*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Ba giờ sáng, điện thoại đã đặt báo thức rung lên bần bật, đánh thức tôi giữa cơn mơ. Tôi uể oải ngồi dậy, đưa mắt nhìn quanh ba cậu bạn cùng phòng vẫn còn đang say giấc nồng, có hơi hâm mộ chất lượng giấc ngủ của họ. Bình thường tôi khá thính ngủ, chỉ cần hơi có tiếng động là đã tỉnh ngay được rồi. Bởi vậy cho nên báo thức của tôi cũng chỉ để chế độ rung, vừa có thể đảm bảo mình sẽ tỉnh dậy, lại vừa không ảnh hưởng tới những người xung quanh. Nghĩ đến phương án vẹn cả đôi đường này, tôi không khỏi cười khổ một tiếng.
Hôm nay là ngày nghỉ hè đầu tiên, đáng ra tôi cũng nên được hưởng thụ một giấc ngon lành như mấy ông tướng trong phòng, muốn tỉnh lúc nào thì tự nhiên sẽ tỉnh. Nhưng mà tôi không thể không dậy sớm, bởi sáu giờ tôi phải bay. Bây giờ nghĩ lại, quả thực tôi cũng có chút hối hận vì đã chọn cái giờ bay vào lúc tinh mơ như vậy. Nửa đêm mắt nhắm mắt mở chạy đuổi máy bay thực sự là chuyện vô cùng đau khổ.
Tôi gắng gượng vượt qua cơn ngái ngủ để bò xuống giường, sau đó rửa mặt bằng vòi nước máy lạnh băng. Làn nước lạnh lẽo cũng khiến cho tôi tỉnh ra không ít. Đánh răng rửa mặt xong xuôi, tôi mặc quần áo, gấp gọn chăn màn rồi cho vào túi kéo khóa cẩn thận, sửa soạn hành trang đầy đủ, sau đó mới kéo vali, rời phòng ký túc trong những tiếng ngáy khò khò của ba cậu bạn.
Việc Thẩm Tâm Di ra đi khiến tôi buồn bã suốt nửa tháng trời. Trong nửa tháng đó, dường như tôi không thể lên tâm trạng để làm bất cứ chuyện gì. Mãi tới khi cô ấy đã ổn định cuộc sống ở bên Nhật Bản, đồng thời còn gửi cho tôi một bức hình của bản thân trong một bộ kimono, tôi mới cảm giác nhẹ nhàng hơn chút.
Chỉ có điều là, thời gian đang trôi vùn vụt. Vừa mới qua kỳ nghỉ đông, bước chân trở lại cổng trường, tôi vẫn còn nghĩ nghỉ hè xa xôi như một giấc mơ nằm ngoài tầm với, vậy mà không ngờ mấy tháng sau đó lại chỉ lóe lên rồi vụt mất tiêu. Bây giờ tôi mới hơi hơi cảm nhận được rằng tốc độ thời gian cũng phần nào liên quan tới tuổi tác con người. Hồi tôi còn nhỏ, tôi luôn thấy thời gian trôi cực chậm, mỗi một học kỳ đều dài tựa vài thế kỷ. Hàng năm ăn Tết, người lớn ai cũng kêu ca mình lại già đi một tuổi, vậy mà tôi vẫn chưa thấy mình lớn lên thêm được bao nhiêu. Sau này càng ngày càng lớn, tôi mới phát hiện thời gian cũng trôi càng lúc càng nhanh, đừng bảo là mỗi học kỳ đều bốc hơi trong chớp mắt, ngay cả mấy tháng nghỉ hè năm ngoái tôi cũng cảm giác như chỉ mới vừa hôm qua. Đại khái từ lúc chào đời cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, đời người cũng chỉ như một chuyến tàu không ngừng tăng tốc.
Advertisement
Học kỳ vừa rồi có quá nhiều chuyện để mà bận tâm, vậy nên một số vấn đề tôi vẫn chưa thể nghĩ được kỹ càng.
Mãi cho tới gần cuối kỳ, Bạch Hạo Vũ lại lần nữa gọi điện cho tôi, tôi mới nhớ ra giữa hai đứa tôi vẫn còn một lời hứa hẹn chưa thực hiện được. Năm đó cùng nhau thả đèn có tất cả là bảy người, ngoài Lương Thuần ra, tôi vẫn còn chưa liên hệ được với Trình Tuyết và Lý Vân Siêu.
Ở trong ấn tượng của tôi, Trình Tuyết là một cô bạn trước nay rất ít giao du với người xung quanh, ngay cả trên mạng xã hội như là WeChat cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù những người thân thiết vẫn có thể liên lạc được với Trình Tuyết qua WeChat, nhưng mà phương pháp nguyên thủy nhất là gọi điện thì vẫn luôn hiệu quả hơn. Sau khi nhóm người chúng tôi ai đi đường nấy bốn năm về trước, tôi cũng không chú ý mấy đến cuộc sống của bạn bè mình. Tất cả những gì tôi biết về Trình Tuyết chỉ là cậu ấy học tại một trường đại học ở Hạ Môn, thậm chí đến số cậu ấy tôi cũng phải xin Giang Vũ Đồng mới có, nghĩ cũng thấy hơi áy náy. Cũng nhờ vào Giang Vũ Đồng tôi mới biết chuyện Trình Tuyết Trình Tuyết đã bảo nghiên thành công nên không phải thi mà trực tiếp lên nghiên cứu sinh luôn, vẫn còn đang ở trong trường, nghỉ hè cũng không về nhà. Vậy là tôi đã quyết định đi một chuyến tới Hạ Môn, sau đó rồi mới trở về Trường Sa.
Còn Lý Vân Siêu thì mấy năm qua tôi chẳng có tin tức gì, thậm chí hỏi qua bạn bè cùng lớp cũng chẳng ai biết cậu ta đi đâu. Ngay cả trước kia khi vẫn còn học cùng nhau, lý lịch của Lý Vân Siêu cũng luôn là một màu xám. Tôi hỏi vài lần trong group lớp, nhưng đều như là đá chìm đáy biển, không ai trả lời. Biện pháp duy nhất đương nhiên là phải về trường cấp ba dò xét, nhưng mà hiện tại tôi không làm được nên đành phải nhờ tới Bạch Hạo Vũ. Tôi đã năn nỉ Bạch Hạo Vũ đi giúp mình, cậu ta đang ở Trường Sa nên qua Vĩnh Châu cũng tiện. Có lẽ phải mất thêm một thời gian tôi mới có thể biết được Lý Vân Siêu đã đi đâu, hi vọng là đừng xa quá, nếu không tôi lại phải chạy khắp nơi giữa chốn trời nam đất bắc.
Chưa đến năm giờ, tôi đã tới được sân bay. Sau khi đăng ký thủ tục và gửi hành lí xong xuôi, tôi vẫn còn hai mươi phút trước giờ mở cổng tàu bay. Bầu trời đã sáng dần lên, đứng từ bên trong tôi cũng có thể trông thấy một chiếc máy bay hạ cánh, mở lối cho hành khách xuống. Tất cả mọi người trên chuyến bay đó nhốn nháo vội vã xuống khỏi máy bay, nhân viên công tác sân bay cũng vội vận chuyển hành lý của họ theo cùng. Chắc là một lát nữa thôi, tôi cũng sẽ hòa vào một đám người, phóng vội lên trên máy bay, trong khi những nhân viên kia gấp rút chuyển hành lý cho chúng tôi như thế.
Mỗi một chuyến bay đều luôn vội vội vàng vàng là vậy. Có lẽ hiện tại, tôi đã hiểu được tại sao tôi chẳng viết nổi gì về tuổi trẻ. Chỉ có chậm lại, từ từ quan sát từng chi tiết một, chúng ta mới có khả năng viết được những điều cần viết cho thanh xuân của chính mình.
…
Trước khi quen biết Trình Tuyết, tôi thậm chí còn chưa từng để ý tới việc có một người như cậu ấy tồn tại trong lớp học của chúng tôi. Dường như Trình Tuyết đã cố ý đặt bản thân ở chính cái góc khuất nhất, để không một ai chú ý tới mình.
Năm đầu cấp ba, tôi cũng chẳng khác Trình Tuyết là mấy. Thay vì thường xuyên lượn qua lượn lại trước mắt mọi người, tôi thường thích làm một kẻ yên lặng vô danh ngồi trong góc lớp, không cần qua lại với bất cứ ai. Khi đấy tôi là một đứa cực kỳ hướng nội, luôn luôn cảm thấy bên cạnh chỉ cần có hai ba bạn chơi hơi thân thân là đã đủ rồi. Mãi tới hơn năm năm sau, trong buổi luyện tập cho ngày hội trường, tôi mới phát hiện ý nghĩ của mình lúc đó ấu trĩ biết bao. Có lẽ là nhiều năm trước, chính tôi cũng không nhận ra rằng không phải mình không thích nổi bật, ngược lại, tôi rất hâm mộ những người có thể mạnh dạn đứng giữa đám đông, mỉm cười trước mặt ngần ấy con người. Còn tôi thì luôn yếu đuối cuộn mình lại trong một góc, dù là những chuyện chẳng chút liên quan hay là những chuyện cực kỳ liên quan cũng đều không muốn nhúng tay. Sự yên lặng đó luôn luôn đi kèm với nỗi cô đơn sâu thẳm. Đứng cạnh một người chói sáng, nỗi cô đơn đó lại càng bị phóng đại lên nhiều lần hơn nữa.
Một ngày của năm năm sau, nhìn những bạn học đứng trên sân khấu, tôi mới nhận ra nỗi cô đơn của chính mình đã lớn nhường nào. Chẳng có ai muốn im lặng mãi mãi, không người ngó ngàng mãi mãi. Càng đứng gần với những người có thể nổi trội ở giữa đám đông, lại càng hâm mộ. Nhưng những kẻ câm lặng đó, cho dù đã phát hiện ra mình cũng muốn lên sân khấu, thì sẽ vẫn cứ không dám tiến bước bởi thói quen đã ăn sâu vào từng nhịp sống trong suốt một thời gian dài, như tôi chẳng hạn. Dù đã nhiều năm trôi qua, tôi cũng không còn hướng nội như ngày trước nữa, nhưng vẫn luôn luôn không đủ dũng cảm để đối diện với nhiều người như vậy.
Cái đêm trước khi quen biết Trình Tuyết, tôi đã mơ một giấc mơ. Đương nhiên, giấc mơ này chẳng liên quan chút gì đến Trình Tuyết cả, nhưng nó cũng đã trở thành một cây cầu nhỏ nối liền hai đứa chúng tôi.
Trong giấc mơ đó, tôi thấy Tử Ninh, thấy Dương Tiểu Nghiêu, thấy được tất cả những người quanh tôi. Nhưng mà bọn họ đều rất kỳ lạ, đều tỏ ra chẳng hề quen biết gì tôi cả. Tôi liều mạng chạy đến chỗ bọn họ giải thích mối quan hệ giữa chúng tôi, giải thích từng chuyện chúng tôi đã từng cùng nhau trải qua trong những tháng năm xưa cũ, nhưng mà bọn họ vẫn mặc kệ tôi, vẫn rời bỏ tôi. Cuối cùng, chỉ còn mình tôi lạc lõng đứng đó, không thể kìn nén nước mắt của mình. Buổi sáng tỉnh lại, nơi khóe mắt tôi vẫn còn ươn ướt. Tôi đã sợ hãi tới mức muốn kể cho tất cả nghe giấc mơ của mình đêm qua, nhưng tôi lại càng sợ họ cười nhạo tôi hơn. Phải, đó chỉ là một giấc mơ mà thôi, đó không phải là hiện thực. Có lẽ mọi người cũng sẽ an ủi một câu như vậy, sau đó cười xòa cho qua. Nhưng cái tôi muốn kể với bọn họ không phải nội dung giấc mơ, mà là nỗi sợ của tôi trong cơn mơ ấy.
Cái cảm giác chẳng thể nào tâm sự với bất kỳ ai khiến tôi hơi thấy cô đơn, vậy nên tôi quyết định viết về nó, biến giấc mộng kia thành một câu chuyện tưởng tượng. Hôm sau lên lớp, tôi liền cố gắng nhớ lại từng chi tiết một tôi đã mơ qua, sau đó hì hụi ghi ghi chép chép lên trên mặt giấy.
Sáng ngày hôm ấy, tôi chẳng còn tâm trí đâu mà nghe giảng bài, đầu óc hoàn toàn phiêu dạt trong thế giới riêng của mình. Tôi dành rất nhiều thời gian lên khung, muốn viết từng câu chuyện lẻ cho từng người một xuất hiện trong mơ, sau đó liên kết mọi thứ với nhau. Dựa theo cái ý tưởng đó, tôi đã viết phần mở đầu. Ở một ga tàu hỏa nọ gần như đã bị bỏ hoang hoàn toàn, có một cậu bé cô độc đi trên sảnh chờ trống vắng không một bóng người, bước qua từng bậc thang đá rêu phong, tới chỗ đường ray. Đỗ trên đường ray là một đoàn tàu không biết sẽ tới nơi nào. Ở trên xe lửa, cậu bé chỉ thấy một người, vậy là cậu đã quyết định đến ngồi cạnh bên người đó.
Từ ngày lên học cấp ba, tôi đã bỏ dở niềm vui viết truyện. Nếu không phải giờ phút đó dường như tôi đã tìm được cảm giác sáng tác xưa kia, tôi cũng chẳng chắc liệu mình có còn nhớ đến mơ mộng hồi nhỏ, mơ mộng sau này sẽ trở thành một nhà văn hay không. Tôi hơi hưng phấn, đó là một loại hưng phấn đến từ những nguồn cảm hứng bất ngờ. Tôi rất mong ngóng tới lúc viết xong toàn bộ câu chuyện, sau đó vui mừng hưởng thụ cảm giác đại công cáo thành. Bởi vậy ngay cả giữa giờ ra chơi, tôi cũng vẫn không rời khỏi chỗ ngồi, vẫn cứ đăm chiêu miên man suy nghĩ.
Tôi vẫn cứ nghĩ mải miết không ngừng, mãi cho tới khi cảm thấy hơi khát, tôi mới nhớ ra cả buổi sáng nay mình vẫn chưa hề uống giọt nước nào. Tôi lấy chai nước, hớp vội mấy hớp rồi lại đặt chai lên bàn. Nhưng bởi vì quá hấp tấp, tôi lại hất bay chỗ giấy ở trên mặt bàn xuống đất. Đó đều là những tờ giấy chi chít chữ viết của tôi. Tôi vừa định cúi xuống nhặt thì có một người đi ngang qua đấy, hình như cũng đã nhìn thấy giấy tờ rớt trên mặt đất nên tốt bụng nhặt hộ tôi.
Lúc cậu ấy đưa giấy lại cho tôi, thậm chí tôi còn chưa kịp nhìn xem người ấy là ai, chỉ qua loa nói “cảm ơn” rồi lại cắm mặt xuống bàn.
“Cậu viết tiểu thuyết đó à?”
Nghe thấy câu nói ấy, tôi mới bất chợt ngẩng đầu, nhìn người đang đứng bên cạnh bàn mình. Đó là một cô bạn học cùng lớp tên là Trình Tuyết, trước nay chưa từng qua lại với tôi. Khi cậu ấy nói ra những lời này, trên mặt không có chút xúc cảm gì, dù là một nét ngạc nhiên nho nhỏ. Tôi bỗng nhiên giống đứa trẻ bị người ta phát hiện ra bí mật của mình, hoảng hốt nhìn quanh bốn phía, sau khi xác nhận không ai để ý tới lời Trình Tuyết vừa nói thì mới thở phào nhẹ nhõm một hơi.
Tôi nhìn Trình Tuyết, đáp: “Chỉ là lên lớp viết bừa ấy mà, không phải tiểu thuyết gì đâu.”
Tôi muốn giấu giếm mục đích thực sự của mình, nhưng mà Trình Tuyết cũng không gặng hỏi, chỉ “à” một tiếng rồi đi.
Đó chính là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai đứa tôi, cực kỳ ngượng nghịu, bởi vì tôi đã nói dối trước mặt cậu ấy. Nhưng rồi sau này khi thân quen hơn, khi tôi muốn kể với cậu ấy rằng hôm đấy mình quá xấu hổ nên mới không dám thừa nhận chuyện viết tiểu thuyết, Trình Tuyết đã ngăn tôi lại, nói rằng cậu ấy hiểu cả, rằng tôi không cần giải thích, rằng điều tôi làm không sai. Lúc đầu tôi còn tưởng rằng Trình Tuyết đang mỉa mai tôi, nhưng nghe kỹ thì lại thấy trong giọng nói ấy không có chút châm biếm nào. Tôi nghĩ có lẽ cậu ấy chia sẻ thật lòng, bởi vậy cũng không nhiều lời thêm nữa.
Lúc hai chúng tôi chính thức biết rõ về nhau là khoảng một hai tháng cuối của học kỳ hai năm nhất. Khi đó chúng tôi vừa mới đổi chỗ lần cuối trong năm, tôi ngồi ngay chéo bên trên cậu ấy, cảm giác rất mất tự nhiên. Cái vụ nói dối lần trước vẫn cứ quanh đi quẩn lại miết trong đầu tôi, bởi vậy tôi cũng chú ý tới Trình Tuyết hơn một chút. Trình Tuyết vốn hay một mình đi đi về về. Vào tiết tự học buổi tối, cô nàng thường xuyên ngả người lên tường mông lung suy nghĩ, xong rồi hí hoáy viết viết vẽ vẽ gì đó vào vở. Lúc ấy tôi mới cảm giác, hình như Trình Tuyết hỏi tôi câu kia, rất có khả năng là bởi cậu ấy cũng thích sáng tác tiểu thuyết. Thế là tôi liền bắt đầu cố tình trò chuyện nhiều hơn, cho dù không có việc gì cũng sẽ xã giao mấy câu với cả Trình Tuyết.
Sau này, khi tôi nhắc đi nhắc lại chuyện cầm bút tới mấy lần, Trình Tuyết mới hỏi: “Cậu cũng thích viết tiểu thuyết phải không?”
Cậu ấy nói “cũng”, bởi vậy, tôi đã gật đầu.
Từ đấy trở đi, dường như đã có một cánh cửa lớn rộng mở giữa hai đứa tôi. Đề tài buôn chuyện của chúng tôi cũng càng ngày càng nhiều, chủ yếu xoay quanh vấn đề viết lách. Về sau đó nữa, tôi đã nói với Trình Tuyết rằng tôi muốn trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, tiếp tục viết những câu chuyện bản thân mình tự nghĩ ra. Cậu ấy đã nở một nụ cười rất hiếm hoi: “Ước mơ đẹp đấy.”
Tôi nhìn vào sự hâm mộ ánh lên trong mắt cậu ấy, cũng không nói thêm gì nữa.
Để phá vỡ bầu không khí gượng gạo lúc đó, tôi còn xung phong đưa bản thảo mới tôi vừa hoàn thành cho Trình Tuyết xem. Sau khi đọc xong, Trình Tuyết mặt không cảm xúc, chỉ nhận xét đúng một câu: “Viết tệ thật đấy, quá là giả tạo.”
Bởi câu nói này, tôi bị tổn thương suốt một thời gian rất dài. Lên tới cấp ba, lần đầu chắp bút đã bị nói là văn chương dở ẹt, tôi cũng có chút không cam lòng nổi.
Trình Tuyết rất ít thay đổi nét mặt, giống hệt như là ấn tượng đầu tiên của tôi đối với cô nàng – một người hiếm khi nói cười, nhưng sau khuôn mặt ít biểu cảm ấy lại là vô số tâm sự chất chồng. Ngay cả sau này, cái ấn tượng đó của tôi cũng chẳng thay đổi là bao. Mặc dù chúng tôi đã nhờ vào chuyện sáng tác mà mở lòng hơn với nhau ít nhiều, tôi cũng chẳng bao giờ dám hỏi thẳng trong đầu cậu ấy đang suy nghĩ gì. Trình Tuyết là một người bạn lúc gần lúc xa, tựa như sẽ chẳng bao giờ có thể thật sự gần gũi, thật sự để cho kẻ khác chạm đến được con người thật của mình.
Năm hai, Trình Tuyết quen biết với cả Lam Thiên và Giang Vũ Đồng, sau đó chúng tôi chính thức lập thành một nhóm. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, hình như mọi sự tiến triển trong mối quan hệ giữa Trình Tuyết và hai người bạn kia đều là do tôi thúc đẩy.
…
Tất cả những ký ức này dường như đều bị tôi đóng kín lại sau ngày tốt nghiệp. Mãi cho tới nửa năm trước, khi sắp xếp lại đồ đạc, tôi mới “giải trừ phong ấn”. Trong cái thùng cũ nơi tôi cất giữ kỷ vật của ba năm ấy, tôi đã tìm thấy những bản thảo mình từng viết, tìm thấy nhật ký ngày xưa, và còn thấy cả một phong thư Trình Tuyết gửi mà tôi chưa từng lướt mắt dù chỉ một lần.
Nếu không phải tôi lật tung hết cả ký ức, cố gắng rà lại cho thật cẩn thận, chắc là tôi cũng chẳng thể nhớ ra bức thư kia đã xuất hiện thế nào.
Tôi nghĩ có lẽ Trình Tuyết đã đưa thư cho tôi vào lúc ấy, buổi tối chúng tôi liên hoan chia tay.
Ngày đó, ban đầu tôi cũng chỉ là muốn đến ăn tiệc mà thôi. Tôi không ngờ được mình lại uống rượu, hơn nữa còn uống khá say. Cũng không hẳn chỉ hoàn toàn là vì Lý Vân Siêu đã lừa tôi uống chén rượu trắng đó, một phần nguyên nhân còn bởi tôi bị người ta kí©ɧ ŧɧí©ɧ, trong lòng cảm thấy không vui. Sau chén rượu kia, tôi còn uống không ít bia. Men say nhanh chóng bốc lêи đỉиɦ đầu, khiến tôi choáng váng.
Lúc ấy tâm huyết dâng trào, tôi lại muốn được nói chút gì đó, làm chút gì đó cho Dương Tiểu Nghiêu trước lúc chia xa. Tôi nhìn xung quanh, thấy Trình Tuyết vẫn đang ngồi một mình, có vẻ rảnh rỗi hơn là những người bạn khác, vậy nên tôi nhờ cậu ấy chuyển giấy tới Dương Tiểu Nghiêu. Sau khi quay lại, Trình Tuyết đã nói gì đó với tôi, hình như bức thư cũng là đưa vào lúc đấy. Chỉ có điều là tâm trí của tôi lại để hết lên phản ứng của Dương Tiểu Nghiêu, không hề chú ý Trình Tuyết nói gì hay là gửi gì.
Chắc là về sau tôi lại tùy tiện nhét lá thư kia vào góc nào đó, xong rồi sau đấy nữa về đóng gói đồ đạc cũng chẳng để ý gì cả, cứ coi nó như một tờ bản thảo nào đó mà xếp vào thùng, để mặc cho bụi phủ dầy qua từng năm tháng. Có lẽ cũng là trời xui đất khiến, bức thư Trình Tuyết gửi tôi vào ngày tốt nghiệp, phải đến ba năm rưỡi sau tôi mới lấy ra để đọc.
Tôi mở thư với áy náy trào dâng trong lòng, lặng lẽ nhìn những dòng chữ Trình Tuyết muốn nhắn nhủ tôi từ tận ba năm rưỡi trước.
Ông chủ,
Gặp gỡ hay là chia ly, đều do số phận an bài.
Chẳng biết là từ khi nào chúng ta thành lập phòng làm việc này, kèm theo nửa phần đùa giỡn, nửa phần mong đợi. Từ khi nào mà tôi lại trở thành bạn của mọi người, trở thành một phần của văn phòng ấy? Mọi chuyện xảy ra như một giấc mơ, tất cả mọi thứ cứ tới một cách tự nhiên, vậy nên chúng ta lại càng khó lòng ngược dòng lần theo dấu vết để mà trông về quá khứ. Sau khi học đến gần hết năm nhất, tôi đã nghĩ rằng ba năm cuối đời học sinh của mình vẫn sẽ trôi qua như vậy. Nhưng bởi vì sự xuất hiện của cậu, quãng thời gian học cấp ba của tôi đã có thêm rất nhiều điều đáng giá. Chuyện này, tôi sẽ mãi luôn cảm kích trong lòng.
Bốn người chúng ta đều là những kẻ đam mê sáng tác, và hiển nhiên là cùng chung mục tiêu cũng là nguyên do quan trọng nhất để bước chung một đường. Hiện tại chúng ta vẫn còn quá đỗi non nớt. Để có thể viết ra những áng văn chín chắn trưởng thành được người ca tụng, chúng ta vẫn còn một con đường dài gian khổ phải đi. Trên con đường đó, khó tránh sẽ có những lần vấp ngã, những lần không được như trong ý nguyện. Bò dậy sau mỗi cú ngã đều cần dũng khí lớn lao. Chỉ có điều là đối với văn học, cả sự cố chấp lẫn sự kiên trì của tôi đều không vững vàng, không bằng một nửa của cậu, cũng chẳng bằng được Lam Thiên và Giang Vũ Đồng. Tất cả những gì tôi vẫn mong mỏi chỉ là được viết những gì mình thích, để cho nhiều người tiếp cận tác phẩm của mình chưa bao giờ là mục tiêu của tôi. Không biết là cậu đã từng đọc sách của Khánh Sơn chưa. Tôi luôn muốn được sống như nhân vật chính trong truyện của cô ấy, tự do buông thả, giống như một mớ hỗn độn.
Từ trước tới giờ, tôi chưa từng là một người có nhiều khát vọng. Cả cuộc đời này, mong ước lớn nhất của tôi là được khoác trên vai mình một chiếc ba lô chất đầy hành lý, vượt núi băng sông, bước qua hồng trần vạn trượng, nhìn ngắm thế giới này thay người ấy. Chấp niệm của tôi đối với người ấy là một điều mà người khác sẽ không thể lý giải được. Loại cảm giác này không hề liên quan gì tới những chuyện gió trăng, nhưng lại sâu đậm hơn cả ái tình. Tôi biết cậu vẫn ít nhiều quan tâm tới chuyện quá khứ của tôi, nhưng hãy tha thứ cho tôi vì chẳng thể nào kể lại chuyện năm đó nữa. Với tôi, đó là quãng thời gian đen tối nhất, tựa như một cơn ác mộng mà cả đời này sẽ mãi chẳng thoát được ra. Có lẽ cũng tại những u ám và bi thương lúc ấy mà con người tôi mới méo mó như bây giờ. Chỉ có người ấy là điều khác biệt. Người ấy chính là người đã đưa tay kéo tôi ra khỏi cái vực thẳm tăm tối đó. Đối với người ấy, tình cảm của tôi không chỉ là nỗi biết ơn đơn thuần.
Tôi không giống cậu. Cậu có mục tiêu rõ ràng, chí hướng rộng lớn, có được một sự kiên trung vô cùng hiếm thấy tại lứa tuổi của chúng ta. Tôi vẫn còn nhớ năm đó khi cậu kể về ước mơ của mình, tôi đã nhìn thấy ánh sáng trong đôi mắt cậu, một loại ánh sáng tôi không thể nào với tới. Tôi ngưỡng mộ cậu, hơn nữa cũng hi vọng cậu có thể thành công sau khi được tôi luyện qua thử thách. Chúc cậu có thể đối xử thật dịu dàng với thế giới, và thế giới này cũng sẽ đối xử dịu dàng với cậu.
Cuộc đời vốn đầy biến động. Không biết nhiều năm sau này, liệu cậu có quên ước vọng ban đầu của mình hôm nay hay không. Thế nhưng nếu như khi đó cậu vẫn chưa hề thay đổi, tôi mong rằng cậu có thể một lần nữa chấp nhận tôi, giống như cậu đã từng làm năm ấy.
Mong an,
Trình Tuyết
Tôi cất lá thư, kẹp nó trong một quyển sách. Có lẽ trong lúc đặt bút viết bức thư này, Trình Tuyết cũng đã từng mong nhận được một chút hồi âm của tôi, vậy mà suốt mấy năm qua tôi lại chưa từng chủ động liên hệ cậu ấy dù chỉ một lần. Tuy rằng việc liên lạc với Trình Tuyết quả thực có chút khó khăn, nhưng nếu như tôi cố gắng, cũng không đến nỗi chẳng nhận được phản hồi gì. Tôi nghĩ, chung quy đây vẫn chỉ là vấn đề của tôi mà thôi.
Tôi đọc lá thư đó muộn mất ba năm rưỡi, ý định gặp lại Trình Tuyết cũng đã muộn tới bốn năm. Vậy nên khi có cơ hội, tôi không thể để cậu ấy chờ lâu hơn nữa.
…
Lúc tôi tới được Hạ Môn là vừa đúng tám giờ sáng.
Khi mới bước xuống máy bay, việc đầu tiên mà tôi làm chính là cởi bỏ áo khoác trên người.
Tuy rằng trời đã vào hè, nhưng ở Đại Liên, gió sớm vẫn còn se lạnh. Mà một thành phố phương nam như là Hạ Môn thì không giống vậy. Mặc dù phải mấy tiếng nữa mới tới buổi trưa, nhưng bầu không khí khô nóng ở trong sân bay cũng đang báo hiệu nền nhiệt cực cao chuẩn bị ập về.
Sau khi mở điện thoại ra xem giờ, tôi đến chỗ trả hành lý. Phải chờ thêm mười phút nữa tôi mới lấy được vali của mình, sau đó hòa vào dòng người đang hối hả ùa ra cổng. Bên ngoài có rất nhiều người đứng nhìn chăm chăm về phía lối ra, nôn nóng tìm kiếm người họ đợi chờ. Đáng tiếc, không có ai trong số đó là chờ tôi đến.
Thậm chí tôi còn chưa báo cho cả Trình Tuyết chuyện mình đi tới Hạ Môn, đồng thời cũng đã dặn Giang Vũ Đồng giữ kín vụ này. Ngoài việc định khiến cậu ấy ngạc nhiên, điều quan trọng hơn là tôi vẫn muốn có thêm thời gian để chuẩn bị tâm lý cho thật tốt. Suốt thời cấp ba, chúng tôi hiếm khi nhảy được ra ngoài đề tài sáng tác. Gặp lại nhau sau bốn năm bặt vô âm tín, tôi vẫn phải nghĩ cho kỹ xem là nên nói cái gì.
Lần gần nhất Giang Vũ Đồng gọi điện hỏi han Trình Tuyết, cậu ấy đang chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn. Lúc ấy tôi vẫn còn chưa suy nghĩ cẩn thận về tương lai của bản thân, chỉ cần nghe thấy hai chữ “phỏng vấn” là đã cảm giác gấp gáp sốt ruột. Nhưng mà dù sao đi nữa, cái cảm giác gấp gáp ấy cũng khiến tôi thấy nhơ nhớ lúc còn ôn thi đại học, một giai đoạn vừa khẩn trương vừa vất vả, nhưng giờ nghĩ lại, tôi lại thấy đó là giai đoạn sung sướиɠ nhất trong cả đời mình.
Khi vẫn còn chưa tốt nghiệp cấp ba, đại học chính là ngưỡng cửa mà chúng tôi luôn khao khát, luôn luôn nỗ lực hết mình để bước chân vào. Hồi ấy, các thầy cô vẫn hay bảo lên được đại học là sẽ tự do, sẽ nhẹ nhõm đến thế nào. Cả lũ chúng tôi đều tin răm rắp. Sau này học đại học rồi, tôi mới phát hiện so với cấp ba, đại học quả thực cũng tự do hơn, nhưng lại chẳng hề thảnh thơi vui sướиɠ tí nào. Ngược lại, cái tự do đè nén trong áp lực luôn luôn khiến tôi ngạt thở.
Suốt bốn năm không liên lạc, tôi cũng chẳng biết liệu Trình Tuyết có nhớ mình hay không. Tính đi tính lại, chúng tôi cũng chỉ học được với nhau mấy năm cấp ba, nếu xét về mặt thời gian thì chẳng thể nào bằng được với những người bạn đại học của cậu ấy trong hiện tại.
Mặc dù lần tới thăm này có hơi đột ngột, nhưng tôi vẫn cứ mong là ít nhất mình cũng sẽ không khiến cho cậu ấy phải bối rối hay khó xử quá nhiều.
Vừa mới bước chân ra khỏi sân bay, đã có một cơn gió lớn tạt vào mặt tôi, mang theo mùi khói ô tô hòa quyện với mùi biển cả. Tuy rằng chưa tới mức quá khó chịu, nhưng tôi vẫn hơi cảm thấy không vui.
Tôi mở điện thoại, sử dụng ứng dụng bản đồ để dò đường tới nhà ga. Trước khi đến đây tôi đã đặt vé tàu đêm đi từ Hạ Môn về tới Trường Sa, tuy rằng giữa chặng sẽ phải nhảy tàu, nhưng tầm trưa mai là tôi có thể về nhà. Kéo theo một cái vali to đùng lòng vòng xung quanh Hạ Môn kiếm tìm Trình Tuyết thì hơi phiền toái, vậy nên tôi quyết định tới nhà ga gửi hành lý trước.
Sau khoảng hai tiếng ngồi trên xe buýt tới tới lui lui, tôi mới gửi xong vali rồi đứng trước cổng đại học nơi Trình Tuyết học. May mà tôi không nói trước cho Trình Tuyết biết là mình sẽ đến, nếu không cậu ấy đã lãng phí mất hai tiếng đồng hồ trong vô vị rồi.
Lúc này đã là mười hai giờ kém, cái quả cầu lửa hừng hực treo trên đầu tôi đang gồng mình phóng những luồng ánh sáng nóng bỏng xuống phía mặt đất. Nhiệt độ không khí đã lên tới hơn ba mươi độ C, ứng dụng dự báo thời tiết cài trong điện thoại của tôi cũng đã chuyển sang màu cam báo động. Xem ra hôm nay Hạ Môn sẽ phải chạm tới ngưỡng bốn mươi độ.
Tôi đứng tránh nóng ở dưới hiên phòng bảo vệ, lục lọi số điện thoại mới của Trình Tuyết trong di động. Nghe nói sau khi tốt nghiệp cấp ba cậu ấy đã không dùng số cũ nữa, hiện tại là số Hạ Môn. Vậy mà tôi vẫn lưu cái số đấy suốt bốn năm trời mà chẳng để làm gì cả. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ trong cả bảy người chúng tôi năm đó, cũng chỉ có mỗi mình tôi và Bạch Hạo Vũ là không đổi số mà thôi.
Tìm được số của Trình Tuyết, tôi bắt đầm bấm nút gọi.
Chỉ sau vài tiết “tút tút”, đã có tiếng người nghe máy.
“A lô, ai đó ạ?” Giọng nói đầu dây bên kia có hơi nghi hoặc.
“Không biết lâu như vậy rồi, cậu còn có thể nghe ra được tôi là ai không nhỉ?” Tôi cũng hơi muốn trêu chọc cô nàng.
“Cậu là… Lăng Tử Dương?” Trình Tuyết hỏi lại, có vẻ bán tín bán nghi.
“Phải rồi, không ngờ cậu vẫn nhận ra giọng tôi.” Chuyện này khiến tôi cũng vui vẻ lên không ít.
“Chỉ có điều là tôi chưa đổi số bao giờ, cậu không còn lưu số tôi nữa à?” Tôi nói, cố tình nhấn nhá chút trách móc trong giọng điệu.
“Cậu vẫn chưa đổi số á? Tôi vẫn còn nhớ năm đầu đại học thỉnh thoảng gọi điện cho cậu, lúc nào cũng không có tín hiệu gì, vậy nên tôi mới tưởng là cậu đổi số rồi.” Trình Tuyết giải thích, cũng tỏ vẻ hơi áy náy.
Tôi nhớ hồi mới học lại, vì sợ bị người quen gọi hỏi thăm tình hình nên đã khóa máy một thời gian dài. Xem ra vẫn là vấn đề của tôi, chỉ là tôi không ngờ được Trình Tuyết lại chủ động gọi điện thoại cho mình.
“Dạo này cậu có rảnh không?”
“Dạo này?”
“Nói chính xác hơn thì là hôm nay cậu có rảnh không?” Tôi thử hỏi dò.
“Nếu cần thiết thì lúc nào cũng sắp xếp được, bây giờ đang nghỉ hè mà.” Trình Tuyết nói.
“Nghỉ hè thì cũng vẫn phải hỏi trước. Mà sao kỳ nghỉ này cậu lại không về nhà, đang bận thực hành gì hả?” Tôi cười.
“Không, chuyên môn của bọn tôi thì rảnh lắm.”
Tôi lại liếc nhìn đồng hồ: “Hay là cậu ra ngoài đi, tôi mời cậu ăn trưa nhé?”
“Mời tôi ăn trưa?” Trình Tuyết hơi ngừng lại chút. “Cậu đang ở Hạ Môn à?”
Hiển nhiên cậu ấy có hơi giật mình. Tôi lại cười cười: “Nói đúng hơn là, tôi đang đứng trước cổng trường cậu đấy.”
“Cậu đến từ bao giờ vậy? Sao không bảo trước với tôi một tiếng?”
“Chẳng phải muốn cho cậu một niềm vui bất ngờ hay sao?”
“Vậy cậu đợi tí, tôi sửa soạn chút rồi ra ngay đây. À mà, cậu đứng ở cổng nào đấy?”
“Cổng nào thì tôi không biết, chỉ biết là ngay cổng trường có một vòng cung cực lớn.”
“Được rồi, biết rồi. Thế nhé.”
“Ok, chào.”
Sau khi cúp máy, tôi bỏ điện thoại vào trong túi quần.
Tôi ngẩng đầu nhìn cái cổng vòng cung mà mình mới vừa đề cập. Một mình nó đứng sừng sững trên quảng trường này, trông cũng khá là vui vẻ. Cổng trường chúng tôi nhìn tầm thường hơn rất nhiều, chỉ có mỗi một khối đá khắc tên của trường đứng đó chỏng chơ, hoàn toàn không điểm tí đặc sắc kiến trúc nào.
Có lẽ là tại bây giờ đang là kỳ nghỉ, nơi này chẳng có mấy mống sinh viên qua lại, những tiệm ăn vặt bên ngoài trông cũng quạnh quẽ đìu hiu.
Tôi đã không gặp Trình Tuyết bốn năm. Hiện giờ cứ nghĩ đến chuyện chuẩn bị trông thấy cậu ấy tới nơi, lòng tôi lại hơi sốt sắng.
Thời gian chờ đợi chính là loại thời gian trôi chậm nhất, đặc biệt là dưới tiết trời nóng bức thế này. Mặc dù không trực tiếp phơi ngoài nắng, trán tôi vẫn mướt mồ hôi, khiến cho khoảng thời gian này lại càng giống như tra tấn.
Tầm mười phút sau, một người bước khỏi cổng trường, bật ô ra để che nắng, sau đó đưa mắt nhìn khắp xung quanh. Hình như cậu ấy không phát hiện ra có một bóng người đang nép mình dưới bóng râm ngay trước cửa phòng bảo vệ.
“Trình Tuyết.” Tôi kêu một tiếng, sau đó mới ló người ra khỏi bóng mát kia.
Trình Tuyết nghe thấy tôi gọi thì liền quay đầu nhìn lại: “Sao cậu lại trốn trong đấy?”
“Không chui được vào chỗ nào mát mát thì khéo da tôi cháy khô luôn mất,” tôi cười khổ. Để mà so sánh, mùa hè Đại Liên thực sự dễ chịu hơn nhiều.
Chúng tôi bước tới gần nhau, nheo mắt nhìn kỹ đối phương dưới ánh mặt trời bỏng gắt.
Trình Tuyết dường như vẫn chẳng thay đổi gì mấy, áo quần nhạt màu, tóc buộc đuôi ngựa, chính là cái kiểu có thể mất hút vào trong đám đông mà sẽ chẳng ai lần ra được đó.
“Cậu vẫn hệt như xưa nhỉ.”
“Chẳng phải cậu cũng thế sao?”
Tôi cười, nhìn xuống bộ đồ đang mặc. Đúng là từ hồi cấp ba, tôi đã luôn mặc kiểu quần áo này.
“Đừng đứng đây nói chuyện nữa, nóng quá. Hay là tìm quán trà sữa nào đó uống chút gì đi?” Tôi cất lời đề nghị.
“Nghỉ hè ít có sinh viên, quán trà sữa vừa đóng cửa được hai ngày rồi. Gần đây chỉ có một quán cà phê là vẫn còn đang mở thôi.”
“Cà phê cũng được,” tôi gật đầu. Hiện tại uống gì cũng không quan trọng, quan trọng là ở trong quán có bật điều hòa hay không.
Sau đó Trình Tuyết dẫn tôi đi thêm khoảng mấy trăm mét, tới trước một tiệm cà phê có tên “Thời gian buổi chiều”. Đúng là thú vị, chẳng nhẽ buổi sáng thì không bán hàng hay sao?
Dù sao thì đây cũng là lần đầu tôi đặt chân vào một quán cà phê đúng nghĩa. Trước kia tôi đã không biết bao lần đi ngang quán cà phê trước cổng trường, nhưng chưa từng ghé vào trong bao giờ.
Tôi vẫn còn nhớ rất lâu về trước, tôi cũng ảo tưởng tự mình mở riêng một quán cà phê. Hồi ấy tôi không chỉ tưởng tượng ra tình hình làm ăn của quán mà còn đặt luôn cả tên cho nó, gọi là “Silence”, tiếng Trung chính là im lặng. Có lẽ cũng vì ngày xưa tôi luôn cảm thấy những quán cà phê là một nơi để tinh tế thưởng thức cà phê, không nói câu nào, yên lặng đọc sách hoặc là nghe nhạc, sau đó chầm chậm chiêm nghiệm cuộc đời, nghĩ về thế thái nhân tình. Mặc dù hồi ấy chưa từng đặt chân, tôi vẫn đinh ninh đó là một nơi linh thiêng thần thánh.
Đại khái là những năm mười sáu mười bảy tuổi, các tế bào não của tôi luôn luôn hoạt động không ngừng, lúc nào cũng mơ mộng về những chuyện không tưởng, nhưng lại chẳng bao giờ nghĩ đến việc biến chúng trở thành hiện thực. Đối với tất thảy những mong tưởng đó, chỉ cần khắc họa rõ trong trí óc, tôi đã thỏa mãn lắm rồi.
Nhưng mà đương nhiên, bây giờ tôi đã có thể nhận ra, quán cà phê trên thực tế cũng chẳng khác tiệm trà sữa là bao.
Một hàng cà phê nằm gần trường học luôn luôn có nhiều sinh viên tới ngồi học tập hoặc cùng thảo luận bài vở với nhau. Bước vào trong quán, tôi đã thấy không ít người ngồi với một chồng sách lớn, ghi ghi chép chép liên tục. Cuối năm sẽ phải thi lên thạc sĩ, thư viện của trường chắc chắn rất đông, vậy nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi có nhiều người lựa chọn đi đến những chỗ yên tĩnh như quán cà phê để mà ôn luyện.
“Hồi trước cậu cũng hay tới đây học bài à?” Tôi hỏi, có chút tò mò.
“Thỉnh thoảng, năm ngoái trước khi thi lên thạc sĩ cũng có phải đến đôi lần.”
“Ừm,” tôi gật gầu đầu, có hơi nghĩ ngợi.
Không gian trong quán vô cùng mát mẻ tĩnh lặng, có lẽ những người xung quanh cũng để tâm tới mấy cô mấy cậu sinh viên đang phải chiến đấu hăng say để lên cao học, đều hạ giọng xuống rất nhiều. Ngoài ít âm thanh chuyện trò khe khẽ, trong quán chỉ có mỗi tiếng những chiếc điều hòa thổi gió vù vù.
Nếu không phải nhờ điều hòa mát lạnh, chắc tôi cũng sẽ chẳng có tâm tình ngồi đây nhấm nháp một ly cà phê ấm nóng.
“Xin hỏi anh chị muốn dùng gì ạ?”
Khi đến cạnh quầy, cô bé phục vụ mỉm cười hỏi hai đứa tôi.
“Tôi uống latte, nhiều đường nhiều sữa,” tôi nói, sau đó quay sang nhìn Trình Tuyết bên cạnh mình.
“Cappuccino, nguyên bản.”
“Vâng ạ.” Khi bé nhân viên nhập dữ liệu vào máy tính, tôi vội vàng rút di động để thanh toán tiền hai cốc cà phê.
Sau khi gọi đồ, chúng tôi bước vào trong quán. Tôi muốn tìm bàn nào đó nào vắng vẻ, cách xa những người đang học miệt mài, tránh cho cuộc trò chuyện của tôi và Trình Tuyết ảnh hưởng đến họ.
Ngay khi vừa ngồi xuống ghế, điện thoại của tôi rung lên. Tôi mở điện thoại ra xem, chỉ có một thông báo mới: Trình Tuyết vừa gửi tiền cốc cà phê của cậu ấy qua WeChat cho tôi. Có lẽ tại lúc vừa rồi tôi không bảo rõ là tôi mời hay gì cả. Tôi không nhận tiền chuyển khoản, cũng chẳng nói thêm gì nữa, chỉ tắt điện thoại đi luôn.
“Nghỉ hè cậu không làm gì mà cứ ở trường mãi sao?” Tôi hỏi.
“Tôi không muốn về nhà lắm. Những người chuẩn bị làm nghiên cứu như chúng tôi sẽ phải nhập học sớm hơn, cũng không được nghỉ nhiều như mọi người.”
“Ừm.” Tôi gật gật đầu.
“Cậu có định thi lên thạc sĩ không?”
Tôi lắc đầu: “Không định.”
“Vậy là cậu định ra trường sẽ đi tìm việc luôn hả?”
“Tôi định thử sức sáng tác như một nghiệp vụ chuyên môn xem sao, sẽ cho mình khoảng mấy năm trải nghiệm.”
“Cậu vẫn còn kiên trì được như vậy, thật tốt.” Trình Tuyết vui vẻ cười, nói.
“Bây giờ cậu có thể làm nghiên cứu sinh cũng đã rất tốt rồi mà.”
“Chẳng qua chỉ là tôi không muốn về nhà thôi,” Trình Tuyết lắc đầu. “Nếu tôi trực tiếp tốt nghiệp đại học thì khả năng cao là sẽ bị bố mẹ gọi về quê tìm việc, nhưng mà hiện tại tôi chưa muốn về.”
“Nếu như về quê mà có thể sống lại được những tháng ngày thời cấp ba, tôi sẽ về ngay lập tức.” Tôi buông một câu cảm thán.
“Nếu mà thời gian có thể dễ dàng chảy ngược như thế, cuộc đời đã chẳng nhiều chuyện khiến con người ta hối hận tới như vậy rồi.”
“Cũng phải.”
Trong khi chúng tôi nói chuyện, những làn gió lạnh thổi từ điều hòa nhẹ nhàng tản qua mặt tôi, khiến cho cõi lòng bỏng rát khi đứng ngoài kia chầm chậm trở nên bình thản. Nếu không nhìn ra cửa sổ, có lẽ tôi sẽ quên béng cả chuyện hiện giờ đang là mùa hè nóng bức, ánh nắng mặt trời gay gắt ngoài đó có thể nướng cháy da tôi.
Cô bé phục vụ dùng một cái khay để bê cà phê tới bàn chúng tôi, sau đó nhẹ nhàng đặt từng tách cà phê đang bốc hơi xuống trước mặt tôi và mặt Trình Tuyết, mỉm cười: “Nếu không đủ đường mọi người có thể tự thêm, còn nếu thiếu sữa thì cứ gọi em để em thêm vào cho nhé. Chúc anh chị ngon miệng ạ.”
“Cảm ơn nhé.”
Tôi cũng mỉm cười đáp lại, sau đó cô bé cầm khay rời đi.
“Cậu cũng có điểm khác trước rồi nhỉ.”
Tôi vừa mới quay đầu nhìn Trình Tuyết, cậu ấy đã khe khẽ cười.
“Bốn năm qua đi, cũng đã chín chắn hơn rồi, không còn cái hội chứng tuổi dậy thì như là thời cấp ba nữa.”
“Dù sao tôi cũng đã hai mốt rồi mà, sắp sửa chuẩn bị đầu ba đến nơi,” tôi đáp. Nhưng mà có điều tôi không dám nói. Thực ra ngay cả hiện tại, những khi chỉ có một mình, thỉnh thoảng tôi vẫn có mấy biểu hiện của hội chứng tuổi dậy thì, thu mình khép kín, giao tiếp xã hội kém cỏi, sợ bị mọi người đối xử như là trẻ con. Tuy rằng nghe một bạn nữ nhận xét mình chín chắn lên tôi cũng rất vui, thế nhưng tôi biết, mình chỉ thực sự thoát được khỏi hội chứng đó khi đã được xã hội này mài giũa cho khéo léo hơn. Vậy nên bây giờ, tôi chỉ hi vọng mình có thể vui vẻ sống được tới lúc đấy.
“Nửa năm trước tôi đã gặp Giang Vũ Đồng và Lam Thiên. Hai người đó đều khác trước rất nhiều, vẻ ngoài cũng trau chuốt hơn, chỉ có cậu là vẫn vậy.”
“Tôi biết.”
“Biết rồi mà vẫn chưa cố gắng thay đổi à?”
“Tôi không thích thay đổi gì, thay đổi sẽ khiến cho con người ta cảm thấy xa lạ,” Trình Tuyết nhìn tôi. “Tôi chỉ bảo là tôi biết chuyện cậu đã gặp Giang Vũ Đồng và Lam Thiên thôi.”
“À à.” Tôi hiểu sai ý cậu ấy, cũng thấy hơi hơi ngượng ngùng.
“Lúc ấy thậm chí tôi còn nghĩ là không biết liệu cậu có vòng một vòng Trung Quốc để đi gặp từng người bạn hay không, không ngờ hôm nay cậu thực sự tới chỗ này.”
“Có phải là cậu rất mong tôi đến đúng không?” Tôi trêu cậu ấy.
Trình Thuyết lắc đầu, chỉ có điều là lắc đầu rất chậm, không giống như đang phủ nhận.
Phản ứng của cô bạn ngồi trước mặt khiến nụ cười tươi ở trên mặt tôi dần dần đông cứng. HÌnh như cậu ấy đã từng thực sự nghiêm túc, nghiêm túc chờ mong tôi tới.
Tôi mong rằng cậu có thể một lần nữa chấp nhận tôi.
Dòng chữ cuối cùng ở trong lá thư mà Trình Tuyết gửi bắt đầu vọng lên trong trí óc tôi.
Như có ma xui quỷ khiến, tôi nhìn Trình Tuyết, nói: “Tôi đã đọc thư của cậu.”
Vẻ mặt Trình Tuyết bất chợt trở nên căng thẳng, cả người khựng lại vài giây, sau đó mới gật gật đầu.
Tôi cũng chẳng biết trong vài giây đấy, Trình Tuyết thắc mắc tôi đọc thư từ lúc nào, hay là cậu ấy đang cố nhớ lại về sự tồn tại của bức thư gửi từ tận bốn năm trước kia.
“Cũng lâu quá rồi, tôi chẳng nhớ rõ mình viết gì nữa.” Trình Tuyết nhìn xuống ly cà phê đặt trước mặt, lắc đầu.
“Nhưng tôi thì vẫn nhớ lắm.”
“Nghe cậu nói thế tôi cũng thấy khá vui đấy.”
Trình Tuyết nhìn tôi, xong rồi lại hỏi: “Cậu nói cậu muốn viết văn chuyên nghiệp. Lâu rồi không đọc tác phẩm cậu viết, đừng bảo vẫn tệ như ngày xưa nhé?”
“Cậu nói như vậy khiến tôi tổn thương lắm đó,” tôi cười. “Hay để tôi đưa tiểu thuyết gần nhất của tôi cho cậu xem nhé? Dù sao tôi cũng tin là mình đã tiến bộ hơn thời cấp ba rất nhiều.”
Nói là gần nhất, thật ra cũng đã là hơn nửa năm trước rồi. Hơn nữa, cũng là một bản thảo bị từ chối, y hệt những bản thảo khác.
“Thực sự tôi rất hâm mộ những người có thể nỗ lực phấn đấu không ngừng vì một mục tiêu như cậu.” Trình Tuyết cười cười.
“Nỗ lực thì cũng có ích gì đâu? Tôi vẫn ở trong cái cảnh tầm tầm như thế, cảm giác kiểu như chật vật trôi nổi giữa biển rộng không bến bờ, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chẳng thể biết mình đã bơi được bao xa.”
“Chung quy vẫn là vì cậu chưa được rèn giũa nhiều lắm, phải đọc nhiều sách hơn thôi.”
Tôi gật gật đầu, xong lại hỏi tiếp: “Còn cậu thì sao? Bây giờ còn viết nữa không?”
“Thỉnh thoảng,” Trình Tuyết quay đầu nhìn ra cửa sổ. “Khi nào có hứng.”
Tôi bỗng có chút mất mát trong lòng. Những người năm đó cùng nhau bàn luận ước mơ viết lách, hiện tại chỉ còn mỗi tôi và Lam Thiên vẫn kiên trì theo đuổi.
“Bây giờ tôi vẫn còn nhớ hồi học năm hai viết xong cuốn “Sách của Cát”, tôi giục mọi người tự mình sáng tác một cuốn tiểu thuyết rồi đưa nhau xem. Chỉ có mỗi cậu không viết, thậm chí còn chẳng buồn giải thích gì.” Tôi nhấp một ngụm cà phê, rồi lại ngẩng đầu để nhìn Trình Tuyết.
Trình Tuyết lắc đầu: “Không phải không viết, mà là không dám mang ra cho mọi người đọc.”
Cậu ấy trả lời tôi không do dự, xem ra là vẫn nhớ rõ chuyện này.
“Sao thế?” Tôi nhíu mày nhìn Trình Tuyết, có hơi không vui vì cậu ấy đã cố tình xa cách chúng tôi.
Trình Tuyết hít sâu một hơi: “Lăng Tử Dương, tôi có thể kể cậu nghe một câu chuyện cũ được không? Cứ coi như là tiểu thuyết tôi đã viết đi.”
Tôi bưng tách cà phê lên bên miệng, chậm rãi nhấp một ngụm nhỏ, sau đó đặt cốc xuống bàn, lại tiếp tục nhìn Trình Tuyết.
“Vai chính trong câu chuyện này là một cô bé tên là “Đâu Đâu”…”Bonus 1Khánh Sơn (An Ni Bảo Bối)
Bonus 2Đại học Hoa Kiều cơ sở Hạ Môn
Đại học Đại Liên