làm lão phu nhân thấy thoải mái.”

Ta không dám nhăn mày, cố gắng làm giọng nói mềm mỏng hết mực. Ta không ngờ là lão phu nhân chỉ ngơ ngẩn liếc nhìn ta một cái là nước mắt rơi lộp bộp.

Gần chín năm sống ở trong phủ, đây là lần đầu tiên ta thấy lão phu nhân như thần như phật đột nhiên yếu ớt như miếng băng mỏng manh. Bà khóc trong câm lặng một lúc lâu rồi khàn giọng gọi tên ta: “Niên Phong à...”

Chỉ một tiếng gọi ngắn ngủi, ta bỗng dưng rơi nước mắt theo bà.

Trái với suy nghĩ của ta, lão phu nhân nói tiếp: “Nó thấy mẹ mình đau lòng, thấy ta khốn khổ làm người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Nó tình nguyện chết trận sa trường, không muốn mấy người đáng thương chúng ta giẫm lên vết xe đổ của đời trước...”

“Thằng bé này, từ lúc nào thằng bé này đã nghĩ đến chuyện đó?”

Lão phu nhân yếu đuối dựa vào khuỷu tay ta mà khóc. Tâm hồn ta cũng quặn thắt đau đớn theo bà.

Đó là quyết định đoạn tử tuyệt tôn.

Hắn không chỉ là Tướng quân gìn giữ non sông của bá tánh, hắn còn muốn bảo vệ những người thân trong gia đình nhỏ bé này.

Nếu như sát nghiệp ắt có ác báo, vậy thì hãy dừng lại trên người hắn rồi thôi. Đây là giác ngộ, đau đến xé lòng.