Khương Niệm nhìn Đậu Giá ăn cơm không cần nàng phải đút, đáy lòng cảm thấy rất thoải mái, trước kia khi nàng mở khu du lịch sinh thái, lâu lâu bắt gặp cảnh trẻ con được khách hàng dẫn đến chơi.
Nàng nhìn thấy cha mẹ của mấy đứa nhỏ dưới năm tuổi phải chạy theo đút cơm cho thì các bạn nhỏ mới bằng lòng ăn, hơn nữa mới ăn được mấy muỗng đã chạy vụt đi, hại cha mẹ phải chạy đuổi theo khắp nơi.
Lúc ấy nàng cảm thấy trẻ con là đám ác ma, dẫn đi theo là một việc vô cùng khó khăn, sau này nếu có thể thì nàng sẽ không sinh con. Nhưng bây giờ nhìn thấy Đậu Giá, nàng lại cảm thấy cũng có những đứa trẻ như thiên sứ, vừa ngoan ngoãn nghe lời lại hiểu chuyện, mấy việc như ăn cơm không cần người lớn phải nhọc lòng.
Khương Niệm nhìn Đậu Giá đang nghiêm túc ăn cơm, bản thân dẫm trúng vận may gì vậy? Bỗng dưng nhặt được một đứa con gái ngoan như thế này?
Sau khi ăn uống no say, Khương Niệm dọn dẹp nhà ở, sau đó đi xung quanh tuần tra mảnh đất nhà mình.
Khương gia có tổng cộng năm mẫu đất, hai mẫu ruộng nước, ba mẫu ruộng cạn, bởi vì cơ thể của nguyên chủ không khỏe, nên cho các thôn dân thuê hết, mỗi năm thu một ít thóc coi như tiền thuê.
Đồng ruộng trong thôn trên cơ bản đều tập trung ven hai bên vịnh sông, phần lớn ruộng cạn là ở trong thôn.
Ruộng nước ở cạnh vịnh sông, đứng từ Khương gia nhìn ra xa, hầu như có thể nhìn thấy rõ đồng ruộng nhà mình còn cả mấy con vịt đang bơi.
Ba mẫu ruộng cạn trong nhà cách cửa nhà khoảng mấy trăm mét, người thuê vừa mới thu hoạch xong một vụ đậu nành, vì không kịp trồng lúa mì, nên tạm thời để hoang.
Vừa hay không có ai trồng, Khương Niệm dùng nó để trồng rau, nàng nhìn đất trong ruộng cạn, không quá phì nhiêu cũng không quá tệ, cũng có thể dùng để trồng rau. Nhưng mà chỉ có ba mẫu thì hơi ít, bây giờ nàng cũng chẳng có tiền mua thêm đất, phải tận dụng cả đất trồng rau cạnh nhà.
Khương Niệm là phái hành động, thay một đôi giày cũ xong liền đi xuống đất trồng rau, rút hết số củ cải trắng nằm thưa thớt trong đất, sẵn tiện nhổ cỏ.
Đậu Giá cũng đi theo sau nàng, muốn xuống ruộng giúp đỡ: “Để con giúp nương.”
Khương Niệm vội ngăn Đậu Giá lại: “Con đừng đi xuống đây, làm bẩn đồ thì không có đồ mà mặc đâu”
Trong đất vừa ướt lại vừa trơn trượt, lỡ như không chú ý thì rất dễ ngã, làm bẩn quần áo cũng khó mà giặt, hơn nữa thời tiết bây giờ ngày càng rét lạnh, quần áo dày rất khó phơi khô.
Đậu giá chu miệng lên, nói vô cùng tủi thân: “Nhưng con muốn giúp nương”
Khương Niệm nhổ mấy củ cải trắng đặt lên ven ruộng: “Con trông đồ ăn nhà chúng ta hộ nương, đừng để người khác trộm mất, biết chưa?”
Đậu Giá nghe việc trông đồ ăn cũng là đang giúp nương thì vui vẻ đồng ý: “Chắc chắn con sẽ trông nom cải trắng và củ cải thật tốt, không để chúng nó bị người khác trộm mất.”
Khương Niệm nói ừ một tiếng, sau đó tiếp tục làm cỏ, lúc này có hai người phụ nữ trẻ tuổi vác củi đi xuống từ ngọn núi sau nhà, nhìn thấy nàng đang làm cỏ liền chào hỏi: “Khương nương tử đang làm cỏ à?”
Khương Niệm lên tiếng đáp lại một câu.
“Tiểu cô nương đang làm gì đây?” Một người phụ nữ trông có vẻ bằng tuổi Khương Niệm hỏi đùa Đậu Giá.
Đậu Giá đứng cản trước mặt hai người phụ nữ: “Cháu đang trông thức ăn, không để người khác lấy mất.”
“Bọn ta không lấy thức ăn của cháu đâu” Người phụ nữ kia nhìn Đậu Giá trắng nõn sạch sẽ, nghĩ thầm đứa nhỏ này có gương mặt dễ thương thật, không đen gầy giống như đứa con gái nhà mình, chẳng đẹp một chút nào.
Đậu Giá nghiêng đầu, nửa tin nửa ngờ: “Không lấy thật sao?”
“Không lấy, nhà bọn ta cũng có cải trắng và củ cải” Cải trắng và củ cải là loại thức ăn mà nhà nào cũng ăn vào mùa đông, cho nên mọi người không hiếm lạ.
Đậu Giá nói: “Vậy được rồi, cháu cho các thím đi qua”
Người phụ nữ không nhịn được nở nụ cười, đúng là một đứa bé ngoan, “Khương nương tử, con nhà cô ngoan ngoãn hiểu chuyện thật”
Đậu Giá nhếch miệng cười: “Con nghe lời.”
Hai người phụ nữ nghe vậy thì cười ha ha.
Khương Niệm cũng cạn lời, sao đứa nhỏ này lại tự luyến đến thế chứ, “Đậu Giá mau tránh ra, để hai thím đi qua”