Nga Mi Kiếm Khách

Chương 24

Chương 24: Bồng Lai thăng đoạn nhân trường đoạn - Đế địa tường minh Hồng thị oan
Bạch Ô công tử đau đớn rú lanh lảnh. Đàn quạ đen từ hàng cây trong sân lập tức bay ra, sà xuống tấn công đoàn quân của Thần Võ bang.

Đã lường trước sự kiện này, ba trăm cung thủ nhất tề buông tên. Tài xạ tiễn của người sa mạc thật đáng khâm phục, chỉ vài mũi tên lệch mục tiêu, kỳ dư đều trúng đích. Có những mũi xâu tréo hai ba con một lúc vì đàn quạ quá đông.

Quạ là loài chim to xác và to mồm, trước khi chết cũng ráng quác lên vài tiếng bi ai, số sống sót vẫn hung hãn lao xuống. Mỏ và móng vuốt của chúng chẳng làm gì được ai nhưng những cú đập cánh lại gieo rắc loài Bác Bì Trùng.

Bọn cung thủ Thần Võ bang tản ra, tra tên bắn loạt thứ hai. Lại có hàng trăm con quạ rơi xuống đất nhưng hàng ngũ cung thủ cũng chẳng vẹn toàn. Đã có vài gã dính Bác Bì Trùng buông vũ khí gãi lia lịa.

Loài độc vật quái ác này đem đến cho nạn nhân sự ngứa ngáy, là cảm giác khoan khoái khi cào xé da thịt chính mình. Đã bắt tay gãi thì không sao dừng được nữa, dù máu có tươm đầy. Cái ngứa lan vào tận xương tủy, không gãi không được.

Sau khi ra lệnh cho đoàn Hắc Ô xuất trận, Lã Long Vân cùng ba hộ giáo và Mục Phi Long lướt đến tấn công Sa Mạc Chi Vương.

Khi còn cách hơn trượng, Hân Tốn cùng Cát Dự nhất tề phóng ra hai mũi Khổng Tước Mao. Thủ pháp độc môn này vẫn còn nguyên giá trị khiến họ Kim không sao tránh nổi. Một mũi chạm vào ngực Kim Mãn Lộ, rơi xuống đất vì chạm phải bảo y. Mũi thứ hai cắm vào bắp tay tả nhưng chẳng thể có tác dụng vì họ Kim không sợ chất độc của loài công.

Ám khí của Khổng Tước Thần Ma dọa khϊếp được thiên hạ cũng là nhờ chất kỳ độc trên mũi, chứ không phải do sát thương bằng lực đạo đâm thấu.

Sa Mạc Chi Vương cười nhạt, vung đao phản kích. Chỉ chiêu đầu đã đánh bật Song ma. Lã Long Vân căm hận rít lên :

- Hãy đền mạng cho phụ thân ta!

Vừa nói gã vừa vỗ liền tám đạo chưởng kình xám xịt. Mục Phi Long cũng âm thầm phục kích hậu tâm Kim Mãn Lộ.

Trong mười hai lão cao thủ Thần Hỏa giáo đã có bốn người nhảy đến hỗ trợ cho họ Kim, chặn đánh Hắc Diêm La và Bạch Phán Quan.

Tú Châu nói với Phiêu Trần :

- Tướng công! Sa Mạc Chi Vương mặc bảo y che kín ngực và lưng, chàng chỉ có thể tấn công vào bụng dưới và tứ chi mà thôi! Bạch Tê bảo giáp của Thần Sơn Đao Vương rất kiên cố, e rằng Vô Danh kiếm cũng không xuyên thủng nổi.

Miêu Vô Mi xác nhận :

- Tứ phu nhân nói rất phải, mong công tử lưu ý.

Phiêu Trần gật gù, quay sang bảo Phố Giang Thần Giải :

- Quản huynh hãy tiến lên tham chiến, để tại hạ bám theo tìm cơ hội tập kích Kim Mãn Lộ.

Họ Quản mau mắn rảo bước, Phiêu Trần di theo sau như một thủ hạ trung thành. Gã múa đao nhảy vào tấn công Sa Mạc Chi Vương, bị đao kình hùng mạnh kia đẩy bắn ngược ra ngay. Vì vậy, khi Phiêu Trần xuất thủ thì Kim Mãn Lộ rất khinh thường.

Cả Hắc Diêm La cũng giận dữ mắng :

- Võ nghệ tầm thường mà cũng nhập trận làm gì cho vướng chân bọn ta?

Nhưng gã thủy tặc sông Hán kia vẫn cứ lì lợm xông vào dưới lưỡi đao Kim Mãn Lộ. Lúc này, lão đang phải chống trả với bốn đạo chưởng kình của Bạch Phán Quan và Lã Long Vân.

Kim Mãn Lộ tưởng mình dễ dàng đánh bạt trường kiếm của gã lạ mặt. Nào ngờ khi đao kiếm chạm nhau, lão mới phát hiện một lực đạo quái dị đang đẩy lệch lưỡi đao khỏi quỷ đạo đã định trước.

Họ Kim biết ngay đối thủ này là ai nhưng dẫu sao cũng quá muộn. Thanh Vô Danh kiếm đã len qua khe hở, đâm vào ngực và bất ngờ chuyển hướng chặt phăng cánh tay tả của Sa Mạc Chi Vương.

Cái đau thấu trời đã khiến đường đao càng thêm sơ hở, họ Kim trúng liền hai chưởng của Hắc Diêm La. Nhờ có Bạch Tê giáp nên Sa Mạc Chi Vương không chết. Lão căm hận múa tít bảo đao lao vào Mục Phi Long, người yếu nhất trong bọn. Chiêu đao kỳ tuyệt và nặng như núi Thái Sơn đã chém gẫy trường kiếm và rọc một đường dài từ vai xuống bụng họ Mục.

Phi Long nhanh chân lùi lại nên vết thương không sâu lắm, vòng vây giãn ra, Kim Mãn Lộ đào tẩu ngay. Lão thọ thương vì chưởng lực nên không dám mở miệng hô hoán, lẳng lặng đào tẩu. Nhờ vậy mà không ai biết lai lịch của Phiêu Trần.

Lã Long Vân vì thù cha, rủ hai hộ giáo truy sát đến cùng, quyết lấy đầu Kim Mãn Lộ.

Quần hùng đứng ngoài quan chiến reo hò vang dội khi thấy Sa Mạc Chi Vương bị chặt mất một cánh tay, mang thương đào tẩu. Thủ hạ của lão cũng bỏ chạy có cờ, chẳng dám nấn ná thêm khắc nào cả.

Thược Dược Tiên Tử tái mặt quát :

- Thần Ô giáo không giữ qui củ giang hồ, vây đánh người đến dự phó ước. Bổn tọa là người giữ gìn công đạo võ lâm, không thể để yên được.

Bà ta rút lá cờ tam giác nhỏ trên nóc kiệu, giơ cao và dõng dạc nói :

- Bổn tọa ra lệnh tiêu diệt Thần Ô giáo.

Hàng ngàn hào kiệt đến quan chiến bí lối nhìn nhau, chẳng biết phải làm sao. Về nguyên tắc, Minh chủ hoàn toàn có quyền trừng phạt một cá nhân hay bang hội vi phạm luật giang hồ!

Kim Đính Thượng Nhân vuốt râu cười nhạt :

- Minh chủ làm vậy không sợ mang tiếng bênh vực chồng sắp cưới hay sao? Nếu Sa Mạc Chi Vương là người lạ, liệu Minh chủ có tận tâm can thiệp hay không?

Quần hào đồng thanh khen phải. Có người còn bỡn cợt :

- Minh chủ xinh đẹp và hấp dẫn đến nỗi lão phu đã già mà còn phải động tình, lo gì không kiếm được tấm chồng khác?

Nói xong, lão già kia vận công nuốt nước miếng ừng ực, khiến ai cũng nghe rõ và ôm bụng cười. Kẻ đùa dai này nấp giữa đám đông, không thể biết là ai. Thược Dược Tiên Tử giận điên người nhưng chẳng làm gì được. Bà ta trút hận lên đầu Kim Đính Thượng Nhân :

- Nghe nói phái Nga Mi có kiếm pháp quái tuyệt võ lâm, nhưng liệu có qua nổi ba chưởng của bổn tọa không nhỉ?

Thanh danh bản thân người tu hành không quan trọng, nhưng đây lại là danh dự của cả một võ phái, vì vậy Kim Đính Thượng Nhân thà chết chứ không để nhục nhã tông môn. Ông mỉm cười :

- A di đà Phật! Minh chủ đã muốn chứng tỏ sự ưu việt của Hư Vô Tố Thủ chưởng thì lão nạp cũng xin tận lực phụng hầu.

Quần hùng đều là những tay hiếu sự, thích cảnh náo nhiệt nên hoan hô ỏm tỏi và cái giọng khôi hài kia lại vang lên :

- Nếu Minh chủ không đả thương được Kim Đính Thượng Nhân trong ba chiêu thì hãy từ chức cho xong!

Tạ Xuân Tiên ngạo nghễ đáp :

- Bổn tọa đồng ý, nhưng chỉ sợ lão hòa thượng kia chết oan đấy thôi!

Thượng nhân cười vang :

- Lão nạp có chết cũng không oán thán, mong chư vị Chưởng môn và quần hùng làm chứng cho!

Mọi người đồng thanh nhận làm trọng tài cho trận đấu. Bỗng có tiếng người trẻ tuổi vang lên :

- Sư tổ bất tất phải nhọc thân, đồ tôn sẽ đại diện phái Nga Mi đấu với Tạ minh chủ.

Nga Mi đại kiếm khách Sở Phiêu Trần hiên ngang bước ra trong tiếng reo hò vang dội. Họ không ngờ chàng vẫn còn sống và có mặt tại nơi này. Kim Đính Thượng Nhân mừng đến sa lệ :

- Tạ ơn Phật tổ, Trần nhi vẫn an toàn.

Chàng bước đến quỳ lạy sư tổ và vòng tay bái kiến các Chưởng môn Bạch đạo. Trường Nguyên Chân Quân đắc ý cười dài :

- Bần đạo đã từng khẳng định Sở thí chủ không phải là người yểu mệnh.

Phiêu Trần vẫy tay chào quần hùng rồi bước đến đối diện Thược Dược Tiên Tử. Dung mạo anh tuấn tuyệt thế của chàng đã khiến Tạ Xuân Tiên xao xuyến. Bà tươi cười :

- Bổn tọa nghe danh công tử đã lâu, tưởng không còn có dịp diện kiến, nào ngờ lại có dịp hạnh ngộ chốn này!

Phiêu Trần chính sắc nói :

- Tại hạ không có cơ hội tham gia đại hội Minh chủ nên lòng cũng ấm ức. Nay tại hạ thay mặt phái Nga Mi chiêm ngưỡng tuyệt học của Hư Vô Thiên Tôn. Sau ba chiêu, Minh chủ kém thế, xin hãy y ước mà từ nhiệm cho!

Tạ Xuân Tiên mỉm cười :

- Bổn tọa không nói hai lời, nhưng nếu công tử bại thì phải về làm cận vệ cho ta.

Phiêu Trần khẳng khái gật đầu :

- Tại hạ chấp thuận điều kiện ấy.

Chàng rút kiếm chờ đợi. Thanh Tâm Tử, Chưởng môn phái Võ Đang sang sảng nói :

- Mời Tạ minh chủ xuất chiêu trước!

Bà ta là người ra giớì hạn ba chiêu nên có quyền lợi ấy. Tạ Xuân Tiên cười mát, khoa song thủ ngọc ngà, vẽ lên màn chưởng ảnh ma quái, gồm hàng ngàn cánh tay trắng muốt.

Phiêu Trần e ngại thực lực của đối phương nên liều lĩnh đặt cược cuộc đời vào chiêu đầu, chàng tận dụng sở trường khinh công, bất ngờ bốc thẳng lên cao khi chưởng ảnh của Tiên tử chỉ còn cách trong gang tấc. Từ trên không Phiêu Trần xuất chiêu “Diệp Lạc Tri Thù” của ân sư.

Khí thế chiêu kiếm hùng mạnh như sấm sét, nhưng khi chạm vào lưới chưởng, thân kiếm rung lên bần bật vì những lực đạo đối kháng xô đẩy nhau. Phiêu Trần phát hiện công lực của Tạ Xuân Tiên cao hơn Hoàng Hoa công tử đến vài bậc. Vậy là lời tố cáo của Ô Thước chân nhân không sai sự thực. Nếu không hút chân nguyên của nam nhân, bà ta chẳng thể có thành tựu cao như vậy! Chàng cắn răng giữ vững trường kiếm, mặc kệ bao chưởng ảnh đe dọa. Ở vị trí từ trên đánh xuống, Phiêu Trần đã có lợi thế, gài đối phương vào cảnh đổi mạng. Dù chàng có trúng chưởng thì Vô Danh kiếm cũng đâm trúng người Tiên tử. Tạ Xuân Tiên vì khinh địch và luyến tiếc chàng trai mặt ngọc nên chưa xuất toàn lực. Thấy mũi kiếm cứ phăng phăng lao xuống, Tiên tử thất kinh, dồn lực đạo nhắm người Phiêu Trần để đánh văng đối thủ ra, đồng thời, bà đảo bộ lùi mau.

Phiêu Trần trúng liền mấy chưởng, máu miệng phun thành vòi vào đầu Tạ Xuân Tiên. Vì vậy mà đường kiếm chậm lại đôi chút, chỉ đâm thủng vai trái bà ta một lỗ sâu độ lóng tay chứ không vào đến phủ tạng.

Thược Dược Tiên Tử biến sắc, ôm vết thương nhìn Phiêu Trần. Chàng đã hạ thân xuống đất, mặt tái mét nhưng không hiểu được nâng đỡ bởi sức mạnh nào mà vẫn đứng hiên ngang. Chàng đưa ống tay áo lau miệng rồi nói :

- Mời Minh chủ ra chiêu thứ hai!

Quần hùng không rõ ai bị thương nặng hơn ai, chỉ thấy máu tuôn qua kẻ tay Tiên tử, làm ướt đẫm chiếc áo sa trắng mỏng manh là họ hoan hô Phiêu Trần nhiệt liệt.

Tạ Xuân Tiên giận tái mặt, cất giọng lạnh lùng :

- Chiêu đầu bổn tọa chỉ dồn có tám thành chân khí nên mới để người đắc ý. Giờ đây thì ngươi không có cơ hội nữa đâu.

Mặt bà dính đầy máu của Phiêu Trần, trông rất ghê rợn. Có giòng máu từ trên tóc chảy xuống môi trên, Tiên tử lè lưỡi liếʍ, mắt lóe lên niềm khoái trá khiến mọi người nổi gai ốc.

Bà nhếch mép cười hiểm ác, lướt đến tấn công. Lần này chưởng ảnh bao phủ cả người Tiên tử, chẳng còn thấy người bà đâu cả. Phiêu Trần thản nhiên thụ mệnh, dồn hết tàn lực vào chiêu “Kiếm Hải Cô Chu”.

Tú Châu đau đớn thét lên vì biết phu tướng không thể thoát chết! Các Chưởng môn cũng thở dài nặng trĩu.

Màn chưởng ảnh ma quái kia nuốt chửng cả Phiêu Trần, lẫn luồng kiếm quang mờ nhạt. Tiếng chưởng kình giáng vào da thịt nghe rất rõ, nhưng sau cùng lại là tiếng thét thất thanh cua nữ nhân.

Phiêu Trần văng ngược ra sau hơn trượng, còn Thược Dược Tiên Tử lảo đảo ôm bụng nhăn nhó. Máu tươi từ vết kiếm trào ra như suối chứng tỏ thương tích rất nặng nề. Bà ta rít lên the thé :

- Tiểu tử khốn kiếp dám dùng độc ám toán ta.

Tú Châu đã kịp chạy đến bên trượng phu, nhét vào miệng chàng bảy viên linh đan và điểm vài huyệt đạo trên tâm thất. Nước mắt nàng chảy ròng ròng trông rất đáng thương.

Phiêu Trần mở mắt gượng cười :

- Ta không chết đâu, nương tử chớ lo!

Chàng bám vai ái thê đứng lên, điềm đạm nói :

- Tại hạ không biết nghề phóng dộc, xin Minh chủ đừng nghi oan. Còn một chiêu cuối, mong Minh chủ dạy nốt cho!

Sức chịu đựng và dũng khí của chàng khiến mọi người kính phục, đồng thanh tán tụng.

Thược Dược Tiên Tử bị đâm thấu phủ tạng, chân khí lại bế tắc vì chất độc trong máu của Phiêu Trần, chẳng thể tái đấu được. Bà hậm hực nói :

- Bổn tọa nhận bại, hẹn ngươi ngày nầy nửa năm sau ở chân núi Thiếu Thất!

Phiêu Trần khẳng định :

- Tại hạ nhận lời!

Tuệ Nghiêm thần tăng hân hoan tuyên bố :

- Kính báo đồng đạo! Theo giao ước thì Thược Dược Tiên Tử từ nay chẳng còn là Minh chủ võ lâm nữa. Lão nạp sẽ chọn ngày lành để tổ chức đại hội, bầu Minh chủ khác!

Có dịp để vui, quần hùng hăm hở tán thành. Tạ Xuân Tiên lủi thủi lên kiệu rời nơi đã chôn vùi thanh danh và sự nghiệp, vất lại Minh Chủ lệnh kỳ và Võ Lâm đại kỳ.

Bà ta vừa khuất dạng thì Phiêu Trần ngã gục trên mặt cỏ. Toàn trường kinh hãi ồ lên lo lắng.

Các Chưởng môn chạy đến xem xét, thấy xương l*иg ngực và xương sườn Phiêu Trần đã gãy bốn năm lóng. Kim Đính Thượng Nhân vội chẩn mạch. Ông thở phào :

- Thiện tai! Thiện tai! Tâm mạch và phủ tạng Trần nhi vẫn còn nguyên vẹn!

Thượng nhân dựng Phiêu Trần ngồi lên, truyền chân khí vào. Hai người cùng luyện Nga Mi tâm pháp nên tác dụng rất mau lẹ, chỉ gần khắc sau, kinh mạch chàng đã thông suốt, chân nguyên lưu chuyển trở lại. Chàng mở mắt mỉm cười :

- Đồ tôn đã khỏe, sư tổ bất tất phải hao tốn công lực nữa!

Thượng nhân rút tay về, cười khà khà :

- Quý hồ ngươi toàn mạng là đủ, dù mệt nhọc bao nhiêu lão nạp cũng vui lòng!

Linh Hựu thần ni hiền hòa hỏi :

- Xét công lực của Thược Dược Tiên Tử và thương thế này thì phủ tạng Trần nhi chẳng thể vẹn toàn. Bần ni muốn biết ngươi luyện môn thần công gì vậy?

Phiêu Trần ngơ ngác đáp :

- Bẩm sư thúc tổ! Đồ tôn chỉ luyện Nga Mi tâm pháp mà thôi.

Tuệ Nghiêm thần tăng bước đến :

- Để lão nạp xem thử!

Ông lần lượt đặt ngón tay vào sáu huyệt đạo trên ngực Phiêu Trần, dùng chân khí thăm dò, Thần tăng giật mình :

- Sao lạ lùng thế này?

Ông tiếp tục thăm dò từ vai đến thắt lưng, rồi chuyển ra phía hậu tâm. Lát sau, Thần tăng đứng lên cau mày :

- Trong cơ thể Sở thí chủ có một luồng chân nguyên rất kỳ lạ, không nằm trong kinh mạch mà ẩn chứa khắp bắp thịt, bảo vệ cho phủ tạng. Đây chính là bước nhập môn của Kim Cương thần công. Kinh văn rất khó hiểu nên dù là công phu trấn sơn của Thiếu Lâm mà hơn trăm năm nay đệ tử bổn tự chẳng ai luyện được.

Các Chưởng môn kinh ngạc còn Phiêu Trần ngẩn người suy nghĩ. Chàng sa lệ nói :

- Sư tổ! Đồ tôn cho rằng đây là món quà của tiên sư di tặng trước khi tọa hóa. Đồ tôn chỉ bị thương nhẹ khi rơi xuống vực thẳm Lam Sơn, thế mà phải mất hơn nửa tháng mới hồi tỉnh. Có lẽ trong thời gian ấy, tiên sư đã truyền chân nguyên để đồ tôn có được lớp cương khí này.

Kim Đính Thượng Nhân gật gù :

- Chắc là vậy! Bốn mươi năm trước, lão nạp vô tình tán tụng tấm thân kim cương bất hoại của Toàn Cơ Thượng Nhân Công Tôn Chí thì sư phụ ngươi mỉm cười. Té ra lão cũng luyện thành nhưng chẳng nói ra.

Nãy giờ quần hùng nín thở lắng nghe cuộc đàm đạo, họ lên tiếng chúc mừng Phiêu Trần rồi giải tán. Sau trận chặt tay được Sa Mạc Chi Vương, tước ngôi Minh chủ của Thược Dược Tiên Tử hôm nay, thanh danh Nga Mi đại kiếm khách lẫy lừng tứ hải. Đồng đạo nhất trí tặng Phiêu Trần danh hiệu Võ Lâm Đệ Nhất Kiếm.

Miêu Vô Mi đã tìm được một chiếc xe độc mã, thắng con Lặc nhi vào rồi nhảy lên làm xà ích. Sau khi giã từ các trưởng bối, Tú Châu đưa Phiêu Trần vào xe. Ngựa của nàng và Vô Mi cột đằng sau để thay đổi. Vì nàng phải ở trên xe chăm sóc Phiêu Trần.

Trường Nguyên Chân Quân nhìn theo bóng chiếc xe ngựa, vui vẻ nói :

- Sở công tử chính là vị Minh chủ mà võ lâm mong dợi.

* * * * *

Bọn Phiêu Trần không đơn độc trên đường thiên lý vì được hộ tống bởi Phố Giang Thần Giải và năm mươi anh em Thủy trại.

Bốn ngày sau, đoàn người vượt sông Hán Thủy thì gặp bọn Kim Nhãn Điêu. Thấy Phiêu Trần còn sống, ai cũng hân hoan.

Quản Hoành Sơn yên lòng cáo biệt, giao Phiêu Trần cho thân quyến. Cuối tháng năm Sở gia trang mở tiệc mừng.

Vó ngựa vốn chậm hơn lời đồn đãi nên danh hiệu Võ Lâm Đệ Nhất Kiếm đã bay về Trường Sa từ mấy ngày trước. Người khoan khoái nhất vẫn là Sở Phỉ. Cậu ta có cảm giác rằng thanh danh Tứ Tuyệt Đồng Tử cũng lẫy lừng theo vinh quang của cha nuôi! Nhưng Phỉ nhi tránh không gẩn gũi Phiêu Trần sợ chàng nhắc đến chuyện học hành.

Nhờ linh đan diệu dược của Tú Châu và Vô Mi nên thương thế Phiêu Trần đã lành lặn vào khoảng giữa tháng sáu. Lần này Hà vương gia mở đại yến mừng cháu ngoại bình phục. Lúc sắp tan tiệc, Hà Hiến Trung nghiêm giọng :

- Trần nhi! Ta có một đại sự muốn nhờ ngươi giúp đỡ!

Phiêu Trần vội đáp :

- Xin ngoại tổ cứ dạy!

Hà vương gia trao cho chàng một đạo tấu chương gắn xi và đóng triện Bình Nam Vương :

- Trần nhi hãy đi Bắc Kinh, vào triều dâng cho Thánh thượng. Ngài xem trọng ngươi tất sẽ rộng lượng phê chuẩn. Việc này quan hệ đến hôn nhân đại sự của Tiểu quận chúa, mong Trần nhi cố gắng giúp ta.

Phiêu Trần vui vẻ đáp :

- Tiểu tôn đang định đi Sơn Đông một chuyến, nhân tiện thượng kinh cũng chẳng xa xôi gì. Ngoại tổ cứ yên lòng!

Về đến Sở gia trang, ba nàng đều đòi theo nên Phiêu Trần quyết định chỉ cho Miêu Vô Mi tháp tùng. Chàng nghiêm giọng :

- Sa Mạc Chi Vương và Thược Dược Tiên Tử hận ta thấu xương tất sẽ không chừa một thủ đoạn nào để báo thù, kể cả việc tập kích Sở gia trang. Các nàng phải ở lại tham gia phòng thủ, không được lơ là.

Khúc Mạc Sầu gật gù :

- Sở hiền đệ nói phải! Lão phu sẽ cho người cải trang làm ngươi, đánh lạc hướng đối phương. Bản thân hiền đệ cũng phải dịch dung để tránh va chạm.

Phỉ nhi nói ngay :

- Nay phụ thân đã là Võ Lâm Đệ Nhất Kiếm thì còn sợ gì nữa mà phải giấu mặt? Làm thế chỉ tổn thương đến thanh danh mà thôi!

Phiêu Trần cười nhạt :

- Ta nhờ yếu tố bất ngờ mà đắc thắng, chứ thực ra bản lãnh không bằng Sa Mạc Chi Vương hay Thược Dược Tiên Tử. Đồng đạo không biết nên tôn xưng, ngươi là người nhà cũng lầm sao?

Phỉ nhi cười hề hề :

- Hài nhi cũng hiểu, nhưng sự thực rành rành là phụ thân đã thắng, nếu không có bản lãnh quán thế thì dẫu đánh bất ngờ cũng vô ích. Ít nhất thì phụ thân cũng hơn đối phương ở phần cơ trí và đởm lược!

Cả nhà thầm khen Phỉ nhi lý luận sắc bén. Phiêu Trần tủm tỉm cười :

- Chắc ngươi đã học được khá nhiều chữ nghĩa nên hôm nay ăn nói rất lọt tai!

Phỉ nhi biến sắc, gượng cười :

- Không hiểu sao mỗi lần nghe đến chữ nghĩa là hài nhi lại đau quặn ruột gan, xem ra kiếp này chẳng thể trở thành nho sĩ! Hay là vài năm nữa, phụ thân cưới cho hài nhi vài cô vợ giỏi văn tự, đi theo giúp đỡ vậy.

Vẻ khổ sở trên gương mặt tròn trịa khiến cả nhà cười vang. Phỉ nhi xấu hổ chạy xuống nhà sau mất dạng. Kim Nhãn Điêu cười bảo :

- Ý kiến ấy cũng không phải dỡ! Cứ cưới cho y một người vợ dữ dằn là y phải biết chữ thôi.

Do Vương gia không yêu cầu đi gấp nên Phiêu Trần ở lại với thê tử thêm ít ngày, đến tận hôm hai mươi tháng sáu mới khởi hành.

Chàng và Miêu Vô Mi cải trang, âm thầm rời Trường Sa, đi về hướng thành Hán Khẩu ở Bắc Trường Giang. Từ đây, hai người tiếp tục theo hướng Đông bắc để đến Hợp Phì, địa phương trù phú nhất phủ Hưng Châu.

Phiêu Trần quyết định đi Sơn Đông, lên núi Bồng Lai tìm Thạch Châu trước, sau đó mới đến Bắc Kinh.

Đường thiên lý khiến kẻ ít nói như họ Miêu cũng phải mở miệng chuyện trò. Gã kể về cuộc sống gian nan và oai hùng trên vùng cao nguyên Hoàng Phố và hoang mạc Đại Oa Bích, khiến Phiêu Trần mở rộng kiến văn.

Chàng rất yêu mến gã thủ hạ trung thành, đã đem khẩu quyết của pho Toàn Cơ chỉ lực dạy cho họ Miêu. Có thêm công phu này, bản lãnh chàng dũng sĩ Tây bắc cũng sẽ thêm phần lợi hại.

Gần tháng sau, hai người đến Đăng Châu. Núi Bồng Lai nằm bên bờ Bột Hải, phía Bắc bán đảo Sơn Đông. Đối diện với ngọn danh sơn này là quần đảo Miếu, cách nhau chừng hai chục dặm. Sau này, hậu thế đã xác định được rằng cảnh Bồng Lai Tiên Cảnh ở vịnh Bột Hải chính là sự phản chiếu của những hình ảnh của quần đảo Miếu. Nhưng dù hư hay thực thì cảnh Hải Thị Thần Câu vẫn là kỳ quan của trời đất, chẳng phải nơi nào cũng có!

Ăn trưa xong, Phiêu Trần và Vô Mi gởi ngựa ở khách điếm rồi lên núi Bồng Lai. Vùng Hoa Bắc đã vào thu, cây cối tiêu điều vì rụng lá, chỉ còn lại những cây Ô Cựu khoe sắc đỏ.

Bồng Lai xưa kia vốn tên Đơn Nhai, nghĩa là chỉ có một đỉnh đứng chênh vênh cạnh bờ biển.

Đến chân núi, Phiêu Trần hỏi thăm lão tiều già, đưọc biết tảng đá tròn kỳ lạ kia nằm ở sườn Đông, cách đỉnh núi độ chừng hai chục trượng.

Hai người đi vòng ra hướng Đông rồi mới thượng sơn. Địa hình mé này khá hiểm trở, vách dốc đầy những mõm đá tai mèo sắc như dao. Có lẽ vì vậy nên cánh rừng phía trên khá rậm rạp, chưa bị đám dân nghèo đốn làm củi bán.

Vô Mi đã mang theo dây chão, đuốc và thức ăn để có thể qua đêm trên núi hoặc do thám một hang sâu nào đó.

Phiêu Trần lên trước, mang theo một đẩu dây chão nơi lưng, đầu kia buộc ngang bụng Vô Mi.

Hơn canh giờ sau, hai người mới lên đến bình đài có Thạch Châu.

Bình đài này không lớn lắm, vuôn vức chỉ dộ mười mấy trượng, hướng Tây là vách đá dựng đứng phủ đầy dây leo và rong rêu. Bảy tám cây Bách già nua vẫn xanh rì mặc kệ mùa thu, che mát cho bãi cỏ mơn mơn dưới chân.

Lù lù giữa bình đài là một tảng đá tròn chu vi độ ba người ôm, nặng đến sáu ngàn cân. Đỉnh Thạch Châu hơi bằng phẳng, do bị gió biển thổi mòn, còn đọng lại ít muối trắng. Hai người hớn hở quan sát thật kỹ tảng đá, cạo sạch những chỗ rêu bám, và thất vọng vì chung quanh không hề có khe nứt hay mối nối. Đây là một tảng đá nguyên vẹn, tồn tại từ thuở khai thiên lập địa đến nay.

Miêu Vô Mi bàn rằng :

- Theo thiển ý của thuộc hạ thì có thể bí mật nằm dưới chân tảng đá. Chúng ta thử lăn nó sang một bên xem sao?

Phiêu Trần cũng nghĩ như vậy nên cùng gã bới lớp đất quanh phần đá bị lún xuống. Xong xuôi, hai người vận toàn lực xô mạnh. Nhờ có độ nghiêng của mặt đất do họ tạo thành nên tảng đá nặng nề lăn đi một phần tư vòng, để lộ lớp đất phía dưới.

Vô Mi hăng hái đào bới bằng thanh đao bản lớn. Đến độ sâu nửa thân người mà cũng chẳng thấy gì. Phiêu Trần thở dài :

- Miêu hộ vệ đừng đào nữa!

Họ Miêu nhảy lên, đảo mắt nhìn quanh, không chịu bỏ cuộc. Gã rảo bước đến vách đá, vung đao dọn dẹp đám dây rừng và bụi bậm. Phiêu Trần cũng rút Vô Danh kiếm phụ lực. Khi chặt phá được một đoạn dài ba trượng, họ phát hiện một động khẩu hẹp, cao hơn đầu người, bề ngang chỉ dộ sải tay.

Vô Mi hân hoan quay lại chỗ tảng đá để lấy đuốc. Mặt trời đã ngã về Tây, khuất bóng đỉnh Bồng Lai nên vách Đông râm mát và tất nhiên là trong động đá sẽ tối om.

Họ Miêu châm đuốc, cầm đao đi trước mở đường. Phiêu Trần thì ôm những cây đuốc còn lại. Trên sàn động rải rác những bộ xương chồn, thỏ, độc xà, không khí ẩm thấp, hôi hám. Cũng may, đoạn đường hẹp này chỉ dài độ năm trượng là đến một hang rất lớn. Nhưng sàn hang lại chỉ còn một nửa vì phần cuối đã sụp xuống thành một vực sâu đen ngòm, kéo dài suốt chiều ngang của hang thạch nhủ. Khoảng cách từ mép vực đến vách bên kia xa độ tám trượng.

Hai người uể oải nhìn nhau rồi thăm dò phần vách hang còn lại. Chẳng thấy gì khả nghi, họ tiến đến mép vực nhìn xuống. Ánh đuốc không thấm thía gì đối với màn đêm vuĩnh cửu dưới vực sâu.

Vô Mi thử thả cây đuốc của mình xuống, chỉ rơi được vài trượng là ánh lửa tắt ngúm.

Phiêu Trần bỗng có cảm giác rằng bàn chân trái của mình hơi bị nghiêng dù mặt đá nơi chàng đứng rất bằng phẳng. Chàng xê dịch bàn chân, soi đuốc xem thử. Hóa ra đấy là một vệt lõm dài sâu độ lóng tay, mang dấu vết của sự đυ.c đẽo.

Vô Mi ngồi xuống thổi sạch bụi để lộ ra hình một mũi tên chỉ vào vực thẳm. Gã mừng rỡ nói :

- Công tử! Vậy là bí mật Thạch Châu nằm dưới đáy vực, để thuộc hạ ra lấy dây chão.

Gã đốt thêm đuốc, chạy bộ ra ngoài lấy dây và hành lý vào. Hai người ăn vội vài cái bánh bao và mấy miếng thịt trâu, rồi nối hai sợi dây chão lại. Do không lường trước tình hình bất ngờ này nên Vô Mi chỉ mua hai sợi có chiều dài tổng cộng là sáu trượng. Phiêu Trần cười bảo :

- Chúng ta cứ thử thám thính đoạn vách vực phía trên, nếu không có gì thì xuống núi mua thêm dây rồi quay lại.

Vô Miêu tán thành, hăm hở tuột xuống. Do mép vực không có chỗ buộc dây nên Phiêu Trần phải xuống tấn để giữ chặt lấy. Gần khắc sau, Vô Mi giật dây ra hiệu cho chàng kéo gã lên. Cái lắc đầu đã biểu hiện kết quả thảm hại của công viẹc.

Hai người trở ra, xuống núi về lại khách điếm. Sáng hôm sau, họ quay lên với những vòng dây chão thật dài. Phiêu Trần nghiêm giọng :

- Vực sâu thiếu dưỡng khí và ánh sánh. Ta nhờ ăn được kỳ trân nên nhãn lực hơn người, khả năng bế khí cũng vậy. Miêu hộ vệ hãy ở trên giữ chặt đầu dây là đủ.

Họ Miêu biết chàng nói phải liền ngập ngừng đáp :

- Mong công tử bảo trọng, nếu thấy sắp cạn hơi xin hãy ra hiệu ngay để thuộc hạ kéo lên!

Nét ưu tư trong đôi mắt Vô Mi khiến Phiêu Trần có linh cảm xấu. Chàng buột miệng nói :

- Nếu chẳng may ta có mệnh hệ gì thì Miêu hộ vệ hãy thay ta mang tấu chương của Vương gia đi Bắc Kinh. Kẻ trượng phu đã hứa thì không được để lỡ việc của người giao phó!

Vô Mi tái mặt gật đầu. Gã đốt một lúc mười mấy cây đuốc, đặt trên miệng vực để tăng thêm chút ánh sáng cho đáy vực đen ngòm.

Phiêu Trần bẻ một mõm thạch nhũ dài ba gang, cột vào đầu dây thả xuống vực. Hết chiều dài năm mươi trượng thì chạm đá. Chàng gật gù :

- Với độ sâu thế này ta tự tin có đủ sức bế hơi lên xuống.

Dây chão được kéo lên, chỉ chừa lại một đoạn gần trượng, Phiêu Trần tuột xuống, đứng trên thạch nhũ, tay cầm đuốc, tay bám dây.

Vô Mi thận trọng thả dần từng nấc để chủ nhân quan sát vách vực. Đến trượng thứ mười lăm thì ngọn đuốc tắt, Phiêu Trần ném bỏ, dựa vào thị lực và chút ánh sáng ở phía trên mà nhìn.

Nhưng vòng chão sau lưng Vô Mi càng lúc càng ít đi, gã ước lượng còn độ hai trượng là chạm đáy. Bỗng gã nghe tay nhẹ hẫng và dưới vực vọng lên tiếng thét thất thanh của Phiêu Trần.

Vô Mi kinh hoàng gọi vang :

- Công tử! Công tử!

Gã vừa gọi vừa thu dây, đau đớn nhận ra chỉ còn một đoạn dài độ sáu trượng.

Vô Mi điên cuồng gọi mãi, nhưng chẳng hề có hồi âm. Gã khóc đến đổ máu mắt. Với độ cao hai chục trượng không ai thoát chết được. Vả lại, đáy vực không có dưỡng khí.

Vô Mi cố bình tâm quan sát chỗ đứt, ngạc nhiên nhận ra cả một đoạn hai gang tay mang dấu vết bị gậm nhấm và ươn ướt. Gã đưa lên mũi ngửi, quả nhiên có mùi hôi hám kỳ lạ. Vô Mi đoán rằng trên vách vực có hang của một loài thú nhỏ nào dó và chính nó đã cắn đứt dây chão.

Lúc mua dây, Vô Mi đã cẩn thận kéo căng từng đoạn để kiểm tra độ bền vững. Lực đạo dồn ra cánh tay gã nặng hơn ba trăm cân mà dây vẫn không đứt, thế thì trọng lượng của Phiêu Trần chẳng thấm thía gì.

Vô Mi quỳ xuống mép vực, khóc lạy :

- Chủ nhân! Miêu mỗ còn trọng trách đưa thư đến Bắc Kinh và bảo vệ thê tử của người nên chưa thể theo xuống suối vàng hầu hạ được!

Gã ủ rũ nhặt tay nải để rời thạch động. Nhìn thấy túi da đựng thực phẩm và rượu ngon, Vô Mi xách lên thả xuống vực với niềm hy vọng mơ hồ nào đấy.

Họ Miêu về đến khách điếm, dắt theo cả tuấn mã của Phiêu Trần, đi men bờ vịnh Bột Hải, mười ngày sau mới tới Bắc Kinh.

Hình dung cổ quái và tiều tụy của gã khiến bọn cấm quân ở cửa Ngọ môn nghi ngại. Khi xem rõ dấu triện ở bìa tấu chương, họ mới chịu đưa Vô Mi vào, sau khi đã tước vũ khí.

Vô Mi phải đứng chờ trước điện Thái Hòa để viên Tổng quản thái giám mang tấu chương vào ngự thư phòng. Lát sau, thái giám trở ra, cho người dẫn họ Miêu đến dịch quán nghỉ ngơi, sáng mai sẽ được Thiên tử diện kiến trong buổi chầu sớm.

Miêu Vô Mi trơ trơ như tượng gỗ, chẳng nói chẳng rằng, tuân theo mọi sắp đặt của viên thái giám. Đêm ấy, gã không ngủ, ôm bầu rượu ngồi cạnh ngọn nến lung linh, tưởng nhớ đến Phiêu Trần. Giòng lệ anh hùng chảy dài trên gương mặt hốc hác, râu ria lởm chởm. Gã hận rằng mình đã không đủ bản lãnh để thay chủ nhân xuống vực và chết thay cho chàng.

Ngày ấy, Miêu Vô Mi đang bù khú với một công tử Mông Cổ ở sa mạc Đại Qua Bích thì nghe tin cố quận Tây bắc lâm đại hạn, người chết như rạ. Gã lập tức lên đường trở về quê hương ở chân núi Thạch Thủy sơn, đất Tây Hạ.

Nghe tên cũng đủ biết quê gã khô cằn sỏi đá, đất bán sa mạc trồng trọt khó khắn, chỉ sống dựa vào đàn gia súc. Trời hạn lớn, nước chỉ đủ cho người uống thì cừu, bò, lừa, ngựa... chỉ có cách chết khát hoặc chết đói. Vì đồng cỏ bị nắng thiêu cháy.

Vô Mi được bằng hữu tặng vàng bạc để mang về. Gã nhận lấy hết nhưng biết rằng chỉ vô ích mà thôi! Một tháng nữa gã mới về đến nhà thì chắc chẳng còn ai sống sót. Vả lại, làm gì có ai bán thực phẩm mà mua?

Nhưng khi vào đất Tây Hạ, nghe đồn về một cuộc chẩn tế vĩ đại và kịp thời, gã đã mừng thầm trong bụng. Gã chỉ ngạc nhiên ở chỗ ai là người đã chuẩn bị hàng vạn thạch ngũ cốc và vận chuyển đến tận vùng quan tái khi hạn hán mới xảy ra?

Dọc đường, gã đã được ăn những bát cơm gạo lúa nước của vùng Hoa Nam, chứng tỏ lương thực được chuyển từ ấy đến. Chẳng lẽ vị đại thiện nhân ấy đoán biết trước được thiên tai?

Về đến nhà, Vô Mi bật khóc khi thấy cả gia đình đều còn sống, dù gầy gò, hốc hác. Mẹ gã tuổi đã thất tuần, là người mà gã yêu quý nhất trên đời. Bà yếu đuối nên sẽ chết sớm nhất khi tai họa ập đến. Nhưng bà vẫn còn đây, ôm lấy con trai mà kể về công ơn của Nga Mi đại kiếm khách Sở Phiêu Trần. Bà đã dắt Vô Mì đến quỳ lạy trước chiếc bàn thờ mộc mạc, thô sơ, nơi người dân Tây bắc tưởng nhớ công đức ân nhân.

Phụ thân Vô Mi là tộc trưởng bộ tộc Đông Hương, đã quyết định triệu tập đại hội người thiểu số vùng Tây bắc. Vô Mi đánh bại hơn trăm võ sĩ, đoạt chức Tây Bắc Đệ Nhất Dũng Sĩ, trở thành tặng vật danh dự tặng Phiêu Trần.

Họ Miêu có nhiệm vụ hầu hạ, bảo vệ chủ nhân cho đến chết. Nhưng trớ trêu thay, Phiêu Trần lại có bản lãnh cao siêu hơn Vô Mi và đã cưu mang gã trong buổi đầu gặp gỡ! Chàng cũng dám nhận lấy phần nguy hiểm chứ không để thuộc hạ liều mình. Nhân phẩm của Phiêu Trần đã chinh phục được chàng dũng sĩ Tây bắc. Dù chàng không còn nữa, gã vẫn chẳng trở về cố quận mà ở lại để làm hộ vệ cho hậu nhân họ Sở là A Bảo.

* * * * *

Cuối giờ Dần, Hoàng cung đã cho thị vệ đến rước sứ giả của Bình Nam Vương vào triều. Vô Mi nở nụ cười chua chát khi được ngồi trên cỗ kiệu phủ sa đen. Đến sân chầu, gã ngơ ngáo đứng ở hàng cuối cùng.

Thiên Tử giá lâm, bách quan vén áo quỳ lạy, tung hô vạn tuế, nhưng Vô Mi chỉ vòng tay cúi đầu. Ai nấy đều sợ hãi, lo rằng Minh đế sẽ bắt tội gã hán tử quê mùa! Nhưng Long nhan đã mỉm cười hỏi :

- Phải chăng vị tráng sĩ áo nâu kia là sứ giả của Bình Nam Vương? Sao không lên đứng gần bệ rồng để trẫm thấy mặt?

Vô Mi thản nhiên nện gót, dáng đi oai phong, uyển chuyển như mãnh hổ. Thiên Tử vui vẻ phán :

- Té ra là Miêu tráng sĩ, hộ vệ của Sở hiền đệ. Khanh cũng có công lớn đối với Trẫm.

Long nhan quay sang báo quân thần :

- Này chư khanh! Quả nhân còn sống và lên ngôi thiên tử cũng là nhờ vào sự giúp đỡ của một vị bằng hữu áo vải chốn giang hồ! Người này tên gọi Sở Phiêu Trần, cháu ngoại của Bình Nam Vương đất Hồ Nam. Trần hiền đệ không biết ta là ai, chỉ một lần sơ ngộ mà đã xem như bằng hữu. Khi đại sự đã thành, y lặng lẽ bỏ đi, chẳng nhận một chút công danh, bổng lộc gì cả!

Chuyện này thì bá quan đã rỉ tai nhau truyền tụng nhưng họ vẫn giả vờ như lời vua vừa kể là mới mẻ, ly kỳ. Thuật làm quan là phải biết làm vui lòng thiên tử.

Thánh hoàng nhấp hớp trà sen để thấm giọng rồi nói tiếp. Ngài bỗng chuyẻn đề tài khiến mọi người bỡ ngỡ :

- Các khanh có nhớ vụ án phản quốc của Thủy Sư đề đốc Quảng Đông hai mươi năm trước hay không?

Bá quan nhất tề vòng tay gật đầu. Long nhan liền hỏi quan Hàn Lâm Thị Tộc Học Sĩ Vi Hồ :

- Theo ý Vi hiền khanh thì việc Đông Xưởng kết tội Thủy Sư đề đốc Hồng Khả Lận là đúng hay oan?

Vi học sĩ nổi tiếng cương trực, thanh liêm, can vua không sợ chết. Ông thẳng thắn đáp :

- Khải tấu Thánh thượng! Hồng đề đốc có hiềm khích với Đông Xưởng nên bị họ vu cáo. Hạ thần đã từng hết lời minh oan, nhưng Thái thượng hoàng chẳng để tâm đến.

Quan Tả Đô Ngự Sử Ngô Khai Tùng cũng nói :

- Khải tâu Thánh thượng! Sau khi toàn gia Đề đốc bị chém, hạ thần đã kết tội họ Hồng tư thông với Thủy Quân đề đốc Đại Việt Nguyễn Thái, nhưng thực ra Nguyễn Thái đã chết trước đó một năm, không thể đến thành Hợp Phố để gặp Hồng đề đốc được. Lời khai của gã lính gác dinh chỉ là mang trá!

Thiên tử ngậm ngùi than :

- Thương thay cho Hồng hiền khanh đã phải chết oan! Nay kẻ chủ mưu là Phương Hành ở Đông Xưởng cũng đã từ trần, Trẫm biết trừng phạt ai bây giờ?

Ngài dừng lời, mở bản tấu chương trên long án rồi nới tiếp :

- Chác các khanh đang thác mắc vì sao Trẫm lại nhắc đến vụ án năm xưa khi đang nói về người bạn giang hồ của mình? Thực ra thì hai việc có liên quan với nhau. Số là, hai mươi năm trước, Hồng Khả Lân thấy tư dinh bị Cẩm y thị vệ vây chặt, liền cho thủ hạ thân tín bồng ái nữ Hồng Vân Bích trốn ra, đem giao cho Bình Nam Vương nuôi dưỡng. Lúc ấy, Hà vương gia đang là Tổng đốc Lưỡng Quảng. Vương gia vì việc này mà từ quan, về Trường Sa qui ẩn, nhận Vân Bích làm con gái mình. Nay Hà hiền khanh muốn gả Tiểu quận chúa cho cháu ngoại là Sở Phiêu Trần nên mới dâng biểu trần tình mọi lẽ, nhờ Trẫm giải oan cho Hồng Vân Bích. Có thế thì hai người ấy mới kết hôn được.

Quần thần ồ lên, không ngờ sự tình lại éo le như vậy. Miêu Vô Mi càng xót thương cho Tiểu quận chúa vì mọi việc đã quá muộn màng.

Vi Học Sĩ tấu rằng :

- Khải tấu Thánh thượng! Xin người hạ chỉ tứ hôn mà sai Khâm sứ đến Trường Sa dán cáo thị để minh oan cho Hồng đề đốc đồng thời làm sáng tỏ lai lịch Hồng tiểu thư!

Long nhan hài lòng chuẩn tấu, ngài nói với Vô Mi :

- Miêu tráng sĩ hãy về báo với Hà vương gia rằng quả nhân sẽ chọn ngày lành tháng tốt, sai Khâm sứ đến ban chỉ tứ hôn cho Phiêu Trần và Hồng Vân Bích.

Họ Miêu định nói rằng Phiêu Trần đã chết, nhưng không hiểu sao cổ họng gã nghẹn chặt, chẳng thốt nên lời.

Quan Thái Bốc trổ tài, bấm tay tính toán rồi nói :

- Khải tấu Thánh thượng! Ngày hai mươi tháng chạp năm nay đại cát, đại lợi, có thể cử hành hôn lễ được.

Minh Đế gật gù :

- Khanh quả là mau mắn! Trẫm chuẩn y ngày tháng ấy! Miêu tráng sĩ nhớ lấy mà báo lại cho Hà vương gia và Sở hiền khanh.

Vô Mi buồn bã vòng tay, cúi đầu cáo biệt :

- Thảo dân xin được lui gót!

Gã đi rồi, bá quan liền xầm xì :

- Tay họ Miêu này thật cổ quái, từ đầu đến cuối chỉ nói có một câu, mặt thì cứ như đưa đám vậy!