Chiều muộn ngày hôm sau, Tuấn Anh theo xe bán tải chở đến nhà tôi hai chậu hoa hồng to đùng đùng như là hoa trưng Tết của nhà giàu vậy. To thực sự, vừa cao vừa lớn, cây đã trổ bông từng chùm đỏ thắm rực rỡ bự như cái bát tô.
Lúc đó nhà tôi đang dọn hàng, hàng xóm xung quanh vừa vặn giờ đi làm nương về cũng thấy vừa đẹp vừa lạ nên chạy sang ngắm. Nhà mọi người chỉ có hoa hồng bông nhỏ xíu, thân cây cũng thấp tè chứ làm gì thành bụi cao hơn cả mét như thế này. Ai nấy đều trầm trồ.
Các cô bác hỏi, Tuấn Anh đáp rằng mua trên phố.
Trong lòng tôi rung động. Bữa giờ tưởng cậu ấy quên rồi, hoặc ở đây không có loại hoa như trên thị xã nên đã ném chuyện hoa hồng ra sau đầu. Chỉ canh cánh mong nhớ, chờ đợi xương rồng thôi.
Tôi thích thú nhìn ngắm, đi vòng vòng xung quanh, hít ngửi hết bông này tới bông khác. Muốn ôm lên giường ngủ chung quá đi!
Một tay Tuấn Anh ôm thùng giấy vuông, còn một tay xách lẵng hoa đưa cho mẹ tôi, nói: "Nay nhà cháu đi hội thảo cây trồng trên phố nên mua tặng cô." Còn cười toe toét chỉ vào hai cây toả hương sắc bên cạnh tôi, nói: "Còn hoa hồng kia là tặng em An."
"..."
Có nhất thiết phải nói rõ ràng chi tiết ra như thế không?
Tôi ụp luôn mặt mình vào bông hoa thơm ngát, giờ này chắc mặt mày đỏ rực ngang ngửa với sắc thắm rồi.
Mẹ tôi cười vui vẻ, nom còn rực rỡ hơn cả hoa nữa, "Ôi chao! Cảm ơn Tuấn Anh nhiều nhé! Đẹp quá đi mất thôi! Chắc là mắc tiền lắm hả?"
Cậu ấy cười, lắc đầu: "Dạ không có gì đâu cô ạ! Rẻ lắm! Do người ta giới thiệu giống cây trồng mới nên để giá rẻ khuyến khích người dân mua thôi."
Tôi bĩu môi. Lại bắt đầu bốc phét rồi đấy!
Mọi người không để bụng nên chỉ nghĩ là giống hoa lạ từ huyện khác, nhưng tôi thì biết thừa, đây là hoa hồng ngoại nhập. Làm gì có vụ rẻ tiền chứ!
Hôm trước, Tuấn Anh đoán dưới này cũng có, nhưng hôm nay phải đi tận trên phố mua thì chắc chắn cậu ấy đã tìm ở đây rồi nhưng không thấy mới phải lặn lội đường xá xa xôi thực hiện cho trọn lời hứa với tôi như vậy.
Mẹ tôi nói: "Chơi cùng nhau nên hiểu tính thằng An nhà cô ghê! Nó là con trai mà chịu khó lụi cụi trồng hoa lắm! Hồi nhỏ lên trường lao động ngày nào là đem hoa về nhà hì hục đào đất trồng ngày đấy. Hoa trong vườn nhà cô bao la, bát ngát toàn một tay nó chăm bón."
Tôi ngồi cười hì hì bên cạnh, bây giờ trước mặt Tuấn Anh, tôi chẳng cảm thấy xấu hổ chút nào.
Mẹ là đang nói đến năm lớp 6. Lên cấp 2, mỗi kì lao động trường hay dặn các bạn nhỏ ở nhà có hoa gì thì đem lên góp lại cho trường kiến tạo bồn cây. Nhà tôi lúc đó còn nghèo rớt mùng tơi, làm gì có thú chơi hoa như nhà các bạn, chỉ có hoa thông dụng hay mọc ven đường như hoa cúc, mào gà, thạch thảo, thuỷ tiên... Đều là một số loài hoa dại dễ trồng, là do lúc nhỏ tôi đi rẫy làm nông thì xin được cây hoặc nhặt trộm hạt giống của nhà người ta đem về trồng, dễ sống lắm. Lúc đó nhà ông nội không chơi hoa, còn nhà Diệu Hiền chỉ có cây cảnh bonsai nên không xin được.
Nên lúc thấy các bạn đem hàng chục loại hoa thật xịn lên trường thì tôi nhìn muốn nhiễu nước miếng. Có bạn còn là được ba mẹ mua hẳn cho cây đắt tiền đem đến đóng góp nữa.
Lao động xong còn dư, mọi người sẽ bỏ vào bao vứt đi. Lần đầu tôi còn ngại nên đợi cả lớp ra về hết, sau đó lén lút đi ra bãi rác lục lọi. Nhưng năm ấy, Tuấn Anh còn là nhóc con đang giận dỗi không nói chuyện với nhau nhưng vẫn đi theo rình trộm, sau đó không hỏi gì hết mà lặng lẽ bới cùng tôi. Sau lần đó, mỗi lần trồng hoa dư ra, Tuấn Anh đều yêu cầu mọi người xếp gọn lại chứ không cần mang đi bỏ nữa, cuối buổi sẽ đưa cho tôi đem về trồng.
Tuấn Anh cười, đáp: "An nhà mình có khiếu trồng cây cô ạ. Nhiều người không có duyên, trồng bao nhiêu chết bấy nhiêu. Mà mấy tiệm bán cây cảnh hoa lá cỏ cũng toàn là nam giới bán còn gì. Trai hay gái cũng thích hoa được cả."
"..."
An nhà mình? Cậu ấy tưởng mình là con trai cả của mẹ tôi chắc?
Thế mà mẹ tôi vẫn không nhận ra tên gian xảo này nói chuyện có điểm nào kì lạ!
"Ừ nhỉ!" Mẹ tôi mỉm cười, nhìn ngắm lẵng hoa, "Nhưng mà cô thấy cực quá! Hồi nhỏ cô bắt nó làm việc nhiều so với bạn bè cùng lứa nên người nhỏ chút éc. Bây giờ có đồng ra đồng vào rồi, cô chỉ muốn nó chú tâm vào việc học thôi."
Tuấn Anh nhìn sang tôi, cũng cười nói: "Chơi hoa giải trí là được rồi. Đừng bỏ tâm sức nhiều rồi mệt."
Tôi lắc đầu, có mệt gì đâu, "Thực ra bây giờ toàn là em Bình chăm bón, tưới cây mà mẹ. Nó bảo mai mốt con đi học Đại học là phải nhượng lại vườn cho nó lập nghiệp đấy."
"Ha ha ha ha..."
Mọi người cười đùa vui vẻ xong thì mẹ tôi mời Tuấn Anh ở lại nhà ăn cơm tối. Thế mà cậu ấy cũng đồng ý.
Mẹ tôi đi mua thêm thức ăn ngon, dặn tôi tiếp bạn chứ hôm nay không cần phải xuống nấu.
Lúc Tuấn Anh tranh việc dọn hàng, tôi nhéo bắp tay cậu ấy, nhắc nhở: "Hôm nay ba An có ở nhà đấy!" Tôi sợ cậu ấy khó xử, sợ ba tôi lại nói hoặc làm ra hành động mất mặt.
Nhưng Tuấn Anh không quan tâm. Chỉ thản nhiên nói "có sao đâu" rồi tiếp tục vác chồng ghế cao ngất ngưởng ngoài sân vào trong quán.
Tôi đem từng cái bàn inox vào một, còn Tuấn Anh xếp gọn mỗi tay hai cái đi băng băng vào nhà.
Tôi chống nạnh, le lưỡi thở như chó nhìn bóng lưng Tuấn Anh nhàn nhã đi thong thả mà phát thèm.
Tuấn Anh trở ra, nhìn mặt tôi rồi bật cười, búng lên mũi tôi một cái, nói: "Thấy tác dụng của việc ăn nhiều chưa?"
Tôi xoa xoa mũi, lẻm bẻm mắng cậu ấy.
Tuấn Anh ngồi xuống bồn cây trứng cá, cười hỏi: "An vừa mấp máy miệng chửi Tuấn Anh đúng không?"
Tôi cười mà không trả lời, đi lấy chổi quét sân. Tuấn Anh giằng lấy cây chổi, quét ào ào.
Tôi treo thêm mấy bịch bim bim lên giá, nhắc nhở: "Quét nhẹ thôi không bể trái trứng cá ra đó."
Tuấn Anh chỉ sang bồn cây bên cạnh, hỏi: "Sao nhà An không chặt đi rồi trồng cây si như bên kia kìa?"
Tôi đáp: "Để An ăn đó."
"Thật?" Cậu ấy ngưng quét.
"Thật." Tôi gật đầu.
Cậu ấy tiếp tục lia chổi, nói: "Trứng cá chỉ có em bé lớp một mới thích ăn thôi!"
Tôi mỉm cười, mặc kệ cậu ấy nói linh tinh.
"Tuấn Anh nhớ hồi xưa nhà An có hai cây luôn mà? Sao không để lại cây kia mà ăn cho sướиɠ cuộc đời. Chặt đi làm gì?"
Tôi bật cười: "Tuấn Anh làm như An ăn ngày ăn đêm, ăn hết được cả cây luôn vậy."
Tôi giải thích: "Hồi còn nhỏ, An hay sang nhà thằng Kiên trèo cây trứng cá chơi, tiện tay hái ăn thấy ngọt nên thích vậy thôi. Nhưng ngày đó nhà bé tí như cái lỗ mũi, sợ trồng cây xong người ta chẳng thấy nhà mình đâu."
"Với lại còn nhỏ mà, ba mẹ trồng thì trồng, không thì thôi, An đâu dám nói."
"Mãi sau này lớn rồi, mẹ bảo muốn trồng cây làm bóng mát, thế là An đi xin cây con."
"Lúc nó bé chưa phân biệt được, ai ngờ là hai cây khác nhau Tuấn Anh ạ."
"Lớn lên, một cây đơm hoa kết trái, còn một cây lá mảnh nhỏ hơn hẳn mà không có trái nào."
"An đợi mãi, tưởng nó ra chậm, ai ngờ về sau có người nói mới biết đó là cây trứng cá đực."
"Ba An thì nói rụng đầy sân, bẩn, chặt cây cái. Nhưng mẹ thì thấy An hay nhảy nhót với cành hái ăn suốt nên chặt cây đực, thay bằng cây si."
Cũng vì lần đó mà ba đi nhậu về lại đánh đập mẹ con tôi một trận nảy lửa.
Tuấn Anh hốt rác đổ vào bao dựng bên hông nhà, "Thấy sân có bẩn bao giờ đâu! Nhà nào để rụng đầy rồi không quét, đi giẫm lên trây trét thì mới bẩn. Nhà An khách khứa tới miết mà còn sạch thế này."
Tôi lau tủ kính, cười nói: "Do hay quét nên cũng đỡ. Sân nhà An cũng nhỏ mà."
Tuấn Anh lau phụ tôi cái tủ khác, hỏi: "Thế em Bình đâu? Ngày nào An cũng phải dọn hàng một mình thế này à?"
Thế nào là một mình? Rõ ràng lúc cậu ấy đến thì tôi đang phụ dọn với mẹ mà.
"Bình đi gỡ bẫy rắn rồi. Với thường ngày em ấy về sớm cũng dọn cùng mẹ đó." Tôi đáp.
Vừa nhắc thì Tào Tháo về tới, còn xách theo l*иg thép, túi lưới lổm ngổm.
"Em chào anh ạ!" An Bình chạy vào sân, cười nham nhở.
"Hôm nay trúng mánh rồi. Bắt ở khu nào mà được nhiều dữ vậy?" Tuấn Anh hỏi.
Tôi nhìn qua thì nổi hết gai ốc, nhảy ra sau lưng Tuấn Anh, la lên: "Êu ơi! Ghê quá! Sao không bán đi rồi hẵng về?"
Thường nó đi bắt rắn hổ hành sẽ bán cho quán nhậu luôn.
An Bình đáp: "Em bắt ở khu Trung Sơn Tây. Do tối rồi mà nay lẫn cả con nhỏ, em lỡ gom vô chung lưới nên đem về để thả."
Tôi nhăn mặt: "Đừng có thả ở vườn sau nhà mình nha! Em cứ bắt rắn linh tinh rồi nó quay về cắn trả thù."
An Bình cãi lại: "Trả thù cái gì? Hổ hành giờ người ta nuôi kinh doanh bán đầy như anh ăn gà vậy đó. Anh ăn thịt gà xong có sợ con gà trả thù không?"
"..."
Tuấn Anh cười, hỏi: "Bình phân biệt được các loại rắn luôn à?"
An Bình gật đầu chắc nịch, "Nhưng cũng sơ sơ thôi anh ạ. Đủ để thấy rắn độc biết co cẳng chạy là được rồi."
Tuấn Anh gật đầu cười, quay sang nói với tôi: "Vậy Bình còn nhỏ tuổi mà giỏi hơn tụi mình biết bao nhiêu luôn nhỉ?"
Tôi gật đầu. Nó lăn lộn ngoài ruộng theo đám trẻ con chăn trâu nghịch hết con này tới con kia. Không rành mới là lạ.
Tuấn Anh nói: "Bình bạo dạn thật đấy! Anh mà thấy rắn thì cũng chưa phân biệt được độc hay không. Cứ chạy là thượng sách."
An Bình gãi tay lấm lem lên đầu, cười toe toét: "Tại nhà anh giàu, không tiếp xúc mấy thứ này từ nhỏ. Còn em phải kiếm tiền trang trải lo cho anh trai ăn học đến nơi đến chốn."
Tôi: "..."
Tuấn Anh đã tìm được đối thủ bốc phét xứng tầm rồi đấy!
Hai người kia cười rộ lên.
An Bình móc một con rắn to đùng, uốn éo, đen sì, béo mầm đưa qua phía này, "Cho anh Tuấn Anh đem về nấu lẩu đấy!"
Tôi kéo Tuấn Anh ra che kín người.
Cậu ấy nói: "Để đấy bán lấy tiền nuôi anh trai đi. Hôm nay anh ăn cơm ở đây."
"Vậy à." Em tôi nhét rắn lại vào bao, "Thế thì hôm nay không ăn được rồi. Nhà em không ăn rắn bao giờ. Chỉ có ba em thôi. Bây giờ mà nấu ra là ổng gọi bạn nhậu về rượu chè be bét. Phiền anh trai em học bài lắm. Nhà em chỉ có trông đợi vào anh em thi đỗ tú tài làm rạng danh mặt mũi thôi. Chứ em với chữ kiếp này coi như có duyên không phận."
Tôi với Tuấn Anh đều bật cười.
An Bình đi ra nhà sau lựa rắn nhỏ ra bao khác để mai đem thả, rồi mới đem rắn lớn lên đường.
Tuấn Anh tự nhận xét: "Để ý kỹ mới thấy An Bình có nhiều điểm giống Tuấn Anh nha! Đều là thích lông ba lông bông, quậy phá, đánh nhau, lăn lộn từ bé tí, có nhà không ở, chỉ thích đi lang bạt cho bố mẹ mắng."
Tôi nghĩ lại cũng thấy đúng thật, tính nết mạnh bạo y chang nhau, liền trêu chọc cậu ấy: "Giống ở điểm còn hay bốc phét nữa."
Cậu ấy bật cười, lập tức đối đáp lại: "Nhưng giống nhất ở điểm đều thương An."
"..."
Tôi nhanh chóng xoay mặt sang phía khác. Tôi còn phải lau tủ kính nữa nha! Không nói chuyện được nữa đâu!
Lúc tôi chuẩn bị đi tắm thì Tuấn Anh đưa cho tôi thùng giấy nhỏ mà hồi chiều cậu ấy luôn ôm trong lòng, dặn tôi để lên bàn học.
May mà bữa ăn cơm trôi qua trong vui vẻ. Ba tôi lúc tỉnh táo cũng chẳng nói năng bậy bạ gì. Thậm chí còn dặn dò Tuấn Anh phải học tốt không trượt tốt nghiệp cấp 2 nữa chứ. Tuấn Anh cũng dạ vâng, hứa "Cháu sẽ cố gắng."
"..."
Nhưng cũng phải thở phào một hơi. Gặp từ miệng người khác thì là vô duyên chứ từ ba tôi là cuộc nói chuyện bình thường chán. Không văng tục, chửi thề, dằn mâm xán chén đã coi như có bữa ăn mỹ mãn rồi.
Ba tôi rất ít khi ăn cơm tối chung, nhưng hôm nào ngồi cùng thì em trai tôi cũng nhất định ngồi ở nhà. Nó sẽ vừa ăn vừa để ý từng cử chỉ lời nói, chỉ cần ba tôi giơ tay lên cao là nó sẵn sàng chặn tới liền.
Không phải tự nhiên mà An Bình sinh ra tính phòng bị cao như thế. Do chứng kiến ba bất ngờ nổi cơn điên đánh tôi quen rồi nên em ấy mới căm ghét.
Hồi nhỏ đang xem Tôn Ngộ Không, ba trong trạng thái tỉnh táo còn ụp cả bát cơm nóng hổi lên vết bớt của tôi, nước mắm chảy xuống khoé mắt đau xót. Ba nói tôi quái thai, trông chả khác nào yêu quái đầu thai. Mẹ với em trai can thì bị đánh chửi. Trong lúc tôi xin lỗi ba rồi lụi cụi dọn chén cơm đổ ra chiếu thì An Bình vừa khóc vừa nhào qua cắn cổ tay ông ấy. Sau đó cũng bị tát bay vào tường.
An Bình cũng rất tội nghiệp! Từ bé tẹo đã phải chịu bất hạnh, chứng kiến một gia đình không hạnh phúc như thế nên mới sinh ra suy nghĩ hằn học. Em ấy xứng đáng có một gia đình trọn vẹn hơn!
An Bình ám ảnh. Nên lớn rồi thì trong lòng chỉ có mẹ và anh trai. Lúc nhỏ không làm gì được nhưng bây giờ tính khí mạnh bạo, nhiều lần đánh trả. Ba tôi sợ rồi nên lúc có mặt em trai thì không dám đối xử quá đáng với tôi như ngày xưa nữa.
Hồi nhỏ là do tôi yếu thật, nhưng lớn rồi thì tôi cũng không muốn chống trả. Dù sao sinh ra xấu xí, quái thai, không vừa mắt ba cũng là do lỗi của tôi nên tôi chấp nhận số phận. Không hành động bất hiếu.
Nhưng An Bình thì khác. Nó nói tôi cứ ngoan ngoãn, còn danh bất hiếu đời này để nó gánh trên lưng cho. "Cha chỉ có công đẻ thì nuôi ổng phụng dưỡng bao nhiêu năm đủ rồi. Ổng chưa bao giờ có công dưỡng dục, còn đánh đập hành hạ mẹ và anh nên em không chịu được nữa. Ổng đánh hai người một lần thì em đánh lại ổng một lần. Nếu ông Trời thực sự có mắt thì sẽ không trách tội em!" Tôi đau lòng, tối nào xảy ra xung đột cũng quỳ trước cửa sổ, nhìn lên cầu xin ông Trời rủ lòng từ bi cho chúng tôi cuộc sống dễ thở hơn một chút.
Cơm nước xong xuôi, Tuấn Anh chào cả nhà tôi ra về. Tôi với em trai cùng rửa chén.
Nó nói: "Anh Tuấn Anh xịn thật! Hoa thì em không biết giá tiền chứ riêng hai cái chậu rồng phượng kia phải cả triệu một cái đấy!"
"..."
Tôi giật mình, tuột tay rơi cả chén xuống thau nước. Không ngờ cậu ấy phung phí quá nhiều tiền vào sở thích của tôi như thế!
Bình tiếp tục: "Anh mà là con gái thì tốt rồi! Như thế anh Tuấn Anh sẽ là con rể nhà mình."
"..."
Lần này, tôi trượt hẳn tay, làm rớt loảng xoảng xuống nền xi măng, may mà chưa bể.
Nó cười hì hì: "Em nói thật còn gì! Đó giờ nghe con Ánh Dương kể mà em thấy tụi anh thân thiết thực sự. Còn hơn cả bạn trai quan tâm bạn gái."
"..."
Tôi há hốc mồm, trong đầu có thiên ngôn vạn ngữ muốn trình bày, nhưng cuối cùng chỉ chỉnh lời nó: "Chị Ánh Dương."
"Không! Xưng tao gọi mày từ bé rồi!"
Tôi lên phòng thì thấy Tuấn Anh đang nằm nghiêng, ngủ ngon lành trên giường. Chắc hẳn hôm nay cậu ấy đã chạy đi chạy lại vất vả lắm.
Tôi không dám ngồi lên giường, sợ nệm lún xuống sẽ đánh thức người kia nên chỉ đứng phía xa xa nhìn trộm.
Tuấn Anh càng lớn càng sắc nét góc cạnh, bây giờ lúc ngủ cũng cảm thấy nghiêm nghị chứ không còn vẻ non nớt nữa. Muốn tìm điểm trông hiền lành mềm mại trên khuôn mặt cậu ấy thì chắc là đôi mắt lúc nhắm lại đi. Lông mi cậu ấy rất dài, rậm và cong nữa, bây giờ bóng đèn hắt xuống còn đổ bóng đen trông y như búp bê sứ vậy.
Nhưng búp bê này hung dữ lắm nha! Rõ ràng là hay cười nói vui vẻ nhưng đυ.ng vào báu vật của cậu ấy là không xong đâu! Cậu ấy sẽ đánh cho bầm dập!
Báu vật của cậu ấy là ai?
Chính là tôi đó!
Ha ha ha ha ha!
Tôi nghĩ đến đó liền sung sướиɠ ngồi xuống sàn che miệng nhe răng cười toe toét mãi.
"Có chuyện gì mà vui vẻ dữ vậy?"
Tôi giật mình nhìn lên, thấy Tuấn Anh đang chống tay mơ màng nhìn xuống tôi.
Cậu ấy vẫy tay, "Lên đây!"
Tôi ngoan ngoãn bò lên.
Tuấn Anh kéo tôi vào lòng, hôn lên trán rồi hỏi lại: "An nghĩ chuyện gì vui vẻ như thế? Kể cho Tuấn Anh nghe với. Cả ngày nay không được gặp rồi, nhớ muốn chết."
Tôi không dám nói thật, "An vui vì có hai cây hoa hồng thật đẹp đó." Dù sao đây cũng là niềm vui thực sự của tôi mà.
"Thích đến vậy à?"
Tôi gật đầu.
"Tuấn Anh có mệt nhiều lắm không? Nếu ở đây không có thì thôi, sao Tuấn Anh phải đi tận lên phố làm gì cho xa xôi." Quan trọng là một cặp xương rồng kia mà, nhưng tôi không dám nhắc.
Cậu ấy vuốt tóc tôi: "Tuấn Anh nói xạo thôi. Không phải mua trên phố."
"Vậy là mua gần ở đây à?" Tôi vui vẻ hỏi. Dù sao thì đỡ đi xa bao nhiêu sẽ đỡ mệt cậu ấy bấy nhiêu.
Cậu ấy lắc đầu: "Đi ra tỉnh khác. Ở đây không bán. Hồi sáng Tuấn Anh phải về từ sớm là vì vậy."
Trong lòng tôi xót xa, nắm chặt lấy vạt áo cậu ấy, "Tuấn Anh thật cố chấp! Như vậy lần sau An chẳng dám nói mình thích gì nữa đâu!"
"An không nói thì Tuấn Anh cũng biết. Muốn chiều chuộng cho An vui mà." Cậu ấy nâng cằm tôi lên, nói: "An mà ủ rũ thế này thì có phải phụ biết bao nhiêu tâm sức của Tuấn Anh hay không?"
Tôi mím môi, nói: "Nhưng Tuấn Anh mệt..."
"Do giường An thơm quá! Toàn là mùi hương ngọt ngào của An." Cậu ấy cười, "Ngủ quên chút xíu thì gọi là mệt hả? Tuấn Anh đánh võ cả ngày còn không mệt. Huống chi hôm nay toàn là ngồi trên xe."
Cậu ấy miết ngón tay lên thái dương của tôi, nhẹ nhàng yêu cầu: "Thơm Tuấn Anh một cái!"
Tôi cũng không chần chừ lâu, dường như Tuấn Anh vừa dứt lời, tôi liền bám lấy bả vai cậu ấy mà rướn người, thơm lên má.
Tuấn Anh cười khẽ, khen tôi "Hôm nay ngoan quá vậy!"
Tôi mím môi cười cười, bây giờ tôi đã biết cảm ơn cậu ấy khi được cho quà rồi nha!
"Em bé ngoan thế này thì phải có thêm quà rồi." Tuấn Anh đứng dậy đi tới bàn học, hỏi: "An vẫn chưa mở hộp này ra đúng không?"
Tôi gật đầu: "An tưởng đồ của Tuấn Anh." Thì ra vẫn là quà cho mình. Thích quá đi mất! Nặng như vậy không biết là món gì vậy ta?
Tôi tò mò chạy tới bên cậu ấy.
Tuấn Anh lấy ra hai cây xương rồng tròn lẳn, to bằng nắm tay, bên dưới được trồng trong hai chậu sứ hình con gấu đang ôm trái tim đỏ rất dễ thương.
Tôi thích thú ôm hết vào lòng.
Cậu ấy bật cười, lấy xuống đặt lên bàn: "Cẩn thận không gai đâm vào người."
Tôi lại choàng cánh tay qua gạt hai chậu kéo về chỗ mình.
Cậu ấy lại cười, gỡ hai cánh tay của tôi ra, nói: "An chỉ được lấy một thôi, còn một cây chừa cho Tuấn Anh đem về Bắc chứ. Bây giờ An chọn đi."
Hai cây xương rồng nhìn y như nhau, chỉ khác là một chậu màu hồng phấn còn một chậu màu xanh dương nhạt. Tôi cười gian xảo, đẩy màu hồng nữ tính về phía cậu ấy. Nhưng Tuấn Anh chẳng tỏ vẻ gì cả mà vẫn hứng khởi cất lại vào trong thùng giấy.
Thấy vậy, tôi bực bội gạt chậu trong tay mình sang một bên rồi moi chậu của cậu ấy ra, đòi lại. Màu hồng đẹp hơn nha!
Tuấn Anh phì cười, lắc nhẹ đầu, đặt chậu màu xanh dương vào thùng giấy rồi nói: "Tuấn Anh về đây."
Trong thoáng chốc tôi hụt hẫng, có lẽ khuôn mặt cũng thể hiện rõ ràng nét buồn bã nên Tuấn Anh mới ôm má tôi nựng mãi một hồi.
"Về tắm rửa, lượn qua lượn lại cho bố mẹ biết còn thở đã. Tối anh lại lên với cục cưng. Ngoan! Đừng có buồn!"