Cái Nhìn Của Linh Hồn

Chương 4: Piano

Tiếng đàn piano du dương vang lên trong sảnh bữa tiệc.

Trong bộ váy cưới đuôi dài như tiên cá, Hứa Kiều ôm một bó hoa hồng trắng thật lớn đi về phía Tống Phi.

Sau khi ba mẹ tôi phát biểu xong, đến lượt Hứa Trạch.

Thằng bé đứng trên sân khấu, nó vung tay giơ nắm đấm về phía Tống Phi với điệu bộ đùa giỡn.

"Em chỉ có duy nhất mỗi một người chị gái này thôi, chị ấy là con gái cưng của cả nhà. Nếu như anh dám đối xử tệ với chị ấy, cả nhà chúng em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh".

Tống Phi nhìn chăm chú gương mặt của Hứa Kiều, với ngữ điệu vô cùng trìu mến, "Anh sẽ không nỡ đâu".

Tiếng vỗ tay vang vọng từ phía khán giả dưới sân khấu.

Trên sân khấu mọi người đều vui mừng.

Linh hồn tôi đứng trên bó hoa ở rìa sân khấu, ngây người nhìn bọn họ.

Tôi nghĩ rằng bản thân sẽ rất đau lòng.

Nhưng có thể là ngay cả khi trước khi chết đi, tôi đã trải qua hết thảy những nỗi đau đớn trên đời này.

Tôi nhìn tất cả những điều này với đôi mắt lãnh đạm, trái tim trống rỗng, như thể có một cơn gió thổi qua.

Ở một bàn tiệc nào đó, có người đang thì thầm bàn tán, "Này, tôi nhớ nhà họ Hứa có ba người con kia mà, tại sao thằng bé Hứa Trạch lại nói nó chỉ có một người chị gái?".

"Còn không phải là đứa con gái thứ hai của nhà họ, Hứa Đào hay sao? Chậc, học giỏi thì có được ích lợi gì, làm người quan trọng nhất chính là nhân phẩm...".

Tôi phải cảm ơn ba mẹ tôi.

Đối với họ hàng hai bên, tôi chính là tiếng xấu đồn ngàn dặm.

Thực ra, khi tôi còn nhỏ, trong họ có một người cô đối xử tốt với tôi.

Khi đến thăm họ hàng vào dịp Tết Nguyên đán, cô đã tặng tôi một con cá heo nhồi bông đồ chơi.

Chỉ có một mình tôi có, cả Hứa Trạch lẫn Hứa Đào đều không có.

Hứa Trạch vốn đã quen tính nghịch ngợm, thằng bé đòi tôi đưa con cá heo cho nó chơi, nhưng tôi đã từ chối. Vậy nên nó liền cầm kéo cắt nát con cá heo nhồi bông thành từng mảnh vụn.

Không lâu sau, cô của tôi quay trở lại để lấy chiếc khăn choàng cổ lúc trước cô đã để quên, tình cờ lại thấy những mảnh vụn vương đầy dưới sàn nhà.

Để giữ thanh danh cho đứa con trai bảo bối yêu quý của mình, mẹ tôi đã nói với cô.

"Đào Đào không thích món đồ chơi này, vậy nên con bé cứ khăng khăng đòi cầm kéo cắt nát, nó còn nói rằng không muốn nhìn thấy thứ này nữa".

Sắc mặt của dì ngay lập tức thay đổi. Sau đó, khi mỗi lần đến thăm họ hàng, mỗi lần phát phong bao lì xì thì cô đều trực tiếp bỏ qua tôi.

Sau chuyện này, có lẽ mẹ cảm thấy có chút áy náy với tôi, nên trong một khoảng thời gian, bà ấy đối xử với tôi tốt hơn.

Nhưng rồi mọi thứ cũng sớm tan biến mất.

Trong gia đình chúng tôi, sự ưu ái của ba mẹ cũng được phân chia rất rõ ràng.

Năm Hứa Kiều được sinh ra, công việc kinh doanh của ba tôi có nhiều tiến triển.

Ba tôi nghĩ rằng tất cả đều do vận may Hứa Kiều đã mang đến, vậy nên ba luôn cưng chiều chị ấy nhất.

Còn về phần mẹ tôi, bà yêu thương Hứa Trạch nhất, vì đây là đứa con trai mà bà mong chờ nhất sau khi phải sinh đến ba lần.

Còn tôi.

Sau khi chào đời vừa trắng trẻo lại mập mạp, nhưng anh trai song sinh của tôi lại không thể sống nổi qua đến 24 giờ.

Tất cả mọi người đều nghĩ tôi là kẻ không may mắn.

Khi vẫn còn là một đứa trẻ, tôi luôn không thể hiểu được.

Tại sao Hứa Trạch và Hứa Kiều muốn ăn món gì, món đó ngay ngày hôm sau sẽ xuất hiện trên bàn ăn.

Rõ ràng tôi bị dị ứng với hải sản, vào ngày sinh nhật của tôi, chỉ vì Hứa Kiều nói chị ấy muốn ăn cua, ba tôi liền quyết định đặt chỗ ở một nhà hàng hải sản.

Năm tôi mười hai tuổi, ở quận bên cạnh xảy ra một trận động đất.

Khi đó, mọi người đang ngủ trưa ở nhà, ba mẹ tôi không một chút suy nghĩ nhiều, một người ôm Hứa Trạch, một người ôm Hứa Kiều chạy ra khỏi nhà.

Tôi loạng choạng chạy xuống nhà, nhìn thấy trần nhà rung chuyển, tôi khóc đến khàn cả giọng.

Nhưng không một ai đến cứu tôi.

Năm tôi mười hai tuổi chính là như vậy.

Cũng giống như khi tôi bị người tài xế bóp cổ rồi kéo tôi vào một khu rừng dưới chân núi hoang vắng.