Mọi người không tắm gội đã một thời gian dài, trời lại nóng nên đổ mồ hôi nhễ nhại, mình mẩy ai nấy cũng bốc mùi chua hôi, tóc... thể nào cũng mọc đầy chấy rận, bởi vậy đứa bé mới ngứa đầu dữ dội như vậy.
Ôi trời ơi...
Mạnh Thanh La ép mình không tiếp tục nghĩ về vấn đề này nữa, bởi vì hình ảnh ấy vừa hiện lên trong đầu, nàng không chỉ thấy đầu ngưa ngứa mà ngay cả chân tay cũng bắt đầu ngứa theo.
Một hồi lâu sau, Mạnh Thanh La chợt đứng dậy, cẩn thận xem xét tóc của hai bé con nhà mình đang ngồi trong gùi, kiểm tra xong thì vỗ ngực nhẹ nhõm. May quá, may quá, mặc dù tóc hai đứa nhóc hơi bốc mùi nhưng không thấy chấy đâu cả.
Trong gùi, hai đứa nhóc ngơ ngác hỏi: "Nương xem gì trên tóc bọn con thế?"
Đang lúc Mạnh Thanh La lo lắng về chấy rận trên tóc, Mạnh lý chính chạy đến tìm lão gia tử: "Tam thúc công, cứ tiếp tục thiếu nước như thế này thì phải làm sao đây? Trời thì nắng nóng, nước thì thiếu thốn không có mà dùng, bọn trẻ con và các phụ nhân dễ cảm nắng lắm! Tam thúc có nhớ đi bao xa nữa sẽ đến núi cao, khe sâu gì không?"
Sở dĩ Mạnh lý chính hỏi vậy là vì lão gia tử từng hộ vệ cho thân chủ đến kinh thành.
Mạnh lão gia tử im lặng, liếc mắt sang Mạnh Thanh La rồi vội vàng rời mắt, lắc đầu: "Đó đã là chuyện của mười lăm năm trước rồi. Khi đó công việc hộ vệ căng thẳng lắm, làm sao có thời gian nhớ hết những chuyện không liên quan hay những ngọn núi trên lộ trình dài ngàn dặm được. Bây giờ ta chỉ nhớ mang máng thôi, ta nhớ hình như gần đây có núi, nhưng có xa lắm hay không, phải đi mấy ngày nữa thì ta không nhớ. Già cả rồi nên trí nhớ cũng kém."
Không nhận được đáp án mình muốn, Mạnh lý chính buồn bã rời đi.
Bảo Miêu đã tỉnh, đang nằm trong lòng nương mình. Mạnh lý chính đi qua kiểm tra xem sao, thấy không có vấn đề gì to tát thì hô to, bảo mọi người tiếp tục lên đường, tiến về phía trước.
Nếu có nước thì phải đi, nhưng lỡ không có nước thì lại càng phải đi.
Có đi thì mới có hy vọng tìm được nguồn nước.
Lại một ngày nữa trôi qua, lại cắm trại một lần nữa.
Lần này, nhiều nhà trong thôn không buồn dỡ nồi, bát, muôi, xoong xuống, trong đó có cả Mạnh Thanh La.
Không có nước thì lấy gì mà nấu?
Trong ống trúc chỉ còn vài ba ngụm nước, phải giữ lại để nhấp cho đỡ khát.
Mạnh lý chính lại đi tới, dẫn theo đại nhi tử của mình - Mạnh Thường Hiếu, cùng với ba người thanh niên trai tráng trong thôn, cũng là những chàng trai sáng sớm đã ra ngoài đi tìm nguồn nước.
"Tam thúc công, cháu nghĩ lại rồi, vẫn phải cử người buổi tối đi tìm nguồn nước thôi, nếu không mọi người sẽ không chịu nổi mất."
"Được." Mạnh lão gia tử gật đầu: "Cho lão đại nhà ta đi cùng nữa, nó biết võ công, lỡ gặp phải chuyện gì cũng dễ bề đối phó."
Mạnh lão gia tử không ngờ bọn họ đi suốt hai ngày một đêm mà không thấy bóng một ngọn núi đâu cả, điều này cũng làm Mạnh Thanh La cực kỳ bất ngờ. Ban đầu nàng cứ ngỡ có núi thì nàng sẽ dễ động chân động tay, lấy nước ra khỏi không gian.
"Gia gia, cháu sẽ đi với họ." Mạnh Thanh La tiến lên.
"Không được!" Mạnh lão gia quả quyết phản đối: "Trời tối đen như mực, cháu không giúp được gì đâu, đi chỉ tổ thêm phiền thôi."
Cử đại nhi tử đi là ông cụ đã sốt ruột lắm rồi, huống gì đó lại là đại tôn nữ mong manh, yếu đuối chứ?
Mạnh lý chính vừa đến tìm ông cụ là ông cụ đã hiểu ý ông ấy ngay. Đại nhi tử có võ công, có ông ấy đi cùng sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro.
Mạnh Thanh La lại nhìn sang Mạnh lý chính, ông ấy sờ mũi, lảng tránh ánh mắt của nàng, có cùng suy nghĩ với tam thúc: Nàng đã không giúp được gì, đi theo chỉ tổ thêm phiền thôi!
Mạnh Thanh La nhìn về phía Mạnh đại bá, khát vọng sống sót trong Mạnh đại bá rất mãnh liệt, ông ấy cách xa nàng mấy bước rồi mới nói: "A La, đừng nhìn ta, đại bá ta đây cũng không đồng ý đâu. Đại bá nương cháu mà biết ta cho cháu đi cùng thì thể nào nàng ấy cũng cào nát mặt ta, đạp ta mấy cái cho mà xem."
Mạnh Thanh La: "..."