Kiếm Lai

Chương 3: Mặt trời mọc

Trấn này không lớn không nhỏ, hơn sáu trăm hộ gia đình.

Trần Bình An nhận biết phần lớn gia đình nghèo khổ trong trấn, còn những gia đình giàu có của cải sung túc thì ngưỡng cửa quá cao, thiếu niên chân đất không đi vào được.

Thậm chí Trần Bình An còn chưa từng đặt chân đến những con ngõ rộng rãi nơi một số gia đình giàu có tụ tập.

Con đường bên kia được lót bằng nhiều phiến đá xanh lớn, trời mưa cũng sẽ không đạp văng bùn lầy tung tóe.

Trải qua người ngựa xe cộ giẫm đạp nghiền ép trăm ngàn năm, những phiến đá xanh phẩm chất cực tốt đó từ lâu đã được mài phẳng nhẵn bóng như gương.

Bốn họ Lư, Lý, Triệu, Tống là họ lớn trong trấn nhỏ, trường làng cũng là do mấy nhà này bỏ tiền thành lập, hầu hết đều sở hữu hai ba lò gốm lớn bên ngoài thành.

Dinh thự của các đời quan giám sát lò gốm đều nằm cùng một con đường với mấy gia đình này.

Không khéo là mười phong thư mà Trần Bình An phải đưa hôm nay, gần như đều của những gia đình xa hoa nổi tiếng trong trấn nhỏ, điều này cũng rất hợp tình hợp lý. Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh con thì đào hang, người xa quê có thể gởi thư về nhà thì chắc chắn gia thế không tệ, nếu không cũng sẽ không có khả năng rời nhà đi xa.

Thực ra Trần Bình An chỉ cần đi đến hai nơi là đường Phúc Lộc và ngõ Đào Diệp để giao chín phong thư trong đó.

Khi lần đầu tiên đạp lên phiến đá xanh lớn như ván giường, thiếu niên hơi thấp thỏm, bước chân chậm đi, lại có phần tự ti, không kìm được cảm thấy giày cỏ của mình làm bẩn mặt đường.

Phong thư đầu tiên Trần Bình An giao là của Lư gia, tổ tiên của gia tộc này từng nhận được ngọc như ý do hoàng đế ban tặng, khi thiếu niên đứng ở cửa thì càng lo lắng bất an.

Gia đình có tiền rất chú ý sự sang trọng, không cần nói đến nhà của Lư gia, nơi cửa đặt hai pho tương sư tử bằng đá cao ngang người, khí thế càng ép người.

Tống Tập Tân nói thứ này có thể tránh hung trấn tà, Trần Bình An thì không rõ cái gì là hung tà, chỉ tò mò vì trong miệng sư tử cao ngang người hình như còn ngậm một quả cầu đá tròn quay, làm thế nào điêu khắc được như vậy?

Trần Bình An cố nén xung động muốn đi đến chạm vào quả cầu đá, bước lên bậc thang, gõ vang vòng cửa hình sư tử bằng đồng thau.

Rất nhanh có một người trẻ tuổi mở cửa bước ra, vừa nghe nói là đến để đưa thư, vẻ mặt người nọ không biểu tình, dùng hai ngón tay kẹp một góc phong thư.

Sau khi cầm lấy phong thư kia thì xoay người bước nhanh vào trong nhà, dóng sập cánh cửa lớn có dán hình thần tài vẽ màu.

Sau đó quá trình đưa thư của thiếu niên cũng bình thường như vậy.

Góc đường ngõ Đào Diệp có một hộ gia đình không nổi tiếng, người mở cửa là một cụ già thấp bé mặt mày hiền hậu, sau khi nhận thư bèn cười nói một câu: "Chàng trai, vất vả rồi, có muốn vào nghỉ ngơi một chút, uống ngụm nước ấm không?"

Thiếu niên cười ngượng ngùng, lắc đầu chạy đi.

Cụ già nhẹ nhàng bỏ phong thư kia vào tay áo, cũng không vội trở vào nhà mà ngẩng đầu nhìn về phương xa, ánh mắt đυ.c ngầu.

Sau cùng ánh mắt nhìn chăm chú vào cây đào hai bên đường, từ cao đến thấp, từ xa đến gần, lúc này cụ già bề ngoài hom hem lẩm cẩm mới nở một nụ cười.

Cụ già xoay người rời đi.

Không lâu sau một con chim sẻ nhỏ màu sắc đáng yêu đậu trên đầu cành đào, chiếc mỏ như còn non nớt hót vang khe khẽ.

Phong thư chừa đến cuối cùng Trần Bình An phải đưa cho thầy giáo dạy học ở trường làng, trên đường đi ngang qua một gian hàng coi bói.

Một đạo sĩ trẻ tuổi mặc đạo bào cũ kỹ lưng thẳng tắp trấn giữ sau bàn, đầu đội mũ cao giống như một đóa hoa sen nở rộ.

Đạo nhân trẻ tuổi thấy thiếu niên chạy qua, vội vàng mời chào: "Anh bạn trẻ, đi qua thì đừng bỏ lỡ, tới rút một thẻ xăm. Bần đạo giúp cậu đoán một quẻ, có thể biết trước lành dữ họa phúc."

Trần Bình An không dừng bước, nhưng vẫn quay đầu sang xua xua tay.

Đạo nhân vẫn chưa hết hi vọng, nghiêng người về phía trước nói lớn: "Anh bạn trẻ, trước kia bần đạo giải xăm cho người khác phải thu mười đồng tiền, hôm nay phá lệ chỉ lấy cậu ba đồng! Đương nhiên nếu rút ra xăm thượng thì cậu đừng ngại cho thêm một đồng tiền mừng, nếu vận may rơi xuống ra xăm thượng thượng thì bần đạo cũng chỉ thu của cậu năm đồng, thế nào?"

Bước chân Trần Bình An ở phía xa rõ ràng hơi chậm lại. Đạo nhân trẻ tuổi vội vàng đứng dậy, tranh thủ thời cơ lớn tiếng nói: "Vừa mới sáng sớm, anh bạn trẻ đây là vị khách đầu tiên. Bần đạo dứt khoát làm người tốt đến cùng, chỉ cần cậu ngồi xuống rút xăm, thực không dám giấu, bần đạo sẽ vẽ một ít lá bùa giấy vàng, có thể giúp cậu cầu phúc tích góp âm đức cho tổ tiên. Với bản lĩnh của bần đạo, không dám đảm bảo khiến cho người ta đầu thai vào nhà giàu sang phú quý, nhưng nếu muốn nhiều thêm vài phần phúc đức báo ứng thì vẫn nên thử một lần."

Trần Bình An ngẩn người, nửa tin nửa ngờ xoay người trở lại, ngồi lên ghế dài phía trước gian hàng.

Một đạo sĩ giản dị và một thiếu niên mộc mạc, hai kẻ lớn nhỏ nghèo rớt mồng tơi ngồi đối diện với nhau.

Đạo nhân mỉm cười vươn tay, ra hiệu cho thiếu niên cầm ống xăm lên.

Trần Bình An do dự, đột nhiên hỏi: "Tôi không rút xăm, ngài giúp tôi vẽ một lá bùa giấy vàng thôi có được không?"

Trong trí nhớ của Trần Bình An, hình như vị đạo gia trẻ tuổi ngao du đến trấn nhỏ này đã ở lại ít nhất năm sáu năm rồi, dáng vẻ lại không hề thay đổi, gặp người nào cũng ôn hoà điềm đạm, ngày thường giúp người khác sờ xương xem tướng, tính quẻ rút xăm, thỉnh thoảng cũng giúp viết thư nhà.

Điều thú vị là ống xăm trên bàn kia có một trăm lẻ tám thẻ xăm bằng trúc, qua nhiều năm như vậy, nam nữ trong trấn nhỏ đến rút xăm lại không ai rút được xăm thượng thượng, cũng không ai lắc ra một thẻ xăm hạ từ trong ống, giống như cả một trăm lẻ tám thẻ xăm đều là trung thượng chứ không có xăm xấu.

Cho nên vào dịp lễ tết vì muốn cầu may mắn, dân chúng trong trấn nhỏ cũng có thể chấp nhận tốn mười đồng tiền.

Nếu thật sự gặp phải chuyện phiền lòng, chắc chắn sẽ không ai muốn tới nơi này tiêu xài hoang phí. Nếu nói vị đạo sĩ này hoàn toàn là một tay lường gạt cũng oan uổng cho người ta, trấn lớn như vậy, nếu quả thật chỉ biết giả thần giả quỷ, lừa đảo bịp bợm thì đã sớm bị đuổi ra ngoài rồi.

Cho nên nói bản lĩnh của vị đạo nhân trẻ tuổi này chắc chắn không nằm ở hai chuyện xem tướng và giải xăm.

Có rất nhiều người mắc vài bệnh nhỏ, chỉ cần uống một chén nước bùa của đạo nhân là có thể nhanh chóng khỏi bệnh, khá là linh nghiệm.

Đạo nhân trẻ tuổi lắc đầu nói: "Bần đạo làm việc không lừa gạt người già hay trẻ con, đã nói trước là giải xăm cộng thêm vẽ bùa sẽ thu của cậu năm đồng tiền."

Trần Bình An thấp giọng phản bác: "Là ba đồng."

Đạo nhân cười ha hả nói: "Ngộ nhỡ rút ra xăm thượng thượng, chẳng phải là năm đồng sao."

Trần Bình An hạ quyết tâm đưa tay cầm lấy ống xăm, bỗng nhiên lại ngẩng đầu hỏi: "Đạo trưởng làm sao biết trên người ta vừa vặn có năm đồng tiền?"

Đạo nhân ngồi ngay ngắn: "Bần đạo nhìn người phúc khí dày mỏng, tài vận nhiều ít luôn rất chuẩn xác."

Trần Bình An suy nghĩ một lúc, cầm ống xăm kia lên.

Đạo nhân mỉm cười nói: "Anh bạn trẻ, không cần khẩn trương, cái số đã có thì cuối cùng sẽ có, cái số không có thì đừng nên cưỡng cầu, dùng tấm lòng bình thường đối đãi với chuyện vô thường chính là cách vẹn toàn tốt nhất."

Trần Bình An lại bỏ ống xăm xuống bàn, vẻ mặt trịnh trọng hỏi: "Đạo trưởng, tôi đưa cả năm đồng tiền cho ngài, cũng không rút xăm nữa, chỉ xin đạo trưởng vẽ lá bùa giấy vàng kia tốt hơn bình thường một chút, được không?"

Đạo nhân vẫn tươi cười, suy nghĩ một lúc rồi gật đầu nói: "Được."

Trên bàn bút mực nghiên giấy đã sẵn sàng, đạo nhân cẩn thận hỏi thăm tên họ quê quán ngày sinh của cha mẹ Trần Bình An, sau đó rút một lá bùa màu vàng ra, nhanh chóng vẽ xong một cách gọn gàng lưu loát.

Còn như vẽ cái gì thì Trần Bình An hoàn toàn mù tịt.

Đạo nhân trẻ tuổi đặt bút xuống, cầm lá bùa kia lên, thổi thổi nét mực: "Sau khi cầm về nhà, cậu đứng ở trong ngưỡng cửa, đốt giấy vàng ở bên ngoài ngưỡng cửa là được rồi."

Thiếu niên trịnh trọng cầm lấy lá bùa kia, cẩn thận cất vào như cất vật quý, không quên đặt năm đồng tiền lên bàn, cúi người cảm ơn.

Đạo nhân trẻ tuổi phất phất tay, ra hiệu cho thiếu niên tiếp tục làm chuyện của mình.

Trần Bình An vội vàng chạy đi đưa phong thư cuối cùng.

Đạo nhân uể oải dựa vào ghế, liếc nhìn mấy đồng tiền, khom lưng đưa tay quơ chúng đến trước người.

Ngay lúc này một con chim sẻ xinh xắn hoạt bát từ trời cao bay nhào xuống mặt bàn, mổ nhẹ vào một đồng tiền, sau đó nhanh chóng mất hứng, rung cánh bay đi xa.

"Chim sẻ muốn đến ngậm đóa hoa, nhà anh trồng đào còn chưa nở."

Đạo nhân thong thả đọc xong câu thơ này, sau đó khẽ vung tay áo ra vẻ tiêu sái, thở dài nói: "Số mệnh tám thước đừng cầu một trượng."

Tay áo vừa vung lên thì có hai thẻ xăm bằng trúc từ bên trong trượt xuống, rơi trên mặt đất.

Đạo nhân kêu một tiếng “ôi chao”, vội vàng nhặt lên.

Sau đó lén lút nhìn xung quanh, phát hiện tạm thời không có ai để ý bên này mới giống như trút được gánh nặng, lại cầm hai thẻ xăm bằng trúc kia giấu vào trong ống tay áo rộng.

Đạo nhân trẻ tuổi hắng giọng một tiếng, nghiêm mặt lại, tiếp tục ôm cây đợi thỏ chờ vị khách kế tiếp.

Hắn có phần cảm khái, quả nhiên kiếm tiền của nữ nhân vẫn dễ dàng hơn.

Thực ra trong tay áo đạo nhân trẻ tuổi giấu hai thẻ xăm bằng trúc, một thẻ là xăm thượng thượng còn một thẻ là xăm hạ hạ, đều dùng để kiếm nhiều tiền hơn.

Không thể để người ngoài biết được.

Thiếu niên dĩ nhiên không biết những huyền cơ ảo diệu này, bước chân ung dung đi đến bên ngoài ngôi trường làng kia, gần đó là rừng trúc um tùm, xanh tươi ướŧ áŧ.

Trần Bình An đi chậm lại.

Trong nhà vang lên giọng nói thuần hậu của người trung niên: "Mặt trời chiếu rọi, lông cừu nhẵn bóng."

Sau đó là những giọng nói non nớt trong trẻo vang lên một cách chỉnh tề: "Mặt trời chiếu rọi, lông cừu nhẵn bóng."

Trần Bình An ngẩng đầu nhìn, trông thấy mặt trời vừa mọc ở phía đông, huy hoàng rộng lớn.

Thiếu niên nhìn đến xuất thần.

Chờ hắn khôi phục tinh thần lại, đám trẻ học vỡ lòng đang gật gù đắc ý, thành thạo đọc thuộc lòng một đoạn văn theo yêu cầu của thầy giáo: "Vào lễ Kinh Trập, trời đất sinh sôi, vạn vật phồn vinh. Ngủ sớm dậy sớm, dạo bước trong sân, quân tử chầm chậm, thích ứng tự nhiên..."

Trần Bình An đứng ở cửa lớp, muốn nói lại thôi.

Nho sĩ trung niên tóc mai pha sương quay đầu nhìn lại, nhẹ nhàng đi ra khỏi lớp.

Trần Bình An dùng hai tay đưa thư tới, cung kính nói: "Đây là thư của tiên sinh."

Người đàn ông cao lớn mặc áo xanh cầm lấy phong thư, sau đó ôn hòa nói: "Về sau lúc rảnh rỗi ngươi có thể đến nơi này dự thính."

Trần Bình An hơi khó xử, dù sao hắn chưa chắc đã có thời gian tới đây nghe vị thầy giáo này dạy học, thiếu niên không muốn lừa gạt ông ta.

Người đàn ông kia cười cười, hiểu ý nói: "Không sao, đạo lý đều ở trong sách, làm người lại ở ngoài sách. Ngươi cứ làm việc đi."

Trần Bình An thở phào một hơi, cáo từ rời đi.

Sau khi thiếu niên chạy đi rất xa, ma xui quỷ khiến thế nào bỗng quay đầu nhìn lại.

Hắn trông thấy vị tiên sinh kia vẫn đứng ở cửa, bóng dáng đắm chìm trong ánh mặt trời, nhìn từ xa giống như thần tiên.