Phú Nhị Đại Xuyên Qua Làm Giàu

Chương 32

Lư Hủ nhặt một quả bỏ vào miệng, chua chua ngọt ngọt!

Dâu dại chỉ toàn quả nhỏ, quả to nhất chưa dài bằng đốt ngón tay út, có quả rụng trước khi chuyển sang màu tím, vị chua hơn loại y mua trước đây, nhưng có còn hơn không, ở thời đại này, chẳng ai chuyên trồng dâu tằm cả.

Lư Hủ đặt sọt xuống, trước tiên nhặt hết đống dâu tằm trên mặt đất. Vì dưới tán cây là bụi cỏ, nơi này lại ít người qua lại, không ai dẫm lên cũng không có xe cán qua, thế nên đa số dâu tằm đều còn nguyên vẹn. Y rút mấy chiếc lá sậy lớn dưới đáy sọt, kết thành từng túi nhỏ rồi cho dâu vào cất gọn bên trong.

Lư Hủ bỏ lại những trái đã bị sâu mọt ăn hoặc bị chim mổ, chọn tới chọn lui cuối cùng nhặt được hai đống to.

Y nhìn lên cây dâu trên núi, thử bám vào vách đá, dựa vào kỹ năng leo núi đã học được trước đó, tìm một điểm leo núi chắc chắn rồi bắt đầu leo lên.

Núi hoang khó leo hơn nhiều so với núi giả dùng để tập thể thao, nhưng rễ cỏ trong khe đá rất khỏe, có thể giúp y mượn lực không ít, Lư Hủ chậm rãi trèo lên cây.

Hai cây đều không lớn, thân cây chẳng to hơn cánh tay là bao nhiêu nhưng lại khá cao. Tay trái Lư Hủ vịn chặt cành cây đứng vững, tay phải hái mấy trái đã chuyển sang màu tím đen, ném vào trong tay áo của mình.

Cuối cùng hái hết những trái có thể hái được, còn lại không thể với tới thì để lại cho lũ chim vậy.

Còn những trái chỉ mới chớm đỏ và trắng thì cứ để cho chúng mọc, hôm khác y sẽ hái tiếp.

Lư Hủ nắm chặt cổ tay áo nhảy từ trên cây xuống, sau đó buông cổ tay áo ra đổ hết dâu vào sọt, bất tri bất giác vậy mà đã hái được không ít!

Lư Hủ nhẩm tính, "Hái được khoảng hai cân dâu tằm, kiếm lời rồi!"

Phí đi thuyền 15 văn, 1 cân dâu tầm 40 văn, 2 cân dâu tầm 80 văn, y nhặt được hơn hai cân, bốn bỏ lên năm nháy mắt đã kiếm được 100 văn!

Lư Hủ cười hí hửng, chút mệt mỏi vừa rồi biến mất tăm mất tích, y chộp lấy một cọng cỏ ven đường lắc lư trong tay, vừa đi vừa chạy nhún nhảy suốt quãng đường.

***

Quay về trong nhà, lúc Nguyên Mạn Nương tiễn Lư Hủ ra cửa, Tịch Nguyệt cũng đòi ra sông nhìn anh trai mình.

Lư Hủ lên trấn trên phải mất nửa giờ, còn phải đợi thuyền, sau đó mới lên thuyền, làm sao có thể đi ngang qua thôn Lư gia nhanh như vậy? Nói là vậy nhưng Nguyên Mạn Nương vẫn gom quần áo bẩn, dắt Tịch Nguyệt ra sông giặt quần áo.

Lư Chu cũng muốn đi, nhưng mối quan hệ giữa đại ca và muội muội của nhóc vất vả lắm mới được cải thiện, ừm…nhóc…nhóc ở nhà giữ nhà vậy!

Lư Chu rửa xoong nồi, dọn dẹp nhà bếp và sân sau, bắt đầu chặt củi.

Nhóc còn nhỏ tuổi, sức lực lại yếu ớt, gỗ thớ dày quá thì không chặt nổi, chỉ có thể xếp chồng mấy nhánh cây nhỏ mới hái về lên nhau mà thôi. Củi đốt cũng không còn bao nhiêu, nhóc phải đi nhặt lên. Đang nghĩ ngợi thì Lư Chu nghe thấy tiếng Lư Duệ đã tỉnh, vì vậy liền thành thạo bế Lư Duệ đi tiểu, rửa mặt, rồi đút cháo cho bé ăn.

Nhưng Lư Duệ chẳng có chút hứng thú nào với chén cháo trong suốt cả, bé quay đầu đi để tránh cái muỗng, nằm dài trên vai Lư Chu không thèm ăn.

Thấy bé thật sự không muốn ăn, Lư Chu liền ôm bé đi chuồng gà nhặt trứng.

Mấy hôm nay nhà bọn họ túng tiền nên đã bán hết đám gà vịt nuôi, chỉ chừa lại một con gà mái đẻ trứng. Lư Duệ biết anh muốn lấy trứng cho mình ăn, bởi thế chân còn đi chưa vững mà đã vội vàng nhoi người xuống đất, chạy đuổi theo con gà. Sợ bé bị mổ, Lư Chu liền ôm bé vào lòng, nhanh tay lấy đi quả trứng duy nhất giữa sự phản đối ầm ĩ của con gà mái.

Đập trứng, thêm nước, bỏ vào chảo hấp.

Lư Duệ biết Lư Chu đang nấu đồ ăn cho bé, thế nên lúc Lư Chu đốt lửa, bé liền ngoan ngoãn lắc lư đi quanh quẩn ở khoảng trống trong nhà bếp, đi vài bước bị ngã xuống, quay lại nhìn Lư Chu, thấy anh trai không để ý, bèn bò dậy tiếp tục đi.

Trứng hấp chín xong xuôi, thấy Lư Chu cho xì dầu và dầu mè vào, Lư Duệ lại ư a có ý kiến, bắt Lư Chu phải bỏ thêm nhiều thật nhiều cho mình.

Nhưng Lư Chu không mảy may để ý tới bé, tỉ mỉ khống chế số lượng, chỉ cho bé đúng một giọt.

Lư Duệ: "A..."

Lư Chu lạnh lùng đóng nắp lại.

Dầu mè rất đắt, vì vậy phải biết tiết kiệm.

Lư Chu cầm muỗng múc một ít canh trứng đút cho Lư Duệ, Lư Duệ phản đối không ăn, quay đầu chỉ vào lọ dầu mè, “A a!”

Lư Chu: "Đồ ăn rất ngon, đệ mà không ăn, ta ăn."

Lư Duệ: "..."

Bé bĩu môi, uất ức mở miệng ra.

Nếu có tỷ tỷ và cha thì họ sẽ cho bé thật nhiều dầu mè. Còn nhị ca thì giống như nương vậy, thật là tàn nhẫn vô tình!

Đút Lư Duệ ăn xong, Lư Chu mới vét hết phần canh trứng vụn còn lại trong chén ăn rồi mới đem đi rửa. Nguyên Mạn Nương và Tịch Nguyệt vẫn chưa quay về, nhóc lại ôm Lư Duệ cắt cỏ cho lợn và gà ăn.

Đến khi Tịch Nguyệt hớn ha hớn hở trở về kể lại chuyện ca ca ngồi trên một chiếc thuyền to thật to, còn nói là sẽ mua kẹo cho cô bé, Lư Chu có chút chua chát và tiếc nuối, nhóc cũng muốn chạy ra nhìn ca ca.

Ai ui.

Không biết ca ca đến huyện bán ốc có thuận lợi hay không.

Lư Chu lo lắng sốt ruột muốn hỏi Nhan Quân Tề.

Nhan Quân Tề giữ lời giúp Lư Hủ chăm sóc đệ muội. Chờ Văn Trinh ăn cơm xong, cậu chạy qua nhà Lư gia, gọi Lư Chu và Tịch Nguyệt về nhà, dạy mấy nhóc ngâm thơ.

Văn Trinh đọc thơ còn lắp bắp, Tịch Nguyệt cũng đọc vấp tới vấp lui, Lư Chu thì chỉ yên lặng đọc thầm, sau đó theo Nhan Quân Tề học viết chữ trên mặt đất.

Nhóc đã biết viết tên của mình và tên của cả gia đình, còn có nguyên quán nữa.

Văn Trinh đọc bài xong thì vui vẻ rủ Tịch Nguyệt đi chơi câu lá, lúc đó Lư Chu mới hỏi Nhan Quân Tề ca ca mình bán ốc có suôn sẻ hay không.

Nhan Quân Tề cũng không biết, nhưng nhớ lại biểu hiện của Lư Hủ trên thị trấn thì có chút suy đoán: "Hủ ca rất thông minh, huyện đông người hơn thị trấn, chắc chắn sẽ bán được hết."

Lư Chu gật đầu.

Nhóc chưa bao giờ đến huyện thành nên không biết huyện thành như thế nào, nghe miêu tả của Nhan Quân Tề thì có vẻ như còn lớn hơn cả hai cái Uống Mã trấn thì phải. Nhóc lặng lẽ tính toán trong bụng một hồi, sau đó từ biệt Nhan Quân Tề, dặn dò Tịch Nguyệt đừng chạy lung tung, rồi cõng sọt trên lưng, lấy một cái túi vải rỗng đi cắt cỏ.