Đại Quận Chúa, Tiểu Quận Mã

Chương 1: Bạch công tử

Mây đen giăng đầy, một mảnh u tối.

Mùa đông vốn đã đủ lạnh, ấy thế mà lão thiên gia tựa hồ còn chưa hài lòng, tính toán cho thêm một tràng mưa to, trời đông giá rét giờ lại thêm một tia hàn ý.

Gió rất lớn, cơn mưa sắp đến, mọi người vốn dĩ nên quay về tìm nơi ẩn trú, thế nhưng vẫn còn không ít người xúm lại trên đường cái. Bọn họ không thèm quan tâm trận mưa to sắp đến, mà lại đi về một hướng.

Đám đông bắt đầu tụ tập trên đường, rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì? Ai lại có mị lực hấp dẫn láng giềng cùng những tiểu thương xung quanh đây chạy theo một hướng như vậy?

"Mọi người đừng chen lấn, hãy xếp hàng từng người một, công tử nhà ta sẽ đích thân chẩn bệnh cho các ngươi." Một cô nương xinh đẹp mặc váy xanh nói. Nàng nâng dậy một lão bà suýt nữa té ngã, khẽ nhíu mày. Đối với tình cảnh này nàng đã nhìn thấy nhiều, cũng không tiện trách cứ, chỉ là quá nhiều người, thanh âm hỗn loạn, nàng cảm thấy có chút phiền não.

Hôm nay vẫn có nhiều người như vậy, Thuý Trúc không thể không cảm thán y thuật của công tử nhà mình. Đồng thời, nàng cũng biết hơn phân nửa số người này là vì ngưỡng mộ công tử nhà nàng mà đến. Đương nhiên, cũng có những người đến vì không có tiền chẩn bệnh. Liếc mắt qua những mái đầu dày đặc nhấp nhô, nàng có chút cảm giác vô lực, chỉ có thể âm thầm đỡ trán thở dài.

"Cô nương, hôm nay nhất định ta phải bắt được một suất trong mười danh ngạch của Bạch công tử, nhi tử nhà ta đã bệnh mấy ngày nay."

"Cô nương, bệnh của nữ nhi nhà ta lại tái phát, cầu Bạch công tử thương tình cứu giúp!"

"Cô nương... Cô nương... Cô nương..."

Những âm thanh nức nở khẩn cầu không ngừng cuồn cuộn truyền vào tai Thúy Trúc, khiến nàng luống cuống tay chân không biết làm sao. Thời điểm Thuý Trúc đang muốn hét to, một thanh âm trầm tĩnh từ bên trong truyền ra.

"Thuý Trúc, trời sắp mưa, nhanh mời mười người vào nhà, bảo những người còn lại giải tán đi."

Nghe vậy, Thuý Trúc đề cao âm lượng, hô: "Tất cả mọi người cũng đã nghe thấy lời của công tử nhà ta, mười người đầu tiên hôm nay lưu lại, những người còn lại xin ngày mai đến sớm."

Thì ra, nơi này là một y quán, gọi là Bách Thiện Đường.

Ở Ung Đô thành, ngươi có thể không biết quan phụ mẫu là ai, có thể không biết món nổi tiếng nhất là gì, nhưng nếu như ngay cả Bách Thiện Đường cũng không biết, liền xem như ngươi không phải người của Ung Đô thành.

Bách Thiện Đường đã có lịch sử trăm năm, nghe nói tên cũng là tiên hoàng ban tặng. Bạch Chấn Lâm, lão bản đời đầu tiên của Bách Thiện Đường, năm đó bởi vì có công cứu mạng tiên hoàng nên được tiên hoàng khen thưởng, ngự ban cho biển hiệu Bách Thiện Đường.

Bạch Chấn Lâm có hai người con trai, con cả Bạch Cảnh am hiểu y thuật, không màng danh lợi, chỉ muốn hành y tế thế. Con thứ Bạch Trọng vào triều làm quan, sau đó cưới nữ nhi Hạ Ngọc Lan của Thừa tướng đương triều làm phu nhân. Hiện tại, lão bản của Bách Thiện Đường chính là người sở hữu y thuật vô song Bạch Cảnh.

Bạch gia có cả danh tiếng lẫn quyền thế, tiền tài, được vô số quan to quý nhân xem trọng, ở Ung Đô thành danh tiếng vang dội. Dân chúng trên phố nghe thấy ba chữ "Bách Thiện Đường" cũng sẽ có mấy phần kính ý, điều này phải cảm tạ tấm lòng lương y của Bạch Cảnh.

Bạch Cảnh chỉ có một nữ nhi, phu nhân mất sớm vẫn không tái giá, nữ nhi đến cuối cùng vẫn phải lập gia đình, ông ấy một thân y thuật không người kế thừa, thế nên hết thảy hy vọng đều phó thác lên người Bạch nhị công tử.

Bạch nhị công tử không phải là con ruột của ông ta mà là người cháu vẫn luôn gọi ông là bá phụ. Nhị công tử tên Bạch Nhược Hiên, còn có một tỷ tỷ song sinh tên Bạch Nhược Vũ.

Tỷ đệ Bạch gia ra đời cũng không giống người bình thường, láng giềng đồn đãi rằng một đêm nọ có một ngọn gió lốc màu đen rất lớn, tia chớp xẹt qua chân trời, sấm rền đinh tai nhức óc, tỷ đệ Bạch gia ra đời ngay trong đêm mưa sa gió giật ấy.

Nghe nói lúc ấy có một lão nhân gia tiên phong đạo cốt hào phóng tặng cho Bạch Trọng một đôi ngọc kỳ lân đỏ rực như lửa, nói là có duyên cùng hai đứa trẻ này, nếu như gặp chuyện thì mang khối ngọc này đến An Hoa Sơn tìm ông ấy.

Người Bạch gia vốn đơn bạc, nhất thời có thêm hai đứa nhỏ, tất nhiên là xem như bảo bối. Hai chị em Bạch gia dần trưởng thành trong sự yêu thương của người nhà, quả thực chính là muốn gió được gió, muốn mưa được mưa. Càng khiến cho người ta bội phục chính là được nuông chiều từ nhỏ, thế nhưng chị em Bạch thị lại không có tính khí ngang ngược của thế gia đại tộc, ngược lại còn luôn làm người vui lòng, tư văn lễ độ.

Tiểu thư Bạch gia là điển hình thục nữ danh môn, tinh thông cầm kỳ thư họa, nhưng lại không hề hứng thú với y lý. Bạch công tử lại khác, chính là văn võ song toàn, là tình lang trong mộng của biết bao khuê nữ trong thành.

Bạch Nhược Hiên thành tài như vậy, có một nửa là nhờ công dạy dỗ của Bạch Cảnh. Bạch Cảnh một lòng một dạ muốn bồi dưỡng người thừa kế, một thân y thuật dốc lòng truyền thụ, tạo nên Bạch Nhược Hiên vừa đọc thông tứ thư ngũ kinh, vừa tinh thông y lý. Một nửa còn lại là nhờ vào Ngọc Cô tán nhân (người nhàn tàn tự tại.) kia.

Năm bảy tuổi, Bạch Nhược Hiên lâm trọng bệnh mãi vẫn không khỏi, Bạch Trọng liền nghĩ đến Ngọc Cô tán nhân năm ấy, muốn đến An Hoa Sơn thử thời vận. Nào hay vị đạo sĩ kia như đã biết trước Bạch Trọng sẽ đến tìm ông ấy, đã sớm ngồi chờ ở lương đình (Căn chòi để nghỉ mát.) giữa sườn núi. Cũng không biết tán nhân cho Bạch Nhược Hiên ăn đan dược gì, bệnh tình bao nhiêu thuốc thang không khỏi lại có thể nhanh chóng khoẻ mạnh một cách thần kỳ. Sau đó, Bạch Nhược Hiên liền bái Ngọc Cô tán nhân làm sư phụ, học một thân võ nghệ.

Mà người ấy, chính là nguyên nhân tạo ra đám đông hỗn loạn ngoài kia.

Hôm nay là ngày Bạch Nhược Hiên chẩn bệnh miễn phí ba tháng một lần, thật sự là cơ hội khó có được. Cứ cách ba tháng, Bạch Nhược Hiên sẽ có mười ngày ở Bách Thiện Đường chẩn bệnh, nhưng Bạch Nhược Hiên hoàn toàn không ngờ bởi vì việc hành thiện ba tháng một lần này mà gặp phải oan gia. Đương nhiên, đây là chuyện sau này. Hiện tại ở Bạch phủ chỉ có một màn như vậy.

"Phụ thân, hôm nay Nhược Hiên đã rất vất vả, người đừng nhắc đến nữa, được không?" Người nói chuyện đang cầm đũa gắp thức ăn vào bát của lão giả hơn ngũ tuần, chính là thiên kim Bạch phủ, Bạch Nhược Vũ. Nàng mặc một bộ bạch y, da thịt như tuyết, vầng trán đầy đặn thanh khiết, đôi mắt đen như pha lê lấp lánh, sống mũi cao thẳng, dáng môi tuyệt mỹ, trên người nàng toả ra khí chất thanh tân đạm nhất (Tươi mát trong lành.), lúc này trên mặt lộ ra một tia tinh nghịch, vì Bạch Nhược Hiên cầu tình.

Nàng nhìn Bạch Nhược Hiên cố ra vẻ trấn định liền thấy buồn cười. Từ nhỏ đến lớn, Bạch Nhược Hiên không sợ gì cả, chỉ sợ nhất là bị lão gia tử càm ràm. Lúc này mặt ngoài trấn định mười phần là giả vờ, từ ánh mắt không ngừng liếc nhìn về phía nàng cũng có thể đoán ra được tám, chín phần.

"Nương à, người đến phân xử đi. Lát nữa Nhược Hiên còn phải giúp con luyện đàn nữa." Phụ thân không nói chuyện, Bạch Nhược Vũ bắt đầu làm nũng với mẫu thân. Nàng lắc cánh tay của mẫu thân, còn không quên nháy mắt với Bạch Nhược Hiên.

Trước kia, Hạ Ngọc Lan không chỉ là nhất đẳng mỹ nhân ở đất Ung Đô mà còn là một đại tài nữ, tất nhiên là người thông minh. Mắt thấy một đôi nữ nhi tinh quái, chỉ luôn tìm cách trốn tránh, bà cũng đành hết cách. Bà thâm ý liếc nhìn Bạch Nhược Hiên đang ngồi một bên ra vẻ trấn định, buông chiếc đũa trong tay, nói: "Lão gia, Hiên nhi vừa chẩn bệnh về, quả thật rất mệt mỏi, chuyện khoa cử vẫn nên để sau đi."

Diện mạo của Bạch nhị công tử cũng thật là kinh vi thiên nhân (Kinh vi thiên nhân: phi thường kinh ngạc khi nhìn thấy hoặc nghe thấy người nào đó, chỉ có thần tiên mới có thể như thế.), mũi kia, mắt kia, chính là cùng một khuôn đúc ra với Bạch Nhược Vũ, chỉ có khác biệt là tóc mai Bạch Nhược Hiên chạm mi, lộ ra một tia anh khí.

"Đúng vậy phụ thân, Hiên nhi thật sự mệt mỏi. Việc khoa cử hài nhi sẽ suy nghĩ, hài nhi bồi tỷ tỷ luyện đàn trước." Bạch Nhược Hiên nhận được trợ giúp, nói xong cũng chuẩn bị đứng lên. Nàng hiểu rõ tính tình của phụ thân, chọc không được, chỉ có thể trốn tránh.

"Đứng lại!" Bạch Trọng đứng dậy vỗ bàn, lạnh lùng nói: "Ta còn chưa nói gì nhưng con ngược lại trốn thật nhanh! Đường đường nam nhi thân cao bảy thước, cả ngày ở y quán làm lang trung còn ra thể thống gì? Phải chú ý thân phận của con, nhớ rõ con là con của Bạch Trọng ta. Khoa cử năm nay con nhất định phải tham gia."

Bạch Trọng luôn khinh thường huynh trưởng, luôn cảm thấy Bạch Cảnh không chỉ tiến thủ, chỉ biết vùi đầu vào đám cỏ dại ở y quán. Cho nên, theo bản năng ông ta không hy vọng Bạch Nhược Hiên quá mức thân cận cùng Bạch Cảnh. Tuy Bách Thiện Đường là cơ nghiệp phụ thân để lại, nhưng ông ta không có hứng thú đối với y thuật, điểm này rất giống với nữ nhi Bạch Nhược Vũ của ông ta. Chỉ là, đứa con Bạch Nhược Hiên lại một mực thích thứ kia, cứ cách hai, ba ngày là lại chạy đến chỗ Bạch Cảnh.

"Phụ thân, con..." Bạch Nhược Hiên không có hứng thú đối với khoa cử, cũng chưa bao giờ muốn tham gia. Nhưng Bạch Trọng lại không nghĩ như vậy. Trong lòng ông ấy, con của ông ấy phải là nhân trung long phượng (Người ưu tú, xuất sắc.), nhất định không được làm nhục gia môn, nhất định phải đỗ thủ khoa, nhất định phải kế thừa cơ nghiệp của Bạch gia.

"Được rồi, Hiên nhi, con và Vũ nhi lui xuống trước đi." Hạ Ngọc Lan thấy không khí bất hoà, cắt ngang lời cự tuyệt còn chưa nói ra miệng của Bạch Nhược Hiên, đuổi hai tỷ đệ ra ngoài. Bà nhìn bóng dáng hai đứa nhỏ đi xa, cảm thán thời gian như thoi đưa, một tia lo lắng lặng lẽ dâng lên.

"Phu nhân, đạo lý con hư tại mẹ không phải nàng không hiểu, nhân nhượng hết lần này đến lần khác cũng không phải là biện pháp." Phu nhân nhiều lần thiên vị con cái, Bạch Trọng có chút không vui. Trên thực tế, hai đứa con này khiến ông ấy vô cùng tự hào. Nữ nhi xinh đẹp như thiên tiên, biết tri thức hiểu lễ nghĩa, nhi tử y thuật cao minh, lại luôn luôn hiếu thuận. Mỗi khi ra ngoài xã giao, lọt vào tai cũng toàn những lời ca ngợi, cho ông ấy không ít thể diện. Nhưng ông ấy chỉ muốn Bạch Nhược Hiên thi đỗ công danh, giúp ông ấy phân ưu trong sự nghiệp.

Bạch Trọng thở dài một hơi, nói: "Ai da, cũng được, hôm nay đến đây thôi. Chuyện ta ngầm cho phép nó chẩn bệnh miễn phí cũng nên thu tay lại. Ta đã quyết định để Hiên nhi tham gia cuộc thi Hương năm nay, với năng lực của nó chắc không thành vấn đề!"

Hạ Ngọc Lan nói: "Lão gia, Hiên nhi trời sinh tính cách trầm tĩnh, sau này có thể lăn lộn trong chốn quan trường được không?"

Bạch Trọng không vui nói: "Thế nào lại không được? Nam nhi chỉ tại bốn phương, nàng cũng không thể che chở nó cả đời. Sớm muộn gì nó cũng phải dấn thân vào đời, ai bảo nó là con của Bạch Trọng ta? Nếu như nó cứ tiếp tục bất học vô thuật (không học vấn không nghề nghiệp, dốt nát.), thể diện của ta để ở đâu?" Mọi người đều biết "Bất học vô thuật" trong miệng ông ta là nói đến việc Bạch Nhược Hiên suốt ngày chỉ theo đuổi y thuật.

"Lão gia... chuyện này..." Hạ Ngọc Lan muốn nói lại thôi, cuối cùng vẫn chọn cách im lặng. Bình thường, khi Bạch Trọng quyết định chuyện gì sẽ không dễ dàng thay đổi, bà không thể làm gì, chỉ có thể âm thầm than thở, chỉ có thể để đứa con Bạch Nhược Hiên số khổ này chịu uỷ khuất.