Giọt Thương

Chương 10.

Tên truyện: Giọt thương

Tác giả: Kha Nguyên

Chương 10

Uyên sửng sốt hai giây, mặt đỏ bừng vì hiểu được ám chỉ của Nghĩa. Cô trừng mắt, nguýt anh. “Anh nói linh tinh cái gì vậy? Đừng nghĩ mẹ đơn thân như chúng tôi luôn dễ dãi, lẳиɠ ɭơ rồi thích nói gì thì nói nhé.”

“Không, không. Tôi không dám nghĩ bà chủ như vậy.”

Nét mặt không vui của Uyên làm Nghĩa lúng túng. Anh biết bản thân đã hiểu sai ý cô, lời nói ra cũng vụng về khiến cô cảm thấy bị xúc phạm. Anh chân thành xin lỗi.

“Thật xin lỗi bà chủ. Là đầu óc tôi chậm tiêu, ăn nói bỗ bã, thiếu suy nghĩ. Bà chủ là người tốt, không chê bai hoàn cảnh mới ra tù của tôi mà nhận tôi vào làm. Tôi biết ơn bà chủ không hết, làm sao nghĩ bà chủ thế này thế kia. Đặc biệt, tôi cũng là bố đơn thân nuôi con nhỏ, cùng một hoàn cảnh, không có kiểu nghĩ ngu ngốc kia đâu.”

Uyên nhìn Nghĩa khua chân múa tay, luống cuống thanh minh vì sợ cô hiểu sai về con người anh. Nghĩ đi nghĩ lại, nguyên nhân là do cô nói chuyện không rõ ràng. Cô giải thích chuyện thuê trọ chung cho Nghĩa nghe.

“Một triệu bảy một tháng?” Nghĩa hỏi lại Uyên về giá phòng thuê.

“Đúng vậy.” Uyên gật đầu. “Chiều nay là hạn cuối để ký hợp đồng thuê trọ rồi. Phòng trọ gần ba mươi mét vuông, khá rộng rãi với gia đình đơn thân của anh. Tôi đồng ý cho anh ứng tiền lương tháng này. Thuê trọ gần nhau, sáng sớm tôi rất sẵn lòng cho anh đi nhờ xe máy đến quán ăn. Chứ ngày nào anh cũng phải lội bộ quãng đường dài, rất phí phạm thời gian.”

Uyên dừng vài giây, cười hiền. “Ừm, nếu anh đã tìm được chỗ thuê trọ tốt hơn thì cũng đừng ngại, cứ nói thẳng với tôi nhé. Tôi rủ anh thuê chung nhà là vì anh là nhân viên của quán, đúng lúc gia đình anh gặp chuyện không may bị mất nơi thuê trọ. Chúng ta làm cùng một chỗ, cùng là bố là mẹ phơi mặt ra đường kiếm tiền nuôi gia đình, hỗ trợ được cái gì thì nên giúp nhau. Kể cả anh không thuê phòng trọ cùng một nơi thì tôi vẫn đồng ý cho anh ứng lương tháng này.”

Một người không nhà cửa, không tài sản như Nghĩa, có cái gì đáng để một bà chủ như Uyên lừa gạt. Nghĩa hiểu và càng trân trọng lòng tốt của cô.

Nghĩa vui mừng gật đầu. “Cảm ơn bà chủ! Sự hỗ trợ này đã giúp gia đình tôi rất nhiều.”

Anh nhẩm tính trong đầu. Tiền cọc và tiền thuê một tháng hết ba triệu bốn, số tiền dư lại có thể mua đồ gia dụng trong nhà. Đám cháy đã thiêu rụi toàn bộ đồ dùng trong phòng trọ cũ. Chuyển đến nơi ở mới, đồ đạc sinh hoạt sẽ phải sắm sửa từ đầu. Nghĩa tin với hai ba công việc làm trong một ngày, anh sẽ tạo được môi trường sinh hoạt đầy đủ và dành dụm được tiền đi học cho con gái.

“Còn một chuyện quan trọng cần nói rõ với anh.” Giọng nói lạnh lùng của Uyên cắt ngang mạch suy nghĩ về tương lai của Nghĩa. Cô nhìn thẳng vào mắt anh rồi nhấn mạnh từng chữ. “Để tránh cho tương lai không có nhiều chuyện hiểu lầm không đáng có. Tôi muốn nói rõ với anh việc này. Tôi sẽ không vì một lần thất bại trong hôn nhân mà biến tình cảm thành trò chơi hoặc buông thả bản thân dễ dãi với đàn ông, đó là hành vi vô trách nhiệm với chính mình. Tôi không có ý định đi bước nữa. Tôi không ngại chia sẻ thẳng thắn với anh chuyện riêng tư là vì muốn tương lai dù chúng ta thuê chung nhà trọ thì cũng không vượt rào, không có các hiểu lầm về chuyện tình cảm.”

Sự cương trực, cởi mở và mạnh mẽ của Uyên làm Nghĩa càng thêm cảm phục và hổ thẹn. Anh làm phục vụ được một tuần, thi thoảng sẽ nghe thấy khách hàng là đàn ông buông lời chòng ghẹo bà chủ xinh đẹp, khi đó Uyên sẽ uyển chuyển đối đáp khôn khéo và lịch sự; đôi khi có các bác gái lớn tuổi muốn làm bà mai cho Uyên với vài người quen từng qua một đời vợ. Những khi đó, mặc dù Nghĩa luôn chuyên tâm làm việc nhưng các cuộc trò chuyện trong quán ăn đều lọt vào tai anh. Nghe nhiều cũng bị nhiễm, hoặc đơn giản xã hội này luôn có con mắt thiển cận dành cho những người phụ nữ là mẹ đơn thân, là gái đã qua một đời chồng, và Nghĩa là một trong số những người thiển cận đó.

Sau khi đóng cửa quán, Uyên và Nghĩa đi xem phòng trọ ở phố Chùa Láng.

Bác chủ nhà đến sớm hơn giờ hẹn, vui vẻ chào đón hai người.

Trong khi Uyên và bác chủ nhà thảo luận thêm về hợp đồng thuê nhà, Nghĩa tranh thủ đi quanh xóm một vòng. Anh xác định an ninh nơi này khá tốt thông qua vài lời hỏi han khéo léo ở quán trà đá vỉa hè gần đấy. Anh còn phát hiện nơi thu mua đồng nát mà Thảo là khách quen. Con gái thông minh của anh sợ bố biết chuyện nó vụиɠ ŧяộʍ đi nhặt đồng nát, kiếm được thứ gì là bán ở một nơi xa phòng trọ. Sắp tới gia đình anh chuyển đến đây sinh sống, anh có thể quản con gái chặt hơn.

Hợp đồng thuê nhà được ký kết. Uyên đứng ra thuê hai phòng trọ. Tiền thuê nhà các tháng tiếp theo sẽ bị cô trực tiếp trừ vào tiền lương của Nghĩa.

Uyên quay về phòng trọ cũ, thu dọn đồ đạc và chuyển đồ bằng xe máy. Cô muốn tranh thủ trước khi Tú Vi tan học, đồ đạc đã được sắp xếp ổn thỏa.

Nghĩa quay về phòng thuê chung, đưa ông Phước và Thảo đến nơi trọ mới.

Thảo không nghĩ với tình hình kinh tế nghèo xơ nghèo xác của bố Nghĩa sẽ thuê được một phòng trọ lớn để ở. Sau quãng đường cuốc bộ từ Đê La Thành đến phố Chùa Láng, cô bé ngỡ ngàng trước căn nhà hai tầng với khoảng sân rộng lớn. Cô bé hoảng hốt hỏi.

“Bố nói đổi chỗ ở là đổi từ phòng trọ mười tám người ngủ chuyển sang màn trời chiếu đất, ngủ trong cái sân này à?”

Thảo tuy không được ăn học nhưng đầu óc nó nhanh nhạy, đặc biệt thích các câu ca dao, tục ngữ học lỏm được từ các bà buôn thúng, bán mẹt. Nó học người lớn, thường chêm vào các câu hay hay vào lời nói của bản thân. Mỗi lần sử dụng các câu nói có vần có điệu này, nó sẽ có cảm giác bản thân không phải đứa trẻ thất học ngu dốt.

“Con muốn ngủ trong sân à?” Nghĩa chưng hửng hỏi con gái.

“Nếu bố không đủ tiền thuê phòng trọ thì con cũng có thể theo bố ngủ trên đất. Có phải chưa bao giờ con ngủ ngoài trời đâu. Nội nhỉ.” Thảo kéo tay ông Phước, cười khúc khích.

Nghĩa bật cười vì hiểu sai ý con gái. Anh vò tóc Thảo và nói.

“Chúng ta có phòng ngủ đàng hoàng nhưng nếu con thích ngủ trong sân thì bố có thể trải chiếu cho con ngủ.”

Thảo bĩu môi vì biết bố đang trêu chọc mình. Cô bé hỏi rất nhiều lần để xác định bố thật sự thuê được phòng lớn, dùng tiền lương để trả tiền ở trọ. Cô bé chắp tay sau mông, dạo quanh một vòng căn phòng rỗng tuếch. Nó đá vào chiếc giường gỗ, hồ hởi hỏi.

“Giường này là bố mới mua à? Sao cũ rích vậy?”

Nghĩa lắc đầu, giải thích. “Đây là giường của người thuê trọ trước bỏ lại. Chủ nhà nói chúng ta có thể dùng hoặc bỏ đi nếu không thích đồ cũ.”

“Bỏ đi là bỏ thế nào.” Thảo nhảy phắt lên giường, nhún nhảy vài cái để kiểm tra độ bền. Nó lăn một vòng rồi cười lém lỉnh với Nghĩa. “Người thuê trọ trước thật tốt bụng. Giường này chắc lắm ạ. Vậy là đêm nay nội không cần ngủ trên sàn nhà rồi. Mỗi lần nằm ngủ qua đêm trên sàn nhà là nội ho rũ rượi cả tháng trời. Tốn một đống tiền thuốc.”

Giọng cụ non luôn đặt cơm áo gạo tiền lên trên hết của con gái làm Nghĩa càng thương Thảo hơn. Anh nhìn ra cổng nhà, đề xuất với con gái.

“Con và ông nội ở đây. Bố đi ra chợ mua đồ dùng cần thiết nhé. Nơi này sẽ là nhà của gia đình mình. Chúng ta phải lau chùi, dọn rửa nhà cửa sạch bóng mới được.”

“Con cũng đi. Chúng ta đưa nội đi cùng đi bố. Để nội quen với các con ngõ trong xóm, về sau nội có bị lạc cũng biết được về nhà.”

Đề nghị của Thảo được duyệt. Gia đình ba người đi bộ đến khu chợ Láng Thượng cách nhà khoảng nửa cây số. May mắn có Thảo và ông Phước đi cùng nên có thêm hai người xách phụ đồ đạc.

Trận hỏa hoạn ở nhà trọ cũ khiến Nghĩa cẩn thận hơn trong vấn đề điện đóm. Anh kiểm tra quạt trần, bóng đèn điện trong phòng. Ngay cả mua nồi cơm điện nấu cơm và bếp gas cũng không nghe lời xúi của con gái là mua đồ cũ. Anh đi làm cả ngày, trong nhà chỉ có một ông cụ bị lẫn cùng đứa trẻ tám tuổi, không thể sơ sài, qua loa được.

Gia đình có ba thành viên, không có tiền mua đồ xịn thì mua đồ đạc giá bình dân, không cần mua đồ lớn, mua đồ vừa đủ dùng là được.

Nghĩa sắm sửa từ cái nồi cái xong, đến cái bát, đến gạo dầu ăn, mắm muối,... số tiền chi trả nằm ngoài sức tưởng tượng của anh. Phần dư của tiền lương sau khi thanh toán tiền thuê nhà, cộng thêm tiền công bốc vác cả tuần nay dồn lại không hề ít với một người nghèo, vậy mà mua xoong nồi, vật dụng cá nhân và bộ quần áo mới cho con gái, cho ông Phước, Nghĩa cạn sạch túi.

Thảo nhón chân, nhìn chỗ tiền lẻ ít ỏi trong lòng bàn tay Nghĩa, ngọt ngào cổ vũ bố. “Con đã nhớ rõ cách bật nồi cơm điện mà bác bán hàng hướng dẫn rồi. Cơm tối nay để con nấu cho. Bố ăn cơm do chính tay con gái rượu nấu là sẽ gặp may mắn đấy nhé. Đảm bảo tối nay làm việc kiếm được tiền nhiều gấp đôi.”

Giọng hưng phấn đột ngột chuyển thành lượng lự. Thảo hỏi. “Thật sự phải dùng bếp gas nấu rau hả bố? Con nghe người khác nói dùng bếp than rẻ hơn tiền đổi bình gas đấy bố.”

“Phổi của ông nội không tốt. Mùi khói than không tốt cho sức khỏe đâu.” Nghĩa đang đứng trên chiếc thang hình chữ A mượn được của hàng xóm để lau chùi quạt trần, bình tĩnh đáp lại từng lời than thở tiết kiệm của con gái.

Tình trạng sức khỏe của ông Phước luôn là việc được ưu tiên trong đầu Thảo. Cô bé tiếp tục căng mông lau bốn góc nhà và chấn song sắt cửa sổ. Ngôi nhà xây đã lâu, thiết kế cửa sổ kiểu xưa, có chấn song sắt gỉ sét cùng cửa gỗ màu xanh lá dạng lá sách. Thảo thích kiểu cửa sổ cổ điển này bởi vì kẻ trộm sẽ không có cơ hội đột nhập vào nhà từ lối cửa sổ. Nhà nó nghèo nhưng cũng không muốn nếm tư vị bị trộm viếng thăm.

Trong khi gia đình ba người nhà Nghĩa lau dọn, sắp xếp nơi ở mới, cánh cổng sắt màu nâu được mở ra từ bên ngoài.

Từ cửa sổ phòng Thảo có thể nhìn thấy một bàn tay mò mẫm qua ô vuông cạnh chốt cổng. Trước khi cổng sắt mở ra, cô bé gọi Nghĩa bằng giọng hưng phấn.

“Bố ơi, có trộm!”

Nghĩa vừa lắp thêm một bóng đèn để phòng trọ được sáng hơn, chưa kịp leo xuống sàn đã nghe thấy lời nói của con gái.

“Ban ngày ban mặt, có kẻ trộm nào ngốc hoạt động vào giờ này không hả con gái.” Anh chắt lưỡi trước trí tưởng tượng phong phú của Thảo, nhảy khỏi chiếc thang, chân phải khập khiễng sải bước lớn đi ra sân. Anh biết người đến là ai.

Cổng sắt mở toang. Một chiếc xe máy bị buộc kín các túi bạt lớn sau yên xe phóng vào sân. Uyên gạt chân chống xe, hơi giật mình khi thấy gia đình ba người nhà Nghĩa dàn hàng ngang nhìn cô chằm chằm.

“Anh đã đưa bác và con gái đến rồi đấy à? Sao thế? Có chuyện gì mà mọi người đứng đây vậy?”

“Con gái tôi thấy cổng bị mở ra, tưởng trộm đột nhập vào nhà nên tôi đứng đây bắt trộm.”

Thảo tức tối vì bị bố bán đứng, con bé nguýt Nghĩa một cái sắc lẻm rồi chớp mắt hỏi Uyên. “Sao cô biết nhà cháu chuyển đến đây vậy ạ? Cô lại muốn xin lỗi vì đâm xe vào cháu à? Cháu đã nói là không phải lỗi của cô rồi mà.”

“Cô cũng thuê trọ ở đây.” Uyên bật cười, bắt đầu tháo dây chằng các túi bạt đựng đồ đạc.

Nghĩa nhanh nhẹn giúp Uyên dỡ đồ.

Thảo đi vòng quanh xe máy, lách chách hỏi. “Cô thuê phòng nào vậy ạ? Ở tầng hai hay tầng một? Nhà cháu ở tầng một đấy cô.”

“Cô thuê phòng ngay bên cạnh phòng trọ của gia đình cháu đấy.”

“Ôi, thật ạ?” Thảo nhìn xe máy cùng chục túi đồ to tướng đang được bố Nghĩa đặt xuống đất, rồi quét mắt nhìn cánh cửa phòng thuê bên cạnh. Sự thông minh làm nó hiểu rõ vấn đề. “Vậy là hôm nay cô cũng như nhà cháu, mới chuyển đến đây sống, đúng không ạ?”

“Đúng vậy. Cô bắt đầu sống ở đây từ hôm nay.” Uyên gật mạnh đầu. Khóe mắt cô bắt gặp sự di chuyển liền rối rít ngăn cản Nghĩa khi thấy anh vác đồ mang đến phòng trọ của cô. “Ôi, tôi tự bê đồ được. Anh cứ để đồ xuống đi. Không phải hôm nay nhà anh cũng chuyển đến đây luôn à, anh cứ lo dọn dẹp phòng ốc cho xong đi. Tôi có thể tự làm được.”

Vài ba bao đồ đạc không phải chuyện quá sức với Uyên. Cô không thích nhở vả người ngoài những việc bản thân làm được. Đặc biệt là Uyên đã tìm hiểu về các công việc làm thêm của Nghĩa. Ngoài làm phục vụ ở quán bún chả, anh sẽ lăn lộn bốc vác, làm cửu vạn, làm các công việc lao động chân tay nặng nhọc nhưng tiền tươi thóc thật. Uyên biết chín tiếng đồng hồ chạy bàn, dọn rửa ở quán bún chả cũng đủ mệt với cái chân có tật của Nghĩa. Hiện tại, cô sao nỡ bắt anh khiêng đồ.

“Xách vài bao đồ có gì nặng nhọc đâu mà bà chủ khách sáo với tôi vậy?” Nghĩa đặt hai bao đồ trước cửa phòng Uyên rồi tiếp tục dọn đồ. Bước chân mạnh mẽ của anh bị câu hỏi đáng sợ của con gái chém ngang, suýt nữa vồ ếch.

“Sao bố lại gọi cô Uyên là bà chủ vậy ạ? Bố thành người hầu của cô Uyên từ bao giờ thế?”

Câu hỏi của Thảo làm Uyên dở khóc dở cười. Lần này thì cô chắc chắn Nghĩa và Thảo là bố con ruột rồi. Miệng mồm láu táu, nói trước khi nghĩ giống y xì nhau.

“Người hầu nào ở đây?” Nghĩa xách hai balo quần áo, đứng trước mặt Thảo, trừng mắt cảnh cáo con gái. “Con quên bố đang làm phục vụ trong quán bún chả rồi à? Cô Uyên là bà chủ quán ăn đấy.”

Thảo nghiêng đầu, nhìn về phía Uyên. Cô vừa mở xong cửa phòng trọ, mặt hướng về phía Thảo và cười. Nụ cười hiền lành, dễ tính và không chấp nhặt của Uyên làm cô bé thêm can đảm. Thảo tung tăng chạy về phía Uyên. “Bà chủ, để cháu giúp cô lau nhà nhé.”

“Cô thấy bên nhà cháu vẫn đang dọn dẹp dang dở kìa. Cháu có muốn thi với cô không? Xem chúng ta ai dọn dẹp, lau chùi nhà cửa xong trước nào.” Uyên là người sống có trước có sau, không thích lợi dụng người khác, đặc biệt là trẻ con. Cô khéo léo dẫn dắt Thảo để cô bé không ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng.

Nghĩa rất nhạy cảm khi bị người xung quanh từ chối. Anh không muốn mang tiếng thấy sang bắt quàng làm họ, lại càng không muốn dây dưa dấn sâu vào sinh hoạt của cô hàng xóm kiêm bà chủ. Uyên là phụ nữ sống một mình, không có chồng ở bên, anh không muốn danh tiếng của cô bị ảnh hưởng xấu.

Anh khiêng toàn bộ các bao đồ đạc đặt trước cửa phòng Uyên, rồi anh đóng cổng ngoài sân và kéo con gái quay về tiếp tục dọn dẹp nơi ở mới.

Đồ đạc hai mẹ con Uyên nhiều hơn gia đình Nghĩa. Cô tiết kiệm nên tha lôi toàn bộ đồ đạc ở phòng trọ cũ về nơi ở mới. Dù sao đây cũng là tiền do cô tự bỏ ra mua sắm, cô không muốn để lại cho bà chủ quái thai kia hưởng.

Trong chuyến chở đồ cuối cùng, Uyên chưa kịp thò tay mở công sắt thì cánh cổng đã được mở ra từ bên trong. Gương mặt rám nắng đẫm mồ hôi của Nghĩa xuất hiện trong nụ cười.

“Nghe tiếng xe là tôi biết bà chủ về. Còn nhiều đồ đạc không bà chủ?”

Sau hai ba chuyến Nghĩa giúp đỡ dỡ đồ đạc từ xe máy xuống sân, khiêng từ sân vào tới cửa phòng trọ, Uyên đã bớt khách sáo với anh. Cô lắc đầu. “Chuyến cuối cùng…”

“Gái nạ dòng với thằng thọt, đúng là trời sinh một đôi!” Giọng trào phúng cao vυ't bẻ gãy lời Uyên.

Động tác nhận lấy tay lái xe máy để dắt vào sân của Nghĩa dừng lại. Anh quay đầu và thấy một đôi nam nữ có điểm quen quen.

Sự mỉa mai xem thường nồng đậm trong giọng Uyên đã khẳng định thân phận của đôi nam nữ.

“Sao anh biết tôi ở đây? Các người theo dõi tôi hả?”

“Chị bớt dát vàng vào mặt mình đi. Vợ chồng em muốn đi đến đâu cũng phải báo cáo với chị à?” Hồng Đào vén tóc, nghiêng đầu, làm động tác vuốt bụng yểu điệu. Hôm nay cô ta mặc váy bầu làm phần eo nhỏ càng thêm mong manh, nhìn trái nhìn phải không có điểm nào giống bà bầu có thai năm tháng.

“Cách đây chưa đến một tuần, bà Dịu đến tận nơi thuê trọ của tôi để đơm đặt, bôi nhọ danh dự của tôi, khiến tôi phải tìm nơi thuê trọ mới. Hiện tại chân trước tôi tìm được phòng thuê thì chân sau hai người xuất hiện ngay cổng nhà trọ mới của tôi. Nói gia đình các người là âm hồn đeo bám cũng không sai đâu.”

“Chị nói ai là âm hồn hả? Em và anh Nam có việc gần đây, gặp chị ở đây là tình cờ thôi. Chị tưởng bản thân là ai mà gia đình em phải rình mò theo dõi? Chị nói mẹ Dịu bôi nhọ chị khiến chị bị chủ nhà đuổi ra ngoài, chị quên việc không có lửa sao có khói rồi à? Nhân phẩm chị tốt thì chủ nhà nào dám đuổi chị đi chứ.”

Lời nói của Hồng Đào đã xác định bà Dịu kể hết mọi nhục nhã, bẽ bàng cho Nam và Hồng Đào nghe.

Uyên khịt mũi, không muốn phí lời với hai người này. Cô nói.

“Nếu không phải theo dõi tôi thì mời hai người cút đi cho ngứa mắt.”

Cô vỗ vào vai Nghĩa, thúc giục. “Anh dắt xe vào sân đi, để tôi đóng cổng.”

Từ đầu đến cuối, Nam không nói lời nào. Hắn ăn mặc bảnh bao, tay ôm eo tình tứ với Hồng Đào nhưng ánh mắt thâm hiểm vẫn luôn nhìn Nghĩa chòng chọc. Hắn đột nhiên chuyển đề tài.

“Uyên! Cô dám kiện tôi vi phạm chế độ một vợ một chồng!”

Là câu khẳng định, không phải câu hỏi. Uyên hiểu bên phía luật sư đại diện cho cô đã bắt đầu hành động.

Cô cười khẩy, hỏi ngược lại. “Anh làm ả đàn bà bên cạnh có thai năm tháng trong khi chúng ta chưa được tòa xử lý xong chuyện ly hôn. Tôi đây là có lòng tốt giúp anh chịu đúng hình phạt cho hành vi phạm pháp của mình. Anh không cần cảm ơn!”

Uyên phẩy tay về phía Nam và Hồng Đào như ban ơn. Cô đóng cổng sắt lại thì bị Nam nhào tới cản.

Hắn giữ chặt cổng sắt, lần thứ hai đổi đề tài. “Tôi muốn đón Tú Vi về bên nhà. Cô cấm đoán không cho con bé thăm ông bà nội, không cho nó gặp mặt bố ruột. Cô còn muốn giành giật quyền nuôi con thì đừng có cố chấp, gan lỳ và sống ích kỷ như vậy. Tôi là bố ruột, tôi có quyền thăm nom con cái.”

Nam vừa nói vừa lén lút nhìn vào bên trong sân. Hắn muốn biết hoàn cảnh sống mới của Uyên.

Ánh mắt xảo trá của hắn làm Uyên ghét bỏ. Cô rít lên. “Cút!”

Mặt Nam tối sầm. Hắn dồn sức đẩy mạnh cổng sắt khiến Uyên vẫn luôn gồng vai đóng cửa bị mất đà, ngã ngửa về sau.

Nghĩa dựng xong xe máy, vội quay trở lại, kịp thời giữ được eo Uyên, kéo cô về phía sau. Anh ôm Uyên là theo bản năng. Anh biết cô rất ghét người chồng phản bội, chắc chắn cô sẽ rất buồn bực nếu bị Nam đẩy ngã.

“Ôm ôm ấp ấp với đàn ông thế này mà dám kiện chồng nɠɵạı ŧìиɧ. Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng!” Nam nhìn tư thế bảo vệ của Nghĩa, buông lời châm biếm hằn học.