Thiếu Gia Bắc Kinh Ba Lần Về Quê

Chương 7: Hoàn chính văn

24.

Hoá ra tôi và Tạ Chước đã quen nhau từ những năm cấp 3.

Khi đó Tạ Chước mới từ nước ngoài về và biết được bố mẹ mình đã ly hôn, cả hai còn có gia đình riêng.

Sau đó bố mẹ anh có từng liên lạc với anh, nhưng anh chưa bao giờ bắt máy.

Anh cảm thấy bản thân như một gánh nặng, một người thừa trong nhà. Kể từ đó chứng trầm cảm theo đuổi, bao lấy anh.

Ngày đó khi lang thang trên các phòng chat trên mạng thì tôi thấy có một tài khoản tên là “Cái muôi đang bốc hoả”, người đó nói là cuộc sống này nhàm chán quá, muốn chết nhưng lại sợ cô đơn nên đăng lên một bài, hẹn với mọi người sẽ từ giã cõi đời.

Có rất nhiều người bình luận dưới bài đăng đó, nhưng chủ yếu là mọi người muốn hóng hớt.

Một số người khác cũng cố gắng khuyên nhủ anh ta, nhưng đột nhiên anh ta nhắn lên “886” rồi im lặng.

*886 có nghĩa là Tạm biệt nhé

Tôi gửi một tin nhắn riêng cho anh ấy kèm theo hình ảnh tôi đang đi cắt rau dại dưới trời nắng nóng và nói với anh ấy: “Hiện tại tôi cũng muốn chết đây, mệt muốn chết luôn á, hay là anh giúp tôi cắt rau cho heo ăn đi.”

Thật bất ngờ, anh ấy trả lời lại tin nhắn của tôi.

“Không, tôi mệt rồi.”

“Anh đến chết còn chả sợ mà lại sợ mệt à.”

Sau đó anh kể cho tôi nghe rất nhiều về anh, kể cả chuyện bố mẹ anh ly hôn và có gia đình mới.

Tôi an ủi anh ấy, thật ra tôi cũng vậy, bố mẹ tôi cũng ly hôn rồi lần lượt tái hôn, tôi còn có thêm một đứa em trai cùng mẹ khác cha.

Chúng tôi cũng xem như đồng bệnh tương liên nên rất trân trọng nhau, coi nhau như bạn thân.

Anh ấy hỏi tôi muốn thi vào đại học nào, tôi nói là đại học H.

“Tại sao lại muốn thi vào đại học H?”

“Nhà tôi không có tiền, nếu thi đậu đại học H thì thôn của tôi sẽ thưởng cho 2 vạn tệ.”

Sau đó vì kỳ thi đại học sắp đến gần nên tôi nói với anh ấy là để tập trung học nên tôi sẽ ngừng lên mạng một thời gian.

Tôi xuất sắc vượt qua kỳ thi đại học và đến Bắc Kinh, nhập học đại học H và bắt đầu cuộc sống của sinh viên năm nhất với ánh mắt đầy kỳ vọng.

Sau đó tôi không nhận được tin tức gì từ anh nữa.

Tề Phóng đưa tôi đến phòng của Tạ Chước, anh ta mở chiếc ngăn kéo gỗ màu nâu cũ ra, trong đó chất đầy những cuốn sổ nhỏ.

Tạ Chước đã in những cuộc nói chuyện của chúng tôi và đóng nó thành sổ, trên bìa ghi là “Tuyển tập câu nói của Khang đại nhân.”

Chết cười mất, nickname của tôi trên mạng là “Khang đại nhân”.

“Khi đó cậu ấy không ngừng nhắc tới cô, nói là muốn thi vào đại học H, lúc đó hai người không gặp nhau sao?”

“Để thi được vào đại học H, cậu ấy đã cố gắng rất nhiều, ba bốn giờ sáng mà trong phòng vẫn còn sáng đèn.”

“Niệm Kiều, là cô đã trao cho cậu ấy hy vọng để tiếp tục sống.”

Tôi cầm khung ảnh trên bàn lên, đó là bức ảnh tôi đang cắt rau dại dưới trời nắng mà tôi đã gửi cho anh trong tin nhắn.

Nắng gắt làm mặt tôi đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm trên trán ướt cả mái tóc, nhưng lúc đó nụ cười của tôi lại rạng rỡ hơn bao giờ hết.

“Khang Niệm Kiều cắt rau cho heo.”

Mắt tôi đỏ hoe, quay đầu lại nhìn thì thấy Tạ Chước đang dựa người vào khung cửa, nở nụ cười ấm áp.

“Còn cười à, rốt cuộc anh giấu em những chuyện gì rồi.”

“Đây là căn nhà gỗ anh nhắc tới? Không có tiền để ăn cơm? Còn đôi giày phiên bản giới hạn đó là sao đây?”

“Là vì muốn ăn cùng em nên anh giả vờ nói là bánh bao rau rất ngon sao.”

Tạ Chước bật cười khi thấy tôi xù cả lông lên, anh vươn tay xoa đầu tôi: “Ăn cơm với em thì dù có ăn cám nuốt rau anh vẫn thấy ngon.”

Ngày trước tôi còn xót anh ấy không có tiền ăn cơm, nên đã cắt bớt tiền tiêu một tuần xuống còn một nửa để nuôi anh.

Kể cả khi tôi nghèo đến mức chỉ có thể mua được một cái bánh bao rau, tôi cũng bẻ ra chia cho anh một nửa.

Thì ra anh là một thiếu gia hàng thật giá thật ở đất Bắc Kinh này, từ nhỏ lớn lên trong tứ hợp viện có sân vườn, còn có cả bất động sản đứng tên riêng ở đường quốc lộ vành đai 2, đây mà là sống khổ à???

“Này, vậy là anh đã quen em từ lâu rồi đúng không, sao anh không nói em biết.”

“Sau khi nhìn thấy em thì anh rất kích động, nhưng cũng rất sợ hãi. Anh sợ em biết được trước đây anh là người như thế nào thì em sẽ xa lánh anh, không muốn nói chuyện với anh nữa.”

Tạ Chước rất chân thành, từ góc độ của anh mà nghĩ thì quãng thời gian mong manh và sa đọa đó giống như một vết sẹo trong cuộc đời của anh. Anh ấy không muốn vạch lại vết sẹo đó thêm một lần nào nữa.

“Em mà là người như vậy sao!!!” Tôi giận đến nỗi muốn đấm cho anh một cái bõ ghét.

“Anh sai rồi, từ nay về sau anh tuyệt đối không giấu em bất cứ chuyện gì nữa.”

Không có gì tuyệt vời hơn khi phát hiện ra người bên cạnh mình lúc này lại chính là người đã cùng mình vượt qua thời gian đen tối nhất.

25.

Trước khi đi, bà nội Tạ còn đưa cho tôi một chiếc vòng ngọc bà cất ở dưới đáy tủ.

“Bà nội, cái này đắt quá, con không nhận được đâu ạ.”

“Con cầm lấy đi, chiếc vòng này là bà để dành cho cháu dâu tương lai của bà.”

Bà nội Tạ đeo chiếc vòng vào tay tôi, lúc đó tôi hoàn toàn sững sờ.

“Nhưng mà gia đình con…”

Bà nội Tạ lắc đầu, ý bảo tôi không cần nói nữa, trên gương mặt tuy đã có vết tích của thời gian nhưng vẫn tỏ rõ sự minh mẫn sáng suốt.

“Chuyện gia đình của con, bà nội biết rõ. Con là một đứa bé ngoan, học hành lại chăm chỉ, tốt bụng. Mà quan trọng nhất là Tạ Chước thích con.”

“Sau khi thằng bé gặp được con, nó vui vẻ hơn rất nhiều. Bà nội rất cảm ơn con và cũng rất quý con nữa.”

Tạ Chước đẩy cửa bước vào, nhìn thấy bà nội đang đeo chiếc vòng cho tôi thì mỉm cười nói: “Bà nội, bà lấy hết của hồi môn ra để đi tặng đấy à.”

Tôi đang định nói thì Tạ Chước ôm lấy vai tôi, cúi xuống ghé bên tai tôi thì thầm: “Cháu dâu nghe rõ chưa, nếu còn từ chối nữa thì bà nội sẽ buồn đấy.”

“Cảm ơn bà nội.”

Trong khoảnh khắc lẽ ra nên vui mừng nhưng không hiểu sao tôi lại muốn khóc.

Hoá ra hạnh phúc cũng có thể khiến người ta phải rơi lệ.

Trên xe trở về trường, cảnh đêm của Bắc Kinh chậm rãi lướt qua kính xe.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi lấy ra chiếc vòng cổ mà Tạ Chước tặng tôi.

“Anh nói thật đi, cái này có đúng là 80 tệ không?”

“80 vạn.”

Cái gì vậy mẹ ơi, 80 vạn ở chỗ tôi là mua được một căn biệt thự sườn núi rồi.

Tôi đang đeo nguyên một cái biệt thự trên cổ. Tự nhiên tôi thấy cổ mình nặng trĩu, còng cả lưng.

Tạ Chước tựa đầu vào vai tôi, mơ màng tiến vào giấc ngủ, mà câu nói cuối cùng trước khi ngáy của anh như sét đánh ngang tai tôi.

“Chiếc vòng mà bà nội tặng em đủ để mua vài căn biệt thự đấy.”

26.

Kỳ nghỉ lễ bắt đầu, Tạ Chước và tôi đến chào bà nội Tạ trước, sau đó anh theo tôi về nhà.

“Niệm Kiều, việc nặng nhọc cứ để thằng bé làm, đàn ông con trai da dày thịt béo.”

Tạ Chước ôm lấy tay bà, giọng điệu bất đắc dĩ: “Bà nội à, con mới là cháu ruột của bà mà.”

Vừa về đến đầu thôn, bà nội tôi biết Tạ Chước cũng đến thì đi nhanh ra chợ mua một con cá to.

Bà nội tôi ở có một mình nên rất lười ăn, chỉ qua loa cho xong bữa, bà kêu là ăn một mình nuốt không trôi.

Tôi đã nhắc nhở nhiều lần mà bà nội vẫn sống vô cùng tiết kiệm, chả bao giờ mua cho bản thân thứ gì.

Tạ Chước thuê thợ sửa lại nhà tắm, còn lắp thêm cả máy sưởi, từ nay trở đi khi tắm đêm sẽ không còn sợ gió lùa vào nữa.

Tối đi ngủ bà vẫn thở dài.

“Tạ Chước là một đứa trẻ tốt, giao con cho thằng bé, bà rất yên tâm.”

“Nếu tốt nghiệp xong mà con muốn kết hôn luôn thì bà cũng không ngăn cản. Bà không thể chuẩn bị cho con của hồi môn xứng đáng, chỉ có thể tự tay may cho con mấy chiếc chăn bông tốt hơn mua ngoài tiệm thôi, thiệt thòi cho con rồi.”

Tôi ngửi thấy mùi hương quen thuộc của bà nội trong tấm chăn đang đắp, vươn tay ôm lấy bà, dường như lưng của bà ngày càng còng hơn theo năm tháng.

“Bà nội đừng nói như vậy mà, chỉ cần bà luôn khoẻ mạnh thì đó đã là của hồi môn quý giá nhất của con rồi.”

Bà vỗ nhẹ vào tay tôi, dịu dàng nói: “Ngủ đi, bà không sao đâu.”

Trong lúc tôi đang trằn trọc nhìn ra ngoài cửa sổ thì có một bóng dáng quen thuộc lướt qua, tôi ngồi dậy mở cửa sổ.

“Nửa đêm rồi sao anh còn chưa ngủ?”

Tạ Chước dựa vào khung cửa sổ, mắt ra hiệu cho tôi nhìn lên bầu trời đêm, giọng điệu vô cùng phấn khích.

“Đêm nay có siêu trăng, trăm năm mới có một lần, muốn ngắm trăng cùng em.”

Tôi ngước lên nhìn trời, mặt trăng hôm nay to đến lạ lùng giữa bầu trời đêm bao la, ánh trăng vằng vặc chiếu xuống khoảng sân trước nhà, thật giống khung cảnh trong tuổi thơ của tôi.

“Muốn ngắm trăng ngắm sao thì chỉ có lên núi mới thấy thôi.”

Tạ Chước bồi hồi, như một đứa trẻ chưa bao giờ được nhìn thấy thế giới rộng lớn.

Tôi cũng tựa đầu vào bậu cửa sổ, ngước nhìn bầu trời đêm lấp lánh, xung quanh có tiếng dế kêu, tôi như đang chìm vào một giấc mơ.

Tạ Chước nghiêng đầu sang một bên, trong mắt tràn đầy ấm áp.

Tim tôi lỡ mất một nhịp, môi anh chạm xuống, khác với trước đây, lần này chỉ có sự dịu dàng.

Anh vươn tay ôm lấy eo tôi, vô tình quơ tay làm rơi chậu hoa trên bệ cửa sổ, bà nội bị giật mình tỉnh giấc.

“Có chuyện gì vậy?”

Tôi đẩy vội Tạ Chước ra, anh cũng lùi lại vài bước, trên mặt cố nén cười.

“Con không biết ạ, con mới vừa xem thì không thấy gì.”

Tôi lườm Tạ Chước, ra hiệu cho anh mau đi ngủ đi, anh ấy cười chỉ vào điện thoại, tôi mở màn hình điện thoại ra xem.

“Hôn một chút thôi mà, có phải là đi làm gián điệp đâu mà em hốt hoảng thế.”

Bà nội quay qua, sửng sốt nói: “Chắc là mấy con chuột lại phá rồi, ngày mai để bà ra chợ mua thuốc diệt chuột.”

“Chúc ngủ ngon, con chuột lớn lén hôn trộm bên bậu cửa sổ.”

27.

Bố tôi đã trả được gần hết tiền bồi thường cho nạn nhân, cuộc sống của chúng tôi dần trở nên tốt hơn.

Tôi viết một tờ giấy nợ đưa cho Tạ Chước, anh không thèm nhìn mà xé nó luôn.

“Sao em phiền phức thế nhờ, nếu như cảm thấy nợ anh thì mỗi ngày hôn anh nhiều hơn đi.”

Vừa nói anh vừa cúi đầu xấu hổ, tôi cười lớn giơ lưỡi liềm lên: “Anh mau cắt rau cho heo ăn đi!”

“Kiếp trước đúng là anh nợ em thật rồi.”

Anh chửi vài câu, mà tay vẫn cắt rau dại thật gọn gàng.

Giữa đất trời bao la, tiếng chim hót trong trẻo, nắng gắt như đổ lửa. Mà lòng em lại bồi hồi ấm áp như ngày đầu gặp anh.

Chàng trai mà tôi thích, anh trong sạch thuần khiết, xuất thân cao quý như thế nhưng lại có thể lạc vào chốn phàm tục này. Đã từng thử biết bao sơn hào hải vị, nhưng lại có thể cùng tôi gặm khoai lang nướng ở ngoài ruộng.

Anh cũng từng có khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời mình, nhưng tôi rất vui vì có thể bên anh khi anh muốn từ bỏ bản thân.

HOÀN CHÍNH VĂN