Sáng sớm, lão Trình ở đầu thôn thức dậy.
Lão rón rén đẩy cửa, sợ làm kinh động đến người vợ bụng mang dạ chửa đang ngủ trong căn nhà tồi tàn kia. Lão đi ra sau nhà lấy cuốc, đội cái mũ lá che hết khuôn mặt rồi ra đến cổng. Lão đẩy cái hàng rào cũng không biết làm từ cây gì, cẩn thận gài lại sau đó hòa vào dòng người trên con đường nhỏ mất hút.
Đại khái thì đây là một khu làng.
Vợ lão Trình ngủ dậy thì cẩn thận xuống giường, làm mấy công việc vặt vãnh trong nhà rồi bày rổ rá ra cái chõng trước nhà đặt dưới gốc cây to nhất trong làng khâu tiếp mấy mảnh vải. Vải vóc khâu cho trẻ con cũng chẳng ra làm sao hết, toàn là vải thô nhưng hẳn nhiên, nhìn từ căn nhà nền đất đơn sơ, quét mắt đã thấy cả gian phòng chỉ có bàn với giường thì mớ vải ấy đã xem như quý báu lắm rồi.
Vợ lão Trình xâu sợi chỉ qua cây kim, xâu mấy lần đều không được nhưng trông bà chẳng có vẻ gì là sốt ruột cả. Thậm chí khi đánh rơi cây kim xuống đất, bà cũng chỉ a, a mấy tiếng rồi cúi người nhìn, một tay chạm đất sờ soạng, tay kia lại che vào chỗ bụng tiếp xúc với cái chõng.
Mãi đến lúc bị kim đâm, bà Trình "á" một tiếng rồi vui vẻ lấy móng tay cạy cả đất cát và chiếc kim lên sau đó mới phủi phủi bàn tay mò kim đó lên chiếc váy vải nâu cũ kỹ rồi vén mái tóc ra sau tai, tiếp tục luồn kim.
Hành động của bà hệt như một thiếu nữ.
Mà vợ lão Trình quả là một thiếu nữ thật, chỉ là làn da nhăn nheo, dáng người thấp bé, đi đứng còn còng lưng xuống nên thoạt nhìn mới trông giống như một bà lão.
Trên mỗi tấm vải nâu, nàng đều dùng chỉ xanh thêu một chiếc lá kèm theo dây quấn, mặc dù có hơi xấu xí nhưng vẫn nhìn ra có vài phần giống với lá của cây cổ thụ đang che mát cho chiếc chõng.
Đến trưa, cũng không biết là giờ gì, khi mùi khô mặn bay bay trong gió thì lão Trình vác cuốc về đến.
Cũng như vợ mình, lão Trình thật ra cũng còn trẻ nhưng thoạt trông lại chẳng khác gì lão già da nhăn lưng còng. Lão cười hề hề chào tạm biệt người cùng làng rồi đẩy cửa bước vào, đi đến dưới gốc cây.
Vợ lão Trình nghe tiếng động thì ngẩng đầu lên, nở nụ cười chào đón lão.
Mà trên khuôn mặt của nàng chỉ có một cái lỗ đen sâu hoắm ngoác ra.
Nơi vốn dĩ thuộc về đôi mắt lại chỉ là một đường thẳng hi hí, chỗ cái mũi chỉ có hai cái lỗ nhỏ.
Một khuôn mặt quái dị, biến dạng mà bất kỳ ai trông thấy cũng phải sợ hãi, chưa lùi mấy bước rồi té phịch xuống đất thì chắc chắn là đã chết cứng tại chỗ rồi.
Ấy vậy mà lão Trình không hề tỏ vẻ gì cả, lão cười hề hề chỉ vào mấy mảnh vải quý báu chỉ to bằng lòng bàn tay đó, vợ lão Trình biết ý chồng, gật gật mấy cái.
Sau đó, lão ngước đầu lên nhìn tán cây.
Bấy giờ khuôn mặt lão cũng hiện ra rõ ràng: Cũng là hai cái khe chỗ con mắt và hai lỗ nhỏ thay chiếc mũi cùng một cái hố đen ngòm thế chỗ miệng.
Lão nói với tán cây: "Không dám xin phù hộ đứa trẻ toàn vẹn chỉ mong con trẻ bình an."
Lão thì thầm nhưng lời nói lưu loát, không giống như vợ lão Trình thích a, a, gật, gật thay cho lời nói.
Thật ra vợ lão Trình cũng có thể nói, chỉ là thanh âm không được trọn vẹn lại còn mất thời gian để nghĩ từ thành ra mới thích ra dấu như vậy. Bây giờ nghe lão Trình khấn như vậy thì cũng cố gắng nói ra mấy chữ: "Xin, phù, hộ."
Bọn họ nói năng chẳng có đầu đuôi, không biết là xin thần nào phù hộ mình. Cơ mà vốn trong ý thức của họ, từ lúc sinh ra đã chẳng tồn tại bất kỳ khái niệm nào về thần sông ngòi, núi non hay đất đai để dựa dẫm tinh thần. Họ chỉ biết đến vị thần nơi cây cổ thụ hệt như tổ tiên hiền hòa ở bên trông coi con cháu tồn tại ở vùng đất này.
Là vị thần duy nhất của thế gian.
Ngày vợ lão Trình lâm bồn, cả làng tập trung trước nhà cổ vũ, ai nấy cũng muốn nhìn thấy sinh mệnh bé bỏng ra đời. Họ đứng trật tự dưới tán cây cầu xin vị thần duy nhất của thế gian.
Giọng của ai cũng khó nghe, không biết là khẩu âm hay do cuống họng bị thương. Giá mà thần có bị họ làm cho cảm động thì cũng chưa chắc nghe hiểu bọn xin cái gì mà ban phép.
Đến khi bọn họ ngẩng đầu lên, dung mạo hiện rõ ra mới hay lão Trình và vợ đã xem như bình thường lắm rồi.
Nhìn bọn họ thật khó phân nam nữ, chỉ biết dựa vào cảm giác mà đoán. Trên khuôn mặt ai nấy cũng kỳ dị, có người ngay cả khe ở mắt cũng chẳng có, chỉ có một đường như sợi chỉ vắt ngang, có người chẳng có mũi, có người giữa lỗ miệng sâu hoắm mọc độc chiếc răng, có người vai lệch hẳn một bên, có người đầu chẳng có nổi một cọng tóc. Da dẻ ai nấy cũng nhăn nhúm dúm dó.
Đúng là dọa người mà.
Nhưng không hiểu sao nhìn bọn họ chẳng ai tự ti hay than vãn. Có lẽ vì bọn họ không tự biết mình quái dị, có khi ở đây ai cũng quái dị nên bọn họ chẳng tự ti, hay là bọn họ biết than vãn cũng chẳng có ích gì. Trong bọn họ chỉ có sự háo hức đợi chờ và hy vọng.
Mãi đến khi tiếng trẻ con oe oe cất lên, bọn họ mới thôi cúi đầu. Nếu bọn họ có một đôi mắt bình thường thì chắc đôi mắt ấy đã hấp háy cả lên vì phấn khởi.
Lão Trình bước ra ngoài, ẵm đứa bé đến dưới gốc cây.
Cả làng xúm lại nhìn mặt đứa trẻ.
Da dẻ nó nhăn nheo, không biết vì giống mẹ cha hay do trẻ con mới sinh đều vậy. Trên khuôn mặt nó là một bờ môi hơi mỏng, cái mũi tẹt thật thấp cứ như cào bằng với khuôn mặt vậy. Mà ở chỗ đôi mắt là hai lỗ tròn, không có mày, không có hốc mắt, chỉ đơn thuần là cái lỗ tròn mà thôi.
Nhìn cũng kỳ dị lắm nhưng nếu phải so sánh với đám người ở đây thì nó trông bình thường đến lạ.
Không biết ai cất tiếng đầu tiên, rất nhanh, những âm thanh ngân nga vang lên, kêu động lên tán cây, chọc cho bầy chim hốt hoảng bay đi.
Không ai biết họ hát cái gì, nhưng không khí vui tươi như vậy thì chắc bài hát cũng tràn đầy sức sống và hy vọng.
Một đứa trẻ bình thường ra đời kia mà, sao lại không mừng rỡ kia chứ?
Một phiến lá xanh bỗng rơi lên người bé con. Lão Trình vội ra hiệu cho mọi người dừng lại.
Lão nhặt chiếc lá lên, nói với mọi người: "Thần ban cho tên, Diệp. Sau này nó tên Diệp, Nhất Tâm Diệp."
Tất cả bọn họ hoan hô ầm ĩ, khen ngợi vợ lão Trình khéo sinh. Mấy mươi năm rồi mới có một đứa trẻ bình thường ra đời.
Cả làng vui vẻ như năm mới.
Mấy năm trôi qua, đứa trẻ lớn lên trong sự thương yêu của cả làng. Có thể thấy được trí óc nó chẳng như người thường ở đây, ngu ngu ngơ ngơ lại lắm bệnh nhưng lão Trình không chê bai, mỗi ngày còn dặn vợ mình kiên trì nói chuyện thật rõ ràng cho nó nghe.
Bởi vì lão Trình biết được một điều, nếu tiếng của quê cha, giọng của cố thổ, chữ của đất mẹ không thể giữ gìn thì lão, tộc nhân của lão sẽ mất đi tư cách làm người.
Rất lâu, rất lâu về trước, khi tổ tiên lão vừa đến vùng đất này, bọn họ vẫn mang dáng dấp như người Đại Địa, vẫn giữ giọng nói và sự kiêu ngạo của bản thân mình. Nhưng mỗi một thế hệ qua đi, dáng hình đó dần dần bị xói mòn, sự kiêu ngạo cũng dần dần bị thui chột vì thần trí suy giảm, chỉ có giọng nói được truyền qua bao thế hệ.
Dù sứt sẹo, gãy đứt nhưng tốt xấu gì, những thứ thuộc về con người của tộc nhân mình cũng kéo dài đến hôm nay.
Lão Trình không biết trời cao thương xót, cho mình một thần trí hơn người ở đây hay đang cợt nhả lão, vừa để lão hiểu được quá khứ lại cho lão thấy một tương lai mịt mờ, bấp bênh.
Diệp càng lớn càng nhìn rõ là bé trai, da dẻ tuy không mịn màng trắng trẻo nhưng cũng không dúm dó. Nó biết đi muộn, lên ba, lên bốn mới tập tễnh nửa đi nửa bò. Đến năm tuổi nó mới có thể đi bằng hai chân thì bắt đầu lần mò đi quanh gốc cây, chui xuống gầm chõng. Vợ chồng lão Trình mỗi ngày muốn dỗ nó ăn cơm cũng thật khó. Chỉ có hôm nào rán ít con khô mặn, mùi thơm bay cả làng nó mới tình nguyện chui ra khỏi đó ăn cơm.
Nhưng càng lớn, Diệp kém đi sự hiếu động của trẻ con ở tuổi này, phần nhiều thời gian nó hay ngủ, tập đi quanh gốc cây cũng chỉ vài vòng đã thở phì phò, học nói cũng vất vả hơn người.
Có những trưa nó nằm ngủ trên chõng, dây leo trên gốc cây thả xuống lòa xòa quanh nó, lá cây cũng rơi xuống. Những lúc như vậy, đầu óc chậm chạp của nó cũng biết góp nhặt lại chúng, lấy mảnh vải to bằng bàn tay có thêu chiếc lá xanh gói lại rồi cất giữ.
Nhưng thời gian ngủ của nó ngày một kéo dài.
Đến mùa đông năm thứ chín thì nó ngủ một giấc rồi không thức dậy nữa, bỏ lại vợ chồng lão Trình vò vỏ.
Nó sinh vào mùa hè.
Trẻ con ở đây là vậy, sinh ra được nhưng chưa chắc có thể bình an trưởng thành, trưởng thành được cũng chỉ ba mươi, bốn mươi tuổi là đi hết một đời người. Nếu có thể sống đến tuổi năm mươi đã xem như hiếm thấy.
Ngày đưa tang, lão Trình chôn theo phiến lá năm nào rơi vào đứa trẻ được lão cất kỹ trong chiếc túi sờn. Chiếc lá giờ đây đã nát vụn nên lão chỉ đành chôn chiếc túi theo cùng.
Mọi người đứng vây quanh đó, họ cất tiếng hát rì rầm không rõ giai điệu gì.
Nhưng chắc là đau thương.
Về đến nhà, lão ôm vợ mình.
Năm đó lão không mong con cái mình mang dáng dấp người thường, chỉ mong nó bình an lớn lên nhưng tiếc thay, đứa trẻ tuy có dáng người lại bỏ lão đi sớm.
Không oán trách thần bỏ rơi con lão bởi vì lão biết thần đã cho con người trên cả vùng đất này được nối dài sự sống, lão chỉ trách mình tham lam, được một tấc lại muốn lấn một thước.
Hai người cứ thế ngẩng đầu lên nhìn tán cây cổ thụ là tín ngưỡng duy nhất của tất cả mọi người trên vùng đất này.
Chỉ là nơi vốn dĩ thuộc về con mắt ấy rỉ ra chút nước, chầm chầm chảy xuống, chảy ngang qua lỗ đen nơi miệng. Vợ lão Trình vội lấy mảnh vải có thêu hình chiếc lá kia ra lau mặt qua quýt.
Sống tiếp, sống mà hy vọng cứ mãi bị dập tắt thế này thật khó khăn.
Gió run run thổi qua, có chiếc lá rơi xuống đầu hai vợ chồng lão.
Xa xa, khói bếp bốc lên cao, mùi khô mặn nhà ai rán theo gió tỏa khắp làng.