Tên truyện: Giọt thươngTác giả: Kha Nguyên
Chương 1
“Anh không tin một người trẻ đẹp như em đã lập gia đình. Sao không bao giờ anh thấy chồng em ra phụ dọn quán vậy?”
“Em gửi chồng cho cave nuôi hộ mấy ngày rồi.”
“Chồng em làm nghề gì?”
“Anh ta mới ra tù vì tội đánh c.hết người, làm gì có nghề ngỗng gì.”
“Gặp được chồng em thì anh mới tin em là gái đã có chồng. Khi nào chồng em về?”
“Anh ta đi mây về gió, ai biết lúc nào về.”
Tiếng phì cười bật thoát ngay sau câu trả lời của Uyên. Cô quắc mắt, lia ánh nhìn sắc sảo về phía người đàn ông lạ mặt không biết xuất hiện trong quán từ lúc nào. Tay Uyên vẫn thoăn thoắt gỡ từng miếng chả thơm phức khỏi chiếc vỉ khi hỏi.
“Anh cười nhạo tôi đấy à?”
“Không không, tôi không có.”
Người đàn ông áo đen vụng về xua tay, nụ cười trên miệng chưa kịp thu hồi khiến gương mặt chữ điền căng cứng, lúng túng trước ánh mắt sắc bén của Uyên.
Từ trước đến nay, Uyên luôn niềm nở và kiên nhẫn với khách hàng. Cô cười lịch sự và hỏi.
“Anh ăn ở đây hay mang về?”
“Tôi… không ăn.”
“Hả?” Uyên chưng hửng, động tác gỡ thịt ngừng lại. Trước khi cặp lông mày lá liễu của cô chau lại kẹp chết cả con ruồi thì lời giải thích của người đàn ông vội vàng vang lên.
“Tôi đọc trên báo thấy tin tuyển dụng phục vụ bưng bê và rửa bát của quán. Xin hỏi chị tuyển được người chưa? Tôi muốn xin làm việc.”
Thời buổi này vẫn còn người không gọi điện đến trao đổi công việc trước mà trực tiếp đến thẳng quán thế này à? Uyên nhìn dáng người cao to cùng gương mặt tràn đầy hoocmon nam tính của người đàn ông, cảm thấy không ăn nhập với công việc phục vụ chân tay. Chiếc áo phông đen bạc màu cùng quần bò cũ kỹ mang lại sự trải đời lắng đọng thời gian trên người đối phương.
Nếu không phải khách hàng thì Uyên không cần nể nang. Cô đáo để hỏi.
“Anh vừa cười nhạo tôi hả?”
“Tôi…” Người đàn ông nuốt khan, nuốt luôn hai chữ ‘đúng vậy’ xuống dạ dày. Cô gái xinh đẹp đối diện chỉ trạc ba mươi tuổi, ăn mặc gọn gàng, giọng nói trong trẻo, không có gì đáng sợ, vậy mà anh bất giác không đáp được lời. Thật kỳ lạ!
Phản ứng thật thà của anh ta làm Uyên bật cười. “Hiện tại đang có khách, anh ngồi đợi tôi một chút.”
“Cảm ơn bà chủ!”
Nghĩa khiêm tốn ngồi vào chiếc bàn trong góc, lặng lẽ chà tay vào bên quần. Anh tự giễu bản thân. Đối diện đám đầu gấu, côn đồ hung ác, anh không sợ. Sao lại toát mồ hôi trước một cô gái lần đầu gặp thế này?
Để lấy lại bình tĩnh, anh cẩn thận quan sát quán ăn. Có thể tương lai quán bún chả sẽ là nơi trả lương nuôi sống cả gia đình anh.
Quán ăn rộng khoảng bốn mươi mét vuông, có gác xép. Bàn inox hàn chết xuống sàn nhà. Bàn ghế xếp kín cửa hàng và gác xép. Bếp nướng chả ngay mặt tiền quán ăn, thuận tiện cho việc nấu nướng. Quầy hàng để nguyên liệu và bát đĩa sạch sẽ và gọn gàng cho biết bà chủ là người nghiêm khắc.
Mười một giờ trưa, quán ăn chưa có nhiều khách. Chỉ có chiếc bàn gần cửa ra vào là có bốn vị khách vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả, cùng chiếc bàn gần quầy hàng có vị khách vẫn luôn nói chuyện với bà chủ.
Trước cửa là một bác gái hơn năm mươi tuổi luôn tay lật vỉ thịt nướng trên bếp xây bằng gạch. Khói bốc nghi ngút, chuẩn bị cho một buổi bán hàng đông khách.
Bên trong quán là Uyên đang khéo léo, không thiếu phần đáo để đáp lời vị khách luôn thăm dò về chồng của cô. Người tinh ý là nhìn ra vị khách này thích bà chủ quán bún chả.
Nghĩa vẫn luôn nghĩ người buôn bán hàng ăn sẽ là các bà sồn sồn trên dưới năm mươi tuổi nóng tính, hoặc ít ra trạc tuổi anh, ăn to nói lớn, chứ không phải là một cô gái chưa tới ba mươi tuổi có vẻ ngoài mặn mà cùng nụ cười duyên dáng như Uyên.
Đôi mắt xếch hung ác của Nghĩa vô thức nhìn Uyên đau đáu mà chính bản thân anh cũng không nhận ra sự thiếu ý tứ của mình.
“Rầm.”
“Xoảng.”
Chiếc ghế inox bị đá đổ xuống sàn nhà làm Nghĩa giật mình, thoát khỏi các luồng suy nghĩ không nên có.
Người đàn ông vẫn luôn nói chuyện với Uyên tức giận đá thêm một cái vào chiếc ghế, gầm lớn.
“Một con đàn bà bị chồng chê, rước bồ nhí về nhà có cái gì mà chảnh chọe với bố mày.”
Mọi lời đẩy đưa, ve vãn của vị khách đều bị Uyên bẻ gãy dễ dàng làm gã bẽ mặt, giở thói côn đồ. Vẻ hung hăng của gã chém đứt sự nhẫn nại của Uyên. Cô đứng bật dậy, chộp con dao chặt xương trên kệ, đập mạnh xuống quầy hàng bằng inox. Tiếng đập chát chúa đâm vào tai người nghe.
Gã đàn ông giật thót người, nhảy lùi ra sau nhanh hơn khỉ.
Uyên cầm dao, chỉ về phía gã, lớn giọng hỏi.
“Anh vừa nói cái gì? Nhắc lại lần nữa!”
Gã đàn ông nuốt nước bọt, quay đầu nhìn xung quanh, đúng lúc thấy Nghĩa đang lầm lì đi tới. Chiều cao của Nghĩa dọa gã sợ xanh mặt. Gã cắp đít chạy thẳng ra cửa quán ăn. “Buôn bán như ăn cướp, đừng mong bố mày đến ăn thêm lần nào nữa.”
Nghĩa theo phản xạ, vươn tay chộp cổ áo gã đàn ông. Gã vung nắm đấm đánh thẳng vào mặt anh. Nghĩa nghiêng đầu dễ dàng tránh cú đấm èo uột. Chân phải của anh quét nhanh và dứt khoát khiến đối phương ngã dúi, mặt đập vào cạnh bàn inox.
Tiếng gào như heo bị chọc tiết vang lên. Một tay người đàn ông ôm mũi đầy đau đớn, một tay vung vẩy về phía Nghĩa với thế võ mèo cào nực cười.
Nghĩa vừa định bẻ tay người đàn ông thì bị giọng lạnh lùng của Uyên ngăn cản.
“Để anh ta đi!”
Nghĩa thu tay nhanh như gió và tự giật mình vì phản xạ nghe lời của bản thân.
Vị khách xấu tính bỏ chạy va vào một tốp khách hơn mười người vào quán gọi món. Vẻ dữ dằn trên mặt Uyên biến thành nụ cười niềm nở nhanh hơn lật bánh tráng.
Sau khi đon đả chào đón khách, Uyên nói với Nghĩa. “Bán hàng là làm dâu trăm họ, không cần hùng hổ đánh người, tránh ảnh hưởng đến chuyện buôn bán. Lần sau gặp loại người nhảm ruồi này, anh giả bộ dọa nạt một chút là được.”
Hy vọng được nhận vào làm việc trương phình trong lòng Nghĩa. Anh chưa kịp mở miệng thì bị Uyên cướp lời.
“Anh ngồi đợi tôi một chút. Tôi làm cho khách đã.” Rồi cô gọi với ra bên ngoài cửa quán. “Nhanh tay lên bác Thoái ơi.”
“Đây, đây. Nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây.” Bác gái tên Thoái vẫn luôn tay nướng thịt ngoài cửa quán nhanh nhảu ôm một chồng vỉ thịt nướng vào trong quầy hàng.
Nghĩa nhìn bà chủ và nhân viên tất bật chào hỏi khách, luôn chân luôn tay, cuối cùng không thể ngồi yên. Anh nhiệt tình phụ giúp bưng bê, thu dọn bát đũa mà không cần ai nhắc nhở.
Từ mười một giờ trưa đến một rưỡi chiều, động tác nhanh nhẹn cùng thái độ nhiệt tình giúp Nghĩa nhanh chóng hòa nhập với nhịp điệu làm việc trong quán ăn.
Bàn ghế trong quán đã kín chỗ ngồi khiến Uyên không còn khách sáo, cô í ới gọi Nghĩa bưng bê thức ăn, thu dọn bát đũa bẩn như một nhân viên trong quán.
Bác Thoái tranh thủ thời điểm đợi Uyên đếm tiền lẻ trả cho khách, hỏi nhỏ.
“Cháu định thuê cậu này à? Cánh tay cơ bắp cuồn cuộn thế kia làm được ối việc. Chỉ có điều cái chân kia…”
Uyên liếc nhìn chân phải đi khập khiễng của Nghĩa. Cô cao một mét bảy mươi, vẫn chỉ đứng tới tầm miệng mũi anh, chứng tỏ người đàn ông lưng hùm vai gấu này ngót nghét cũng mét tám. Thân hình rắn chắc căng đầy trong bộ quần áo đơn giản, vậy mà cặp chân dài đầy sức bật lại có khiếm khuyết. Thật đáng tiếc!
Cô chắt lưỡi, đưa tiền lẻ cho bác Thoái và thúc giục.
“Bác thối tiền cho khách rồi nhanh đi nướng thịt đi. Lề mề buôn chuyện, tí nữa lại cong mông làm vội vàng qua quýt, cháy thịt của cháu mất thôi.”
“Làm thuê cho cháu cả năm không thấy chê bai nửa lời, bây giờ có nhân viên mới là bắt đầu hắt hủi bà lão này đúng không?” Bác Thoái khịt mũi, giả bộ giận dỗi làm Uyên phì cười.
Bác Thoái vội vàng chạy đến bếp than, tiếp tục lật các vỉ thịt nướng thơm nức mũi.
Cuối giờ, bà chủ và hai nhân viên cùng quây quần bên chiếc bàn kê cạnh cửa để ăn bữa trưa muộn. Lời từ chối ngại ngùng của Nghĩa bị cái lừ mắt đanh đá của Uyên chém đứt.
“Không cần biết anh có làm ở đây hay không, buổi làm việc hôm nay phải trả lương đầy đủ cho anh. Bữa sáng và bữa trưa cho nhân viên là quy định của quán ăn. Anh ngồi xuống đi, đừng khách sáo.”
Nghĩa cười hiền, trong lòng nóng như lửa đốt. Trực giác khiến anh hiểu ám chỉ của Uyên. Khả năng anh được nhận vào làm phục vụ ở quán bún chả là rất thấp.
Sau bữa trưa, bác Thoái còng lưng bên bốn thùng bát đĩa bẩn, Uyên và Nghĩa ngồi đối diện nhau ngay dưới chiếc quạt trần già chạy èo uột. Uyên tự giới thiệu.
“Tôi tên Uyên, ba mươi lăm tuổi, là chủ quán ăn này. Anh bao nhiêu tuổi nhỉ? Để chúng ta tiện xưng hô.”
Nghĩa giật mình, thầm kinh ngạc. Uyên trẻ hơn tuổi thật rất nhiều.
“Tôi tên Nghĩa, ba mươi chín tuổi.”
Uyên hỏi quê quán và tình huống gia đình của Nghĩa.
Nghĩa thành thật trả lời. “Hiện tại tôi sống với bố và con gái bảy tuổi ở Đê La Thành.”
Uyên nhìn xuống chân Nghĩa, lưỡng lự vài giây rồi nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi. “Chân của anh là bẩm sinh hay trưởng thành mới bị tật?”
“Chân phải của tôi bị thương trong một tai nạn cách đây sáu năm. Không phải bẩm sinh.”
“Tôi không có ý thọc mạch vào chuyện riêng tư, chỉ là công việc phục vụ trong quán khá nặng nhọc, cần liên tục đi lại để kịp thời phục vụ khách. Tôi thấy anh đi lại rất nhanh nhẹn, không bị ảnh hưởng bởi đôi chân. Nếu là bệnh gần đây thì có tái phát hay trở nặng gì không? Tìm được phục vụ phù hợp và làm lâu dài rất khó, tôi không muốn mất công tuyển người nhiều lần khi anh phải xin nghỉ để chữa bệnh đâu.”
“Nếu là chuyện này thì bà chủ yên tâm. Thời điểm bị thương, do hoàn cảnh và kinh tế không tốt nên tôi đã bỏ lỡ thời gian chữa trị tốt nhất. Vết thương ở chân đã định hình, không có biến chứng, không trở nặng. Sức khỏe của tôi rất tốt, rất hiếm khi ốm đau. Tôi chắc chắn hoàn thành tốt mọi công việc phục vụ và dọn dẹp.”
Uyên nhận ra điểm khác thường trong giọng nói gấp gáp của Nghĩa. Cô suy nghĩ một chút, hỏi thẳng.
“Giờ làm từ năm rưỡi sáng đến hai rưỡi chiều, bao ăn sáng và trưa, lương sáu triệu. Đây là mức lương mặt bằng chung. Sức lực của anh rất lớn, sức khỏe cũng tốt, có nhiều công việc để lựa chọn, tại sao anh muốn vào đây làm?”
“Tôi chỉ tốt nghiệp cấp ba, không có bằng cấp không thể xin được việc văn phòng. Tình huống của tôi chỉ thích hợp làm công việc chân tay. Chân của tôi có tật, dù sức khỏe tốt thì làm cửu vạn bốc vác cũng không thể lâu dài.” Nghĩa nuốt khan, hít vào thật sâu, cẩn thận và hồi hộp nói từng chữ.
“Không giấu gì bà chủ. Tôi mới đi tù về.”
Uyên giật nảy người, tay rụt xuống dưới bàn, đè lên túi đựng tiền hàng đeo ngang hông. Đây là phản xạ vô thức, chính cô cũng không nhận ra phản ứng của bản thân.
Ngay cả bác Thoái đang lui cui rửa bát cũng ngẩng đầu vụиɠ ŧяộʍ nhìn Nghĩa nhiều hơn một chút.
Nghĩa ngồi thẳng lưng, chịu đựng hai ánh mắt săm soi. Cánh tay màu mật ong của anh lộ ra cơ bắp cuồn cuộn. Ngay dưới mép gấu áo cộc là một nửa hình xăm to bằng bàn tay.
Uyên sẽ không phán xét phiến diện người có hình xăm trên cơ thể, cũng không đánh giá nhân phẩm của người thích xăm hình. Tuy nhiên, kết hợp tình huống từng ngồi tù của Nghĩa, cô biết hình xăm trên tay anh ta xuất phát từ đâu.
Nghĩa không trốn tránh ánh mắt soi mói của Uyên. Anh vén tay áo, lộ ra hình đầu hổ đang nhe răng hung tợn. Anh nói.
“Hình xăm này có khi tôi đang ngồi tù. Không dám giấu bà chủ. Tôi đã xin việc suốt ba tháng, cũng phải hơn năm mươi nơi từ chối vì lý do tôi từng ngồi tù.”
Uyên chớp mắt, tay di chuyển khỏi chiếc túi đựng tiền bên hông, đầu óc cô nhanh nhẹn sắp xếp suy nghĩ. Cô nhìn thẳng vào mắt Nghĩa và chân thành chia sẻ.
“Anh đã thành thật như vậy, tôi cũng nói rõ hoàn cảnh của cửa hàng với anh. Tuy chỉ là một quán bún chả nhỏ nhưng điều kiện chọn người của tôi rất cứng ngắc và bảo thủ. Quán ăn này là kế sinh nhai của tôi, yêu cầu về nhân phẩm là yêu cầu cơ bản dành cho người sẽ cùng làm việc với tôi trong thời gian dài. Chuyện anh từng ngồi tù… Tôi không thể nhận anh vào làm. Mong anh thông cảm.”
“Tôi cải tạo tốt, được ra tù sớm hơn bản án… Tôi đã hoàn lương. Mong bà chủ thương tình cho tôi cơ hội.”
Từng lời nói cẩn thận của Nghĩa mang theo hy vọng và cầu xin, đổi lại là cái lắc đầu cương quyết của Uyên.
Đợi Nghĩa lịch sự cảm ơn rồi rời đi, bác Thoái mới đến bên cạnh Uyên, tò mò hỏi.
“Sao cháu không hỏi cậu ấy nguyên nhân ngồi tù?”
Uyên mở túi, bắt đầu đếm tiền hàng. Ngón tay nhanh thoăn thoắt trong giọng nói sang sảng. “Bác làm ở đây cũng biết nhiều lúc cháu có việc đột xuất không có mặt ở quán, chuyện tiền nong, buôn bán giao cho nhân viên 100%. Cháu mà tin tưởng là đã trực tiếp tuyển người rồi. Nếu cháu chưa tin tưởng thì sẽ không tuyển dụng, không tìm hiểu sâu vào chuyện đời tư của người khác. Cháu chỉ muốn yên ổn kiếm tiền nuôi con, không thích liên quan với các thành phần ra tù vào tội đâu.”
Bác Thoái nhìn ra ngoài đường. Dáng người cao lớn hơi khập khiễng bước đi dưới nắng vàng gắt gỏng của Nghĩa nhìn sao cũng kham khổ. Lòng trắc ẩn của bác Thoái bật thành lời. “Không biết khó khăn đến mức nào mà không có nổi chiếc xe để đi. Ăn nói lịch sự, thái độ khiêm nhường đến mấy thì cũng là người ra tù vào tội, không có người quen nói đỡ thì khó tìm được việc làm tử tế lắm.”
Uyên không tiếp lời.
Bác Thoái lưỡng lự vài giây rồi lo lắng hỏi.
“Chuyện ly hôn của cháu thế nào rồi? Thằng Nam vẫn kiên quyết không ly hôn à?”
Uyên lắc đầu với gương mặt không có biểu cảm.
“Đúng là khốn nạn mà. Rõ ràng thằng chó đấy nɠɵạı ŧìиɧ, đến khi bị vợ nộp đơn ly hôn thì lươn lẹo nói với tòa là nó còn tình cảm với vợ, nhất quyết không ly hôn.”
“Loại đàn ông mèo mả gà đồng đâu có suy nghĩ như người thường.” Uyên nhún vai, hờ hững nói. “Cháu còn cắn chặt việc đòi một nửa căn nhà sau khi ly hôn thì anh ta còn dây dưa, không buông tha cháu.”
“Cháu đòi lấy nửa tài sản là đúng. Mặc dù ngôi nhà xây trên đất của mẹ chồng nhưng tiền xây nhà là cháu chi 100%. Làm gì có chuyện cháu phải rời đi tay trắng chứ. Cháu không kiện đòi tiền bồi thường thanh xuân là phúc tổ bảy đời nhà thằng chó đấy rồi.”
Uyên bật cười trước lời nói đáo để của bác Thoái. Mỗi lần nhắc đến gã chồng bội bạc của cô, bác Thoái luôn nổi khùng, buông lời thóa mạ không thương tiếc.
Bác Thoái nhìn vẻ bình chân như vại của Uyên, sốt ruột thay cô. “Thằng chó đấy dăm ba ngày lại kéo côn đồ đến phá rối quán. Có nhân viên là đàn ông con trai vẫn an toàn hơn đấy Uyên.”
Uyên ngẩng đầu, nhìn ra cửa quán hai giây. Con ngõ trước quán vắng hoe, không còn bóng dáng Nghĩa. Cuộc sống tương lai của mẹ con cô còn tính toán từng ngày, sao lo được cho người dưng. Uyên là mẫu phụ nữ mạnh mẽ, cứng đầu và sắt đá khác vẻ ngoài xinh đẹp, mặn mà. Cô thở dài.
“Phụ nữ chân yếu tay mềm như bác cháu mình đúng là dễ bị bắt nạt. Được rồi, dọn dẹp hàng xong, cháu sẽ chạy ra chợ mua thêm con d.ao phay về phòng thân.”
Hình ảnh Uyên cầm da.o phay đe dọa vị khách quấy r.ối tìиɧ ɖu͙© lóe lên trong đầu hai người. Bác Thoái và Uyên nhìn nhau rồi bật cười.
Dân gian có câu “gái một con trông mòn con mắt” khiến Uyên thường xuyên bị khách hàng là đàn ông trêu đùa. Lần nào Uyên cũng đáo để trị kẻ xấu thẳng tay, cô vô tình mang tiếng là sư tử Hà Đông.
Khóe miệng Uyên nhếch lên, mắt nheo lại đầy nguy hiểm. Giọng cô đầy kiên cường. “Chó cùng cắn dậu. Anh ta dám mang đầu gấu đến phá quán thì cũng xác định bóc lịch đi.”
“Được, lần sau thấy thằng Nam ló mặt vào quán là bác gọi 113 ngay và luôn. Tên thì đẹp mà sống bẩn, không xứng mặt đàn ông.”
Tiếng cười vui vẻ của Uyên và bác Thoái quên đi mệt nhọc của một ngày bán hàng tấp nập.
Bác Thoái quay về với đống bát đĩa bẩn chưa rửa, vừa làm việc vừa buôn chuyện với Uyên. “Hôm nay thứ sáu, Tú Vi đến ở nhà thằng Nam à?”
“Vâng. Cứ chiều thứ sáu là anh ta đón con bé tan học rồi đưa về nhà nội ở hai ngày cuối tuần.” Uyên tiếp tục đếm tiền. Miệng nói chuyện không chút ảnh hưởng động tác tính toán tiền hàng. “Cũng nhờ bác khuyên nhủ mà cháu thay đổi suy nghĩ đấy.”
“Khách sáo cái gì. Bác coi cháu như con gái, giúp được cái gì thì giúp. Người lớn cứ nói trẻ con không hiểu cái gì, thực ra bọn nó biết hết đấy. Nhất là con Tú Vi thông minh, lanh lợi thế kia.”
Người mẹ nào nghe con cái được khen cũng thấy vui vẻ. Uyên nghĩ đến giai đoạn đầu khi cô đưa ra quyết định ly hôn.
Hôn nhân không hạnh phúc, vì bản thân và vì con cái nên cô đơn phương ly hôn với Nam, người chồng tệ bạc và vũ phu. Cô kiêu ngạo không muốn nhận chu cấp nuôi con của chồng nhưng gia đình bên ngoại cùng bạn bè, người quen đều trách cô ngốc.
Vợ chồng ly hôn là chuyện của người lớn. Tú Vi sinh ra có đầy đủ bố mẹ, bố mẹ vẫn còn sống sờ sờ, Uyên không có quyền ngăn cấm Nam gặp mặt con gái. Và đặc biệt, cô không nên ích kỷ tước mất quyền lợi và nghĩa vụ nuôi con đến năm mười tám tuổi của Nam. Làm vậy, người thiệt thòi về mặt tình cảm và kinh tế chỉ có con gái của cô.
Bây giờ Tú Vi còn nhỏ, con bé sẽ không biết oán trách mẹ. Nhưng đợi vài năm sau, hai mẹ con thui thủi với nhau sẽ không tránh được những va chạm nhỏ. Thiếu thốn tình cha, Tú Vi sớm muộn sẽ nhớ đến bố ruột. Và khi đó, không ai đảm bảo con bé không oán trách mẹ đã chia rẽ tình cảm hai bố con.
Uyên lấy chồng là tự nguyện, ly hôn là vì mong muốn của bản thân. Con gái của cô tuy mới sáu tuổi thì cũng có quyền hưởng thụ tình yêu thương của bố mẹ dù bố mẹ không sống bên nhau.
Thay đổi suy nghĩ khiến lòng Uyên thanh thản và kiên định với chuyện ly hôn hơn. Cô cười cong đôi mắt huyền đen nhánh, giọng nói trong veo khi nhắc đến bình rượu mơ.
“Tú Vi sang nhà nội hai ngày cuối tuần khiến cháu có thêm thời gian rảnh. Cháu mới tìm được việc dọn dẹp theo giờ ở một trung tâm dạy tiếng Anh vào ba buổi tối cuối tuần. Bảy mươi nghìn một giờ, mỗi tối làm ba tiếng. Bác có muốn làm không? Để cháu hỏi anh quản lý.”
“Thôi thôi, cái thân già này ngày làm chín tiếng cho cháu là kiệt sức rồi. Tham thêm việc là tiền công không đủ tiền thuốc đâu.” Bác Thoái bê rổ bát đĩa lớn ra chỗ có nhiều nắng ngay trước cửa quán. Giọng nói trêu chọc đầy thiện ý vang lên. “Đời thuở nhà ai làm bà chủ quán ăn rồi còn đi làm giúp việc theo giờ. Tiền để đâu cho hết.”
“Cháu ly hôn thành công là trở thành người không nhà, không cửa. Nhà ở thuê, cửa hàng cũng là thuê, có hai mẹ con nương tựa vào nhau, kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy bác ạ. Hai tháng nữa là Tú Vi vào lớp một rồi. Lại một đống tiền đóng học đầu năm. Không phòng trước không được.”
Bác Thoái thở dài thườn thượt, không tiếp lời Uyên. Đâu phải cứ là bà chủ của một quán ăn là sẽ tiền túi rủng rỉnh. Uyên kỹ tính trong chuyện tuyển nhân viên cũng là chuyện dễ hiểu.
Quán ăn đóng cửa là Uyên phóng xe ra chợ mua hàng chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Bởi vì cô không cần đến trường mẫu giáo đón Tú Vi tan học nên sau khi nghỉ ngơi hồi sức, Uyên bắt tay vào công việc làm thêm theo giờ. Trung tâm tiếng Anh là một ngôi nhà có năm tầng, mỗi tầng có ba phòng học. Dọn dẹp xong xuôi cũng là bảy giờ tối.
Lâu lắm mới làm hai công việc một ngày khiến Uyên thở dốc vì mệt. Cô học hết cấp ba là đi làm vì không có điều kiện học đại học. không bằng cấp nên công việc lựa chọn của cô đều liên quan lao động chân tay. Cô đổi rất nhiều nghề, chỉ cần kiếm tiền chân chính, bằng sức lao động của mình là Uyên làm.
Thời điểm sau khi sinh Tú Vi được sáu tháng, bởi vì bị chồng chửi là đồ ăn bám mà cô cắn răng gửi con gái đi nhà trẻ sớm. Một thân một mình làm hai việc cùng lúc. Tiền kiếm không nhiều nhưng đủ tiền sữa bỉm của con, tiền sinh hoạt cho cả đại gia đình. Đến khi cô dắt lưng được một số vốn, tự mở quán bún chả, thuê nhân viên cùng bán hàng thì vấn đề kinh tế mới bớt nặng gánh.
Hiện nay vì ly hôn, vì phải nuôi con gái một mình, vì chuẩn bị cho tương lai bình yên của hai mẹ con, Uyên nhận thêm việc. Làm nhiều sẽ quen với cảm giác nặng nhọc. Cô còn trẻ khỏe là phải phấn đấu, cố gắng hết mình.
Sau khi nghỉ ngơi đủ, Uyên vừa định lấy xe máy về nhà thì phát hiện điện thoại có hơn hai mươi cuộc gọi nhỡ của cô giáo dạy Tú Vi.
Uyên hoảng hốt gọi lại cho cô giáo. “Chào cô giáo. Tôi không cầm điện thoại nên bỏ lỡ cuộc gọi của cô. Xin hỏi có chuyện gì không cô?”
“Mẹ Tú Vi à, bây giờ đã bảy giờ tối rồi. Chị qua đón con để em còn tan lớp ạ. Lớp học tan vào lúc năm giờ chiều, các cô giáo chỉ hỗ trợ trông các bé đến sáu giờ tối thôi. Mong chị thông cảm và nhanh đến lớp đón con giúp em.”
“Bố của Tú Vi không đến đón con hả cô?”
“Em vẫn nhớ chiều thứ sáu là bố Tú Vi sẽ đón con nhưng tan học hai tiếng đồng hồ rồi vẫn không thấy ai. Em gọi điện thoại cho bố Tú Vi hơn mười lần mà không ai bắt máy. Cả trường tan học hết rồi, còn mỗi em và Tú Vi. Nhà em ở khá xa, mong chị thông cảm, nhanh qua lớp đón con giúp em nhé.”
Uyên nuốt cục tức xuống bụng, rối rít xin lỗi cô giáo rồi phóng xe đến trường mẫu giáo.
Bình thường, khi Uyên bình tĩnh là cô luôn cất túi xách vào cốp xe máy khi chạy xe trên đường. Hôm nay bận lòng về con gái bị bố ruột bỏ quên khiến cô bất cẩn, hấp tấp đeo túi xách trên vai khi đi xe máy. Chuyện cướp giật túi xách của đàn bà con gái là chuyện xảy ra rất thường xuyên. Uyên xui xẻo bị kẻ xấu chọn làm mục tiêu.
Trung tâm tiếng Anh nằm trên đường Thụy Khuê, trường mầm non của con gái nằm ở Pháo Đài Láng, Uyên chọn đi đường Bưởi chạy thẳng ra Đường Láng. Cô bị cướp giật ngay ở đường Bưởi. Có chiếc xe máy từ phía sau phóng lên với tốc độ nhanh, giật mạnh túi xách đeo trên vai Uyên làm cô mất tay lái, xe ngã đổ ra đường. Cả người và xe theo đà ngã, mài một đường dài xuống mặt đường.
Xe đυ.ng vào vỉa hè thì dừng lại. Cơn đau thấu óc từ chân xông thẳng lên đầu khiến Uyên xây xẩm mặt mày. Cô hốt hoảng la lớn, ngẩng đầu nhìn về phía trước để tìm kẻ gây ra tai nạn.
“Cướp! Cướp…”
Tiếng hô hoán bị cảnh tượng khó tin phía trước làm tắc nghẹn trong cổ Uyên.
Hơn bảy giờ tối, dưới bầu trời đầy sao, ngọn đèn cao áp chiếu rõ cảnh một người đàn ông vung chân đá mạnh vào gã ngồi phía sau chiếc xe máy vừa giật mất túi xách của Uyên.
Gã trọc ngồi sau ngã văng xuống đất, cản trở đường đi của hai chiếc xe máy phía sau đang phóng đến.
Xe máy mất tay lái va vào nhau, ngã rầm xuống đường.