Từ sau sự kiện của đệ tử thủ tịch đỉnh Túc Phong, tu sĩ ra vào bí cảnh Lạc Nguyệt đều đợi đến ngày cổng vào chính thức mở ra. Trưởng bối tuy không theo vào nhưng vẫn luôn để mắt tới.
Lúc nhóm người núi Thúy Vi đi đến, mọi người đã tụ tập đông đúc dưới cổng. Giờ đây, Tiết Tử Dung đã có thể đảm đương một phía nhưng y vẫn bước lên chào hỏi sư trưởng, tiền bối các phái, chỉ độc có người của Băng Hỏa Môn là y không để vào mắt.
Năm đó, mặc dù Phù Thanh Hoằng không bị Ly Nguyên Thượng đánh chết nhưng con đường tu hành cũng khép lại. Gã chỉ có thể chờ hết thọ mệnh Trúc Cơ, sau đó điên cuồng nuốt linh đan diệu dược để tiếp tục sống.
Mà điều này không phải do Ly chân nhân gây ra càng không phải do Tiết Tử Dung lúc đó gần như điên loạn, chỉ biết bảo vệ tia thần thức làm.
Phù Thanh Hoằng bị Thẩm Đề Sương đuổi gϊếŧ không tha.
Mặc dù không gϊếŧ chết được gã nhưng kết quả này vẫn miễn cưỡng khiến cho Thẩm Đề Sương hài lòng, thậm chí bị trục xuất sư môn nàng cũng cam lòng.
Dù sao trục xuất sư môn cũng chỉ là lời nói, Ly Nguyên Thượng còn chẳng thu hồi ngọc bài đệ tử hay cấm cửa nàng khỏi núi Thúy Vi.
Phù Kiến Chu tức đến nghiến răng nghiến lợi, nhiều lần tìm chưởng giáo núi Thúy Vi yêu cầu ngăn cản nàng, đổi lại chỉ có một câu nàng không còn là đệ tử núi Thúy Vi.
Cứ thế, tám mươi năm qua, Thẩm Đề Sương rảnh rỗi là sẽ tìm cách thịt Phù Thanh Hoằng, còn Phù thị thì phải ngày đêm phòng ngừa không dám chợp mắt. Dù Thẩm Đề Sương chỉ là tu sĩ Trúc Cơ nhưng hơn người ở chỗ liều mạng, mà sau lưng nàng còn có không ít đại năng âm thầm chống lưng. Họ Phù tất sẽ không vì một kẻ vô duyên với đại đạo mà ra mặt ngăn cản.
Mắt nhắm mắt mở mà sống đời mình.
Nhưng thù với núi Thúy Vi thì vẫn phải kết, ai bảo người ta là người bề trên nhưng cứ khăng khăng phải chấp nhất với bọn họ.
Nhìn thấy Tiết Tử Dung đi ngang qua, bọn họ chỉ dám âm thầm nghiến răng mắng. Mà tiếc thay, người này tuy trẻ tuổi nhưng tu vi kinh người, linh cảm cũng theo đó tăng cao. Dù tu sĩ bình thường sẽ chặn lại những âm thanh không đáng này nhưng không hiểu sao Tiết Tử Dung vừa bước ngang đã liếc mắt nhìn báo hại người Băng Hỏa Môn nín thinh.
Bấy giờ Tiết Tử Dung mới thu lại tầm mắt, ngay ngắn chắp tay chào Tố Tây Diễm.
Tố Tây Diễm hỏi thăm sư phụ y dăm ba câu, lại hỏi han sư thúc y mấy lượt. Nói linh tinh vài bận thì cổng bán nguyệt cũng hoàn toàn mở ra.
Đám hậu bối trật tự điểm chân nhảy vào, kế đó là các tán tu, sau cùng Tiết Tử Dung mới vào.
Tố Tây Diễm nhìn theo bóng lưng y, cảm thấy có chút tiếc.
Bà ta quay sang nói với một nam tu đứng cạnh mình.
"Núi Thúy Vi đời nào cũng có người tài cao chí lớn, nhưng kẻ nào cũng không làm người ta dám tin tưởng."
Nam tu nghe chuyện là sư trưởng phái Phù Dao, ông ta đáp: "Chúng ta cũng không hơn gì bọn họ."
"Có lẽ là… hậu bối có cách nghĩ mới." Tố Tây Diễm có chút cam chịu nói, "Đứa nào cũng có tương lai sáng láng, đứa nào cũng làm chuyện kinh người."
"Môn phái gốc rễ càng sâu, kẻ đi ngược lối hay rẽ ngang càng nhiều." Sư trưởng Phù Dao nói, "Ta thật không mong lần kế cửa vực Phù Quang mở ra là vì Tiết Tử Dung."
"Phỉ phui cái mồm đi Việt Thời Sinh!"
Vừa rơi xuống bí cảnh, việc đầu tiên Tiết Tử Dung làm là phóng thần thức ra quét trọn nơi này. Mỗi một ngóc ngách, mỗi một nhành cây ngọn cỏ y đều nhìn đến, đi ngang qua tu sĩ bất kỳ cũng dừng chân nhìn một lần.
Vẫn chẳng có gì bất ngờ.
Tiết Tử Dung quét thần thức xong thì nhanh chóng tìm hướng quen thuộc. Y đạp lên nhành cỏ phi thân về phía đấy.
Tám mươi năm qua, bí cảnh Lạc Nguyệt cũng đã đổi thay rất nhiều, đồng cỏ nơi Ly Tương độ kiếp năm đó đã trở thành vùng hồ nước trong xanh, tạo thành rào chắn tự nhiên với mấy cây Vô Căn Mộc hay đưa dây leo ra bắt người. Chỉ có Tiết Tử Dung khi đó còn chưa Kết Đan bạo gan lặn xuống đáy hồ. Kết quả chẳng thấy gì còn suýt bị Vô Căn Mộc dìm chết. Sau cùng vẫn là Ly Nguyên Huyền vớt y lên từ đáy hồ, nói một câu: "Con chết rồi thì con rối kia cũng chẳng tồn tại được."
Từ đó về sau, Tiết Tử Dung mới không còn liều mạng mình nữa.
Nhưng giờ đây, Tiết Tử Dung đâu còn là tu sĩ Trúc Cơ yếu ớt khi xưa. Y thong thả tách nước khỏi mặt hồ, tìm kiếm dưới đáy.
Đối với cách làm thô bạo này, mấy tu sĩ Trúc Cơ chỉ biết nhìn mà ngưỡng mộ.
Đáy hồ nước vài chục năm cũng chẳng tích được thứ gì quý giá, đến cả lũ cá dưới hồ cũng chỉ là loại có tí linh khí vây quanh, nom đẹp mắt hơn mà thôi.
Sau khi y dùng thần thức quét khắp đáy hồ, đưa thần thức vào dòng nước cũng chẳng thấy gì, Tiết Tử Dung đành phất tay trả nước về lại chỗ cũ.
Đúng lúc này, khóe mắt Tiết Tử Dung như liếc thấy gì đó, y chẳng kịp dừng tay lại đã bay xuống đáy hồ.
Nước từ trên không bấy giờ cũng đổ ập xuống chôn vùi thân hình y.
Cùng lúc đó, mấy tu sĩ vây quanh xem đại năng vớt cá bỗng cảm nhận được luồng linh khí nồng đậm đột ngột xông đến, kẻ linh mạch không đủ lớn còn phun máu tươi ra.
Tập thể tu sĩ vội vã lùi về sau, không kẻ nào không sợ chết dám bước tới.
Luồng linh khí đổ ập đó đánh thẳng ra cánh cổng ở lối vào, tràn ra ngoài bí cảnh. Mà lúc này Tố Tây Diễm và Việt Thời Sinh đang cảm thán đời người chớp mắt đã thấy có điều bất thường. Lập tức các tu sĩ đứng ngoài còn chưa rời đi dựng kết giới cản lại luồng linh khí đó, đẩy nó vào lại bí cảnh.
"Miệng ngươi đúng là bị quạ đeo." Tố Tây Diễm tức giận nói.
Việt Thời Sinh vội chối: "Chắc gì do tên nhãi đó làm ra."
"Được rồi." Một người nhịn không nổi bèn nói, "Vào trước rồi tính."
Việt Thời Sinh liếc nhìn Tố Tây Diễm rồi gật đầu, hai người nhanh chóng đình chiến, vọt qua cổng đi vào bí cảnh.
Bên trong bí cảnh, mọi người đều tỏ vẻ hoang mang, nhưng đại đa số đều là nghé con không sợ hổ, hơn nữa bí cảnh cũng chẳng xảy ra việc gì bèn theo hướng linh khí tản ra đi tới.
Chẳng mấy chốc, bên bờ hồ đầy tu sĩ lớn tu sĩ bé vây xem, vừa xem vừa cẩn thận dựng kết giới cho mình.
Khi nhóm người Tố Tây Diễm đến nơi, mặt hồ lại xao động lần nữa.
Việt Thời Sinh nhanh chóng quét tay áo đẩy lùi đám hậu bối ra sau.
Đông Phong Ý thấy người lớn đến thì vội bước lên nói. Việt Thời Sinh chỉ chờ có thế đã nói xen vào họa không phải do miệng ông ta trù ra.
Mặt hồ hệt như trà trong tách, chiếc tách lại bị người chạm đến, nước cứ lắc lư chao đảo nhưng chưa tràn ra ngoài.
Trên đầu bọn họ, vài cây Vô Căn Mộc quất dây leo ra, khí thế như thể sẽ dìm chết bất kỳ ai dám đến gần.
Mặc dù chuyến này đi Tiết Tử Dung có thể nói vai trò ngang với bọn họ, cảnh giới cũng chẳng kém nhưng nói sao trong mắt tu sĩ già đời, Tiết Tử Dung vẫn chỉ là tên nhãi chưa đến trăm tuổi, nếu để y xảy ra chuyện gì đám tu sĩ già bọn họ cũng không còn mặt mũi nào. Đang khi Tố Tây Diễm không biết có nên đi tới hồ nước trục vớt đứa hậu bối kia hay không, nước trong hồ lần nữa như bị bao trong bong bóng thật lớn, toàn bộ bị nhấc khỏi hồ, lơ lửng giữa trời.
Mấy gốc Vô Căn Mộc không kịp phòng bị bị dìm vào bong bóng đó, cành lá ướt sũng, dây leo khua khoắn trong nước.
Tất cả tu sĩ không ai đứng quá xa, hơn nữa đều gắn linh khí vào mắt nên ai cũng thấy rõ cảnh tượng giữa đáy hồ.
Giữa đáy hồ, Tiết Tử Dung cả người ướt sũng, vạt áo bết vào người, tóc rũ xuống đẫm nước.
Nước trên khuôn mặt men theo gò má chảy dọc khuôn mặt y rồi rơi lại đáy hồ.
Chân y không hề chạm vào bùn ở đáy hồ, giày trắng dù ướt cũng chẳng hề lấm bẩn. Y đạp không khí bước vội lên bờ.
Nhưng việc này thì cũng chẳng có gì để kinh ngạc. Ban nãy khi y chạy xuống hồ cũng là lúc nước ập xuống, người ướt sũng cũng là chuyện bình thường. Tất cả mọi người ở đây, bao gồm đám tu sĩ hóng chuyện và trưởng bối các phái, ai nấy cũng ngạc nhiên bởi vì Tiết Tử Dung y đang bế ngang một người trên tay.
Nhìn trang phục người đó có thể nhận ra đấy là người núi Thúy Vi.
Người đó nằm yên trong vòng tay Tiết Tử Dung, cả người cũng ướt sũng. Dường như người đó đã mất đi ý thức, chẳng hề cử động, mặc Tiết Tử Dung ôm lên.
Đám tu sĩ núi Thúy Vi nhìn thấy cảnh này thì hít sâu một hơi.
Người trên tay Thập Nhất sư huynh dù bị mái tóc che mất nhưng bọn họ đã thấy dáng vẻ này bao năm ròng, sao có thể không nhận ra người đấy là ai.
Mà càng đáng sợ hơn, trên thân người ấy chẳng hề có chút dấu hiệu nào của sự sống.
Đông Phong Ý trông thấy cảnh này, nàng ta thậm chí không đợi Tiết Tử Dung đi như bay lên khỏi hồ đã vượt lên trước trưởng bối nhà mình chạy xuống hồ.
Tố Tây Diễm tức giận quát: "Ý Nhi!"
Ai mà biết cái thứ Tiết Tử Dung đưa lên là gì.
Đông Phong Ý vừa chạy đến mép hồ thì Tiết Tử Dung cũng đưa người đến. Y quỳ một chân xuống, một tay hạ thấp đặt người trong tay xuống nền cỏ, tay kia vẫn đỡ đầu người đó.
Y cứ nhìn người ấy.
"Huynh ấy chẳng khác chút nào." Tiết Tử Dung thầm nghĩ.
Lúc nãy khi nước hồ ập xuống, y thoáng thấy một vệt đỏ thình lình xuất hiện, giống như là…
Giống như là sợi dây buộc tóc quẩn quanh nơi chóp mũi y suốt thời niên thiếu. Thậm chí vào cái đêm sư huynh biến mất, y còn đùa giỡn sợi dây buộc tóc đó trên triền đê.
Vừa thoáng trông thấy sợi dây buộc tóc đó, Tiết Tử Dung đã không kịp suy nghĩ, không kịp ngăn lại khối nước đang đổ ập xuống đã lao đến giữa hồ.
Khi nước hồ đổ ập xuống, cả người y gần như chịu va đập mạnh, khí tức cả người nhộn nhạo, suýt nữa hộc máu ra, cảm giác như thế sống lưng gánh cả tòa núi bất giác sụp xuống, suýt gãy thành vô số đoạn.
Nhưng nỗi đau thể xác ấy, giờ phút đó y lại chẳng có tí cảm giác nào.
Y sẽ không nhận sai.
Giữa đáy hồ, không biết thân người ấy đã bị rong rêu quấn từ bao giờ, người đó nằm yên tĩnh lơ lửng trong dòng nước. Mái tóc người ấy thật dài, chắc là dài đến tận gót chân đang theo nước tản ra xung quanh, sợi dây buộc tóc trôi nổi giữa mái tóc đen tuyền.
Người ấy hệt như loài thủy quái giữa hồ mê hoặc lòng người, làm người ta không tự chủ được mà đến gần vậy.
Tiết Tử Dung nhớ đến cảnh tượng mê hoặc đó, y cúi đầu xuống, nước trên người y rơi cả xuống khuôn mặt đang nhắm nghiền hai mắt của Ly Tương.
Đông Phong Ý thấy vậy đánh ra luồng linh lực lau khô cho hai người.
Việt Thời Sinh đứng cách đó không xa, ông ta nhìn ánh mắt của đứa hậu bối kia đã thấy không ổn, quyết định lên tiếng.
Phần lớn thời gian Việt Thời Sinh đều là kẻ tùy tiện, ông ta hay bị các đại năng đồng trang lứa coi thường tính cách này, thật hiếm khi ông ta dùng giọng điệu trưởng bối quát lên.
"Tiết Tử Dung! Bỏ thứ đó ra! Qua đây!"